Đền Nhà Ông là di tích thờ 2 vị tôn thần Cao Sơn Cao Các và Danh Sơn Dục Tú Bàn Thạch Giáng sinh. Không có thần phả ghi lại sự tích của hai vị thần tướng, nhưng theo sách sử thì Cao Các là danh tướng triều đại vua Đinh Tiên Hoàng
Đền Nhà Ông hiện nay thuộc xóm Hương Đồng, xã Đức Hương, huyện
Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Địa điểm này trước Cách mạng Tháng Tám là địa phận xã
Yên Duệ, tổng Thượng Bồng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh [1].
Toàn cảnh đền Nhà Ông
Đền Nhà Ông là di tích thờ 2 vị tôn thần Cao Sơn Cao Các và
Danh Sơn Dục Tú Bàn Thạch Giáng sinh. Các vị thần này đã hiển linh từ lâu tại mảnh
đất địa hình vùng trung du này, nhiều đời là chỗ dựa tinh thần, là nơi gửi gắm
tâm tư, ước mong cho một cuộc sống đủ đầy và bình yên của nhân dân quanh vùng.
Sự linh thiêng của các vị thần đã được nhiều vị vua nhà Nguyễn
bao phong giao cho bản xã phụng thờ. Mỗi triều vua lại có sự ca ngợi ân đức của
thần và phong tặng nhiều mỹ tự cao đẹp để thần luôn che chở cho lê dân luôn tai
qua nạn khỏi, vạn sự được như mong muốn.
Hai vị thần được thờ ở đây được ghi ở hai sắc phong niên hiệu
Khải Định và 2 bài vị đặt trang trọng phía trong ban thờ của di tích. Đây là những
hiện vật gốc có giá trị làm cơ sở khoa học để nghiên cứu về di tích, về danh
xưng vùng đất suốt tiến trình lịch sử của dân tộc.
Trên bề mặt bài vị thứ nhất có khắc 12 chữ Hán thể chân thư
ghi vị thần được thờ tại di tích: 高 山 高 閣 粹 精 中 正 靈 應 大 神, phiên âm: Cao Sơn Cao Các túy
tinh trung chính linh ứng đại thần, dịch là: Đại thần Cao Sơn Cao Các túy tinh
trung chính linh ứng. Sắc phong niên hiệu Khải Định có ghi nội dung như sau:
Nguyên văn chữ Hán:
敕
河
靜
省
香
山
縣
安
裔
社
從 前 奉 事 原 贈 翊 保 中 興 高 山 高 閣 尊 神 護 國 比 民 念 著 靈 應 節 蒙 頒 給 敕 封 準 許 奉 事 肆 今 正 直 朕 四 旬 大 慶 節 經 頒 寶 詔 覃 恩 禮 隆 登 秩 著 加 贈 卓 苇 上 等 神 準 許 奉 事 用 誌 國 慶 而 申 祀 典 欽 哉.
啟 定
玖
年
柒
月
貳
拾
伍
日
.
Phiên âm:
Sắc Hà Tĩnh, Hương Sơn huyện, Yên Duệ xã tòng tiền phụng sự
nguyên tặng dực bảo trung hưng, Cao Sơn Cao Các tôn thần hộ quốc tỷ dân niệm trứ
linh ứng tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự tứ kim chính trực trẩm
tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật trứ gia tặng
trác vĩ thượng đẳng thần chuẩn hứa phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển
khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho xã Yên Duệ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh theo trước
phụng thờ thần đã được tặng dực bảo trung hưng Cao Sơn Cao Các tôn thần cứu nước,
giúp dân đã từng linh ứng, trải qua các kỳ lễ tiết đã được ban cấp sắc phong
chuẩn cho phụng thờ. Nay nhân đại lễ trẫm tứ tuần, nhớ tới công ơn của thần, có
lễ long trọng mà gia tặng Trác Vĩ Thượng Đẳng thần chuẩn cho phụng thờ ghi vào
ngày lễ của nước mà rạng rỡ điển thờ. Kính thay!
