Làng Dương Xá phụng thờ đức Dương Đình Nghệ làm thần tổ, lập đền thờ trên đất thổ cư nhà ông xưa. Trên ban thờ, chính vị Dương Tiết độ sứ, phụ thờ con trai Dương Tam Kha, con gái Dương Thị Nga.
Đền Dương Đình Nghệ xưa thuộc làng Dương Xá, tổng Đại Bối,
huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hoá; nay là làng Giàng, xã Thiệu Dương, thành phố
Thanh Hoá. Đây là nơi thờ Dương Đình Nghệ - một tướng lĩnh tài năng văn võ song
toàn, là một hào trưởng, từng là bộ tướng của cha con Khúc Hạo - Khúc Thừa Mỹ
(thế kỷ X). Trong khuôn viên quần thể di tích còn có ngôi chùa Phúc Hưng, tương
truyền là nơi khai mở họ Dương, có lịch sử lâu đời, được trùng tu nhiều lần vào
thời Lê và thời Nguyễn.
Dương Xá thuộc tổng Đại Bối, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa.
Nay là làng Giàng thuộc xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa. Vùng đất cổ Dương Xá nằm ở
vị trí nhập dòng của sông Chu và sông Mã. Từ xa xưa, vùng đất này đã nổi tiếng
bởi phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, của sự xen lẫn núi, sông, xóm
làng êm ả. Đặc biệt, trong lòng vùng đất còn chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử -
văn hóa qua hàng ngàn năm.
Trong sự phát triển của lịch sử dân tộc, vùng đất cổ còn để
lại dấu vết di chỉ khảo cổ học Thiệu Dương (được phát hiện năm 1960). Đây là
khu cư trú, mộ táng thuộc văn hoá Đông Sơn và đã được công nhận là Di tích cấp
quốc gia.
Vùng đất Dương Xá xưa đã từng một thời kỳ giữ vai trò trung
tâm của đô thị cổ với tên gọi thành Tư Phố. Nơi đây từng hai lần là trấn thị của
quận Cửu Chân đầu Công Nguyên và của Thanh Hóa thời Lê Trung Hưng.
Thành Tư Phố có bề dày thời gian lịch sử chỉ đứng sau Loa
Thành nơi An Dương Vương định đô đời Chu Noãn Vương Tần Thủy Hoàng (Năm 257Tr.
CN). Theo sách Thủy Kinh Chú, một bộ sách có ghi chép về địa lý thời ấy trong
thư tịch cổ Trung Quốc thì thành Tư Phố xuất hiện từ năm Nguyên Đỉnh thứ 6,
niên hiệu của vương triều Tây Hán, đời Hán Vũ Đế, năm thứ 6 là năm 116 Tr CN.
Trong thời kỳ phong kiến tự chủ, Thành Dương Xá trở thành thủ
phủ của xứ Thanh từ thời Hậu Lê cho đến thời Tây Sơn. Đến thời Nguyễn, dưới triều
vua Gia Long (1802) trấn phủ Dương Xá chuyển về Thọ Hạc. Tuy nhiên, vùng đất
Dương Xá vẫn có vị trí hết sức quan trọng, là trung tâm giao thương, phát triển
kinh tế bằng con đường thủy (sông Mã) giữa các vùng miền xứ Thanh.
Di sản văn hóa phi vật thể vùng đất Dương Xá, quan trọng nhất
là đền thờ Dương Đình Nghệ: để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân đã lập đền
thờ trên quê hương. Câu đối ở đền thờ còn khắc ghi về ông:
“Dưỡng tam thiên nghĩa tử dĩ phục thù đằng đằng sát khí.
Chưởng bát vạn hùng sư nhi xuất chiến lẫm lẫm uy danh”.
Tạm dịch là: Nuôi ba vạn con nuôi khí mạnh vô cùng.
