Đền Thánh Mẫu, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình thờ phụng Hoàng hậu triều đại Đinh Tiên Hoàng, hiệu Trinh Minh hoàng hậu. tên húy là Đinh Thị Tỉnh.
Đền thờ Trịnh Minh Hoàng hậu cùng với đền thờ 4 người anh
trai của bà ở thôn Bắc, xã Đông Sơn hiện là những di tích quan trọng thờ các vị
thành hoàng làng Phù Lưu xưa, nay là xã Đông Sơn. Đền còn lưu giữ nhiều sắc
phong thời Nguyễn và cuốn thần tích chữ Hán do Đông Các Đại Học Sĩ Nguyễn Bính
soạn được sao vào năm 1739.
Mặt tiền đền Thánh Mẫu
Vị trí đền thánh mẫu, còn được gọi là “Quốc Mẫu từ”
Từ thành phố Thái Bình theo quốc lộ 10 đi Hải Phòng khoảng
14 km rẽ tay phải, theo đường liên xã đi vào thôn Trung, rẽ trái 200 m là đến đền
“Quốc Mẫu Từ”. Đền nằm trên diện tích gần 2 sào Bắc bộ, bốn mặt giáp đường giao
thông liên xóm, liên thôn. Đền Thánh Mẫu nằm trên địa bàn thôn Trung, xưa thuộc
xã Phù Lưu, tục gọi là làng Phù. Đây là vùng đất huyện Cổ Lan thời Trần. Sau đổi
là Tây Quan; thế kỉ 19 là Đông Quan - nay là huyện Đông Hưng, tỉnh Thái
Bình.[2]
Kiến trúc đền đền Quốc Mẫu
Đền Thánh Mẫu là một công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc
gỗ đã được trùng tu vào cuối thế kỉ thứ 19. Đền quay mặt hướng Đông Nam, gồm
các công trình: Đền và tào xá, tắc môn, hoành mã, giếng nước, đền kết cấu chữ
Đinh, gồm 2 tòa, 7 gian, 5 gian tào xá.
Tổng thể công trình được khép kín bởi tào xá, tường bao
viên, hoành mã tắc môn, có giếng nước trước cửa đền làm cho ngôi đền toát lên vẻ
uy linh, thâm tĩnh của một nơi thờ bậc mẫu nghi thiên hạ. Đây là một thắng cảnh
độc nhất vô nhị ở huyện Đông Hưng.
Đền chính kết cấu chữ Đinh gồm 2 tòa. Tòa đại bái gồm 5
gian, lợp ngói vảy rồng. Hệ thống cột đá xẻ vuông đứng trên chân tảng đá, đội đấu
gỗ, đỡ bẩy hiên. Cột đá được soi chỉ chìm, chạm khắc các họa tiết cúc dây và nhấn
câu đối chữ Hán. Ngưỡng bao gỗ, soi chỉ kép, chạm trổ độc đáo. Thềm lát đá phiến,
dật tam cấp, có mở cửa đại, 2 cửa sổ.
Tòa đại bái dài 9 m, rộng 4 m, cao 4 m. Hồi văn năm đấu, lợp
ngói mũi. Vì kèo kiểu chồng cốn đấu sen. Đặc biệt hệ thống đầu dư đỡ bẩy hiên bằng
gỗ được chạm trổ công phu, một con nghê đứng trên đầu, ghé vai đỡ bẩy. Nét chạm
uyển chuyển, kênh bong rất đẹp. Trên diện tích 3 khoảng phân chia đều của Y
môn, chính giữa chạm nổi một con phượng, tư thế sải cánh, đạp mây. Hai bên là
hai con vật được cách điệu đầu rồng, thân là cành hoa lá.
Trong hậu cung có hình tượng con rồng được thể hiện trên mảng
cốn, bức đại tự dài 2 m, rộng 1 m có khắc nổi 3 chữ Hán: “Quốc Mẫu Từ”. Trong
khán từ có 3 cỗ ngai, 3 bài vị thời Lê ở thế kỉ 17 khá lớn và rất đẹp, là ngai
thờ vọng cha mẹ bà và ngai thờ Hoàng hậu. Trong hậu cung đền còn lưu giữ tượng
gỗ thị nữ chầu, tượng hoàng hậu ngự trên ngai và khám thờ chạm trổ tinh vi rất
đẹp mắt.