Sắc phong cho Cao Sơn Cao Các thờ tại đền Nhà Ông
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)
Hiện nay chưa tìm thấy thần tích, thần phả về vị tôn thần
Cao Sơn Cao Các bằng chữ Hán lưu tại di tích. Tuy niên qua nghiên cứu thực địa,
cuốn "Bách thần sự tích" và một số tư liệu thành văn khác cho chúng
ta thấy vị thần Cao Sơn Cao Các có thần tích nhiều dị bản khác nhau. Tuy nhiên,
các nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng, thần Cao Sơn Cao Các là thần núi. Dị bản
thứ nhất, coi Cao Sơn Cao Các là một vị thần. Ông họ Cao tên Hiển thuộc người
phương Bắc, đỗ tiến sĩ triều Minh sang nước ta làm Án sát sứ. Do có công lớn
trong công việc vỗ về dân nên khi mất được lập đền thờ phụng. Có thần tích cho
rằng Cao Sơn Cao Các là hai vị thần khác nhau.
Theo thần tích ở xã Lang Giản, huyện Chí Linh, tỉnh Hải
Dương, thần Cao Sơn làm nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người, rất tài về chữa bệnh
đậu mùa. Theo thần tích ở xã Quang Trung, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, thần
Cao Sơn là người Bắc quốc có tên là Cao Hiển, đỗ Tiến sĩ đời Nguyên có công quy
phục người Di ở Tây Nam. Vua nhà Nguyên phong ông làm Hữu thừa tướng. Sau khi mất
được phong An Nam quốc chủ. Có người cho
Cao Sơn Cao Các là Cao Biền, quan đô hộ đời Đường...[2]
Thần núi cũng nằm trong hệ thống tín ngưỡng ''vạn vật hữu
linh" xuất hiện từ thời kỳ xa xưa mông muội của xã hội loài người. Người
Việt có câu "thần cây đa, ma cây gạo". Lúc đó con người đang sống phục
thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, bị tự nhiên chế ngự. Họ sợ hãi trước các hiện tượng,
sự vật của tự nhiên như bảo, lũ, mưa, gió; núi, sông...và họ cho rằng có những
vị thần ngự trị trong đó nên họ tôn thờ nó để họ phù hộ độ trì cho mình tai qua
nạn khỏi, gặp nhiều điều may trong cuộc sống trong đó có thần rắn, thần núi, thần
sông... Trải qua thời gian, các vị thần này được con người nhân cách hóa, có
lai lịch nhuốm màu sắc nhân thế trở thành tín ngưỡng bản địa của mỗi vùng, mỗi
địa phương.
Trên bài vị thứ 2 có ghi dòng chữ Hán vị thần được thờ ở đây
như sau:
名 山 毓 秀 盘 石 降 生護 國 比
民
敕
封,
phiên âm: Danh Sơn Dục Tú Bàn Thạch Giáng Sinh hộ quốc tỷ dân sắc phong. Sắc
phong năm Khải Định thứ 9 (1924) có ghi toàn văn như sau:
Nguyên văn chữ Hán:
敕 河 靜 省 香 山 縣 安 裔 社 從 前 奉 事 原贈 靈 扶
翊
保
中
興
名
山
毓
秀
盘 石
降
生
尊
神
護
國
比
民
念
著
靈
應
節
蒙
頒
給
敕
封
準
許
奉
事
肆
今
正
值 朕
四
旬
大
慶
節
經
頒
寶
詔
覃
恩
禮
隆
登
秩
著
加
贈
秀
嶺 尊 神 特 準 奉 事 用 至 國 慶 而 申 祀 典 欽 哉.
啟 定
玖
年
柒
月
貳
拾
伍
日.
