Đền Rừng Cấm và đình Quang Húc gắn với huyền thoại Thời Hùng Vương thứ XVIII. Nhờ công lao của Đức thánh Tản Viên cùng hai em là ông Hiền, ông Sùng và hai anh em người làng Quang Húc là Trần Hà, Trần Giới nên đã hai lần chiến thắng giặc Thục.
Nằm trong quần thể di tích lịch sử đình - đền - chùa, đền Rừng
Cấm và đình Quang Húc (xã Quang Húc, huyện Tam Nông) không chỉ đơn thuần là nơi
diễn ra các hoạt động văn hóa tinh thần sống động của người dân địa phương đậm
nét dấu ấn tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương; mà nơi đây còn khẳng định lịch sử
trường tồn của một ngôi làng nhỏ bên dòng sông Bứa trong xanh.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đền Rừng Cấm và đình
Quang Húc không còn giữ được trọn vẹn nét nguyên sơ ban đầu nhưng những dấu
tích còn lại gợi không ít suy tưởng cho những người muốn tìm về chốn xưa.
Ngôi đền thiêng giữa đại ngàn
Từ bao đời nay, dân làng Quang Húc (huyện Tam Nông) vẫn truyền
miệng những câu chuyện huyền huyền thoại gắn với lịch sử dân tộc về ngôi đền
thiêng trong Rừng Cấm mà chỉ cần nhắc đến tên khu rừng, ngay cả người dân bản địa
cũng e ngại vì sợ mạo phạm.
Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, đền Rừng Cấm và
đình Quang Húc gắn với huyền thoại Thời Hùng Vương thứ XVIII. Nhờ công lao của
Đức thánh Tản Viên cùng hai em là ông Hiền, ông Sùng và hai anh em người làng
Quang Húc là Trần Hà, Trần Giới nên đã hai lần chiến thắng giặc Thục.
Để tưởng nhớ công ơn của các vị thần, người dân làng Quang
Húc đã cùng nhau góp công, góp sức xây dựng nên ngôi đền. Được các vị thần báo
mộng nên ngôi đền này đặc biệt ngay từ vị thế lựa chọn để xây dựng.
Tọa lạc ở mảnh đất cát địa như tòa sen, trên đỉnh Rừng Cấm -
vị trí cao nhất vùng, theo truyền thuyết ở đây có ghi hai bà Trưng phất cờ khởi
nghĩa; đằng sau là “huyền ngũ cao dầy” núi non trùng điệp; hai bên tựa vào dãy
núi thế “long quần”, “hổ ngồi”; trước mặt là dòng sông Bứa như dải lụa xanh vắt
mình qua cánh đồng bốn mùa trù phú, màu mỡ. Bao bọc xung quanh đền là đại ngàn
âm u và tĩnh lặng, bởi thế ngôi Đền càng thêm vẻ huyền bí, linh thiêng.
Được cho là xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII nhưng do bom đạn
và thời gian tàn phá, mãi đến năm 2004, đền Rừng Cấm mới được tu sửa và hoàn
thành vào cuối năm 2005.
Dấu tích còn lại là những tầng bậc đá ong và một đế chân cột
xếp dọc theo lối cổng lên đền. Ngôi đền được xây dựng kiểu chữ Nhất với tổng diện
tích là 360m2. Trong đó, đền chính rộng 36m2 thờ Tam vị thượng đẳng thần gồm: Đệ
nhất Tản Viên Sơn đại vương (Nguyễn Công Tuấn), Đệ Nhị Cao Sơn đại vương (Nguyễn
Công Hiển), Đệ Tam Trung đại vương (Nguyễn Công Sùng) ở chính cung và Nhị vị đại
Vương gồm: Đệ Tứ Giới thần đại vương (Trần Giới), Đệ Ngũ Hạ thần đại vương (Trần
Hà) ở tả ban, hữu ban.
Đền còn có tả mạc, hữu mạc là nơi để nghỉ ngơi cho người dân
đến cầu, cúng. Dù mới được tôn tạo và xây dựng lại nhưng không vì thế mà ngôi đền
mất đi vẻ uy nghi vốn có. Để lên được đền, ta phải trèo qua 205 bậc đá và một lối
mòn đầy lá mục. Người dân nơi đây tin vào sức mạnh siêu phàm của đức thánh thần
và vì thế, ngôi đền là cầu nối giữa họ với các bậc thần linh.
Nhân dân lên đền để cầu an trong những dịp lễ tết hay cầu
may khi muốn làm một việc lớn. Những câu chuyện xung quanh đền Rừng Cấm được kể
bằng sự kính nể không giấu giếm, đó cũng là những câu chuyện để nhắc nhở, giáo
dục con cháu sống hướng tới “chân, thiện, mỹ”.
