Hơn 1300 năm, thế sự vần xoay với bao thay đổi, nhưng trên đỉnh cồn Chèn vẫn còn đó dấu tích “đất nhà vua” đi liền với những câu chuyện cảm động về mẹ vua và Mai Hắc Đế được người dân Ngọc Trừng gìn giữ, truyền khẩu qua bao thế hệ.
Làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái (Nam Đàn) - vùng quê cổ kính gắn
liền với tên tuổi người anh hùng giải phóng dân tộc Mai Thúc Loan, nơi có những
núi, sông, dốc, giếng và bao địa danh đã đi vào huyền thoại.
Làng vốn là một giáp của xã Đông Liệt xưa, được giới hạn bởi
“thượng Đập Đá, hạ cầu Chậm”; phía Tây, soi bóng xuống dòng sông Gang; phía Bắc,
gối đầu lên núi Trừng, núi Phượng Hoàng, trông về ngọn Hùng Sơn (núi Đụn) sừng
sững. Người dân trong vùng còn lưu truyền câu ca: “Núi Trừng ai đắp mà cao/Sông
Gang ai uốn nước vào tận đây”. Theo các cụ cao niên, ngày trước, những vị thông
Nho xem đây là nơi “sơn hồi thủy tụ”, nơi hun đúc linh khí đất trời.
Giữa làng có đồi Chèn (Cồn Chèn) cao chừng 30m, nằm theo hướng
Đông Bắc. Đường lên đồi hơi dốc nên người xưa gọi là động Cồn Chèn. Trên đỉnh đồi
có gò đất nhỏ, người địa phương gọi là “đất vua”, từ bao đời nay, dân làng vẫn
thường xuyên đến đây hương khói. Tương truyền, động Cồn Chèn là nơi có ngôi nhà
của hai mẹ con Mai Thúc Loan khi rời làng Mai Phụ huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) về
đây sinh sống.
Mai Thúc Loan nhà nghèo, phải làm nghề kiếm củi rồi đi ở đợ
cho nhà giàu, chăn trâu, cày ruộng. Ông rất khỏe và sáng dạ, người đen trũi, nổi
tiếng giỏi vật cả một vùng. Là người con chí hiếu, Mai Thúc Loan phụ giúp cho
thân mẫu làm lụng, vào rừng kiếm củi. Thế rồi, cuộc đời bất hạnh lại ập đến khi
thân mẫu của ông bị cọp vồ thiệt mạng, ông phải cam phận trong cảnh đời mồ côi.
Sau khi Mai Thúc Loan xưng đế - vua Mai Hắc Đế, chọn Vạn
An làm quốc đô, xây dựng và bảo vệ được chính quyền độc lập trong gần 10 năm
(713 - 722). Năm 723, trong cuộc chiến đấu ngoan cường chống lại quân xâm lược
nhà Đường, Mai Hắc Đế cùng con trai là Mai Thiếu Đế (Mai Thúc Huy) đã anh dũng
hy sinh.
Để tưởng nhớ công đức của người anh hùng giải phóng dân tộc,
nhân dân đã lập đền thờ ông ở vùng đất Sa Nam, lăng miếu tại núi Đụn Sơn, xây dựng
phần mộ thân mẫu Vua Mai tại Núi Dẻ, xã Nam Thái.
Hơn 1300 năm, thế sự vần xoay với bao thay đổi, nhưng
trên đỉnh cồn Chèn vẫn còn đó dấu tích “đất nhà vua” đi liền với những câu chuyện
cảm động về mẹ vua và Mai Hắc Đế được người dân Ngọc Trừng gìn giữ, truyền khẩu
qua bao thế hệ.
Thế nhưng quá khứ đã vùi sâu, những gì còn sót lại trên nền
đất đó chỉ là đồi cây hoang vắng, duy sót lại là phần mộ được kết cấu giản đơn
mà trong hàng chục năm qua người dân vẫn đều đặn hương khói.
Với tấm lòng uống nước nhớ nguồn, năm 2012, chính quyền và
nhân dân địa phương đã khởi dựng trên động Cồn Chèn - nơi có vị trí “đất
thiêng” một ngôi đền, thờ thân mẫu Vua Mai, gọi là đền Mai Thánh Mẫu.
