Đền thờ Công chúa có tên là Ngọc Dung - con thứ 8 của Hùng Nghi Vương và 5 vị Thành hoàng là Cao Lễ Đại Vương, Cao Kha Đại Vương, Cao Đạt Đại Vương, Cao Tự Đại Vương, Đỗ Đốc Mãnh Đại Vương.
Đền Rối – chùa Minh Pháp tọa lạc dưới chân một quả đồi hình
bát úp rợp bóng cổ thụ tại thôn Trấn Ninh II, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái,
nằm cách Trung tâm thành phố chừng 3km, trên trục đường Âu Cơ ra cao tốc Nội
Bài - Lào Cai.
Thôn Trấn Ninh II vốn xưa kia có tên gọi thôn Trĩ Rối, thuộc
sách Hào Gia, tổng Bách Lẫm, tỉnh Hưng Hóa ở thượng du Bắc Bộ, được thành lập từ
năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng. Đây là vùng lâm tuyền kỳ thú, núi non quây quần,
thung khe trong mát, bốn mùa cây cối tốt tươi. Cư dân nông nghiệp quần tụ ở đất
này, hiền hòa đoàn kết, sơn trang yên ấm, mỹ tục thuần hậu.
Theo các bậc cao niên ở Tân Thịnh, đền Rối được khởi dựng
vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, ở Hạ Hòa, Phú Thọ ngày nay có một người tên là
Phạm Tà Chiêu vì không chịu cảnh đè nén áp bức của quan lại địa phương đã đưa vợ
con và người nhà đi thuyền ngược dòng sông Hồng và cuối cùng dừng chân ở đất
Tân Thịnh ngày nay, khai phá lập nên xóm làng.
Đây là vùng đất màu mỡ, lâm thổ sản phong phú, có địa hình thuận
tiện cho việc giao thương buôn bán với nhiều miền. Ông cũng là người đứng ra
xây dựng di tích Đền Rối, Chùa Rối và Đình Làng Yên.
Theo ngọc phả của Đền, thì ngôi đền thờ 5 vị Thành hoàng có
tên là Cao Lễ Đại Vương, Cao Kha Đại Vương, Cao Đạt Đại Vương, Cao Tự Đại
Vương, Đỗ Đốc Mãnh Đại Vương. Năm vị này là 5 anh em ruột, con của Cao Nghĩa và
Phùng Thị Thầm.
Vào đời Hùng Duệ Vương, núi Đông Sơn xuất hiện quái vật hại
người, hổ sói làm loạn, sát hại dân chúng. Hùng Duệ Vương ủy thác cho các tướng:
Cao Lễ Đại Vương, Cao Kha Đại Vương, Cao Đạt Đại Vương, Cao Tự Đại Vương, Đỗ Đốc
Mãnh Đại Vương đánh dẹp quái vật. Để ghi nhớ công ơn của họ, người đời sau đã lập
đền thờ.
Ngoài ra, Đền Rối còn thờ một công chúa có tên là Ngọc Dung
- con thứ 8 của Hùng Nghi Vương và Phạm Nguyên Phi. Trải qua các đời vua, Đền
Rối được 2 đạo sắc phong. Đạo thứ nhất được sắc phong vào ngày 8 tháng 6 (nhuận)
năm 1911 đời vua Duy Tân năm thứ 5; đạo thứ hai sắc phong vào ngày 25 tháng 7
năm 1924, đời vua Khải Định.
Đền có kiến trúc theo kiểu chữ nhất với một gian đại bái và
một gian hậu cung - được làm theo kiểu nhà sàn. Gian đại bái, còn giữ được
nguyên trạng kiến trúc mỹ thuật cổ triều Nguyễn với những đường nét chạm trổ
tinh xảo trên xà nóc, đầu bẩy và các bộ cửa võng theo đề tài: lưỡng long chầu
nguyệt, long ẩn, hổ phù, đề tài tứ linh, hoa, điểu…
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đền và
chùa Rối trở thành nơi ở và nơi làm việc của cán bộ cách mạng. Thời kỳ này, Đền
không có người thờ cúng, trông coi nên các cỗ ngai và đồ thờ tự được xếp vào một
nơi không ai chú ý đến. Đến năm 1953 thì 4 cỗ ngai bị mất, đến năm 1979 thì 5
bát hương bằng đá cũng bị thất lạc.
Trong đền, hiện còn giữ được khá nhiều hiện vật và đồ thờ cổ
như: ngai thờ, bát nhang, ngựa thờ, hòm sắc.
Trải qua các triều đại, Đền Rối được 2 đạo sắc phong. Đạo thứ
nhất được sắc phong vào ngày 8 tháng 6 (nhuận) năm 1911 đời vua Duy Tân năm thứ
5; đạo thứ hai sắc phong vào ngày 25 tháng 7 năm 1924, đời vua Khải Định.
Đặc biệt, các bức đại tự và câu đối với nét chữ tài hoa trên
chất liệu gỗ quý. Bức đại tự ở gian đại bái gồm ba chữ: Vân Phú từ - chính là
tên tự của đền. Bức thứ hai gồm năm chữ: Diên Trì Vương Mẫu (có nghĩa là nơi
ngao du của Vương Mẫu) được hoàn thành vào năm Mậu Dần - niên hiệu Bảo Đại).
Cùng với các bức đại tự, trong đền còn treo hai câu đối:
"Trạc trạc quyết ninh thi tán hóa/ Dương dương như tại bảo bình yên"
và "Thánh hóa viễn chiêm trưng thọ khải/ Mẫu nghi kiều ngưỡng khánh Hào
Gia" (Tạm dịch là "Yên vui thanh bình thực hiện nền giáo hóa/Mênh
mang như còn bảo vệ sự bình yên” và Sâu xa thay, giáo hóa của bậc thánh nhân
làm sáng tỏ niềm vui - Ngẩng trông bậc Mẫu nghi thiên hạ, vinh hiển đất Hào
Gia”)..
Ngược lên đỉnh đồi không bao xa là Chùa Rối. Ngôi chùa này
cũng nằm trong cụm Di tích lịch sử văn hóa đền, chùa Rối. Theo ngọc phả, chùa
được đổi tên là Minh pháp tự. Tọa lạc dưới tán đa cổ thụ bốn mùa tỏa bóng xanh
mát, Chùa Rối được dựng lên bởi chính sự linh nghiệm và tín ngưỡng tâm linh của
nhân dân trong vùng.
Năm 2004, chùa đã có sư cô, pháp danh Thích Đàm Hợi trụ trì.
Cũng từ đây, Di tích lịch sử văn hóa đền, chùa Rối thực sự trở thành điểm đến
tâm linh hội tụ cả ba yếu tố Thiên - Địa - Nhân kỳ diệu, thu hút đông đảo
tăng ni phật tử và du khách thập phương tham quan, chiêm bái.