Đền thờ và Lăng vua Ngô Quyền, vị vua lừng danh trong lịch sử dân tộc ngự tọa tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Đền thờ và Lăng mộ được Nhà nước công nhận làdi tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi đất cao, có
tên là đồi Cấm, mặt hướng về phía đông. Đền thờ được xây ở phía trên, cách lăng
khoảng 100m.
Phía trước lăng là một cánh đồng rộng nằm giữa 2 sườn đồi; một
nguồn nước gọi là vũng Hùm chảy ra sông Tích; bên cạnh đó là đồi Hổ Gầm, tương
truyền xưa là nơi thuở nhỏ Ngô Quyền thường cùng bạn chăn trâu, cắt cỏ và tập
luyện võ nghệ. Đây có lẽ là vị trí đẹp nhất của ấp Đường Lâm xưa.
Đền thờ Ngô Quyền được xây dựng từ lâu đời và đã qua nhiều lần
trùng tu. Lần tu sửa gần đây nhất là vào thời Vua Tự Đức (1848 – 1883). Đền có
quy mô khá khiêm tốn, gồm: Nghi Môn, Tả Mạc, Hữu Mạc, Đại Bái (Tiền Đường) và Hậu
Cung.
Đền được xây bằng gạch, lợp ngói mũi hài, có tường bao quanh.
Đại Bái đền thờ là một nếp nhà 5 gian, bộ khung bằng gỗ, được thể hiện chủ yếu
thiên về sự bền chắc, tôn nghiêm; gian giữa có treo bức hoành phi đề bốn chữ
Hán "Tiền vương bất vong" (Vua Ngô Quyền sống mãi).
Hiện nay, Đại Bái còn được dùng làm phòng trưng bày về trận
chiến thắng trên sông Bạch Đằng và thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền. Hậu cung
là một ngôi nhà dọc 3 gian, bộ khung nhà bằng gỗ được trang trí tứ linh, hoa,
lá... Gian giữa là nơi ngự tượng thờ Ngô Quyền, long ngai, bài vị, hương án,
quanh năm nghi ngút khói hương.
Long kiệu của vua Ngô Quyền
Lăng mộ Vua Ngô Quyền được xây dựng năm nào, hiện chưa tìm
thấy một tấm bia đá nào khắc ghi chi tiết quan trọng này. Tấm bia đá duy nhất ở
lăng ghi niên hiệu Tự Đức năm 27(1873) nên được cho rằng xây dựng năm Tự Đức thứ
27 (1874), trùng tu năm Minh Mệnh thứ 2 (1821).
Lăng được xây kiểu nhà bia có mái che, cao khoảng 1,5m. Giữa
lăng là ngai, trong có bia đá ghi bốn chữ Hán "Tiền Ngô Vương Lăng"
(Lăng mộ Vua Ngô Quyền).. Toàn bộ khu lăng mộ hình vuông, mỗi cạnh dài 9,89 m,
được chia làm 2 phần: Lăng mộ và khuôn viên. Toàn bộ xung quanh riềm bức tường
bao quanh và các thân trụ đỡ nhà che lăng mộ đều trang trí các hình tượng hoa
văn cách điệu giản dị nhưng không kém phần trang trọng, vừa gần gũi, vừa tôn
nghiêm.
Nhà che lăng mộ cao khoảng 1,5m,dựng bằng gỗ quý, 4 mái lợp
ngói mũi hài. Đầu đao mỗi mái đều uốn cong, trang trí cách điệu và được gắn mảnh
sứ quanh riềm.Lăng hoàn toàn được xây kín, hình vuông, mỗi chiều dài 4m.Bức tường
thân lăng bao xung quanh có chiều cao 2m.
Trung tâm lăng mộ, phần linh thiêng nhất có gắn tấm bia đá
khổ 54cm x 118cm, có khắc 4 chữ “Tiền Ngô Vương Lăng” với niên hiệu Tự Đức
năm thứ 27 tháng 11 ngày 25. Hai bên là hai bức phù điêu hình tượng rồng bay đậm
phong cách thời Nguyễn, có gắn các mảnh sành trang trí trên thân rồng, mặt sau
được che chắn bằng bức phù điêu hình tượng mặt hổ phù.
Đặc biệt, trong quần thể đền và lăng Ngô Quyền, 18 cây duối
cổ - tương truyền là nơi Ngô Quyền buộc voi, ngựa - đã được công nhận là
"Cây di sản" cấp quốc gia.
Hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ Vua Ngô
Quyền) nhân dân trong vùng lại về đây để tưởng nhớ công ơn của ông - vị vua
"đã mở nước xưng vương", kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở đầu một
thời đại mới, độc lập, tự chủ cho lịch sử dân tộc.