Nằm giữa đỉnh đồi, bao quanh là nhà dân, đền gồm chính điện
1 gian 2 hồi và nhà trù 3 gian thoáng đãng. Sau điện thờ có gò đất nhỏ, cây mơ
và bia dẫn tích ghi dấu nơi xưa kia có nhà của thân mẫu Vua Mai.
Từ cửa đền có thể phóng tầm mắt bao quát một vùng rộng lớn
ruộng Chùa, ruộng Chọ, cồn Vải, sông Gang, núi Đụn… Đền đã trở thành nơi sinh
hoạt văn hoá tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương; nối liền
các điểm di tích trong hệ thống di tích về vua Mai Thúc Loan trên đất Nam Đàn
như mộ mẹ vua ở núi Dẻ (Nam Thái), đền thờ vua (Thị trấn Nam Đàn), lăng mộ vua ở
núi Đụn (Vân Diên).
Phía Tây Bắc của làng có núi Trừng, núi Phượng Hoàng, núi
Ngũ Mã, nối liền một dải ven sông Gang, xưa kia vốn là rừng rậm với nhiều muông
thú, tương truyền Mai Thúc Loan và phường săn trong làng thường đi săn ở những
núi này. Tiếp giáp núi Trừng là những đồi thấp chạy về hướng làng như cồn Chùa,
cồn Trại, cồn Vải… Cồn Vải là một khu đất rộng, bằng phẳng, thời xưa nơi đây là
những vườn vải sum suê.
Tương truyền, hồi còn nhỏ Mai Thúc Loan phải đi ở cho nhà
giàu, ông cùng bạn bè thường dắt trâu ra đây chăn thả, cùng nhau tắm nước sông
Gang, chơi trò trận giả, thi đấu vật trên bãi đất bằng, nên có người còn gọi cồn
Vải là cồn Vật.
Các cụ cao niên cho biết: Những gốc vải cổ thụ ở đây còn tồn
tại cho đến nửa sau thế kỷ XX. Bây giờ, trên cồn Vải đã có nhà dân ở, đất đai
xung quanh là những ao hồ, bởi một thời người dân đào ao làm gạch. Dưới cồn Vải
có vùng đất cao ráo, ngày trước là nơi toạ lạc của đền Trừng, thờ thân mẫu vua
Mai.
Làng xưa có 2 giếng: giếng Chọ và giếng Mắt Rồng. Ven làng,
gần cánh đồng Chọ có giếng Chọ “rộng như một cái ao”, nước trong vắt, “cá nhiều
như lá”. Để múc nước trong giếng, người xưa đã ghép một chiếc cầu bằng đá, phía
ngoài cầu là một phiến đá “to như mặt bàn”.
Hàng ngày, dân làng thường gánh nồi đất ra đây múc nước về
dùng. Những năm 60 của thế kỷ trước, bộ đội về làng cũng dùng nước giếng này;
phối hợp cùng thanh niên tát giếng, hốt bùn, bắt cá… Ở núi Gang có giếng Mắt Rồng,
là mạch nước được chắt lọc từ trong hệ thống núi Gang, núi Bài, núi Đụn chảy
ra.
Cửa giếng là một khe đá nhỏ như mắt rồng, nhưng nguồn nước
trong mát từ khe đá đó thì chảy quanh năm. Tương truyền, những lúc đi săn, đi rừng
kiếm củi, Mai Thúc Loan và mẹ ông thường đến đây uống nước. Năm 2009, giếng đã
được các hộ dân lân cận tôn tạo, ghép đá, xây thành, lập bệ thờ.
Tự hào quê hương bao nhiêu, những người con Nam Đàn nói
chung, Nam Thái, Vân Diên nói riêng lại trăn trở và nhận mình có lỗi với tiền
nhân. Trải qua thời gian với sự thăng trầm biến cố của thời cuộc, nhờ sự quyết
tâm, chịu thương, chịu khổ, nỗ lực vượt khó, cuộc sống của người dân đã khấm
khá hơn.
