Đền Sọ, nằm ở thôn Phù Lỗ Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thờ Thánh Gióng. Đền Sọ được 3 tổng: Phù Xá, Xuân Nộn, Phù Lỗ cùng lo việc thờ cùng và tổ chức lễ hội, do vậy, đền có được gọi là đền Tam tổng hay đền Tam tổng Phù Lỗ.
Theo truyền tích, đền Sọ là nơi Thánh Gióng dừng chân nghỉ
ngơi, gội đầu trên đường đi đánh giặc Ân. Đền Sọ vốn là ngôi đền vào loại to nhất
trong vùng Phù Lỗ, tọa lạc trên khoảng đất cao, thoáng đãng ven sông Cà Lồ.
Theo truyền thuyết dân gian và sử sách để lại, đền Sọ được
xây dựng trên vùng đất mang tên Kẻ Sọ. Đền được xây dựng bề thế từ thời Lê
Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức, trên nền đất cũ của ngôi đền nhỏ dưới thời Hùng
Vương. Đền Sọ là công trình kiến trúc độc đáo và kì công, phía Nam nhìn ra
sông, tạo thế phong thủy kì vĩ, linh thiêng.
Đền có 5 tòa nhà cao to, mái cong. Dãy tiền tế 7 gian 2
chái, có tam cấp chạy suốt, dùng là nơi để đồ tế lễ trong ngày hội. Nối liền
gian giữa là hậu cung, trên đặt ba bộ ngai lớn, bên trên đặt bài vị Phù Đổng
Thiên Vương và sắc phong thánh, Mẫu Vương và sắc phong thần, cùng Long Vương và
sắc phong thần.
Kế bên là khu nhà rộng, nơi cất giữ tán, lọng, kiệu, bát biểu
và các đồ thờ khác. Hai bên phía ngoài sân đền là hai dãy tả mạc và hữu mạc, mỗi
dãy 10 gian – dùng cho các làng đặt kiệu khi dự hội. Vườn đền kéo rộng tới cổng
vào. Đền trải qua hai lần trùng tu lớn, năm 1741 và 1921.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đền Sọ bị tàn phá nặng
nề. Đến cuối những năm 90 của thế kỉ XX, dân trong vùng tu bổ phục hồi đền như
ngày nay. Đền Sọ hiện nay rộng hàng trăm mét vuông với 5 gian đại tế và hậu
cung. Ngay gian áp hậu cung có 3 bệ gạch xây lên làm ban thờ Thánh Gióng (ở giữa),
Mẫu Vương và Long Vương (ở hai bên).
Trong các cổ vật còn lưu giữ được tại đền, đặc biệt có một tấm
bia đá ghi rõ việc 52 xã trong Tam tổng phụng thờ Phù Đổng Thiên Vương. Giếng đền
là một di tích cổ được lưu giữ lại và tu bổ, tôn tạo thêm. Đền được Bộ Văn hóa
và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1997.