Cầm tám vạn quân ra trận oai danh lừng lẫy
Bài viết của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phồ - blog Tuấn
Công Thư Phòng có ghi:
Theo khảo sát di tích khoảng năm 1975 của Phạm Trường Xuân
và Ngô Quốc Túy (1): Hiện nay không còn ai biết rõ đền thờ Dương Đình Nghệ xây dựng
năm nào. Ở đây có 5 tấm bia đá, ghi niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 6, Tự Đức năm
thứ 2, Thành Thái năm thứ 4. Ba tấm bia nói về trùng tu, một bia nói về đúc
chuông, một bia ghi chép những người đóng góp công đức xây dựng, sửa chữa ngôi
đền. Đền xây dựng kiểu chữ công (I) không rõ thời gian đầu tiên, chỉ biết trung
đường và hậu cung sửa chữa lại năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), tiền đường sửa chữa
năm Tự Đức thứ 2 (1849). Cả 5 bia đều cao 1,50m, rộng 0,9m, trán bia trang trí
hình mặt hổ phù và lưỡng long triều nguyệt.
Trong đền, trung đường thờ Dương Đình Nghệ và hai con: Dương
Tam Kha, Dương Thị Nga, hậu cung thờ Phật. Theo truyền ngôn, phía dưới bàn thờ
Dương Đình Nghệ là mộ chôn cất di cốt của ngài.
Đền thờ Tiết Độ sứ Dương Chính Công
Hàng năm, làng tế xuân vào tháng giêng, tế lạp vào tháng chạp,
các chi trong họ Dương mang xôi thịt đến cúng. Riêng ngày mùng năm tháng chạp,
làng tế lễ thần tổ Dương Đình Nghệ. Các cụ cao niên trong làng được chọn cử rước
ba bài vị vào hậu cung (vì chỗ hậu cung trở vào là nền nhà cũ của Dương Đình
Nghệ?).
Sau đó, các cụ lại rước ba bài vị (ba cha con) ra đặt lên
bàn thờ ở vị trí cũ. Chiếc chuông ở đền Dương Đình Nghệ là một trong những chiếc
chuông lớn ở Thanh Hóa, đúc năm 1805, cao 1,60m và nặng hàng tấn. Trên đỉnh
chuông có hai con rồng quấn vào nhau, ở thành chuông có kim văn ghi chép tên những
người làm công đức cho ngôi đền.
Qua hai kỳ chiến tranh, đền Dương Đình Nghệ không còn nguyên
vẹn như xưa, nhưng những dấu tích lịch sử đậm nhạt đủ phác họa nên bức tranh
toàn cảnh. Nào ao sen, ao thuyền thúng, giếng đá hình bán nguyệt, hồ sao sa,… Cổng
tam quan nhìn ra cánh đồng nước có hai mô đất cao, bên trái là cồn Cờ, bên phải
là cồn Trống…(1) Gần đây, đền Dương Đình Nghệ đã được tôn tạo để xứng với
công lao vị anh hùng dân tộc.
Căn cứ “Bài ký và lời minh gác chuông chùa Phúc Hưng” đền
Dương Đình Nghệ vốn xưa là chùa làng Dương Xá, dựng trên đất cũ nhà họ Dương. Về
sau, làng dựng thêm ngôi nhà ngay trước chùa để thờ Dương Chính công (tên thụy
Dương Đình Nghệ) và hai người con. Chùa trùng tu đời Vĩnh Trị (1676 – 1679) có
bia ghi rõ.
Năm Tự Đức thứ hai, Kỷ Dậu (1849), chùa đổ nát, làng khôi phục
lại. Năm Bính Thìn, Tự Đức thứ 9 (1856) triều đình biết Dương Chính công là
danh tướng nước ta, có nhiều linh ứng bèn phong làm phúc thần. Vì thế, làng xây
thêm miếu trước chùa, hoàn thành năm Đinh Tỵ (1857) để thờ riêng Dương Chính
công và thờ phụ hai người con. (*)
Lễ giỗ kỷ niệm 1080 năm Anh hùng Dân tộc Dương Đình Nghệ
Lễ hội đền thờ anh hùng dân tộc Dương Đình Nghệ là một trong
những lễ hội tiêu biểu của vùng đất làng Giàng ngày nay. Do công lao đóng góp
đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho dân tộc, đền thờ anh hùng
Dương Đình Nghệ đã được Nhà nước công nhận xếp hạng là di tích lịch sử - văn
hoá cấp quốc gia vào tháng 3/1996.
(1) Phạm Trường Xuân – Ngô Quốc Túy: “Di tích thắng cảnh Thanh Hóa”. Sở Văn hóa thông tin xuất bản, 1976.