Di tích đền Nen thời Nguyễn thuộc địa danh: Thôn Chi Phan - xóm Phúc Tiến - Phủ Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh. Nay thuộc địa phận xã Việt Tiến - huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh. Đền thờ phụng Uy Minh vương Lý Nhật Quang, thờ vọng vua Mai Hắc Đế và thờ tướng Lê Phụng Hiểu nên được gọi là Tam tòa Đại Vương.
Di tích nằm kề cận di chỉ khảo cổ học (KCH) Diền Diền thuộc niên đại hậu kỳ đá mới mà các
nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di vật bằng đá như: Bàn mài, rìu đá, bàn
nghiền v.v...
Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh theo đường quốc lộ 1A về hướng
bắc 6km, đến thị trấn Thạch Hà rẽ trái về hướng tây theo trục đường liên xã 5km
qua địa phận các xã: Thạch Thượng, Thạch Thanh, Thạch Ngọc đến trung tâm xã Việt
Tiến là đến di tích đền Nen.
Di tích đền Nen được phân bố trên một khu đất rộng thoáng nằm
giữa cánh đồng, xung quanh là làng mạc dân cư bao bọc. Cách di tích 1km về hướng
nam có một quả đồi nhỏ là di chỉ khảo cổ học Diền Diền - nơi cư trú của cư dân
Nguyên thủy thời đại đá mới ở Hà Tĩnh.
Di tích đền Nen hay còn gọi là đền Cả thuộc Xã Thạch Tiến,
thời Nguyễn với địa danh là: Chi Phan thôn, Bang Châu xã, Thạch Hà phủ, Hà Tĩnh
tỉnh. Triều đình phong kiến sắc cho tổng Đông nay là địa giới gồm 13 xã: Thạch
Tiến, Thạch Lưu, Thạch Vĩnh, Thạch Trung, Thạch Liên, Thạch Kênh, Thạch Long,
Thạch Sơn, Phù Việt, Việt Xuyên, Thạch Thanh, Thạch Thượng, của huyện Thạch Hà
và xã Mỹ Lộc của huyện Can Lộc thờ phụng. Cho nên còn có tên gọi là Đền Cả.
Đền Nen là một trong số những ngôi đền cổ, đẹp nhất của vùng
đất Nghệ - Tĩnh. Theo quan điểm của người xưa nó được xếp trong các ngôi đền cổ
có tiếng là linh thiêng) của vùng đất An Tĩnh xưa nay thuộc 2 tỉnh Nghệ An và
Hà Tĩnh.
Một vế đối trước cổng nhà trung điện cũng giúp chúng ta thấy
được một ngôi đền cổ có giá trị của vùng đất châu Hoan, châu Lĩnh: “Hương lưu
châu Lĩnh nhất linh từ”.
Hiện nay qua khảo sát và nghiên cứu thực địa tại địa phương
và hiện trạng di tích rất tiếc là những cứ liệu như: Thư tịch, Sắc phong, Bia
ký v.v... đã bị mất mát, và thất lạc qua năm tháng. Do đó việc xác định chính
xác thời gian xây dựng ngôi đền và sự tích nhân vật được thờ tại đền Nen là rất
khó.
Để có được một cứ liệu
chính xác, các nhà nghiên cứu đã dựa vào nguồn tư liệu như cuốn “Hà Tĩnh địa
dư” của Trần Kinh và cuốn “An Tỉnh cổ lục” của H.LeB’reton v.v...Đồng thời qua
các bản dịch các câu đối, các bản chữ Hán được khắc trên xà hạ nhà hạ điện và
trung điện, qua truyền ngôn của nhân dân địa phương.
Di tích đền Nen có thể được xây dựng vào thời Lý và được tu
tạo vào năm 1724 thời kỳ hậu Lê.
Đền thờ phụng Thành hoàng là hoàng tử Lý Nhật Quang triều đại
Lý Thái Tổ. Ông là một nhà chính trị có tài, một tướng lĩnh tài ba, con thứ 8 của
Vua Lý Thái Tổ - một hoàng tử lỗi lạc, được phong tước Uy Minh Vương.
Năm 1039 vua cha cử ông vào thu thuế ở châu Nghệ An làm việc
chăm chỉ, thanh liêm, thẳng thắn. Mấy năm liền nổi tiếng tài giỏi, ông rất được
nhân dân địa phương kính trọng yêu mến.
Năm 1041 Lý Thái Tông quyết định cử ông ở lại coi giữ vùng đất
Hoan Châu. Ông lập các trại, dựng kho lương thảo đủ để chu cấp cho quân sỹ đi
đánh phương Nam trong vòng 3 năm. Nhờ đó việc chinh phạt Chăm Pa năm 1044 của
vua Lý được thuận lợi. Khi trở về nhà Vua rất khen ngợi ông và thăng ông lên tước
Vương.
