Di tích đền Vua Mây của làng Đại Đê, thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ (tức Phạm Phòng Át) làm Thành Hoàng làng. Ông là một trong 12 vị sứ quân ở thế kỷ X, một vị võ tướng đã lập được nhiều công tích, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm và ổn định quốc gia.
Nằm giữa không gian văn hóa đồng bằng Bắc bộ với những phong
tục tập quán sinh động của cộng đồng cư dân nông nghiệp lâu đời, thuần phác, chịu
nhiều ảnh hưởng của thể thức Nho giáo. Làng Đại Đê thuộc xã Đại An, huyện Vụ Bản,
tỉnh Nam Định vốn là miền quê giàu truyền thống văn hóa lịch sử.
Trải qua những biến cố thăng trầm, Đại Đê khi là xã, khi là
làng, quá trình hình thành và phát triển của Đại Đê trong suốt chiều dài lịch sử
là vấn đề cần được các nhà khoa học nghiên cứu.
Di tích đền Vua Mây của làng Đại Đê, thờ tướng quân Phạm Bạch
Hổ (tức Phạm Phòng Át) làm Thành Hoàng làng. Ông là một trong 12 vị sứ quân ở
thế kỷ X, một vị võ tướng đã lập được nhiều công tích, đã cống hiến trọn đời
cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm và ổn định quốc gia.
Đến thế kỷ XVII, ba vị Quận công họ Vũ là Vũ Công Thiêm, Vũ
Công Trạch và Vũ Huệ Nghiêm là ba thế hệ ông, cha và con của họ Vũ ở xã Đại Đê
được phối thờ tại Đền Vua Mây.
Đền Vua Mây được nhiều người biết đến không chỉ bởi sự linh
thiêng vốn có, mà còn là một di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Đền tọa lạc
trên khu đất Hoàng Xà Bảo Noãn nằm ở đầu làng Đại Đê. Cho đến nay vẫn chưa tìm
thấy tài liệu nào ghi chép chính xác về thời điểm xây dựng Đền, mà chỉ được biết
qua các truyền thuyết. Ngay cả tên gọi của Đền cũng còn là ẩn số với nhiều cách
lý giải khác nhau.
Một đội ngũ các nhà khoa học, sử học đã tiến hành nghiên cứu
công phu dựa trên những tư liệu chính sử Việt Nam, tài liệu tại Viện Nghiên cứu
Hán Nôm, một số thần tích, thần sắc và hương ước của Làng, đã bước đầu đưa ra
những bằng chứng để kết luận Đền Vua Mây ở xã Đại Đê đã có từ thuở xưa, nhưng
phải đến thế kỷ XVII ngôi đền mới được xây dựng, lúc đầu chỉ là một ngôi miếu
nhỏ, đến thời Lê Trung hưng, Thủy đô đốc Quận công Vũ Công Thiêm đã mở rộng và
tu bổ ngôi đền bề thế với quy mô rộng rãi, khang trang, trên khuôn viên rộng chừng
một mẫu Bắc bộ. Từ đó Đền đã trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần cho
nhân dân trong vùng.
Theo các bậc cao niên trong vùng kể lại, ngôi đền được xây dựng
theo kiến trúc thời Lê với 3 tòa và hai giải vũ hai bên và đệ nhị tòa liên
thông với nhau, chỉ có cửa ô ở trước nhị tòa, còn đệ tam tòa cách đệ nhị tòa bởi
một sân rộng khoảng 1,5 mét. Từ đệ tam tòa theo bậc tam cấp bước xuống một cái
sân rộng lát gạch vồ. Trước nền là cổng tam quan cổ kính, uy nghi với hai cột đồng
trụ vút cao. Trước tam quan là một bia công đức, tiếp đến là hồ bán nguyệt ở giữa
hai bên là sân đánh cờ người vào những ngày hội lớn. Hai cây đa cổ thụ có tuổi
thế kỷ, sừng sững vươn cao trên nền trời phía Đông và Tây của khuôn viên tôn
thêm vẻ uy nghi, đường bệ của ngôi đền.
Đền Vua Mây, nơi phụng thờ “Huyền Hoàng Đằng vương” được người
đời và các triều đại tôn vinh nên bất kỳ ai qua đây đều phải dừng chân, xuống
ngựa để tỏ lòng thành kính và biết ơn Ngài. Do vậy, trên đoạn đường cái quan
trước mặt đền, một tấm bia “hạ mã” đã được dựng, ngụ ý nhắc nhở mọi người về một
nghi thức đẹp cần phải tuân theo khi qua lại nơi đây.
Đến nay, cùng với thời gian và những biến cố của thời cuộc,
đặc biệt khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, năm 1950, chúng chiếm và xây bốt ở
đầu làng đồng thời cho phá tất cả đình chùa, miếu mạo để lấy gạch xây bốt, mặt
khác phát quang các chướng ngại trên đường đi để dễ bề quan sát. Do đó, làng Đại
Đê đã mất đi công trình lịch sử - văn hóa mang đậm nét đẹp của một vùng đất
thiêng.
Ngôi đền đã bị phá, nhưng còn lại những di sản như khuôn
viên và chân móng của tất cả công trình. Hồ bán nguyệt vẫn giữ dáng xưa và được
tu sửa. Hai tấm bia đá khắc, trong đó một tấm khắc vào năm Kỷ Sửu (1649) vẫn
còn được lưu giữ tuy có bị vỡ nhưng ghép lại vẫn có thể đọc được rõ ràng. Hai bản
Thần tích và 6 đạo Thần sắc của đền vẫn còn được lưu giữ tại viện Nghiên cứu
Hán Nôm, nay đã được dịch nghĩa, ...
Khuôn viên của đền trong thời kỳ chống Mỹ được sử dụng để
xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như nhà kho HTX, bệnh xá, trụ sở
UBND xã Đại An. Khi UBND xã chuyển đến cơ sở mới, chính quyền đã hoàn lại cho
làng Đại Đê 10m2 để xây lại miếu thờ Thành hoàng trên nền cũ. Nhờ đó, dân làng
mới có nơi đèn nhang hương khói phụng thờ, tỏ lòng biết ơn đối với các vị tiên
liệt đã có công với dân với nước.
Kim phả bằng đồng.
Bản thần sắc được dòng họ Vũ tại làng Đại Đê lưu giữ.
Hội thảo tôn tạo di tích đền Vua Mây tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Với những tư liệu còn
lưu giữ được về ngôi đền, cùng với kết quả cuộc khảo sát và nghiên cứu của các
nhà khoa học về làng Đại Đê và ngôi đền Vua Mây, cùng với cuộc Hội thảo khoa học
“Tôn tạo và phát huy giá trị di tích văn hóa đền Vua Mây làng Đại Đê...” được tổ
chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong tháng 12/2012 vừa qua, các báo cáo tham
luận tại hội thảo đã khẳng định: Đền Vua Mây, một di tích văn hóa có giá trị to
lớn, cần được các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận xếp hạng, cần được khôi
phục lại Đền xứng đáng với vị thế vốn có trong lịch sử.