Đền thờ Công chúa Phất Kim thuộc Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư. Đền nằm trong kinh thành Hoa Lư xưa, cách đền thờ Vua Lê Đại Hành 150 m về phía Bắc. Vị trí xây đền chính là nền cung Vọng Nguyệt - nơi ở của Công chúa Phất Kim ngày xưa.
Đền thờ Công chúa Phất Kim.
Công chúa Phất Kim là con gái thứ ba của Vua Đinh Tiên
Hoàng. Vì nghĩa lớn, Công chúa Phất Kim đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, chấp nhận
kết duyên cùng Ngô Nhật Khánh. Ngô Nhật Khánh xưng là An Vương, thủ lĩnh sứ
quân ở Đường Lâm, một trong 12 sứ quân.
Vua Đinh Tiên Hoàng có ba người con gái đầu là công chúa
Minh Châu, công chúa Phất Ngân và công chúa Phất Kim. Công chúa Minh Châu được
vua Đinh gả cho tướng Trần Thăng, em ruột của sứ quân Trần Lãm - người đã trao
nhường toàn bộ binh quyền Bố Hải Khẩu cho Đinh Bộ Lĩnh.
Công chúa Phất Ngân về sau lấy Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công
Uẩn- người mà sau này thay nhà tiền Lê sáng lập ra nhà Lý vẻ vang trong lịch sử
nước ta. Còn công chúa Phất Kim thì lấy sứ quân hàng đầu dòng dõi nhà Ngô, quý
tộc Ngô Nhật Khánh.
Ngô Nhật Khánh thuộc dòng họ Ngô Tiên Chúa (vua Ngô Quyền).
Trước kia Ngô Nhật Khánh từng xưng là An Vương cùng mười hai sứ quân giữ đất
tranh hùng. Khi Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp được loạn mười hai sứ quân trong đó có
Ngô Nhật Khánh, đã lập mẹ vua làm hoàng hậu, hỏi em gái của Ngô Nhật Khánh cho
con mình là Nam Việt Vương Đinh Liễn.
Vì biết rõ sứ quân họ Ngô vẫn nuôi chí phục thù, mong muốn dựng
lại cơ đồ nhà Ngô đổ nát từ những năm trước nên để thu phục Nhật Khánh, vua
Đinh để cho con gái út của mình là công chúa Phất Kim tiếp cận.
Khi gặp mặt công chúa, Nhật Khánh đem lòng mê đắm công chúa
trước nhan sắc của nàng và nhiều lần ngỏ lời cầu hôn nhưng đều bị công chúa Phất
Kim từ chối.
Đoán biết được tâm ý
của Ngô Nhật Khánh, Vua Đinh nói với con gái :
"Tướng quân Ngô Nhật Khánh là người thao lươc vào bậc nhất nhưng
chưa thật sự tận trung vì sự nghiệp của cha, giặc Tống và giặc Chiêm đang lăm
le bờ cõi, nếu được Nhật Khánh giúp thêm vây cánh thì Đại Cồ Việt ta còn gì bằng.
Cha muốn con ưng thuận lời thỉnh cầu của Nhật Khánh để lấy tình phu phụ thuyết
phục Nhật Khánh giữ trọn đạo hiếu trung."
Nghe theo lời dạy bảo của vua cha, công chúa Phất Kim nhận lời
cầu hôn của sứ quân họ Ngô. Những tháng ngày đầu kết phu phụ, Nhật Khánh và
công chúa Phất Kim đã có những tháng ngày sống vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng vẫn
không chịu từ bỏ tư thù, Ngô Nhật Khánh vẫn mang trong lòng ý định tạo phản nên
đã cấu kết ngoia bang và đầu hàng vua Chiêm.
Một hôm khi nhận được mật thư của vua Chiêm, thông báo rằng
đã sẵn sàng đưa binh lính sang đánh Đại
Cồ Việt để khôi phục lại cơ đồ. Hai ngày sau đó, Ngô Nhật Khánh đã xin phép vua
cha cho phép mình và vợ đi kinh lý Ái Châu bằng đường thủy.
Ngô Nhật Khánh cũng xin vua Đinh cấp thêm năm chiến thuyền để
hộ tống phò mã và công chúa.Thuyền xuôi dòng Vân Sàng, qua Ngọc Thỏ cảng, vượt
cửa Thần Phù rồi ra Biển Đông theo hướng
tiến về Chiêm Thành. Ngồi trên thuyền Phất Kim hỏi chồng : "Chúng ta đi
đâu?"
Nhật Khánh lúc nãy nghĩ công chúa Phất Kim nay đã là phận
gái thì phải theo chồng nên dỗ dành vợ : " Chúng ta sẽ vượt qua Nam giới,
chạy sang cầu cứu vua Chiêm. Người Tống đưa đường và sẽ giúp chúng ta. Việc
thành, nàng sẽ trở thành chính cung hoàng hậu của nước Đại Cồ Việt."
Nhưng tất cả không như những gì Nhật Khánh mong đợi, công
chúa Phất Kim đã một lòng cương quyết nói rằng : " Không! Chúng ta không
bao giờ được phản bội phụ vương, phụ bạc kinh thành Hoa Lư và nước non Đại Việt."
