Đền Tam Giang Thượng (phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì) hay còn gọi là đền thờ Quách A Nương nằm yên bình đón gió ven ngã ba hợp lưu của sông Hồng, sông Lô và sông Đà. Nơi đây thờ nữ tướng anh hùng Quách Gia Nương Đức Sinh Khâu Ni đã có công giúp Hai Bà Trưng giết giặc, cứu dân, cứu nước.
Đền Tam Giang Thượng, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì.
Tương truyền, đức Quách Gia Nương Đức Sinh Khâu Ni sinh ra
và lớn lên tại vùng đất Bạch Hạc, tên thật là Quách Gia, là con gái độc nhất
trong gia đình. Vốn có tính tình khảng khái, chính nghĩa, yêu thương đồng bào
nên Quách Gia rất căm thù giặc Đông Hán đô hộ ngang ngược, hoành hành cướp bóc
của nhân dân. Khi được 16 tuổi, cha mẹ Quách Gia mất, lo liệu tang lễ xong, bà
chào từ biệt dân làng quyết chí đi tu.
Sau này trở về, bà bốc thuốc chữa bệnh, được nhân dân tin
yêu, bà tập hợp dân làng rồi dạy cách phóng lao, đánh giáo, múa kiếm, bắn cung
… trước là để chống thú dữ, sau là đuổi giặc.
Tiếng lành đồn xa, nghĩa sĩ ở khắp nơi đều tụ về dưới trướng
bà. Quách Gia Khâu Ni bèn dựng cờ khởi nghĩa, tập luyện thủy quân, chờ dịp nổi
dậy. Năm 40 (Canh Tý), Hai Bà Trưng truyền hịch tới 65 thành trong cả nước, kêu
gọi các hào kiệt đứng lên giúp nước.
Quách Gia Khâu Ni đáp ứng lời hịch, cùng quân sĩ họp mặt tại
Mê Linh yết kiến Trưng Vương nữ chủ - được phong làm “Tiên phong tả tướng”. Sau
khi giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi Thái thú Tô Định ra khỏi bờ cõi, Bà Trưng lên
ngôi, phong Quách Gia là “Đức hạnh đoan trang trinh thục công chúa”, được cấp
hai vùng đất Bạch Hạc và Nhật Chiểu (nay là thôn Cựu Ấp, xã Liên Châu, huyện
Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) làm thực ấp.
Từ đây bà mở mang thực ấp, trồng dâu, nuôi tằm, đắp bờ, cấy
lúa được ba năm thì mất, nhân dân tưởng nhớ công ơn nên lập đền thờ bà tại đất
Bạch Hạc. Sau này, nhiều đời vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Thái Tôn,
Lê Thái Tổ đều sắc phong các danh hiệu cao quý cho bà.
Đền thờ Quách Gia Nương Đức Khâu Sinh đã được công nhận là
di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong thời kì chiến tranh, đền bị giặc phá hư
hỏng nặng, tới năm 2007 đền được nhân dân trong vùng công đức để xây dựng lại với
tổng diện tích khoảng 700m 2 , bố cục ngoài cùng là cổng tam quan, phía trong
là cung chính thờ đức bà và các quan, trong cùng là nhà bếp.
Hàng năm, cứ vào ngày 10/2 âm lịch – ngày sinh và ngày 15
tháng Chạp - ngày hóa của đức Quách Gia Nương Đức Sinh Khâu Ni, nhân dân tại Bạch
Hạc lại tổ chức lễ tế linh đình để tưởng nhớ công ơn của người nữ tướng đã có
công dẹp giặc, ổn định bờ cõi. Tại đền thờ hàng ngày đều mở cửa cho bà con tới
thắp hương tưởng nhớ, xin đức Quách Gia Nương phù hộ.
Đền Tam Giang Thượng
thờ đức Quách Gia Nương Đức Sinh Khâu Ni có ý nghĩa tinh thần quan trọng đối với
nhân dân Bạch Hạc nói riêng và các địa phương khác nói chung; thể hiện đạo
nghĩa “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc, tỏ lòng biết ơn vị tiền nhân
đã có công với nhân dân, đất nước.