Đình Quang Húc trầm mặc và cổ kính
Nếu đền Rừng Cấm là nơi thờ vọng Tam vị thượng đẳng thần và
Nhị vị đại vương thì đình Quang Húc được xây dựng để thờ chính và tổ chức lễ tế
vào dịp lễ hội mùng 9, mùng 10 tháng hai âm lịch hàng năm.
Đình Quang Húc nằm trên gò cao, quay về hướng Đông Bắc. Phía
tây là con sông Bứa chạy dài theo, có rừng Tập Ngựa liên quan đến 18 vị tướng
quân trong truyền thuyết Hùng Vương. Khi nhắc đến ngôi đình đã được công nhận
là Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1992 này, người dân Quang Húc
không khỏi tự hào với gốc gác, ý nghĩa tên làng mình còn in đậm bút tích ngay từ
đôi câu đối lối vào trong trước cửa hậu cung của ngôi đình:
“Quang thiên chi hạ thần công hiển
Húc nhật vinh thăng thánh đức luân”
Tạm dịch là:
"Chiến công hiển hách của thần như cỏ cây rác rưởi dưới ánh
sáng mặt trời
Sự nghiệp công danh của thánh tôi quý như mặt trời mọc".
“Quang” là ánh sáng, “Húc” là bóng sáng mặt trời mọc. Hai chữ
“Quang Húc” có ý nghĩa là vầng ánh sáng, rực rỡ như mặt trời mới mọc đủ nói lên
tính chất thiêng liêng, trang nghiêm đẹp đẽ của tên làng và ngôi đình Quang
Húc.
Được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII với kiểu chữ
Đinh truyền thống, đình có tổng diện tích là 6624m2 gồm phần hậu cung, tả mạc,
hữu mạc, nhà đại bái 5 gian, sân đình hành lễ, sân trước nhà đại bái, sân trước
vào cổng đình. Trải qua nhiều lần tu sửa, ngôi đình vẫn được giữ được kiến trúc
cũ và may mắn giữ được gần như nguyên vẹn phần hậu cung độc đáo lúc ban đầu.
Bên trên xà thượng ngay cửa vào hậu cung còn bức hoành phi
sơn son thiếp vàng có bốn chữ “Thánh cung, Vạn tuế”, Lối đi vào trước cửa hậu
cung có 2 câu đối: “Nam thiên hiến thánh trị dân phúc/ Bắc địa sưng thần cử quốc
tôn”.
Ngoài ra, những vòm cong của trụ đỡ kèo, cột được chạm trổ,
điêu khắc đầy nghệ thuật; những cột gỗ lim sần sùi, nứt nẻ hay bộ chấp kích 16
chiếc cùng những di vật khác vẫn được giữ gìn cẩn thận chính là minh chứng cho
vẻ đẹp thuần hậu, nguyên sơ nơi đây của lịch sử văn hóa dân tộc trên 300 năm
trôi qua.
Hiện nay, 17 đạo sắc phong qua các thời vua Minh Mệnh, Thiệu
Trị, Thành Thái, Duy Tân, Tự Đức và Đồng Khánh vẫn được giữ gìn nhưng thật tiếc
khi chưa có ai giải mã được hết để thấy được đầy đủ vẻ đẹp, ý nghĩa của ngôi
đình này.
Có thể nói, đình Quang Húc có một sắc thái khác thường, nơi
đây tôn thờ Tản Viên Sơn thánh - Một trong bốn vị thần “bất tử” của thần thoại
Việt Nam và cúng thờ các vị thánh thần thời Hùng Vương dựng nước. Ngoài ra,
trong khuôn viên đình Quang Húc còn có miếu thờ Đệ thất Quế Hoa công chúa (Quỳnh
Hoa) và Đệ lục Quỳnh Hoa công chúa (Quỳnh Nương) rất thiêng gắn với tích về chiến
công hiển hách của bà Quỳnh Hoa, Quế Hoa giúp Nhị vua Hai Bà Trưng đánh giặc Tô
Định. Điều này nói lên thế giới tâm linh độc đáo của dân làng Quang Húc mà ở
đó, thế giới thiêng liêng chỉ có những gì cao cả nhất, lương thiện và đẹp đẽ nhất.
Đình, đền Quang Húc với những giá trị lịch sử vô giá đã góp
thêm sự giàu có trong kho tàng lịch sử văn hóa dân tộc. Gắn với những câu truyện
dân gian độc đáo, đình Quang Húc và Đền Rừng Cấm trở thành nơi thực hành tín
ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thể hiện lòng tri ân hướng về cội nguồn dân tộc của
con cháu đất Tổ Vua Hùng.
Thùy Linh