Chính từ đây, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", ôn cố
tri tân những người đã khuất được khơi dậy mạnh mẽ. Được sự đồng ý của Thường vụ
Đảng ủy, chính quyền xã Nam Thái trong việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các
nhà hảo tâm từ mọi miền đất nước hướng về di tích.
Từ đây, một Ban vận động xây dựng Đền thờ mẹ vua Mai được
thành lập, dưới sự "bảo trợ" của 3 người con quê hương thành đạt trên
các lĩnh vực có tấm lòng hướng về nguồn cội, đó là: Ông Nguyễn Duy Quế - Trưởng
ban quản lý đền, PGS.TS Nguyễn Quang Hồng - giảng viên Khoa Lịch sử, ĐH Vinh và
ông Nguyễn Đình Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hảo.
Bắt tay vào nhiệm vụ của những nhà "sáng lập" với
điểm xuất phát ban đầu với bao khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng ủy, HĐND,
UBND và UBMTTQ xã Nam Thái, sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị
và những tâm huyết dành cho công trình, hôm nay "diện mạo" mới của
ngôi đền mẹ Vua Mai Hắc Đế đã hiện hiện rõ nét trên Núi Chẹn và trong lòng mỗi
người con Nam Thái.
Công trình được thiết kế với 1/3 diện tích là toạ đường
- nơi sinh Vua Mai, bia dẫn tích, nhà trù và nơi để kiệu Vua; điện chính và hệ
thống sinh vật cảnh phía mặt tiền sảnh.
Đó cũng là sự ghi nhận của những con người có tấm lòng
cao cả, khi dành chút lòng thành và hiện vật hướng về công trình. Sở VH-TT-DL,
Ban Quản lý Đền đã chứng nhận công đức của các nhà hảo tâm như: Lữ đoàn 414 Hải
Vân cung tiến bộ đồ thờ với trên 300 triệu, con cháu, hậu duệ họ Mai tỉnh Thanh
Hóa cung tiến tấm bia dẫn tích, thầy giáo Nguyễn Cảnh Phức - giảng viên Hán
Nôm, ĐH Vinh cung tiến bộ câu đối bài trí trong và ngoài đền.
Ngoài ra, một số cá nhân, doanh nghiệp đã đóng góp về
hiện vật như gia đình ông Bùi Hữu Thành Đồng, Phan Văn Cường, Nguyễn Trần
Trung, Trần Quang Nghĩa, Nguyễn Trần Tuấn Anh...
Đối với PGS.TS Nguyễn Quang Hồng và Giám đốc doanh
nghiệp Nguyễn Đình Sơn hướng về công trình lại càng có ý nghĩa hơn, khi ngoài
đóng góp một phần kinh phí còn trực tiếp đứng ra chỉ đạo thi công công trình từ
những ngày đầu.
Tháng 2/2016 UBND xã Nam Thái (Nam Đàn) tổ chức lễ đón bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh Lăng mộ và Đền thờ thân mẫu vua Mai.
Lễ hội đền Vua Mai với nhiều giá trị văn hóa truyền thống
độc đáo, không biết từ bao giờ đã trở thành nét văn hóa tâm linh của người dân
Nam Đàn và của nhân dân cả nước. Năm nay ngoài lễ hội truyền thống được tổ chức
hàng năm từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng (Âm lịch), con cháu, hậu duệ, người dân
muôn phương và kiều bào khắp nơi còn được chứng kiến lễ khánh thành công trình
tôn tạo Đền Mai Thánh Mẫu tại Núi Chẹn, thuộc xóm 1, xã Nam Thái (vào ngày 12/1
ÂL).
Lễ hội Đền Vua Mai không chỉ là hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng,
tâm linh của riêng người dân Nam Thái mà còn là niềm tự hào của cả mảnh đất lịch
sử Nam Đàn. Việc tổ chức Lễ hội cũng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tầng
lớp nhân dân trong và ngoài huyện, để du khách biết đến mảnh đất “địa linh nhân
kiệt” với triều đại vua Mai và con người Nam Thái, Nam Đàn nói chung. Đây sẽ là
"địa chỉ đỏ" cho các thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên khi đến học tập,
tìm hiểu và nghiên cứu.
Xuân Thống