Phiên âm:
Sắc Hà Tĩnh tỉnh, Hương Sơn huyện, Yên Duệ xã tòng tiền phụng
sự nguyên tặng linh phù dực bảo trung hưng Danh Sơn Dục Tú Bàn Thạch Giáng Sinh
tôn thần hộ quốc tỉ dân niệm trứ linh ứng tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa
phụng sự tứ kim chính trực trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm
ân lễ long đăng trật trứ gia tặng tú lĩnh tôn thần đặc chuẩn phụng sự dụng chí
quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!
Dịch nghĩa:
Sắc cho xã Yên Duệ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh theo trước
phụng thờ vị thần nguyên được tặng Linh phù dực bảo trung hưng Danh Sơn Dục Tú
Bàn Thạch Giáng Sinh tôn thần cứu nước giúp dân đã từng linh ứng đến lúc ban cấp
sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Nay trẫm có đại lễ tứ tuần nhớ tới ân sâu, có lễ
long trọng gia tặng thần là Tú Lĩnh tôn thần chuẩn cho phụng thờ dùng làm đại lễ
ghi vào tự điển. Kính thay!
Sắc phong cho Danh Sơn Dục Tú Bàn Thạch Giáng Sinh thờ tại đền
Nhà Ông
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)
Hiện nay chưa thấy thần tích, thần phả nào ghi chép lai lịch
của vị tôn thần Danh Sơn Dục Tú Bàn Thạch Giáng Sinh này.
Hiện nay, chưa có tài liệu nào đề cập đề cập đến sinh hoạt
tín ngưỡng gắn liền với di tích. Tuy nhiên, qua khảo sát thực địa, chúng ta có
thể thấy người dân địa phương chủ yếu đến đền Nhà Ông vào các ngày sóc vọng, lễ
tết cầu mong tôn thần Cao Sơn Cao Các và Danh Sơn Dục Tú Bàn Thạch Giáng Sinh
phù hộ, độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống được bình
yên, tai qua nạn khỏi. Đây là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng chủ yếu ở di tích đền
Nhà Ông.
Đền Nhà Ông hiện dựa lưng vào sườn Rú Vặc, xóm Hương Đồng,
xã Đức Hương, mặt hướng Tây Nam, phía trước là sông Ngàn Sâu chảy qua. Trước
năm 1945, đền lợp tranh tọa lạc gần ga Yên Duệ. Do không an toàn đối với giao
thông đường sắt nên đền được chuyển về vị trí hiện tại. Khuôn viên đền rộng
1.200m2 (30m x 40m), không có hàng rào bảo vệ, xung quanh cây rừng tái sinh bao
bọc. Đường vào di tích chủ yếu là đường đất, khó khăn trong việc đi lại. Hiện
nay, đền bao gồm các hạng mục sân và đền thờ.
Từ ngoài đi vào, trước tiên chúng ta bắt gặp sân đền Nhà
Ông. Sân có hình chữ nhật dài 2,85m, rộng 3,45m, xung quanh xây tường dắc, hai
bên đặt lỗ thông gió, phía trước lối đi vào có đôi câu đối bằng chữ Quốc Ngữ khắc
trên đá đen bóng, chữ được nhũ vàng có nội dung như sau:
Dương hồ như tại thượng
Lập tắc than ư tiền.
Mặt sân phẳng được láng xi măng đen bóng vuông vắn, tiện cho
việc chuẩn bị hành lễ mỗi khi đến chiêm bái tại đền.
Qua sân, chúng ta bắt gặp đền Nhà Ông có kiếm trúc bố trí
theo chiều dọc gồm 2 gian, 3 vì, hai đầu được bít đốc, xung quanh xây tường bao
dày 0,12m. Đền Nhà Ông có quy mô khá khiêm tốn, diện tích mặt bằng 14,49m2
(4,20m x 3,45m), chiều cao từ nền lên nóc mái chỉ có 2,75m, chiều cao từ nền
lên đuôi mái chỉ có 1,5m, chiều cao từ nền lên câu đầu chỉ 2m. Mặt trước đền
quyét vôi trắng, không có hoa văn trang trí, được trổ cửa, có viền màu vàng bao
quanh.
