Đền Nghè - Đình Đông, thôn Đông Thành xã Văn Lang, Hạ Hòa, Phú Thọ thờ phụng 2 vị tướng tài Lê Ả Lan, Lê Anh Tuấn thời Nhị vua Hai Bà Trưng, có công phò vua đánh giặc Hán cứu nước.
Đền Nghè - Đình Đông là một di tích nằm trong quần thể di
tích cổ của xã Văn Lang, đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích nhà
nước và cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa ngày 28/1/1992.
Đền Nghè - Đình Đông được xây dựng theo kiến trúc cổ tự nhiều
đời nay tại khu vực bãi nghè thuộc khu 3 thôn Đông Thành xã Văn Lang nằm sát quốc
lộ 32.
Đền Nghè - Đình Đông xã Văn Lang
Về vị trí đất đai: Dải đất xã Văn Lang nói riêng và Hạ Hòa
nói chung qua sử sách ghi lại thì miền đất này thuộc bộ Văn Lang, thời Hán, thế
kỷ thứ 2 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 3, thuộc huyện Mê Linh - quận Giao Chỉ,
đến thế kỷ thứ 10 thuộc huyện Đức Hòa - Phong Châu.
Đến dời Lê - Lý - Trần thuộc miền đất Hạ Hòa, đạo Châu
Giang, lộ Tam Giang. Thời Hậu Lê, đầu Nguyễn thuộc Hạ Hòa, phủ Thao Giang, trấn
Sơn Tây, và từ cuối thế kỷ 19 có tên gọi là xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú
Thọ
Sự kiện nhân vật lịch sử của di tích: Đền Nghè là nơi thờ 2
vị tướng tài thời Hai Bà Trưng đã có công đánh giặc cứu nước. Tương truyền thời
Tây Hán (Trung Quốc) ở xứ Đường Lâm thuộc Sơn Tây có 2 vợ chồng ông Lê Tuân và
Đặng Thị Thẹ thuộc dòng dõi Thế Phật Châm Anh, ông làm nghề dạy học và làm thuốc,
bà thì lao động cần cù sống lương thiện không làm gì hại ai nên nhân dân xa gần
ai cũng tôn trọng. Khi hai ông bà tuổi đã cao nhưng chưa có con đã đem của cải
đi phân phát cho người nghèo đồng thời đi lễ các đền miếu để cầu con.
Có lần đi du ngoạn đến Văn Lang thấy có một ngôi miếu linh
thiêng (nay là miếu Nam Sang) liền sửa lễ cầu con...và kết quả đến ngày 12
tháng Giêng năm Giáp Dần ông bà sinh được một bọc gồm một trai, một gái.
Người con gái ra trước nên được gọi là chị. Ba năm sau các
con đã lớn ông bà đặt tên cho con gái là Ả Lan, con trai là Anh Tuấn. Ít sau
cha mẹ qua đời, 2 chị em làm lễ an táng cho cha mẹ. Sau 3 năm đoạn tang, hai chị
em đã khôn lớn cũng là lúc đất nước có nhà Đông Hán Trung Quốc.
Tô Định là thái thú quận Thao Giang cai trị rất tàn ác đã giết
hại Thi Sách là chồng của bà Trưng Trắc cùng bao dân lành khác. Với nợ nước,
thù nhà, chúa bà Trưng Trắc và Trưng Nhị đã đứng dậy phất cờ khởi nghĩa đánh giặc
được nhân dân đi theo rất đông.
Ở xã Đường Lâm 2 chị em Lê Ả Lan và Lê Anh Tuấn đã kết nghĩa
với nhiều người nay nghe theo lời linh của Nhị vua Hai Bà Trưng đã chiêu mộ được
hơn hai nghìn binh sỹ về Mê Linh yết kiến Nhị vua Bà.
Lê Ả Lan được phong là Nội Thị Tướng Quân, Lê Anh Tuấn được
phong là Chỉ Huy Xứ Đại Tướng Quân và cử hai chị em Tuấn phòng chấn thủ miền
Thao Giang kiêm Truy Bộ Điển phòng thủ đánh giặc, qua nhiều ngày đêm hành quân
hai chị em kéo quân đến đất Văn Lang thấy nơi đây có địa thổ đẹp bèn đóng trại
lập ấp làm căn cứ đánh giặc và nuôi quân sỹ, đồng thời mổ trâu ngựa để yết cáo
với trời đất sơn thủy bách thần, khao thưởng quân sỹ và ban phát cho dân làng
(vào ngày 13 tháng 3 âm lịch).