Trước đền là giếng nước cổ có từ ngàn năm nay. Theo như các
cụ xưa truyền lại giếng có cống nước vào và cống nước ra, người bình thường
chui qua lọt, nước giếng lúc nào cũng trong veo. Giếng là linh hồn của ngôi đền
và có thể giếng là cách điệu danh xưng của Hoàng hậu Thánh Mẫu Đinh Tỉnh Nương
(chữ Tỉnh chiết tự chữ Hán nghĩa là Giếng).
Căn cứ theo thần tích, ngọc phả, sắc phong, đền thờ và lời
di ngôn từ xưa để lại tại địa phương thì rất có thể đền “Quốc Mẫu Từ” thôn
Trung Sơn, làng Phù Lưu, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, Thái Bình là nơi chôn cất
phần mộ và hương khói cho Hoàng hậu triều Đinh. Trong sắc phong ở đền thờ Hoàng
hậu nhà Đinh có ghi: Trinh thục Hoàng hậu. Trong số 5 bà Hoàng hậu nhà Đinh, vị
Hoàng hậu thứ 2 có tên là Trinh Minh Hoàng hậu.
Huyền thoại Thánh Mẫu Đinh Thị Tỉnh.
Thần tích kể lại: Ông Đinh Công Đoan, quê Lam Sơn, Châu Ái,
Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa vốn là tướng văn võ toàn tài, đi
theo Ngô Quyền lập được nhiều công lao, được phong chức tri phủ Cổ Lan.
Sau khi Ngô Vương Quyền mất, đất nước lâm vào cảnh loạn 12 sứ
quân, tại Phù Lưu 5 người con của Đinh Công Đoan là Đinh Dương Xá, Đinh Uy
Linh, Đinh Đại Mộc, Đinh Bắc Phương, Đinh Thị Tỉnh cũng chiêu tập binh mã, xây
dựng tại xã Phù Lưu 3 đồn, lập 1 đồn ở trang Cổ Dũng (nay là xã Đông La - Đông
Hưng), và một đồn ở khu giống; để chống cự với các sứ quân.
Sau khi đức ông Đinh Bộ Lĩnh về với sứ quân Trần Lãm, đã sai
người mang thư chiêu dụ 4 anh em họ Đinh ở Phù Lưu. Anh em họ Đinh nhận thấy
thiên mệnh, quyết đi theo vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn các sứ quân của Ngô Xương
Xí, Nguyễn Siêu…, khi công thành được Vua Đinh Tiên Hoàng phong tước:
Đức ông Đinh Dương Xá làm Binh nhung tướng quân, giữ đạo Hải
Đông,
Đức ông Đinh Uy Linh làm Thống chế tướng quân, giữ đạo Sơn
Tây,
Đức ông Đinh Đại Mộc làm Đốc lĩnh tướng quân, giữ đạo Tuyên
Quang,
Đức ông Đinh Bắc Phương làm Thái tướng quân giữ đạo Đồng
Châu.
Hoàng hậu Đinh Thị Tỉnh
Bản thần tích chữ Hán có niên đại vĩnh hựu ngũ niên (1739),
còn lưu tại đền Thánh Mẫu cho biết: Thánh Mẫu có tên húy là Đinh Thị Tỉnh, cha
là ông Đinh Công Đoan, mẹ là bà Đỗ Thị Lan Hoa. Quê mẹ ở xã Phù Lưu, huyện Tây
Lan (địa danh trong thần tích) nay là thôn Trung Sơn, xã Đông Sơn, huyện Đông
Hưng, tỉnh Thái Bình.
Trước đó ông Đoan đã có vợ là bà Đào Thị Rạng và sinh được 4
người con trai, nhưng vợ ông bị bệnh mất sớm. Bà Đỗ Thị Lan Hoa là vợ kế của
ông Đinh Công Đoan.