Ngoài là một nhà quân sự tài ba, ông còn là người có ý thức
xây dựng kinh tế, tổ chức tốt việc khai khẩn đất hoang mở mang bờ cõi. Trong những
năm ở Hoan Châu ông đã mở thêm được 5 châu, 22 trại, 56 sách (2). Ngày nay những
vùng đất nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, Thiên Lộc, Can Lộc, Thạch Hà, Nghi Xuân,
Đức Thọ… là những vùng đất khai khẩn thời Lý và sau này nhà Trần (Trầng Quang
Khải, Trần Khánh Dư) tiếp tục mở mang thêm.
Hiện nay ở Hà Tĩnh rất nhiều nơi thờ Lý Nhật Quang làm Thành
hoàng làng. Trong đó có đền Nen ở Thạch Hà, để ghi nhớ công lao của những người
đã tiên phong mở cõi, đánh giặc ngoại xâm, giữ yên sự hưng thịnh thái bình cho
muôn dân trăm họ.
Sau này đền thờ vọng thêm vua Mai Hắc Đế và danh tướng Tô Hiến
Thành làm Thành hoàng làng nên đền Nen có tên gọi là đền thờ Tam tòa Đại Vương.
Đức ngài Mai Thúc Loan người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống
nhà Đường năm 722, quê ở làng Mai Phụ, huyện Thiên Lộc (nay thộc xã Mai Phụ,
huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ông được nhân dân suy tôn làm Vua, còn gọi là
Vua Đen - Hắc Đế. Theo các cụ gia cao niên của xã Thạch Tiến cho biết thì trước
đây ở trụ chính của cổng Tam quan đền Nen có câu đối (dịch nghĩa):
- Vì giặc Đường tàn bạo, Hoan Châu khởi nghĩa diệt thù
- Để dân Lạc an vui, Mai Đế định đô lập quốc.
Và bài vị thờ gian giữa nhà thượng điện đền Nen, được ghi
trong bài văn tế đền Nen vào dịp cúng tế khi có lễ hội hoặc các ngày sóc ngày vọng
và đại lễ hàng năm, với nội dung:
- Đại linh từ cung phẩm, tam tòa hiển ứng, bảo đình chính trực,
Mai Hắc Đế, thượng, thượng, thượng, thượng thiên tôn... tôn thần vị tiền
Về nhân vật đựơc thờ là Tô Hiến Thành, theo cuốn: “Danh nhân
lịch sử Việt Nam” ghi nhận: Ông là một nhà chính trị nổi tiếng. Thời trẻ ông có
tài văn võ được vua Lý Anh Tông trọng dụng cử làm tướng chỉ huy quân sỹ dẹp giặc.
Năm 1159 do có công với nhà Lý, Tô Hiến Thành được phong chức Thái úy, trông
coi việc quân dân, ít lâu sau ông lại được phong lên tước Vương.
Lễ hội đền Nen được tổ chức hàng năm vào ngày 04 tháng 01 âm
lịch gọi là lễ Tạ hay còn gọi là lễ Khai khoán, ngày 7 tháng 01 gọi là lễ Tổng
binh. Ngày 20 tháng 01 gọi là lễ Tổng hộ. Ngày 6 tháng 03 lễ Thanh minh hay gọi
là ngày lễ giỗ Thánh.
Trong các ngày hội lễ đền Nen, du khách thập phương bao gồm
13 xã trong tổng Đông về dự lễ. Hàng năm triều đình phong kiến đều cử các quan
sắc về tế lễ và có sắc phong thần cho đền. Lễ hội này được duy trì cho đến trước
cách mạng tháng Tám năm 1945.
Với bình đồ kiến trúc tổng thể của di tích đền Nen, chúng ta
dễ dàng nhận thấy một mặt bằng kiến trúc rộng dài theo hình chữ nhật. Các bộ phận
kiến trúc của tổng thể khu di tích đền Nen đều được sắp xếp bố cục tổng thể
liên hoàn khép kín bằng một hệ thống tường dắc liên hoàn bao quanh, nó tuân thủ
theo một quy tắc chặt chẽ của lối kiến trúc điển hình thời Lê - Nguyễn.
Thời Lê khi mà Nho giáo thịnh hành thì trong các quy ước về
hình mẫu kiến trúc tôn giáo như Đền, Chùa, Miếu Mạo.... đều phải tuân thủ theo
một quy định chặt chẽ. Đó là kiểu thức kiến trúc đăng đối quy tụ vào một tâm điểm
trên một bình đồ kiến trúc hình chữ nhật của các bộ phận kiến trúc theo tầng, lớp
kéo dài cho ta một cảm giác vừa cổ kính uy ngghiêm của một công trình kiến trúc
mang đậm mầu sắc tâm linh tôn giáo.
Mặc dầu tồn tại qua hàng bao thế kỷ, song đền Nen vẫn giữ được
các bộ phận kiến trúc nguyên mẫu với các đường nét chạm khắc tinh xảo của những
người thợ tài hoa - những nghệ nhân xưa.
