Ngôi đền tôn thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, vị vua sơ khai mở đầu cho 18 đời vua Hùng Vương dựng nước, gắn với truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Phố Hiến xưa – Thành phố Hưng Yên ngày nay vốn là một đô thị
cảng tấp nập ở Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII – XVIII, đã đi vào sử sách với câu ca
“Thứ nhất Kinh kỳ, Thứ nhì Phố Hiến”. Qua thời gian, Phố Hiến đã khẳng định cho
mình một vị trí khá nổi bật trong hệ thống đô thị Việt Nam thời bấy giờ, chỉ đứng
sau kinh thành Thăng Long.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng với sự biến đổi của
tự nhiên, Phố Hiến ngày nay không còn sầm uất, nhộn nhịp như phố cổ Hà Nội, hay
Hội An nhưng vẫn được đánh giá là một trong 3 khu phố cổ nhất ở Việt Nam với một
quần thể di tích, kiến trúc nghệ thuật đa dạng, độc đáo bao gồm các công trình
kiến trúc công cộng, những di tích tín ngưỡng tôn giáo, nhà thờ họ, những làng
nghề thủ công truyền thống… Khu Di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố
Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào tháng 12 năm 2014 bao gồm 16 Di
tích và cụm Di tích.
Đây là những Di tích và cụm Di tích tiêu biểu của Phố Hiến,
Hưng Yên; là những minh chứng cho một thời vàng son của Phố Hiến xưa, là tài sản
vô giá của quốc gia, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, góp phần
làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Đây là những di tích có lịch sử lâu đời, có quan hệ mật thiết
với lịch sử văn hóa, trở thành một phần nguồn cội, truyền thống và phong tục của
nhân dân địa phương.
Đây không chỉ là những công trình lưu lại lịch sử dân tộc mà
còn khẳng định lòng yêu nước, hướng về tổ tiên, cuội nguồn của mỗi địa phương,
là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng vượt
qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ về cội nguồn dân
tộc, ngày 16/10/2003, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 3589 về việc phê duyệt dự
án đầu tư xây dựng Dự án bảo tồn, tôn tạo quần thể di tích Phố Hiến Giai đoạn
II, trong đó, có hạng mục trùng tu, phục dựng đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.
Đền Lạc Long Quân tọa lạc tại xã Xích Đằng, tổng An Tảo, huyện
Kim Động, trấn Sơn Nam Thượng xưa. Nay thuộc khu phố Xích Đằng, phường Lam Sơn,
thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Ngôi đền tôn thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, vị vua sơ khai mở đầu
cho 18 đời vua Hùng Vương dựng nước, gắn với truyền thuyết “con Rồng cháu
Tiên” trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tương truyền, Lạc Long Quân tên húy
là Sùng Lãm, hiệu là Sùng Hiền Vương.
Ông là con trai thứ 9 của Kinh Dương Vương và thần Long Nữ.
Ông nổi tiếng là người tài giỏi, sức khỏe phi thường, đặc biệt, ông có tài đi lại
dưới nước như trên cạn. Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ, sinh ra một bọc
trăm trứng, sau nở thành một trăm người con trai.
Để gây dựng giang
sơn, năm mươi người theo cha xuống biển, năm mươi người theo mẹ lên đất Phong
Châu, cùng tôn người con cả lên làm Vua lấy hiệu là Hùng Vương, đặt quốc hiệu
là Văn Lang.
Con trai Vua gọi là Quan Lang, con gái là Mị Nương, tướng
văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng. Các đời Vua đời đời thế tập gọi
là Hùng Vương. Lạc Long Quân được xem là Quốc tổ của dân tộc Việt Nam và được
người đời vô cùng sùng bái, tôn kính.
Truyền thuyết kể lại, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân được khởi
dựng từ sớm trên khu đất cao ráo tại đất Xích Đằng. Năm 1740, khi chúa Trịnh
Doanh cầm quân đi dẹp loạn qua khu vực Phố Hiến đã được Đức Lạc Long Quân thờ tại
miếu Xích Đằng âm phù giúp đánh thắng giặc.
Nhớ ơn công đức của Ngài, khi thắng trận trở về, chúa Trịnh
đã tâu lên vua Lê xin trùng tu, xây dựng lại ngôi đền thờ khang trang, to đẹp
hơn. Tiếng tăm đền thiêng vang truyền khắp chốn, khách muôn nơi nô nức tới
thăm, nhân dân vui hưởng thái bình.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự biến động của thời
gian, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân chỉ còn dấu tích kiến trúc của ngôi đền cổ
đó là phần cột hiên và một góc bức tường.
Nhân dân địa phương đã chuyển hiện vật, đồ thờ về đình Cả
cùng thôn để lưu giữ. Hiện nay, tại di tích vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật,
đồ thờ có giá trị về lịch sử - văn hóa.
Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân tại khu phố Xích Đằng phường
Lam Sơn
Đền thờ Lạc Long Quân hiện nay được xây dựng trên khuôn viên
đất rộng 2.850m2 gồm các hạng mục công trình: Tam quan, Tả vu, đền thờ Quốc
tổ Lạc Long Quân và hệ thống sân vườn.
Trong đó, khu đền chính có diện tích mặt bằng 143m2 với
kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 03 gian Tiền tế và 02 gian Hậu cung. Các hạng
mục, cấu kiện được làm bằng gỗ lim vững chắc, mang đậm dấu ấn của một công
trình kiến trúc cổ truyền thống, phù hợp với làng quê vùng đồng bằng châu thổ Bắc
Bộ.
Với những giá trị, ý nghĩa tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, đền
thờ Quốc tổ Lạc Long Quân được UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số
2455 ngày 29/10/2019 xếp hạng là “Di tích Lịch sử ” cấp tỉnh. Đồng thời di
tích đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân cũng là công trình tiêu biểu được Ban Thường
vụ tỉnh ủy lựa chọn là công trình chào mừng Đại hội đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần
thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ngày 17/10/2020 tức ngày 1/9 năm Canh Tý thành ủy, HĐND,
UBND, UBMTTQ thành phố Hưng Yên tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch
sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và gắn biển công trình chào mừng
Đại hội đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX.
Đây là sự kiện quan trọng giúp cho cán bộ, đảng viên, toàn
quân, toàn dân thành phố nói riêng, tỉnh HY nói chung hiểu rõ về công lao của
Quốc tổ Lạc Long quân trong buổi đầu dựng nước và giữ nước, qua đó nâng cao nhận
thức của các tầng lớp nhân dân về giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đền, từ đó
khơi dậy lòng tự hào, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, xây dựng ý thức
giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của ông cha.
Mỗi người con đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng
luôn tự hào mình là con rồng cháu tiên; những người dân Phố Hiến xưa – thành phố
Hưng Yên ngày nay luôn tự hào mình được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất văn hiến
lịch sử có đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân tọa lạc tại phường Lam Sơn, có đền thờ
Quốc mẫu Âu Cơ tọa lạc tại xã Hùng Cường, tự hào về truyền thống cách mạng của
quê hương hãy tích cực học tập, công tác, lao động sản xuất, cống hiến công sức,
trí tuệ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cống hiến cho sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày càng giàu mạnh, phồn vinh,
xây dựng thành phố Hưng Yên ngày càng phát triển.
Hồng Thái (Đài truyền thanh thành phố)