Vào một ngày có lệnh của Nhị vua Hai Bà Trưng, hai chị em về
yết kiến để bàn mưu đánh giặc. Khi các chủ tướng và binh sỹ đã tề tựu đông đủ,
lệnh Hai Vua truyền: nam tướng nam binh, nữ tướng nữ binh thẳng hướng đánh
thành Hà Bắc, là thủ phủ của thái thú Tô Định. Quân giặc thua to phải chạy về
Đông Hán. Đại quân Nhị vua Hai Bà Trưng thắng lớn thu hồi 61 tỉnh thành trì
cùng toàn cõi đất nước.
Từ đó nhân dân tôn Chúa Bà Trưng Trắc và nhị chúa Trưng Nhị làm vua và trị vì thiên hạ.
Nói về hai vị tướng quân: bà Lê Ả Lan và ông Lê Anh Tuấn trong trận đánh do hai
người chiến đấu dũng cảm, giết được nhiều giặc... hai chị em được vua Trưng Nữ
vương ban thưởng đạo Tây Sơn, thực ấp địa đầu Thao Giang, luyện sỹ an dân. Văn
Lang ngày càng được mở rộng và củng cố vững chắc. Cuối cùng hai chị em cùng từ
trần ở Văn Lang.
Dân gian truyền lại rằng: hai chị em đều hóa (tức chết) tại
cánh đồng Sang, dưới chân núi Am Thuộc xã Văn Lang vào ngày 25/8 âm lịch.
Sau khi hai vị mất, dân trong khu đã báo về kinh đô, vua
Trưng Nữ Vương vô cùng thương tiếc và xuống chiếu cho Văn Lang trang lập miếu
thờ và ra sắc phong cho hai vị:
- Nhất phong Ả Lan Nương Đức Hạnh Đoan Trang Công Chúa và tặng
phong "Hằng Nga Uyển Mỵ Trinh Phụ Phu Nhân"
- Phong thần hiệu cho Lê Anh Tuấn : Lê Anh Tuấn Hiển Vinh Uy
Dũng Đại Vương và tặng phong: "Tế Thế Hộ Quốc An Dân, Phu Vạn Quảng Đại
Cao Minh, hiệu Hựu Hùng Chấn Đại Vương Thượng Đẳng Thần"
Từ đó về sau các đời triều gia phong như sau :
Đời Trần Nhân Tông có sắc phong: "Đức Vua Bà Ả Lan
Nương Ngọc Phận Hằng Nga Công Chúa"
"Đức Vua Ông Hiển Hựu Trợ Thuận An Uy Hùng Tuấn Đại
Vương Thượng Đẳng Thần"
Đời Lê Thái Tổ có sắc phong: "Ả Lan Nương Huê Hòa Đức Hạnh
Trinh Thục Công Chúa"
" Phả Kế Cương Nghị Hùng Kiệt Tuấn Khanh Đại
Vương"
Từ đó về sau để tỏ lòng tôn kính hai vị tướng quân nên nhân
xã Văn Lang có ban khánh tiết giúp địa phương quản lý, bảo vệ trông coi và tổ
chức tế lễ hương khói các ngày tuần ngày tiết. "Lễ tiệc và hèm tục" cụ
thể như sau :
1. Ngày mùng 10 tháng Giêng: "Lễ cầu phúc rước nước"
lễ lấy nước để phục vụ cho việc thờ cúng quanh năm. Trong Rước nước có gắn hèm
tục là đánh trận giả để diễn lại tình trò quân Nhị vua Hai Bà Trưng đánh giặc
2. Lễ tiệc ngày sinh hai vị: vào ngày 12 tháng Giêng (âm lịch)
hèm tục cúng lợn đen múa hát 3 ngày liền.
3. Lễ tiệc khao quân: vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch). Hèm tục: là mổ trâu đen "gọi là bì oa trữ
nhục" tức là lấy da trâu căng làm nồi nấu thịt
4. Ngày hoá 25/8: Tục truyền hai vị thần đi thăm doanh trại
các tướng lĩnh tại khu núi Am, bất chợt gặp một cơn đại phong, ác vũ, mưa bão,
sấm sét dữ dội ai ở đâu chỉ biết có đó... chỉ trong khoảnh khắc cơn mưa đã tan
các tướng sỹ đi tìm thủ lĩnh ở chân núi Am chỉ thấy hỡ vạt áo và hình tích của
hai vị.
Sau khi nhận tin hai vị đã mất vua đã phong: "sinh vi
tướng, tử vi thần" và chỉ sắc cho Văn Lang trang lập hai vị thành hoàng từ
đó.