Theo ngọc phả, thần tích trong đền thì Đinh Thị Tỉnh là người
con gái xinh đẹp, long nhan mắt phượng, mặt như bích phấn, lên 5 tuổi đã biết
âm luật nhạc, văn tự chưa giáo hóa đã biết quy mô, quan phủ cho đi học 5-6 năm
thì văn chương đã xuyến triệt, võ bị tinh thông, cưỡi ngựa bắn tên thế gian khó
địch nổi.
Gặp thời loạn 12 sứ quân, Tỉnh Nương cùng các anh trai tham
gia lập đồn trại, chiêu dụ nhân tài đánh dẹp. Vua Đinh Tiên Hoàng thấy Tỉnh
nương nhan sắc tuyệt trần bèn lập làm Trinh Minh hoàng hậu, tước hiệu Đệ Nhị
Vương phi, cai quản nội cung…
Căn cứ vào thần tích thì Hoàng hậu Đinh Thị Tỉnh và 4 anh
trai đã giúp Đinh Bộ Lĩnh tham gia đánh dẹp các sứ quân Ngô Xương Xí ở Bình Kiều
(Thanh Hóa) và Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt (Hà Nội).
Bà là hoàng hậu duy nhất trong số ngũ vị Hoàng hậu nhà Đinh
tham gia đánh dẹp loạn 12 sứ quân. Các bà Hoàng hậu khác của Vua Đinh Tiên
Hoàng như Hoàng Thị Thi, Dương Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Sen, Dương Vân Nga không
có tài võ nghệ và trực tiếp tham gia dẹp loạn.
Sau này, khi về triều đình Hoa Lư, Hoàng hậu Đinh Thị Tỉnh
có thai, đã sinh ra công chúa Phù Dung. Khi nhà Tiền Lê thay nhà Đinh, Hoàng hậu
Đinh Thị Tỉnh trở về quê hương Thái Bình. Tại đây, Bà cùng với công chúa Đinh
Phù Dung và phò mã Trương Quán Sơn đã giúp dân lập ấp, sống bình yên cùng nhân
dân.
Khi bà mất, vua Lê Đại Hành sắc phong bà là Đoan Trang Trinh
Phục Cẩn Tiết Nhàn Uyển Hoàng Hậu và lệnh cho sứ thần về Phù Lưu xã, triệu phụ
lão lên kinh đô đưa bà về án táng và lập Miếu thờ ngay bên lăng mộ tại quê nhà
để phụng sự, hương hoả muôn đời.
Bà được an táng tại lăng ở xã Phù Lưu. Theo tụng truyền địa
phương và ngọc phả tại đền thì mộ của bà chính là hậu cung của đền hiện nay.
Các sắc phong thần và câu đối tại đền đều ghi rõ: “Phù Lưu xã, phụng sự Quốc Mẫu
từ Đinh triều hoàng hậu”.
Các triều vua sau này sắc phong bà là “Cung nương như đậu Tỉnh
Nương đại thần đoan trang trinh thục cẩn tiết nhàn uyển hoàng thái hậu”.
Trong cuốn “Bảng tra thần tích (xã Phù Lưu, tổng Đồng Vi,
huyện Đông Quan) do Viện Hán Nôm ấn hành, trang 541 (1 tờ 22-30) có ghi cả 5
anh em danh tướng họ Đinh, trong đó bà được sắc phong: Nhàn uyển Hoàng hậu đại
vương.
Trong tâm thức của người dân nơi đây luôn giữ gìn, bảo vệ
phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của “Quốc Mẫu từ” trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt
Nam. Ghi nhận giá trị lịch sử và ý nghĩa to lớn của đền Thánh Mẫu. UBND tỉnh
Thái Bình đã ban hành quyết định công nhận Đền Thánh Mẫu là di tích Lịch sử-
Văn hoá.
Lễ hội
Hằng năm vào ngày sinh và ngày mất của Hoàng hậu Tỉnh Nương
- Trinh Thục Hoàng hậu triều Đinh, nhân dân trong làng, trong huyện và các vùng
lân cận đều tổ chức lễ hội long trọng để tưởng nhớ tới 5 anh em họ Đinh đã có
nhiều công lao trong sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước của vua
Đinh Tiên Hoàng.
Đền Thánh Mẫu là một di tích lịch sử văn hóa quan trọng
trong hệ thống các di tích tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.