Đây có thể coi là mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn” của vị thần
linh tiêu biểu của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Cùng với tín ngưỡng thờ Đức
Thánh Tản, đền Lăng Sương còn thờ Thánh Mẫu - người có công sinh ra Thánh Tản.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây đã hòa cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu chung của người Việt
như Mẹ Âu Cơ, Đất Mẹ, Mẹ Nước…
Tương truyền, bà Đinh Thị Điêng lúc sinh con, một bàn
chân phải và đầu gối ống chân trái in lên nền đất chỗ ngài trở dạ đã hóa thạch.
Người đời sau lưu giữ lại vết chân hóa thạch ấy làm đồ di tự.
Lạ thay, vết chân đủ ngón và xòe rộng, nhất là ngón cái cong
hẳn về phía bên lòng, đây là đặc điểm tạo hình cơ thể của người Việt Nam xưa mà
người ta đặt tên là người Giao Chỉ (hai ngón chân cái giao nhau). Vết đầu gối
quỳ lõm sâu và cũng rộng, rất cân xứng với bàn chân bên phải. Tảng đá chứa đựng
hai dấu tích này hiện còn lưu giữ và thờ trang trọng tại đền Lăng Xương.
Đền Lăng Xương hiện đang tọa lạc tại thôn Lăng Xương, xã
Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Lịch sử dân gian cho biết, đền được
khởi dựng từ thời Thục Phán theo ý nguyện của An Dương Vương là muốn tri ân và
bảo tồn cơ nghiệp nhà Hùng.
Cổng đền có đôi câu đối “Thiên giáng thánh nhân bình bắc địch/
Địa lưu thần tích hiển Nam bang” (tạm dịch: Trời sinh thánh dẹp giặc phương Bắc/
Đất lưu thần tích hiến trời Nam). Và “Lăng Sương cốt cách ngọc tinh thần/
Bả thác long linh giáng hạ trần” (tạm dịch nghĩa: Lăng Sương ngọc sáng, ngọc
tinh thần/ Máng dấu rồng thiếng xuống hạ trần).
Đền chính có kiến trúc kiểu chức công (I) gồm 3 gian đại
bái, ống muốn và 3 gian hậu cung. Trong tòa đại bái có xây bệ thờ tượng Cao Sơn
và Quý Minh là bộ tướng có công giúp Tản Viên dẹp giặc Thục. Tòa hậu cung bài
trí long ngai thờ Thánh Mẫu Đinh Thị Điêng (Đen) (mẹ của Sơn Thánh Tản Viên) và
thờ đức Thánh Tản Viên. Trong tòa hậu cung còn thờ Thánh phụ Tản Viên là ông
Cao Hành, bà dưỡng mẫu (mẹ nuôi) là Ma Thị và công chúa Ngọc Hoa (vợ Tản Viên).
Cách khu đến Lăng Sương khoảng 50 mét về phía Đông Bắc, tương truyền có ngôi mộ
của Thánh Mẫu nay ở đó đã được xây thành lăng tẩm.
Đến thời Tiền Lê vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Đền được
trùng tu lần nữa và dựng văn bia ghi lại sự việc này. Trải qua chiến tranh
và thiên nhiên, đền Lăng Xương bị hư hỏng nặng, năm 1991 nhân dân trong làng
góp nhau dựng lại. Đến năm 2006, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ lại đầu tư xây dựng
và mở rộng quy mô như hiện nay.
Đền Lăng Xương nằm bên bờ tả Sông Đà, đối diện bên kia sông
là dãy núi Ba Vì hùng vĩ và ngọn núi Đá Chông lịch sử đang ngày đêm gìn giữ Di
tích K9 nơi mà Bác Hồ đã từng sống, làm việc và Đảng, Nhà nước cũng đã từng
bảo quản thi hài Người một thời gian ở đây. Sau đền cũng là một dãy
núi thấp tựa lưng làm cho quang cảnh càng thêm đẹp và thâm
nghiêm.
Theo đánh giá khoa học của các nhà phong thủy,
thì nơi đây là điểm chính của đường long mạch mà khi trải qua quá trình
“Bác Hoán”, núi cao chạy đến vùng đất bằng thì bị đứt rời làm cho mạch
long thủy chìm xuống dưới lòng sông và đột khởi nổi lên, chia thành hai nhánh,
một nhánh vươn mình đi tiếp, một nhánh nổi lên xoáy mình, hiện tượng ấy chính
là núi Ba Vì chuẩn bị kết huyệt tại đây.
Hiện tượng những tảng đá đầu nhọn nhô lên như những mũi
chông ở trong Di tích K9 đã chứng minh điều này một cách rất có cơ sở về mặt
khoa học.
Ngoài tảng đá in dấu chân Thánh mẫu, Đền còn lưu giữ được rất
nhiều đồ tự khí quý hiếm như ấn đồng có khắc ba chữ “Gia Hưng Từ”; cuốn ngọc phả
dày 88 trang được soạn vào năm Thuận Thiên thứ ba đời Vua Lê Thái Tổ (1430), do
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Công là quan Đô đốc thượng thư cùng Nguyễn Công Chính và
Nguyễn Minh Khai phụng soạn, tấm bia đá dựng năm 1848 ghi chép lại công việc
xây dựng đền; một số đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt
Nam...
Năm 2005, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng đền là Di tích
lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm, đền có hai kỳ lễ hội, kỳ thứ nhất
là ngày 15 tháng Giêng, lễ hội mở từ ngày 14 và kết thúc vào ngày 16.
Kỳ thứ hai vào ngày 25 tháng 10. Lễ hội kỳ hai là ngày hóa của
Thánh mẫu Đinh Thị Điêng. Theo truyền thuyết lưu truyền, hàng năm cứ đến chiều
ngày 24 (trước lễ hội một ngày) có một con bò từ trong rừng đi về đền, thủ từ
đem thừng ra buộc vào cổ bò và giữ lại để hôm sau dân làng mổ thịt làm vật
cũng tế thánh.
Năm nào cũng vậy, nhưng đến một năm vị thủ từ thấy con bò lần
này đẹp hơn bò nhà mình nên đã bàn với dân làng cho được thay thế vật lễ thánh
bằng con bò xấu của nhà. Bò nhà đã thịt nhưng bò rừng cũng tự bỏ đi đâu mất.
Và cũng từ năm sau đó, bò rừng không bao giờ về đền nữa,
dân mất vật cúng tế thánh. Để phục dựng lại huyền tích này, bắt đầu từ lễ hội
năm 2011, dân làng Lăng Xương đã tự giết mổ một con bò, thui sẵn trên một quả đồi
gần đền rồi rước về để ở sân đền từ chiều ngày 24, sáng ngày 25 dân làng và
khách thập phương đều được chia phần sau khi đã cúng tế thánh xong.
Đền Lăng Xương hiện là điểm nhấn quan trọng trong hệ thống
các điểm du lịch văn hóa tâm linh trên đất Phú Thọ nói riêng và cả nước nói
chung nên đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân, các tổ chức
ngành nghề.
Đặc biệt là các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đang có chủ
trương phục dựng hình tượng Thánh mẫu Đinh Thị Điêng với tư thế và kích thước
bàn chân hóa thạch của ngài để tôn vinh công trạng của một bậc sinh thành đã
sinh ra cho dân tộc Việt Nam chúng ta một vị thánh bất tử và một truyền thuyết
hết sức nhân văn, khoa học về truyền thống đấu tranh chống lại thiên nhiên để bảo
vệ mùa màng và hạnh phúc xóm làng.