Cách Mộ Dạ không xa, ở làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An có một ngôi đền thờ họ được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Đó là đền thờ họ Cao, tương truyền thờ Cao Lỗ, danh tướng của vua An Dương Vương.
Ngay bên cạnh Đền thờ Cao Lỗ là nhà của ông Cao Đăng Thắng.
Ông được dòng họ Cao ở đây giao nhiệm vụ
chăm sóc, hương đăng, bảo vệ đền. Từ thời cụ cố nội, đến ông nội và bố của ông
Thắng đều được giao trọng trách chăm sóc, bảo vệ đền thờ Cao Lỗ ở xã Diễn Thọ
(Diễn Châu, Nghệ An).
Truyền thuyết và các thần phả, sắc phong di tích thờ Cao Lỗ
Vương của xã Diễn Thọ cho biết: Cao Lỗ nguyên quán tại xã Cao Đức, huyện Gia
Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay (xưa gọi là trấn Kinh Bắc).
Cao Lỗ là người chế ra nỏ liên châu, còn được gọi là nỏ thần
(bắn được nhiều mũi tên cùng một lúc). Chính Cao Lỗ là người khuyên Thục An
Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương
Vương giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy công trình xây dựng Thành Cổ Loa. Ông
là người đã can gián Vua Thục đừng gả Mỵ Nương cho Trọng Thủy.
Vua Thục không nghe, đuổi ông đi. Do đó, Cao Lỗ buồn nên đã
tìm về Nho Lâm sống ẩn dật và tìm ra mỏ quặng, luyện sắt trở thành ông Tổ nghề
rèn. Khi quân của Triệu Đà đến đánh, Vua Thục thua bỏ chạy, Cao Lỗ đã cùng em
là Cao Tú ra ứng cứu. Nhưng thế giặc quá mạnh, việc lớn không thành, ông trở về
Nho Lâm “luyện thiết khí”. Có giả thuyết,
ông đã bị tử trận khi đến cứu Vua Thục.
Cao Lỗ là thủy tổ của họ Cao ở Diễn Thọ. Tính từ thủy tổ Cao Lỗ (?-179 TCN) đến năm
2000 đã trải qua khoảng 2200 năm với 90 đời con cháu, chắt, chút. Các chi họ
Cao phát triển thêm nhiều nhánh với hàng vạn nhân khẩu định cư trải dài trên
nhiều địa phương khác nhau.
Một trong những dòng họ giàu truyền thống góp phần làm nên
truyền thống trên chính là dòng họ Cao ở xã Diễn Thọ. Những người nổi tiếng của
họ Cao thuộc họ Cao đại tôn nơi đây tiêu biểu như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Huy, Cao Cự Bội, Cao
Huy Đỉnh, Cao Xuân Hạo,.. Dòng họ Cao nơi đây đã góp phần làm nên bề dày truyền
thống của huyện Diễn Châu - vùng đất nổi tiếng của xứ Nghệ đã sản sinh ra nhiều
khoa bảng và danh nhân cho đất nước.
Đền thờ Cao Lỗ "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống
yêu nước
Trước đây, đền thờ Cao Lỗ ở Rú Ta (Mã Yên Sơn). Sau này, con
cháu họ Cao đã chuyển nhà thờ về địa điểm hiện nay.
Hiện nay, tại nhà thờ tổ Cao đại tôn ở Nghệ An còn gần 20 đạo
sắc do các triều đại phong tặng các danh nhân, các câu đối, đồ tế khí cổ
kính...Khu lăng mộ tổ họ Cao hiện ở chân núi Mã Yên đã được tu bổ, tôn tạo và
xây dựng khang trang từ năm 1995.
Ngày 04/9/1995, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn
đã ký Quyết định cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia cho nhà thờ họ
Cao. Di tích gồm có nhà thờ và nhà truyền
thống, văn hóa.
Theo tục truyền, hàng năm cứ đến ngày mồng 10 tháng 2 (âm lịch),
con cháu họ thuộc Cao đại tôn Diễn Thọ ở trong cả nước về tham gia ngày đại giỗ.
Theo ông Cao Đăng Thắng, năm 2010, trong dịp đại giỗ của họ Cao ở Diễn Thọ, có
gần một chục con cháu ở bên nước Mỹ về nhận tổ tiên.
Đền thờ Cao Lỗ và lễ hội của họ Cao ở xã Diễn Thọ nhằm tôn
vinh một danh nhân quân sự buổi bình minh lịch sử, đây là lễ hội vùng rất lớn
mang đậm bản sắc dân tộc, thu hút đông đảo nhân dân hướng về cội nguồn, biết ơn
người có công với dân với nước, phát huy những thuần phong mỹ tục. Đền thờ Cao
Lỗ ở xã Diễn Thọ là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống “dựng nước và giữ nước”
của dân tộc ta đối với các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay...
Vân Đình