Đây là ngôi đền cổ, rất linh thiêng thờ phụng vua Đinh Tiên Hoàng và Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao từ thời nhà Lý.
Trong một đợt đi khảo sát dân tộc học – lịch sử ở huyện Na
Rì tỉnh Bắc Kạn, nhà nghiên cứu lịch sử Lương Văn Bảo phát hiện một di tích lịch
sử – văn hóa đặc biệt có ý nghĩa, giá trị. Đó là đền Phya Đeng ở xã Cường Lợi.
Địa điểm đền ở vào một thế núi đẹp, cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã Cường Lợi
không xa, nhưng nay chỉ còn là một phế tích trong một vùng hoang rậm.
Qua khảo sát từ nhiều nguồn tư liệu nay còn rất ít ỏi rải
rác trong dân, thì đây là đền thờ Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế của nước Đại Cồ
Việt. Thế nhưng trong lời tế, khấn liên quan đến Đinh Tiên Hoàng lại có thêm cả
Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao từ thời nhà Lý.
Qua khảo sát sơ bộ chúng tôi thấy khởi đầu đền Phya Đeng thờ Khâu Sầm Đại Vương
Nùng Trí Cao, uy thiêng rất lớn. Về sau, đến thế kỷ XV, khi triều Lê sơ tăng cường
chế độ lưu quan từ miền xuôi lên vùng biên trấn ải, thì các quan chức, quận
công đó mới mang theo Quốc thần Đinh Tiên Hoàng cùng tôn thờ vào ngôi đền đó để
tạo thêm uy thế, chỗ dựa tinh thần cho việc an dân, giữ nước ở nơi có vị trí
chiến lược trọng yếu này (*).
Đền Phya Đeng theo tiếng Tày địa phương có nghĩa là đền thờ
thần ở “núi đỏ”. Theo các cụ già địa phương thì xưa kia nơi đây là một khu rừng
cổ thụ, có ngôi đền rất lớn, rất uy thiêng, người qua lại trên con đường trước
đền đều phải bỏ mũ nón, xuống ngựa.
Hàng năm tổ chức lễ hội rất to vào ngày Thìn tháng Tư âm lịch.
Chủ lễ do trưởng bản họ Nông phụ trách. Dân trong vùng đóng góp tiền của, mổ
trâu bò cùng khao hội, theo đó là các trò chơi như tung còn, đấu võ v.v…
Nay thì toàn bộ khu đền Phya Đeng đã hoang tàn, chỉ còn chút
địa danh phế tích. Sự hoang tàn bỏ phế này bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ
trước khi phong trào “khai hoang phát triển kinh tế và văn hóa” kết hợp với
phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, chống mê tín dị đoan đang phát triển mạnh.
Mong sao Luật di sản văn hóa tỏa ánh sáng về địa phương Cường
Lợi, Na Rì có thể tác động việc dựng lại di tích lịch sử – văn hóa đền Phya
Đeng đúng với tầm vóc ý nghĩa, giá trị thiêng liêng của nó.
Lương Văn Bảo