Đặc biệt tại di tích đền Nen đề tài được sử dụng nhiều nhất
đó là hình tượng rồng được lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể đó là những bức chạm
khắc trên các vì kèo, xà, hạ, cột hay các bức cốn, con kê hoặc được đắp nổi ở mỗi
các bộ phận cấu trúc đền Nen, hình tượng con rồng uyển chuyển có hồn trong mỗi
bức chạm khắc trên chất liệu đá và gỗ của các nghệ nhân xưa, là biểu tượng của
quyền uy và của tâm linh người Việt cổ.
Đó chính là đặc điểm nổi bật của kiến trúc di tích đền Nen,
xứng đáng là một trong số ngôi đền cổ, đẹp và nổi tiếng của vùng đất châu Hoan,
châu Lĩnh…
Di tích đền Nen, gắn liền với các danh nhân lịch sử như vua
Mai Hắc Đế, hoàng tử Lý Nhật Quang, danh tướng Tô Hiến Thành, những người đã có
công trong công cuộc đánh giặc giữ nước, khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp
mở mang bờ cõi vùng biên ải phía nam của nước Đại Việt, được nhân dân thờ phụng
làm thành hoàng.
Đền thờ cùng các tài liệu hiện vật gốc có giá trị lịch sử được
lưu giữ qua bao thế hệ như các công trình kiến trúc bao gồm kiến trúc gỗ, các vật
liệu cổ và các họa tiết trang trí điêu khắc trên chất liệu đá, gỗ... câu đối,
thần vị, bằng văn tự Hán còn lưu lại, là những nguồn tư liệu hết sức quý giá
giúp chúng ta nghiên cứu về một thời đại, một giai đoạn lịch sử mà các danh
nhân lịch sử đã đóng góp cho quê huơng đất nước.
Di tích đền Nen còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc
sắc có giá trị còn tồn tại cho đến nay ở Hà Tĩnh. Nó thể hiện sự khéo léo tài
hoa của các bậc nghệ nhân xưa, những nhà kiến trúc bậc thầy cùng với quần chúng
nhân dân đã tạo dựng nên những tác phẩm về hội họa về điều khắc thuộc các chất
liệu khác nhau như kiến trúc gỗ, kiến trúc vôi vữa và đặc biệt là sự tài tình của
những người thợ thủ công của làng thợ nề nổi tiếng trong vùng - làng thợ Đình
Hòe (xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), một làng nghề truyền thống
có từ lâu đời ở vùng đất Hà Tĩnh.
Trải qua hơn 600 năm xây dựng và tu tạo, đền Nen là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật có giá trị đặc sắc, là địa chỉ văn hóa, tâm linh để người dân khắp bốn phương đến chiêm bái.
Đền có bố cục gồm ba tòa: thượng điện, trung điện và hạ điện. Quần thể
kiến trúc ngoài đền còn có nhà bái đường, nhà chuông, nhà bia, nhà tiền
tế, miếu cộng đồng, tắc môn, cột nanh, hồ sen và sân vườn.
Đền Nen với kiến trúc nghệ thuật được bố trí đăng đối hài hòa qua bàn tay khéo léo của những người thợ xưa.
Trên mái của các tòa điện và các ngôi miếu nhỏ, kiến trúc hình tượng con
rồng luôn được đề cao. Rồng được chạm khắc tinh xảo, biểu tượng cho sự
quyền uy, mang đặc trưng kết cấu công trình thời Lý.
Gian hạ điện và trung điện là nơi để thờ các vị quan, tướng nhà Lý và thờ thổ địa.
Một bên cổng tam quan là tạo hình con ngựa được khắc nổi tượng trưng cho
các chiến mã của quan, tướng thời nhà Lý. Tại ngôi đền, kiến trúc khắc
nổi được sử dụng nhiều, tương ứng với hình tượng các vị tướng quân, tứ
linh, hoa văn họa tiết cách điệu...
Tòa thượng điện là nơi đặt tượng thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang cùng vua Mai Hắc Đế và danh tướng Lê Phụng Hiểu
Từ cổng chính đi vào, phía bên phải là nhà bia đá ghi tiểu sử, công lao
của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đối với vùng đất Nghệ Tĩnh xưa.
Cạnh nhà bia đá là nhà chuông được phục dựng, làm mới với kiến trúc hai tầng mái, bên trong đặt chiếc chuông cổ.
Một trong những điểm đặc biệt là nhà bái đường được ôm trọn bởi dãy cây si tạo nên kiến trúc độc đáo cho ngôi đền.
Cùng với các đường nét trang trí hoa văn sống động mang đậm
chất dân gian đã tạo nên đền Nen sự tinh
tế về đường nét kiến trúc, sự hài hòa về không gian xây dựng mang đậm tính tâm
linh của một công trình kiến trúc tôn giáo…
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tâm linh cũng như kiến trúc độc
đáo, đền Nen được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005
và xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2009.
Hạnh Lê