Đền Quán Đôi tọa tại số 178 Nguyễn Đình Hoàn, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, thờ phụng Lý hoàng hậu Phương Nương, vợ của tướng quân Lý Công Trinh và con trai là hoàng tử Lý Công Thống triều đại Lý Phật Tử.
Chính sử không nhắc đến nhưng truyền thuyết dân gian
và văn bia thần tích về ngôi đền Quán Đôi cho biết Phương Nương được thờ
ở đây là con gái của Trần Lữ, hào trưởng Tứ Kỳ, Hải Dương, gả cho
tướng Lý Công Trinh. Năm 602 quân Tùy xâm lược nước ta, bà cùng con trai mới
ba tuổi đi lánh nạn nhưng nhưng gặp tai ách thiệt mạng hóa thần.
Bà không chịu để tướng Lưu Phương ép hôn nên cả hai mẹ con
bị giết bên bờ sông. Về sau dân làng đã lập miếu thờ hai người, gọi là Quán
Đôi. Các vua thời Nguyễn ban sắc phong bà là Lý hoàng hậu, Trinh Khiết,
Đoan Phương công chúa, con là Dũng Vũ, Cương Nghị, Thống hoàng đế đại vương,
dân tế không được đọc hai chữ tên huý Phương, Thống.
Các trưởng lão làng An Phú và người coi đền l đều thuộc lòng
sự tích đền Quán Đôi với bức hoành phi ghi rõ "Linh Từ Quốc Mẫu" kể lại
rằng: Ngọc phả xưa ghi công tích của khai quốc công thần triều Lý, có công lớn,
một vị công chúa, một vị hoàng tử Đại Vương trong bản chính của Bộ lễ quốc triều
về công thần.
Trước đây dân chúng truyền lại rằng: Ở trang Yên Dũng, huyện
Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, có một vị tù trưởng họ Trần, tên là Lữ, vợ
là Vũ Thị Hoàn, vợ chồng hòa hợp, bản tính hiền lành, lấy việc nông trang làm
nghề sinh sống. Vào giờ mão, ngày 4 tháng 8 năm Bính Thân, bà sinh được một người
con gái. Hai vợ chồng vô cùng mừng rỡ, nuôi dưỡng hết sức chu đáo. Cô bé hồng
hào, rạng rỡ, dung mạo đẹp đẽ, trong lòng bàn tay trái có chữ Chủ màu đỏ. Ông
bà rất lấy làm lạ, cho rằng không phải người thường. Cô bé được chăm sóc đầy đủ,
lên 2 tuổi được đặt tên là Phương nương (nàng Phương).
Khi đã lớn, những lúc mẹ đi hái dâu, nàng Phương đều đi
theo. Thường có đám mây che trên đầu nàng Phương, bà mẹ trông thấy cho là việc
kỳ lạ liền về kể lại với chồng. Lữ công biết chuyện song vẫn giấu kín trong
lòng, không lộ ra với ai. Ngày tháng trôi qua, nàng Phương đã 18 tuổi. Bấy giờ
có một vị quan trong triều trên là Lý Công Trinh nghe tiếng nàng Phương vừa đẹp
lại vừa hiền hậu, đảm đang, liền đến xin được cưới nàng Phương về làm vợ. Ông
bà Lữ vô cùng mừng rỡ, ưng thuận cho Lý Công Trinh được cử hành hôn lễ, rước
nàng Phương về làm vợ.
Hai năm sau, nàng Phương sinh được một người con trai (vào
giờ Tý ngày mùng 8 tháng 12 năm Ất Mão). Đứa bé mặt mày sáng sủa, tai to, ngực
lớn, thân dài, tướng mạo khác thường. Tròn 100 ngày cậu bé được đặt tên là Thống.
Năm cậu Thống 18 tuổi, giặc Ma Na đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Tin ở biên giới
liên tục cấp báo về triều đình. Vua cho quan Bộ chủ Lý Công Trinh thay mặt vua
cầm quân đi dẹp giặc. Vừa tiến quân đến nơi đồn sở của giặc, quan Bộ chủ đã bị
tướng giặc giết hại ngay tại trận (ngày 17 tháng 5).
Mẹ con nàng Phương nghe tin dữ liền lên Bàng Châu nhận xác
quan Bộ chủ về mai táng. Tướng giặc trông thấy nàng Phương, rắp tâm muốn ép làm
vợ, song hai mẹ con nhất định không chịu. Tướng giặc nói: Nếu ưng thuận thì mẹ
sẽ được phong làm Hoàng hậu còn con sẽ được phong làm Hoàng tử. Hai mẹ con nàng
Phương vẫn dứt khoát từ chối, tướng giặc liền truyền quân lính đưa hai người đến
bờ sông Bàng Châu chém đầu.
