Đền Mẫu Ỷ La được bắt nguồn từ đền Hiệp Thuận (đền Hạ ngày nay), cùng thờ Thánh Mẫu. Trong dân gian, đền Mẫu Ỷ La là nơi “lánh nạn” cho Thần (tỵ Thần), nơi linh thiêng chở che cho Thánh Mẫu.
Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang theo Quốc lộ 2 (Tuyên
Quang - Hà Giang) đến km4 rẽ trái vào đường làng Tiên Lũng khoảng 100 m là đến
đền Mẫu Ỷ La. Đền Mẫu Ỷ La thuộc tổ 4, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang. Đền
là nơi thờ đức thánh Mẫu Thượng Thiên cùng các vị thần linh trong Đạo thờ Mẫu
Việt Nam.
Đền Mẫu Ỷ La được khởi dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Theo
sách “Đại Nam nhất thống chí”, ghi: “Đền thần Ỷ La ở huyện Hàm Yên, tương truyền
đời trước có hai công chúa là Ngọc Lân và Phương Dung theo xa giá đi xem xét địa
phương đỗ thuyền ở bờ sông, đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên
trời, người ta cho là linh dị, nên lập đền thờ.
Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu ngạn sông Lô, cùng
đền thờ Ngọc Hân công chúa ở xã Tình Húc, cầu đảo phần nhiều ứng nghiệm. Năm
Minh Mệnh thứ 14, Tổng đốc Lê Văn Đức tiến quân đánh nghịch Vân đi qua đền vào
cầu đảo, lúc dẹp được giặc, đem việc tâu bày bèn phong cho thần làng Ỷ La là Hiệp
Thuận chi thần, văn bia nay vẫn còn”.
Như vậy, sự hình thành đền Mẫu Ỷ La được bắt nguồn từ đền Hiệp
Thuận (đền Hạ ngày nay), cùng thờ Thánh Mẫu. Trong dân gian, đền Mẫu Ỷ La là nơi
“lánh nạn” cho Thần (tỵ Thần), nơi linh thiêng chở che cho Thánh Mẫu, nơi có khả
năng bảo toàn cái thiện. Vì vậy, hằng năm lễ hội đền Thượng và đền Hạ không
tách rời đền Mẫu Ỷ La. Hai vị thần đều được thờ phụng ở 3 ngôi đền. Nhưng đền Mẫu
Ỷ La được chọn là nơi khởi kiệu, đền Hạ là nơi hợp tế đều có nguyên do lịch sử
và tín ngưỡng dân gian.
Đền Mẫu Ỷ La. Ảnh:
Trang Tâm
Cùng với việc thờ Mẫu Thượng Thiên (Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh),
tại đền Mẫu Ỷ La còn thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Hiện
nay, tại đền Mẫu Ỷ La còn lưu giữ bốn đạo sắc phong thời Nguyễn. Nội dung các sắc
phong đều đề cao công đức của Thần đã giúp nước, trợ dân có cuộc sống an lành,
hạnh phúc…
Hằng năm tại đền Mẫu Ỷ La diễn ra các ngày lễ: Lễ thượng
nguyên (lễ giải hạn cho dân) vào ngày 7 tháng Giêng; Lễ vào hè (cầu mát, cầu
mưa thuận gió hòa) vào ngày 7 tháng Tư; Lễ ra hè vào ngày 7 tháng Bảy; Lễ Vu
lan vào ngày rằm tháng Bảy; Giỗ Đức Thánh Trần vào ngày 20 tháng Tám; Lễ tất
niên vào ngày 7 tháng Chạp… Đặc biệt, trước đây vào tháng Hai và tháng Bảy âm lịch
đền Mẫu Ỷ La cùng đền Hạ và đền Thượng tổ chức lễ hội rước Mẫu. Đây là lễ hội lớn
nhất trong năm của ba đền. Đền Tam Kỳ (đền Hạ) thờ chị, đền Thượng thờ em.
Thánh Mẫu đền Ỷ La là do sự thay đổi về vị trí thờ của người chị. Khi rước tượng
Mẫu từ đền Thượng và đền Mẫu Ỷ La về đền Hạ là biểu hiện sự gặp gỡ, đoàn tụ gia
đình.
Năm 2007, lễ hội rước Mẫu đã được nhân dân thành phố Tuyên
Quang khôi phục lại và tổ chức vào ngày 12 đến 16 tháng Hai âm lịch hằng năm.
Đền Mẫu Ỷ La là một di tích kiến trúc tín ngưỡng cổ - một
thiết chế văn hóa mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Với những
giá trị về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng và kiến trúc, năm 2015, đền Mẫu Ỷ La đã
được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc
gia.
Thanh Tùng (Theo tư liệu Bảo tàng tỉnh)