Cửa có kích thước cao 1,50m, rộng 1,60m, không có cánh cửa,
thuận tiện cho việc cúng bái. Viền mái được gắn ngói úp theo chiều dốc mặt mái.
Trên cửa, người ta gắn ngói máy đất nung có tác dụng che mưa. Hai bên gian trước,
người ta trổ cửa thông gió tạo không thoáng và cảm giác rộng rải cho công
trình.
Đền có 6 cột gỗ hình trụ tròn kích thước bằng nhau, cao
2,15m, đường kính 0,14m, đứng trên hòn đá kê chân cột tránh cho cột bị ẩm mục,
vuông góc với mặt nền. Ba bộ vì là bộ phận chính cấu tạo nên ngôi đền có kích
thước bằng nhau được tạo theo kiểu vì kẻ suốt. Bộ vì mở rộng theo chiều ngang
thường thấy ở kiến trúc gỗ cổ truyền Việt Nam.
Đây là kiểu bộ vì có niên đại xuất hiện rất sớm khi kết cấu
của nó bằng tre và có niên đại muộn khi nó có kết cấu bằng gỗ. Bộ vì được cấu tạo
bởi 2 cột, 2 kẻ và một câu đầu. Hai cột nằm cách nhau 1,75m, được kết nối với
nhau thông qua câu đầu tiết diện 0,10m x 0,15m khi cấu kiện này ăn mộng vào đầu
các cột.
Các kẻ suốt, một đầu gặp nhau và ăn mộng ở nóc và một đầu chạy
dọc theo chiều dốc của mặt mái, ăn mộng và được các cột chống đỡ vươn ra theo
chiều ngang đỡ lấy toàn bộ hệ mái.
Các vì được nối lại với nhau theo chiều dọc thông qua các xà
thượng và xà hạ. Các xà này tạo nên bước gian cho công trình. Gian trong có
kích thước 1,45m x 3,45m; gian ngoài 1,90m x 3,45m. Tất cả các cấu kiện gỗ nói
trên liên kết chiều ngang và chiều dọc với nhau tạo nên bộ khung và không gian
ba chiều cho công trình có công dụng chịu lực cho toàn bộ ngôi đền.
Hệ mái được cấu tạo bởi xà gồ, đòn dông (tiết diện 0,10m x
0,10m) và mèn (tiết diện 0,03m x 0,03m) theo chiều dọc và cầu phong (tiết diện
0,05m x 0,05m) theo chiều ngang được bố trí vuông góc với nhau với kích thước hợp
lý để gắn ngói máy đất nung tạo công năng che mưa, che nắng cho toàn bộ công
trình.
Nền đền Nhà Ông được làm bằng cách rải đá cấp phối đầm kỹ đỗ
vữa xi măng là phẳng cao hơn mặt đất 0,30m là nơi tiện cho hành lễ và cũng là
nơi bố trí đồ tế khí tại di tích.
Về niên đại xây dựng: Tìm hiểu các tư liệu Folklore và khảo
sát thực địa tại di tích cho chúng ta thấy đền được xây dựng vào giữa thế kỷ
XIX. Bằng chứng thuyết phục là trên bề mặt phía ngoài câu đầu vì giữa có dòng lạc
khoản 12 chữ Hán thể chân thư đề niên đại tạo dựng đền Nhà Ông: 嗣
德
元
年
歲 在
戊
申
孟
秋
造
作,
phiên âm: Tự Đức nguyên niên tuế tại Mậu Thân mạnh thu tạo tác, dịch là: Tạo
tác vào tháng 7, mùa thu, năm Mậu Thân, Tự Đức nguyên niên (1848).
Khi vào trong đền chiêm bái, bắt gặp đầu tiên của chúng ta
là ban thờ. Ban thờ ở đây cấu tạo gắn với bộ khung chịu lực bằng gỗ của di
tích, được bố trí phía gian trong của đền. Đó là người ta cho các thanh gỗ tiết
diện 0,10m x 0,15m ăn mộng theo chiều ngang và chiều dọc vào các cột cách mặt đất
từ 0,80m đến 0,97m, phía trên rải ván gỗ đóng đinh chặt vào bộ khung này để có
không gian bố trí đồ tế khí.
