Đền Sông thờ các vị thần: Lạc Long Vương thượng đẳng thần, Hà Bá thủy quan đại vương và Ngư Phụ tiên sư. Lạc Long Vương chính là thủy tổ của người Việt cổ.
Đền Sông nằm trên địa bàn thôn Đại Thần, xã Đồng Tháp, huyện
Đan Phượng. Đền Sông vốn là nơi thờ tự của ba vạn chài: Vạn Thượng (nay thuộc
thị trấn Phùng), Vạn Giữa (nay thuộc thôn Đại Thần) và Vạn Hạ (nay thuộc xã
Dương Liễu). Ngôi đền chính là nơi thờ các thủy thần của ngư dân – những người
làm nghề chài lưới trên dòng sông Đáy xưa.
Theo truyền thuyết dân gian ở địa phương thì đền Sông thờ
các vị thần: Lạc Long Vương thượng đẳng thần, Hà Bá thủy quan đại vương và Ngư
Phụ tiên sư. Lạc Long Vương chính là thủy tổ của người Việt cổ. Như đình Thọ Vực,
đền Sông cũng thờ hệ thống tín ngưỡng nguyên thủy này.
Vị Hà Bá thủy quan đại vương, theo truyền thuyết dân gian là
vị thủy thần gắn bó chặt chẽ và chi phối đến cuộc sống của ngư dân sông nước.
Hà Bá là vị thần cai quản các dòng sông, cửa biển. Ngư Phụ tiên sư là vị tổ nghề
của cư dân sông nước.
Đền Sông nằm bên tả ngạn Sông Đáy trên một khu đất rộng
4.000m2, khuôn viên di tích có nhiều cây cổ thụ tạo nên cảnh quan thiên nhiên
yên tĩnh, thoáng đãng, mát mẻ hấp dẫn khách đến tham quan vãn cảnh.
Do sự biến thiên của lịch sử và tàn phá của thời gian, ngôi
đền đã có nhiều biến đổi không còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Kiến trúc ngôi đền
hiện nay là kết quả của lần trùng tu vào năm 1954. Hơn 50 năm qua, nhân dân địa
phương đã tu sửa nhỏ vài lần, nay đền có quy mô kiến trúc nhỏ bé ẩn mình dưới
bóng gốc cây cổ thụ.
Từ ngoài vào, ngôi đền gồm các công trình kiến trúc: Tam
quan Đền, Nhà ống muống, Nhà Tiền tế và Hậu cung.
Tam quan Đền được làm theo kiểu ba vòm cửa. Cửa chính giữa
cao rộng, phía trên là bức cuốn thư lớp đắp bằng vữa. Bốn chim Phượng chụm đuôi
vào nhau quay đầu ra bốn phía tạo thành hình quả dành. Dưới có bốn mặt trụ đắp
nổi hình Hổ phù, các góc trụ đắp nổi tứ linh: Long – Ly – Quy – Phượng. Thân trụ
có đôi câu đối chữ Hán.
Nhà ống muống liền với tam quan là ngôi nhà ba gian chạy dọc
làm đơn giản, xây theo kiểu nhà đầu hồi bít đốc, vì kèo làm theo kiểu quá giang
suốt trốn cột.
Di tích lịch sử, cách mạng đền Sông
Nhà Tiền tế gồm ba gian được xây theo kiểu nhà đầu hồi bít đốc,
tường hồi làm theo kiểu tay ngai, trên phần tay ngai đắp nổi hình vân mây xoắn.
Liền với tường hồi là phần bình phong và trụ biểu; trên cùng của trụ biểu là
hình con nghê đắp bằng vữa. Hai đầu bờ nóc của tiền tế đắp nổi hai hình đầu rồng
và hình lá.
Nhà Tiền tế có phần mái sau ngắn, bộ vì kèo được làm theo kiểu
chồng dường kẻ chuyền. Phần kiến trúc gỗ được làm đơn giản. Đề tài chạm khắc chủ
yếu là hoa lá, văn hình học. Bên trong nhà tiền tế trên các bức tường ngăn, tường
hậu, tường hồi đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, hình cuốn thư và vẽ màu các
đề tài hình voi chiến, hộ pháp, đại tự, hoành phi…
Hậu cung liền với gian giữa về phía trong, tạo thành một
ngôi nhà chạy dọc gồm bốn gian, hai gian trong cùng được ngăn riêng tạo thành
cung cấm. Kiến trúc hậu cung được đắp nổi vẽ màu các đề tài rồng mây, hổ phù,
hình rồng uốn khúc và ngựa thờ. Hậu cung kê các nhang án thờ bày các đồ tự khí.
Trong cung cấm bày long ngai bài vị và các đồ tế khí khác. Trước đây, ngôi đền
còn có nhà đại bái nhưng do bị dột nát, làng đã hạ giải vào năm 1958.
Nhìn chung, Đền Sông có kiến trúc quy mô nhỏ bé, nghệ thuật
chạm khắc trang trí đơn giản, mộc mạc. Các công trình kiến trúc chính nối liền
nhau tạo thành kết cấu kiến trúc hình chữ thập.
Hiện nay, Đền Sông còn bảo lưu, giữ gìn được một số di vật
có giá trị như: 15 đạo sắc phong – đó là đạo sắc phong của các triều vua phong
cho các vị đã được thờ trong đền. Sắc phong có niên đại sớm nhất vào năm Cảnh
hưng thứ 44 (1783). Có 03 sắc phong thời Tây Sơn là các sắc Quang Trung năm thứ
5 (1792), Cảnh Thịnh năm thứ nhất (1973) và Bảo Hưng năm thứ hai (1802); 07 đôi
câu đối; 01 bức hoành phi; 03 bộ kiệu được làm từ cuối thời Lê và các đồ thờ
qúy khác.
Không chỉ là di tích lịch sử, Đền Sông còn là một di tích
cách mạng
Không chỉ là di tích lịch sử, trong cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp xâm lược, Đền Sông là điểm hội họp, liên lạc bí mật của cơ sở
cách mạng rất an toàn. Tại đây, ngày 19/5/1947, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ
nhất đã tổ chức an toàn. Đại hội đã nhận định tình hình kháng chiến và đề ra chủ
trương tiếp tục chỉ đạo kháng chiến đi đến thắng lợi.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đền Sông là nơi sơ tán vũ khí của
Tổng cục kỹ thuật – Bộ Quốc phòng. Với sự kiện Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất
và là nơi hoạt động bí mật thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đền Sông được xem
như một di tích cách mạng và được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch) công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia từ năm 1990.
Hàng năm, vào đầu xuân (Mồng 6 tháng Giêng) làng Đại Thần tổ
chức lễ hội tại Đền Sông, dân làng dâng phẩm vật cúng tế trước Thành hoàng làng
thành kính cầu mong các vị thủy thần linh thiêng phù cho ngư dân cuộc sống an
bình no đủ, nước thịnh dân giàu.