Khi đi qua các xã Nội Hoàng, Trung Lương, Nam Mẫu (phường Hoàng Quế, xã Tràng Lương (Đông Triều) và xã Thượng Yên Công (Uông Bí)), thấy dân ở đây bị mất mùa đói kém, đời sống cực khổ, bà đã bỏ ra 4 dật hoàng kim (mỗi dật 12 lạng) cứu trợ cho dân nghèo. Được ơn sâu nghĩa cả của Bà, nhân dân trong 3 xã dần qua cảnh mất mùa đói kém, chết chóc tang thương đều ghi lòng tạc dạ. Khi Bà mất, nhân dân xã Nội Hoàng đóng góp tiền của dựng đền thờ.
Đền Nhà Bà thuộc khu Tràng Bạch, phường Hoàng Quế, thị xã
Đông Triều, được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là di tích Văn hoá - Danh thắng
cùng với hồ Cổ Lễ theo Quyết định số 3706/QĐ-UB, ngày 16/10/2003.
Đền Nhà Bà (ảnh TL.
Căn cứ theo văn bia và các hiện vật còn lưu lại, đền được
xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVII, thờ bà Vũ Thị Phương, pháp hiệu là Diệu
Trinh. Yên Tử là trung tâm Phật giáo và danh thắng nổi tiếng cả nước. Hàng năm,
vua quan các triều đại đều về đây lễ bái. Theo sử sách ghi lại, vào thời Hậu
Lê, khoảng năm 1608, trong dòng người thành kính ấy có bà Vũ Thị Phương, người
làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Phụng Thiên (Hà Nội) cùng chồng là Đoàn
Chính Trực về Yên Tử lễ chùa cầu tự.
“Năm ấy (1608) dân trong nước bị đói to. Người dân các huyện
Đông Triều, Giáp Sơn thuộc Hải Dương đã trải qua một nạn đói khủng khiếp, người
chết đói nằm gối lên nhau...” (Đại Việt sử ký toàn thư). Mặc dù là vợ một vị
quan, sống trong nhung lụa gấm vóc nhưng bà có tấm lòng đức độ bao dung, cảm
thông với nỗi cực khổ của nhân dân.
Khi đi qua các xã Nội Hoàng, Trung Lương, Nam Mẫu (nay là
phường Hoàng Quế, xã Tràng Lương (Đông Triều) và xã Thượng Yên Công (Uông Bí)),
thấy dân ở đây bị mất mùa đói kém, đời sống cực khổ, bà đã bỏ ra 4 dật hoàng
kim (mỗi dật 12 lạng) để cứu trợ cho dân nghèo.
Được ơn sâu nghĩa cả của Bà, nhân dân trong 3 xã dần qua
cảnh mất mùa đói kém, chết chóc tang thương, ai cũng ghi lòng tạc dạ. Khi Bà
mất, nhân dân xã Nội Hoàng đã đóng góp tiền của dựng đền thờ, tôn tên thụy của
bà là Ngân Tử, lấy ngày bà mất (3/6 âm lịch) để hàng năm hương hỏa giỗ chạp.
Sau này tôn bà là nhân thần và rước bài vị của bà và chồng bà về chùa Hoa Yên
(Yên Tử) để thờ phụng, cho khắc bia đá lưu truyền mãi mãi. Bia được khắc vào
năm Quý Mão, triều vua Bảo Thái (1723), đặt ở bên trái sân chùa Hoa Yên.
Ban đầu đền được dựng bằng tranh tre vách đất, sau xây dựng
bằng gạch ngói khang trang hơn và đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Thời kỳ
thực dân Pháp xâm lược, phường Hoàng Quế nằm trong “vàng đai trắng” nên đền đã
bị phá huỷ.
Năm 1993 xây dựng lại trên nền cũ như hiện nay, quay hướng
Đông Nam, kiến trúc chữ đinh, 3 gian tiền đường và 1 gian hậu cung. Trước đây
chùa ở vị trí khác cũng bị thực dân Pháp phá huỷ, năm 2001, nhân dân xây dựng
thêm chùa ở bên trái đền, gần đây xây thêm nhà Tăng, nhà khách (bên phải). Phía
trước đền đặt tượng Phật bà Quan Âm đứng trên toà sen.
Tượng thờ bà Vũ Thị Phương và bát hương đá làm năm 1625 (ảnh
TL)
Tượng, đồ thờ cổ bị hỏng và thất lạc, chỉ còn lại một bát
hương đá đục liền khối có 3 chân, chạm khắc hoa văn hình mặt trời và mây xoắn
xung quanh, trên có ghi “Vĩnh Tộ Ất Sửu niên” (năm 1625, triều vua Lê Thần
Tông). Năm 1993, trong quá trình tôn tạo lại đền và nạo vét hồ Cổ Lễ, nhân dân
đã đào được 2 hũ tiền cổ, mỗi hũ khoảng 5kg và một số cây gỗ lim dài khoảng
3,5m đường kính 40cm, có lẽ đây là tiền của do người xưa để lại cho lần trùng
tu sau?
Lễ hội chính của đền Nhà Bà diễn ra từ ngày 3 đến 5/6 âm
lịch và cũng là ngày kỵ của Bà. Phần lễ có con lợn quay, mâm xôi, bánh giầy,
hoa quả, đèn hương. Phần hội là các hoạt động bắn nỏ, cờ tướng, cờ người, tổ
tôm điếm, chọi gà, đánh vật, đánh đu, têm trầu cánh phượng, hát chèo... Ngoài
ra, đền còn mở hội đầu năm vào ngày mồng 10 tháng Giêng, giống khai hội chùa
Yên Tử.
Phối cảnh Dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích đền Nhà Bà.
Ngày 10/5/2017, Sở Văn hoá, Thể thao Quảng Ninh đã ban hành
Quyết định số 370/QĐ-SVHTT phê duyệt Dự án bảo quản, tu bổ khu di tích đền Nhà
Bà với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng, do UBND phường Hoàng Quế làm chủ đầu tư,
nguồn vốn huy động xã hội hoá, gồm các hạng mục công trình: đền chính, nhà tả
vu, hữu vu (sắp lễ, ban quản lý, tiếp khách), nhà bia, bình phong, hồ bán
nguyệt, nhà tăng, nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, am hoá vàng, cổng, tam quan,
nhà tổ.
Trong tương lai không xa, đền Nhà Bà sẽ xứng tầm với
công đức mà chủ thần đền Vũ Thị Phương, pháp hiệu Diệu Trinh đã dành cho nhân
dân phường Hoàng Quế nói riêng, thị xã Đông Triều nói chung và là điểm thu hút
du khách gần xa đến chiêm bái./.
Phan Thị Thuý Vân