Đền Sĩ Nhiếp Thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, cách chùa Dâu khoảng 1km, đền thờ nằm ở giữa cánh đồng (trong khu thành Luy Lâu xưa). Để đến được phải đi bộ qua con đường đất nhỏ và bờ ruộng.
So với chùa Dâu thì đền quả là quá nhỏ bé. Chỉ là mấy gian
nhà ngói trông như một số đình, chùa của một làng nào đó. Dấu tích còn sót lại là
chiếc cầu đá, bên trong đền là pho tượng Sĩ Nhiếp tồn tại gần 1800 năm nay.
Tam Á xưa là một xã (Nhất xã/ nhất thôn) thuộc tổng Tam Á,
huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. nay là làng Tam Á, xã Gia Đồng,
Thuân Thành, Bắc Ninh. Sỹ Nhiếp được nhân dân địa phương thờ làm Thành Hoàng
làng, ngôi đình làng nay không còn. Mọi việc nghi lễ thờ Sỹ Nhiếp sau đó được
thờ tại Đền.
Sĩ Nhiếp (Hán tự: 士燮) (137-226) tự là Ngạn Uy, tổ tiên
là người Vấn Dương nước Lỗ. Khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, tổ tiên Sĩ Nhiếp
mới tránh loạn sang ở đất Quảng Tín, quận Thương Ngô. Đến đời ông cụ thân sinh
ra Sĩ Nhiếp là sáu đời.
Ông thân sinh tên là Sĩ Tứ làm Thái thú quận Nhật Nam thời
Hán Hoàng Đế, cho Sĩ Nhiếp về du học ở kinh sư, theo học Lưu Tử Kỳ người Dĩnh
Xuyên, chuyên trị sách Tả Thị Xuân Thu. Sĩ Nhiếp đỗ hiếu liêm, được bổ Thượng
thư lang, vì việc công bị miễn chức, rồi về chịu tang cha. Sau lại đỗ Mậu tài,
bổ làm Huyện lệnh Vu Dương, sau đổi làm Thái thú quận Giao Chỉ, được tước Long
Độ Đình Hầu, đóng đô ở Liên Lâu (tức Long Biên) vùng Dâu – Luy Lâu nay.
Là Thái thú đất Giao Chỉ (nay tương ứng với miền Bắc Việt
Nam) vào thời Bắc thuộc từ năm 187 đến năm 226 (cuối thời Đông Hán, đầu thời
Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc). Ông được coi là một vị quan cai trị có tài
và được giới Nho học phong kiến Việt Nam sau này suy tôn là một trong những
nhân vật mở đường cho Nho giáo ở Việt Nam.
Khu di tích Đền và lăng mộ Sỹ Nhiếp – “Nam giao học tổ” nằm
trên một gò đất cao phía tây bắc cuối làng Tam Á, Là nơi mà theo các tài liệu
và văn bia còn được lưu giữ tại đây cho biết chính là nơi Sỹ nhiếp đã mở trường
dậy chữ Hán và truyền thụ Nho Giáo đầu tiên ở nước ta. Ngôi đình hiện nay được
tạo dựng theo kiểu chữ “Đinh” gồm 5 gian tiền tế phía trước, tiếp lối là 3 gian
hậu cung, lien kết kiến trúc kiểu giá chiêng, chồng giường, kẻ truyền.
Trước ngôi Đền là khoảng sân rộng, hai bên là hai dẫy nhà
hành lang, mỗi bên 9 gian và tổng là 18 gian. Đặc biệt, phía ngoài đền vẫn còn
hiện hữu công trình kiến trúc to lớn cổ kính là cổng đền, có kiến trúc theo lối
ngũ môn hai tầng 8 mái ( nay đã bịt mất hai cửa phía ngoài hai bên) phía trên vẫn
còn rõ 4 chữ Hán lớn đắp nổi “ Nam giao học tổ “ ở mặt trước và mặt sau là “ Hữu
công nho giáo” và các câu đối bằng chữ Hán được ghi trên mặt trong/ ngoài trụ cột
của cổng đền.
Trong hậu cung đền thờ tượng Sỹ Nhiếp chất liệu bằng đồng,
hai bên phía ngoài là các tượng quan văn, võ đứng chầu, mỗi bên 5 tượng và tổng
là 10 tượng với vai trò cận vệ bằng đất cao 1.60m. Trong đền hiện còn 3 bia đá:
“ Sỹ Vương miếu bi ký tinh mệnh” có niên đại TK XVII; Bia “ Lệnh luận bi”, dựng
năm 1801; Bia ‘ Lệnh chỉ bi ký” dựng năm 1763, những tấm bia này có nội dung ca
ngợi công lao của Sỹ Nhiếp trong việc truyền dậy chữ Nho và lễ thức nho giáo
vào nước ta; Một con Cừu đá; Một bả thần tích bằng chữ Hán sao chép lại năm
1763. Khu lăng mộ phía sau đền, hướng tây bắc, xung quanh xây tường hoa con tiện
và một ban thờ ở chính giữa phía trong lối vào trước gò mộ của Sỹ Nhiếp.
Trước lăng mộ bên trái còn có một con Cừu đá nằm ở tư thế quỳ
phục (giống con Cừu đá đặt ở đằng trước dưới chân tháp Hòa Phong – chùa Dâu).
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí ”: Công trình thờ phụng này có từ lâu, nhưng
trải trường kỳ lịch sử nó đã được tu sửa nhiều lần, hiện nay dấu tích kiến trúc
nghệ thuật thời nguyễn còn lại là chủ yếu.
Ngoài việc nhân dân địa phương duy trì hương khói thờ phụng
quanh năm, hăng năm còn tổ chức lễ hội và thực hiện những lễ thức tế lễ và rước
hội, diễn ra trong 3 ngày từ ngày mồng 5 đến hết ngày mồng 7 tháng giêng.
Nhìn tổng thể từ phía ngoài ta sẽ thấy khu đền gồm tam quan
(Ngũ môn nay bịt 2 lối và sát ngoài còn tam môn) khoảng san rộng, nhà Tiền Tế,
Hậu Cung và hai dẫy nhà hành lang hai bên, ẩn hiện trong cả một rừng cây cổ thụ
quanh năm xanh tốt –
Là một trong những di tích đã được nhà nước xếp hạng và cấp
băng công nhận là di tích LSVH - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc Gia từ năm 1964.
Nơi đây được biết đến là một điểm tham quam du lịch – Văn hóa tâm linh quan trọng
ở vùng quê Thuận Thành, Bắc Ninh./.
Nho Thuận