Nhật Khánh lại nói thêm: " Hôm vừa qua viên khách
thương nhà Tống báo cho ta biết, sứ giả nhà Tống đang đợi ta đến yết kiến vua
Chiêm. Vua Chiêm có nhiệm vụ cấp cho ta binh lính và chiến thuyền tấn công Đại
Cồ Việt bằng đường thủy. Còn về phần đường bộ, vua Tống hứa sẽ trợ giúp đội
quân mạnh nhất có nhiều dũng tướng giỏi, đánh bằng được Đại Cồ Việt. Nàng không
nghe ta thì sau có hối hận là muộn."
Lúc này công chúa Phất Kim nói với giọng tha thiết : "Thiếp
theo lệnh vua cha đã xuất giá để theo minh công. Trọn đời này, kiếp này chỉ biết
có minh công mà thôi. Nhưng chàng phải hồi triều, không thể nào phản lại vua
cha để mang tội bất trung, bất hiếu và mang tội phản lại dân tộc."
Trước những lời tâm huyết của công chúa Phất Kim, Ngô Nhật
Khánh không những không hồi tâm, chuyển ý mà với ý định và dã tâm trả thù bấy
lâu nay hắn đã rút dao xẻo má vợ mình một cách tàn nhẫn và lạnh lùng. Sách
"Khâm định Việt sử thông giám cương
mục" viết : "Ngô Nhật Khánh dẫn
vợ là công chúa của Đinh Tiên Hoàng đi trốn.’
Tới cửa biển Nam Giới (tức cửa Sót thuộc huyện Thạch Hà tỉnh
Hà Tĩnh ngày nay), hắn đã rút dao bên mình ra, xẻo má vợ mà kể tội : " Cha
mày đã lừa gạt để ức hiếp mẹ con ta. Ta có đâu lại vì mày mà bỏ qua tội ác của
cha mày. Thôi mày hãy trở về, ta sẽ một thân một mình đi tìm ai có thể cứu được
ta đây..." Nói xong, vị phò mã nhà Đinh sang thuyền chiến cạnh đó hối thúc
quân chèo, bỏ lại lâu thuyền công chúa và những nữ hầu.
Công chúa Phất Kim được đưa về kinh thành Hoa Lư chạy chữa
thuốc men. Vết thương trên mặt tuy đã lành nhưng vết sẹo để lại trên má không
bao giờ làm nguôi ngoai được nỗi đau đớn tủi nhục trong lòng một người vợ có chồng
là tướng quốc, là phò mã mà lại cấu kết ngoại bang để chống lại vua cha. Cuối
cùng công chúa xuống tóc, đi tu trong một ngôi chùa ở kinh thành Hoa Lư.
Thế nhưng họa vô đơn chí, trong lúc nỗi đau đớn tuyệt vọng
đang lên đến đỉnh điểm thì công chúa hay tin vua cha và anh cả là Đinh Liễn bị
nghịch thần Đỗ Thích sát hại.Lê Hoàn cùng hoàng hậu Dương Vân Nga lên làm nhiếp
chính. Chưa dừng lại ở đó, giữa lúc ấy công chúa Phất Kim lại nghe tin Ngô Nhật
Khánh và vua Chiêm Thành dẫn theo hơn một nghìn chiến thuyền, thủy quân xuất chinh theo hai cửa biển Đại Ác
và Thần Phù vào đánh Đại Cồ Việt thì bị phong ba nổi lên, nhận chìm hết cả thuyền
bè và chết đuối. Công chúa càng trở nên đau đớn, xót xa và tủi nhục đến tuyệt vọng
nên đã nhảy xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt phía Tây Bắc kinh thành Hoa Lư tự
vẫn.
Người dân cảm phục tiếc thương lập đền thờ công chúa Phất
Kim ngay trước cửa cung Vọng nguyệt nơi công chúa từng sống. Ngôi đền còn được
gọi là đền Thục Tiết công chúa, nằm trong khu dân cư thuộc quần thể di tích cố
đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đền nằm chính giữa, cách đền vua Lê Đại Hành và phủ
Vườn Thiên 300m. Cái giếng mà công chúa đã tự vẫn hiện nay vẫn còn trước cửa đền.
Cuộc đời bi thảm của công chúa triều Đinh khiến cho nhiều
người đời sau thương cảm. Cái chết của công chúa đã chứng tỏ được sự trung
trinh đáng ngợi ca của người phụ nữ Việt Nam. Dù được sinh ra trong gia đình
Hoàng tộc nhưng vẫn quyết giữ lòng yên nước và truyền thống văn hóa.
Nguyện vì cha vì nước mà chịu cực hình bị chồng xẻo má, giữ
trung trinh với chồng mà chọn cái chết
cho mình, công chúa Phất Kim mãi là tấm gương để người đời sau tôn thờ, ca ngợi.
Trong dòng chảy lịch sử nước nhà, các triều đại sau đều tôn vinh, sắc phong cho
công chúa Phất Kim là Tiết liệt trung trinh.
Giếng nước trước Đền thờ Công chúa Phất Kim.
Đền thờ Công chúa Phất Kim còn gọi là đền Thục tiết công
chúa, Phủ Bà Chúa, được xây dựng dưới triều Đinh để tôn thờ tấm lòng trung hiếu,
sáng trong, vì nghĩa lớn và thà chết chứ không chịu theo giặc chống lại vua cha
của Công chúa Phất Kim.
P.V