Hai mẹ con nàng Phương giả vờ ưng thuận, nhưng tìm cách chạy
trốn đến ngôi quán ở trang Dịch Vọng Tiền thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn
Sơn Tây. Lúc ấy trời đã xế chiều, cả hai vừa đói vừa khát. Bấy giờ trong trang
có ông Lê Công Đoan vốn nhà giầu có lại hay làm việc thiện, thấy tình cảnh mẹ
con như thế mới hỏi rõ tên tuổi, ngọn ngành rồi chu cấp cho tiền của để sống
qua lúc ngặt nghèo.
Ba ngày sau bỗng dưng thấy trời đất tối tăm, mưa to gió lớn
nổi lên, hai mẹ con hóa ngay tại quán (ngày 21 tháng 5). Một lát sau trời lại
quang đãng sáng sủa. Dân làng kéo nhau ra xem đã thấy mối đùn lên thành ngôi mộ.
Từ đó nơi đây rất thiêng. Ai có trắc trở, khó khăn đến khấn cầu sẽ được bình
yên. Nhân dân bèn lập miếu thờ phụng.
Lại nói, lúc đó nhà vua nghe tin Bộ chủ thất trận, bèn thân
chinh đem quân đi dẹp giặc Ma Na. Quân lính đi qua bản trang Dịch Vọng Tiền tự
nhiên xa giá bị níu lại không thể tiến lên được. Vua lấy làm lạ, đến nửa đêm mộng
thấy hai người, một chàng trai và một đàn bà tự xưng là hai mẹ con, tâu rằng:
Chúng thần nghe tin nhà vua thân chinh đi dẹp giặc nên cùng nhau đến yết kiến
trước xa giá, xin đi theo lập công âm phù giúp nước. Nói xong bỗng thấy hai khối
lửa sáng bay ngay trước mắt.
Vua tỉnh dậy biết là Thần báo mộng, lập tức triệu dân trong
vùng đến hỏi rằng: Đêm qua ta bỗng nằm mơ thấy hai mẹ con tâu bày rất rõ ràng,
vậy ngôi miếu đó thiêng đến như thế nào? Bấy giờ mọi người mới kể lại đầu đuôi
câu chuyện. Vua bèn truyền cho dân chúng làm lễ tạ trước miếu.
Lễ xong bỗng thấy gió nổi lên, xa giá đi như bay. Một khắc
sau đã đến đồn sở của giặc, đánh một trận giáp công ồ ạt. Quân tướng giặc đại bại
chạy tan tác. Sau khi thắng trận trở về triều, vua lệnh đem sắc chỉ đến, truyền
cho nhân dân sửa sang đền miếu để thờ phụng hai mẹ con.
Vua lại ban thêm cho dân 100 quan tiền để chi dùng vào việc
đèn hương và sắc phong mỹ tự cho được thờ mãi, cùng hưởng lộc nước, làm mẫu cho
muôn đời. Phương nương được phong làm Lý Hoàng hậu, Lý Công Thống được phong
làm Thống Hoàng đế Đại vương, cho phép dân trang Dịch Vọng Tiền được làm Hộ nhi
trông nom đèn hương thờ phụng, được miễn phu phen tạp dịch.
Trong đền Quán Đôi hiện lưu giữ được một số câu đối, hoành
phi từ thời Nguyễn và tấm bia đá “Mục lục Thái Hoàng bi ký” do xã Duệ Tú khắc
ngày 17 tháng 8 niên hiệu Bảo Đại 16 (1941). Văn bia có chép việc bốn đời
vua nhà Nguyễn đã ban 05 đạo sắc phong cho Thần Mẹ và Thần Con, cụ thể
vào các năm: 1857, 1880 (Tự Đức), 1887 (Đồng Khánh), 1909 (Duy Tân), 1924 (Khải
Định).
Theo bản thần tích viết năm 1572, đền Quán Đôi thời đó
là một miếu nhỏ dựng theo hướng bắc-nam, được xem là nơi “chính linh”
(chính chỗ đất thiêng). Trải qua nhiều thế kỷ, ngôi miếu đã được xoay
hướng và trở thành đền trong địa phận làng An Phú. Ngày nay, đền toạ
lạc tại số 178 Nguyễn Đình Hoàn, thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP
Hà Nội.
Trong đền Quán Đôi.
Mặt đền quay về hướng đông nhìn ra sông Tô Lịch, phía
trước có Lầu Cô, Lầu Cậu và các cây cổ thụ rủ bóng mát, năm 2012
đã được gắn biển “cây di sản Việt Nam”. Đền hình “chữ Nhất” gồm 3
gian cửa gỗ, tường hồi bít đốc tay ngai, 2 trụ biểu có đắp câu đối
chữ Hán, bậc thềm sát lòng đường dẫn khách bước thẳng lên hàng hiên
hẹp trên nền cao. Gian giữa thờ Hoàng thái hậu và Thái tử. Ban bên hữu
thờ vọng Đức Thánh Trần Hưng Đạo đại vương.