Di tích thờ Lý Nam Đế hiện nằm rải rác trên địa bàn các tỉnh: Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…nhưng chỉ duy nhất ở Phú Thọ có đền thờ tại nơi Ngài mất và Lăng mộ của nhà Vua tại Khuất Lão, Tam Nông, Phú Thọ.
Các nhà sử học khẳng định trong thời Bắc thuộc và chống Bắc
thuộc, kéo dài hơn 1.000 năm; cuộc khởi nghĩa đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) nói riêng
và Vương triều Tiền Lý nói chung giữ một vị trí rất quan trọng, bởi cuộc khởi
nghĩa thu được thắng lợi vang dội nhất và giành được quyền độc lập, tự chủ lâu
dài nhất.
Trong lịch sử nước nhà, Lý Nam Đế là người đầu tiên xưng hiệu
Đế và cũng là người đầu tiên đặt niên hiệu "Thiên Đức". Lý Nam Đế
cũng là người đầu tiên nhận ra vị trí trung tâm đất nước của vùng đất Hà Nội
xưa...
Di tích thờ vua Lý Nam Đế hiện nằm rải rác trên địa bàn các tỉnh: Thái Bình,
Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…nhưng chỉ duy nhất ở Phú Thọ có đền thờ
tại nơi Ngài mất và Lăng mộ của nhà Vua ở Khuất Lão, Tam Nông, Phú Thọ.
Mùa xuân năm 545, nhà Lương đưa quân trở lại xâm lược, kinh
đô thất thủ Lý Nam Đế phải đưa quân lui về vùng Khuất Lão củng cố lực lượng, đến
mùa thu năm 546 vua đưa quân ra nghênh địch ở hồ Điền Triệt (khu vực xã Tứ Yên
huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ), do lực lượng non yếu hơn lại không phòng
bị, bị quân Lương đánh úp, nhà vua bị thương phải trao lại binh quyền cho Triệu
Quang Phục tiếp tục kháng chiến còn mình lui về ở ẩn tại động Khuất Lão.
Đến mùa hè năm 548 thì mất thọ 46 tuổi, cách nay vừa tròn
1470 năm. Tương truyền khi vua mất hài cốt đã được bí mật an táng bằng cách đào
hang luồn sâu từ lưng đồi vào lòng đất để đặt mộ tại gò Bồng, từ đó nơi này có
tên là Khuất Lão.
Tuy Lý Nam Đế chỉ ở ngôi vua khoảng 4 năm, song tiếp nối
ngôi Nam Đế, vương triều tiền Lý còn có ba đời vua khác là Lý Đào Lang Vương,
Triệu Việt Vương, hậu Lý Nam Đế kéo dài khoảng 60 năm từ năm 544 đến 602.
Động Khuất Lão dân địa phương quen gọi là gò Bồng, (còn có tên khác gò Cổ Bồng)
là một đồi thấp hình đài sen ba cánh nằm cách hữu ngạn sông Thao chừng 500m được
bao bọc bởi khu đầm nước rộng trên 110 mẫu. Bông hoa sen ba cánh nối với rừng Cấm
cũng là đồi thấp dài gần một km, chiều rộng từ 300-500m, tạo thành hình cuống
hoa.
Đây là khu đồi cây cối rậm rạp một bên bị chắn bởi đầm Liên
Giang, hai bên là cánh đồng chiêm rộng nối từ chân đồi đến bờ sông Thao. Từ gò
Bồng muốn đi ra ngoài phải dùng thuyền, hoặc theo con đường độc đạo qua dốc nhà
Phan, đến Đính Trại nằm ở phía tây nam giáp với QL 32 bây giờ.
Nơi tương truyền xưa là nơi đóng quân, tập luyện quân sỹ. Tại
Đính Trại còn có gần chục chiếc ao nhỏ, mỗi chiếc có quy mô diện tích từ vài
trăm đến vài ngàn m2, tương truyền dùng để chứa nước dùng cho quân sỹ sử dụng
nên có tên gọi là ao Quan. Với điều kiện, trình độ đi lại thời xưa để vào
được gò Bồng là rất khó khăn, đặc biệt con đường bộ độc đạo từ Đính Trại, phải
qua dốc nhà Phan là một vực cao gần 20m, tiếp đến dải đất nhỏ dài trên 100m, rộng
50m, một bên có hố Ao, một bên hố Ấu là đầm quanh năm ngập nước trấn giữ.
Do địa thế hiểm yếu nên vua đã chọn gò Bồng làm trung tâm chỉ
huy và ẩn náu. Về quân sự trong điều kiện ngày xưa nơi đây xem như một vị trí
quân sự liên thủ, tốt cho phòng ngự, thuận cho tấn công.
Trên gò Bồng xưa có một ngôi đình, đền và bệ thờ vua do làng Danh Hựu xã Cổ Tiết
hàng năm cúng tế. Bên cạnh có bệ thờ, tương truyền chính là mộ vua. Vào những
năm 1930 do đi lại khó khăn làng Danh Hựu rời bài vị thờ trong đình, đền về
cúng tế ở làng cách gò Bồng 500m, ngay bên bờ sông Thao, gần bến nghinh Vua, Do
tác động thiên tai và công tác bảo quản nên các kỷ vật liên quan đến
thờ cúng ở Khuất lão bị thất lạc.