Lễ rước nước và Mộc dục
Lễ rước nước được tổ chức trang nghiêm vào sáng ngày 12
tháng Giêng và được khởi hành từ đền Nghè, đi đầu là cờ quạt rồi tới phường bát
âm, tiếp đến là kiệu long đình trên đặt chiếc bình gốm sứ men lam vẽ rồng - phượng
để đựng nước Thánh, hai bên có lọng che.
Trang phục đám rước màu đỏ, đi theo kiệu là các già làng mặc
áo tế cùng với các chức dịch trong làng. Trống chiêng nổi lên, đám rước đi chầm
chậm, ra gần đến bến sông đám rước dừng lại cho đội cờ chạy quanh ba vòng vừa
chạy vừa hú to để diễn lại tích quân của hai Bà Trưng đánh đuổi quân Tô Định.
Kiệu dừng lại trên bờ, một chiếc thuyền sơn màu rực rỡ trang trí cờ thần đậu sẵn
khiêng chiếc chóe đặt lên giữa thuyền chở tới giữa dòng sông, cụ già lấy gáo đồng
múc nước dưới sông truyền cho người đứng đối diện, cứ thế nước lần lượt được đổ
vào chóe qua một vuông vải đỏ bịt ngang miệng chóe để ngăn bụi bẩn và những tạp
chất.
Tất cả những việc trên được thực hiện với một nghi lễ
thiêng. Sau đó chóe nước được đưa lên kiệu và rước về đền Nghè nơi thần linh án
ngự, trước khi rời bến sông đội cờ lại chạy ba vòng quanh đám rước như lúc đầu,
sau đó mới rước nước về đền trong tiếng chiêng trống tưng bừng của ngày hội.
Ngay sau lễ rước nước là lễ Mộc Dục tức là lễ tắm rửa mộc dục
ngai thờ. Công việc này được làng chọn lựa rất kỹ lưỡng, thông thường là các cụ
già có tín nhiệm đảm đương. Họ thắp hương, dâng lễ và tiến hành công việc một
cách chu đáo.
Mộc Dục được tắm hai lần nước: Lần thứ nhất là nước làng vừa
rước về; lần thứ hai là nước ngũ vị đã được chuẩn bị sẵn từ trước. Người ta lấy
vải đỏ nhúng vào nước thơm đựng trong chậu đồng rồi lau nhẹ nhàng, thận trọng.
Sau khi Mộc Dục tắm xong, chậu nước thơm đó được giữ lại để
các vị hương lão, chức sắc nhúng tay xoa vào mặt mình một chút gọi là “hưởng ơn
thánh”, còn mảnh vải đỏ bịt miệng chóe được xé nhỏ ra chia cho dân làng đeo vào
tay gọi là lấy khước.
Sau lễ Mộc Dục là nghi thức đại lễ đây là nghi thức trang trọng
nhất để dân làng dâng cúng các vật phẩm như: xôi, thịt, bánh trái... Việc này
được dân làng bàn bạc kỹ lưỡng để chọn ra những người có uy tín vào ban tế gồm:
Chủ tế, bồi tế, đông xướng, tây xướng... Đây là những người làm việc Thánh, đại
diện cho dân nên phải là người có đức độ, nhà không có “bụi”, sống chay tịnh
hàng tuần trước ngày mở đám.
Khi làm lễ ban tế phải mặc lễ phục thống nhất, đội mũ tế, đi
hia. Riêng chủ tế mặc áo thụng đỏ, ngực có miếng đáp. Đại lễ kéo dài khoảng hai
tiếng và trải qua khoảng 40 lần xướng và thực hiện.
Ngoài ra, hội làng Văn Lang còn tổ chức nhiều trò diễn khác
như hát nhà tơ, cờ tướng, múa rồng, chọi gà, bịt mắt bắt dê, kéo co... làm tăng
thêm phần hấp dẫn của lễ hội truyền thống.
Lễ hội đền Nghè - đình Đông nơi thôn quê yên ả bỗng rộn rã
âm thanh, sáng lên màu cờ phấp phới cùng lễ phục trong ngày hội. Cả làng cùng
hòa nhập, cùng chung khát vọng được sống tốt lành, được Thành Hoàng hộ mệnh cho
từng cá nhân, cho làng xã. Sự thống nhất ấy đã được định hình từ xa xưa, được
chắt lọc và được thấm sâu vào ý thức mỗi người.
Đền Nghè là nơi thờ
tưởng niệm, lưu niệm sự kiện nhân vật lịch sử có thật, là hai vị tướng giỏi thời
Nhị vua Hai Bà Trưng đã có công với dân với nước. Sự nghiệp đấu tranh dựng và
giữ nước của tổ tiên ông cha ta qua hàng ngàn năm lịch sử đã hun đúc nên đức
tính cao đẹp, bản lĩnh và năng lực sáng tạo của dân tộc Việt Nam.