Đền Non Tung ở thôn Tân Luận, xã Phi Mô (Lạng Giang) là nơi ghi dấu lịch sử văn hóa và phong tục tập quán độc đáo trong đó có tục thờ Thánh Gióng (tức Phù Đổng Thiên Vương - một trong "tứ bất tử" của cư dân Việt cổ).
Đền Non Tung thờ phụng, tri ân công đức của Thánh Gióng -
người anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn giúp vua Hùng đánh dẹp giặc Ân xâm
lược ở thế kỷ thứ VI.
Theo bản thần tích do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Lê
Tung soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) hiện được lưu giữ tại đền cho biết:
Thời Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân sang xâm lược nước ta, thế giặc như chẻ tre,
vua sai người đi tìm người tài giỏi giúp nước cứu dân. Khi ấy, ở làng Phù Đổng
(Gia Lâm, Hà Nội) có cậu bé tên Gióng, lên ba mà vẫn không biết nói, chẳng biết
cười.
Khi nghe tin có giặc bỗng cậu cất tiếng gọi mẹ mời sứ giả
vào và xin vua đúc cho 1 con ngựa sắt, 1 áo giáp sắt, 1 chiếc roi sắt để đánh
giặc. Nhà vua đáp ứng yêu cầu của cậu bé.
Sau khi ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, uống cạn nước một
khúc sông, cậu bé vươn mình trở thành một chàng trai cao lớn... Giặc tan, chàng
Gióng cởi áo giáp để lại rồi phi ngựa lên đỉnh núi bay về trời. Tưởng nhớ công
ơn chàng, dân làng đã lập đền thờ ở chân núi và phong làm Thánh...
Đền Non Tung được xây dựng từ lâu đời, phía trước đền là
cánh đồng Binh. Tục truyền rằng, khi ông Gióng đánh thắng giặc Ân từ Lục Đầu
Giang qua sông Lục Nam, sông Thương đến khu đồi này thấy có rừng cây gỗ lim cổ
thụ, lại có bãi đất bằng phẳng, rộng rãi nên cho quân sĩ nghỉ lại nơi đó một
ngày đêm để khao quân ăn mừng chiến thắng. Quân của ông đông đến mức đứng chật
kín cả cánh đồng rộng lớn trước cửa đền nên từ đấy các cụ đặt cho xứ đồng này
tên gọi “đồng Binh”. Ngày hôm sau, khi quân sĩ đã rút đi, dân làng thấy dưới đất
có lời hịch với nội dung: Chàng Gióng đã đánh thắng giặc Ân, dừng chân nơi
đây, nếu dân lập miếu thờ ắt sẽ linh thiêng. Lập tức dân làng bàn nhau chặt
cây, đẽo gỗ lập đền thờ phụng, hương hỏa sớm hôm.
Trải qua thời gian, ngôi đền đã bị xuống cấp. Với sự góp
công, góp của của bà con làng xã, mới đây ngôi đền đã được tu bổ, tôn tạo lại
trên nền đất cũ gồm ba gian truyền thống với bố cục kiến trúc hình chữ nhất,
ngoảnh hướng Nam ghé Tây. Hiện trong đền còn lưu giữ một số tài liệu, hiện vật
quý có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) như: Tượng Thánh Gióng cùng hai cận
vệ Dực Đại Vương và Minh Đại Vương; chuông đồng, chiêng đồng, chân tảng đá
xanh, hoành phi… đặc biệt là đôi câu đối chữ Hán với nội dung ca ngợi công trạng
hiển hách của đức Thánh được phiên âm: Thiên giáng Thánh nhân bình Bắc định/
Địa lưu thần tích chấn Nam bang Dịch nghĩa: Trời sinh bậc Thánh trừ giặc Bắc/Đất
giữ chuyện Thần chấn nước Nam.
Hằng năm, vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội
tại đền để ôn lại công lao to lớn cùng sự tích chiến thắng lừng lẫy của đức
Thánh. Đồng thời nhằm làm sống dậy tinh thần đoàn kết, khí thế hào hùng, ý chí
quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ thuở dựng nước.
Thần tích Phù Đổng Thiên Vương với hai khu thờ chính ở làng
Phù Đổng (Gia Lâm), đền thờ ở Phù Linh (Sóc Sơn, Hà Nội) cùng đền Non Tung sẽ
mãi là nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc về
tinh thần chống giặc ngoại xâm và sức mạnh của tuổi trẻ Việt Nam.
Thu Hường