Trên bàn thờ phía trong cùng người ta đặt 2 long ngai, bài vị
của hai vị thần được thờ ở đây là Cao Sơn, Cao Các Túy tinh Trung chính đại thần
và Danh Sơn Dục Tú Bàn Thạch Giáng Sinh. Tiếp đó bố trí hòm sắc chứa các sắc
phong của các vị thần được thờ và sắc phong hợp tự. Sau đó là trản, bát hương
và các đồ tế khí khác.
Đền Nhà Ông từ trước tới nay do chính quyền và đoàn thể thôn
Hương Đồng quản lý và phát huy giá trị. Đền được xây dựng vào năm Mậu Thân,
niên hiệu Tự Đức nguyên niên (1848) triều đại nhà Nguyễn.
Cho đến nay đền đã nhiều lần tu sửa và tôn tạo ở một số vị
trí khác nhau. Tiêu biểu, trước năm 1945, đền tọa lạc cạnh ga Yên Duệ có kết cấu
bộ khung chịu lực bằng gỗ, lợp tranh trong một thời gian dài gần 100 năm. Đến
năm 1945, do sợ vấn đề hỏa hoạn mất an toàn giao thông đường sắt, đền lại được
chuyển về vị trí Rú Vặc như hiện nay.
Và trong những năm gần đây đền được tu bổ xây mới lại dựa
trên một số cấu kiện và chi tiết còn sót lại của ngôi đền cũ mà dễ nhận thấy là
câu đầu ở vì giữa, bài vị, sắc phong bằng chữ Hán còn giữ lại được giữ lại minh
chứng cho vị thần được thờ ở đây.
Hiện nay, chính quyền địa phương giao lại cho hội người cao
tuổi xóm Hương Đồng bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích, trong đó, việc
phục vụ nhu cầu tâm linh giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động tại di
tích. Hội người cao tuổi đã góp phần không nhỏ bảo lưu các giá trị văn hóa gắn
liền với di tích mà việc giới thiệu các giá trị lịch sử, sự tích các vị thần được
thờ giữ vai trò chủ đạo.
Một điều nữa hết sức quan trọng, đó là di tích luôn luôn được
chăm sóc vệ sinh sạch sẽ đảm bảo luôn luôn hài hòa với môi trường cảnh quan
xung quanh. Tất cả các hoạt động đó làm cho di tích luôn trường tồn, sống mãi
trong lòng nhân dân bản xã, để rồi góp phần xây dựng đời sống văn hóa phong phú
ở khu dân cư và xây dựng một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc./.
Chú thích:
[1] Theo cuốn "Bách thần sự tích", Thái Kim Đỉnh dịch
và chú giải, Nxb Đại học Vinh, năm 2015, tr.57-60.
[2] Theo các sắc phong niên hiệu Thành Thái, Duy Tân, Khải Định
triều Nguyễn lưu giữ tại di tích đền Nhà Ông, xã Đức Liên và Từ điển Hà Tĩnh,
Bùi Thiết chủ biên, Sở Văn hóa Thôn tin Hà Tĩnh năm 2000, tr. 209.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Thái Kim Đỉnh (Chủ biên) (2000), Vũ Quang xưa và nay, UBND
huyện Vũ Quang. Thái Kim Đỉnh (Dịch và chú giải) (2015), Bách thần sự tích, Nxb
Đại học Vinh. Trương Hữu Quýnh (chủ biên) (1998), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập
1, Nxb Giáo dục. Vụ Bảo tồn Bảo tàng (1999), Niên biểu Việt Nam, Nxb Văn hóa
Dân tộc, Hà Nội. Bùi Thiết (chủ biên) (2000), Từ điển Hà Tĩnh, Sở VH&TT Hà
Tĩnh.
Trần Phi Công