Ngôi đền thờ Vua trên Gò Bồng cũng không được quản lý, bị đổ
nát, hiện chỉ còn lại di tích nền móng và bệ thờ tượng. Từ sau 1960 khu vực
Đính Trại, gò Bồng bắt đầu lác đác có một số hộ dân đến làm trại, dựng nhà sinh
sống, từ sau năm 1980 rừng Cấm cũng được quy hoạch chuyển dân đến ở.
Thấy được vai trò, ý nghĩa quan trọng của Nhà nước Vạn Xuân trong sự nghiệp dựng
nước, từ năm 2010 huyện Tam Nông đã khôi phục khu thờ tự, lưu niệm Lý Nam Đế tại
gò Bồng.
Trước mắt huyện đã thu hồi lại diện tích gần 2ha đất giao
cho các hộ làm thổ cư, trồng cây hàng năm để lập khu lưu niệm. Huy động
nguồn vốn xã hội hóa gần 2 tỷ đồng xây dựng đền thờ, phục dựng lăng vua, nhà
khách, bờ rào trồng cây lưu niệm, xây sân đón khách, ao tả, hữu... Đặc biệt khu
vực di tích động Khuất Lão chỉ cách khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Cổ
Tiết gần 1km theo đường chim bay và gần 2 km đường bộ nên rất thuận lợi cho việc
tham quan di tích lịch sử.
Từ năm 2010 công tác tu bổ, tôn tạo đền thờ, lăng mộ, các di
tích liên quan đến Vua Lý Nam Đế tại căn cứ động Khuất Lão xưa đã được triển
khai vừa đảm bảo tính khoa học, vừa xứng tầm vị trí của bậc đế vương.
Tu bổ di tích không chỉ đơn giản là khôi phục lại như mới một
công trình kiến trúc cổ truyền, mà là sự tổng hợp của nhiều mặt hoạt động phức
tạp có quan hệ qua lại rất chặt chẽ như: Nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật và quá
trình thi công, xây dựng...
Công tác tu bổ di tích liên quan đến Vua Lý Nam Đế đã đáp ứng
được các yêu cầu: Giải phóng, tước bỏ khỏi di tích tất cả các lớp bổ sung xa lạ,
gây ảnh hưởng xấu tới các mặt giá trị của di tích; giữ lại tối đa những yếu tố
nguyên gốc của di tích; trên cơ sở khoa học đáng tin cậy, khôi phục lại một
cách chính xác những yếu tố đã bị thiếu hụt, mất mát trong quá trình tồn tại của
di tích; làm cho di tích có độ bền vững về mặt kết cấu để tồn tại lâu dài
trước tác động của điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, cũng như thử
thách của thời gian.
Công tác tôn tạo nhằm đạt được mục tiêu là xác định chính
xác giá trị của di tích về các mặt lịch sử, văn hoá, khoa học... tìm biện pháp
bảo tồn nguyên trạng di tích để phát huy giá trị, phục vụ những nhu cầu do xã hội
đặt ra.
Quá trình xây dựng và thực thi các dự án tu bổ, tôn tạo và
phát huy di tích đã đạt những yêu cầu cơ bản như: Nội dung các dự án phù hợp với
các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, phục vụ
lợi ích cộng đồng và các nhu cầu do xã hội đề ra; xây dựng dự án theo đúng những
định hướng cơ bản đã được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo
và phát huy di tích.
Dự án xây dựng tòa Hậu cung Đền thờ Vua Lý Nam Đế được khởi
công vào tháng 8/2018 có tổng diện tích trên 1.000m2, kiến trúc Đền
hình chữ Đinh, tổng mức đầu tư trên 9 tỷ đồng, nguồn vốn được thực hiện bằng
nguồn vốn xã hội hóa.
Đền thờ và Lăng mộ Vua Lý Nam Đế
Tượng Đức Vua Lý Nam Đế tại tòa hậu cung
Ngay sau khi hoàn thành xây dựng tòa hậu cung, huyện Tam
Nông đã tổ chức Lễ yên vị Đức Vua Lý Nam Đế với nghi lễ trang nghiêm, thành
kính, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Các đại biểu dâng hương tại tòa hậu cung Đền thờ Vua Lý Nam
Đế
Đền thờ Vua Lý Nam Đế có ý nghĩa lịch sử, tâm linh sâu sắc,
trở thành điểm đến trong tua du lịch về cội nguồn của tỉnh Phú Thọ. Việc xây dựng
tòa Hậu cung Đền thờ Vua Lý Nam Đế nhằm tưởng nhớ đến sự hy sinh, lòng yêu nước
chống giặc ngoại xâm của Đức Vua và nghĩa quân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ
nguồn, đồng thời phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống
yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tuấn Dũng