Đền Thượng thuộc xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đền được xây dựng vào thời Trần, thờ thần Cao Sơn Cao Các.
Theo một số thần tích ở các đình đền thờ phụng thần, thần hiệu
để chỉ hai anh em đã phò giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân và đánh
quân Chiêm Thành.
Theo Ngọc Phả Đại Vương tôn vị trung thần triều Đinh; Cao
Các và Cao Sơn là hai anh em sinh đôi, sinh ngày 6 tháng 1 năm 938 ở làng Cao
Xá, huyện Thọ Xuân, châu Ái (nay thuộc Thanh Hóa).
Cha là ông Cao Trạch, mẹ là bà Lê Thị Điểm, quê ở xã Ninh
Phúc, thành phố Ninh Bình ngày nay. Từ nhỏ, Cao Các đã học giỏi, thông minh tài
trí hơn người; Cao Sơn võ nghệ tinh thông. Cao Các vốn thông minh, có sức khỏe
phi thường, dung mạo hơn người, được nhân dân gọi là "thần đồng".
Khi hai anh em Cao Các, Cao Sơn lên hai mươi tuổi, đất nước
rơi vào thời loạn mười hai sứ quân, hai ông bỏ làng đi tìm minh chúa.
Đinh Bộ Lĩnh phong Cao Các làm Giám Nghị đại phu, giao cho 5
vạn binh lính để đánh dẹp loạn 12 sứ quân. Cao Các, Cao Sơn đã cùng các tướng sỹ
lần lượt đánh bại và thu phục các sứ quân: Lã Xử Bình, Dương Huy, Phạm Bạch Hổ,
Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Xương Xí,...
Ngày 6 tháng 6 năm Đinh Mão (tức 15 tháng 7 năm 967), Đinh Bộ
Lĩnh điều một đạo quân do tướng Nguyễn Bồ chỉ huy tiến đánh sứ quân Nguyễn
Siêu. Trong trận quyết liệt này Đinh Bộ Lĩnh bị mất 4 tướng là Nguyễn Bồ, Nguyễn
Phục, Đinh Thiết và Cao Sơn cùng rất nhiều binh lính đều tử trận.
Khi Đinh Bộ Lĩnh trở về quê hương Hoa Lư xây dựng kinh đô,
xưng Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Vua ban cho Cao Các thực ấp ở huyện An Ninh. Cao
Các lo khuyến khích nghề nông, làm việc nghĩa, luyện tập võ nghệ phòng khi nước
nhà có biến cố, giúp triều đình bảo vệ quê hương và đánh giặc cứu nước.
Khi Vua Chiêm Thành đem quân uy hiếp Đại Cồ Việt, tấn công
vào vùng Nghệ Tĩnh, vua Đinh Tiên Hoàng triệu Cao Các về triều, giao cho 5 vạn
binh lính, ấn kiếm đi đánh giặc. Cao Các cầm quân xông pha nhiều trận đánh dẹp
tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình liên tiếp giành thắng lợi, quân Chiêm đại bại
phải trốn về nước. Vùng đất nào phía nam Đại Cồ Việt bấy giờ cũng để lại dấu ấn
của Cao Các trong việc đánh dẹp và giúp dân ổn định cuộc sống. Dẹp xong giặc
Chiêm, vua Đinh Tiên Hoàng ban thưởng công Cao Các rất hậu, muốn lưu ông lại
triều đình nhưng Cao Các xin về sống ở An Ninh quê ngoại (tức huyện Yên Khánh,
Ninh Bình ngày nay).
Khi về già, Cao Các Đại vương thường ngao du ở vùng đất Hoan
Châu, một hôm ông đến núi Bằng Trình, huyện Thanh Nguyên, Nghệ An thì lâm bệnh
mất đột ngột. Nhận được tin báo, Triều đình Hoa Lư thương tiếc cho lập miếu thờ.
Đến thời vua Lý Thái Tổ, thấy đền miếu thiêng, biết ông là
trung thần nhà Đinh đã phong tặng mỹ tự "Cao Các Đại Vương thượng đẳng thần".
Các triều vua về sau phong sắc cho Ngài là Thượng Thượng đẳng tối linh Tôn thần.
Các triều đại phong kiến Việt Nam đã ban nhiều sắc phong, hiện tại đền vẵn còn
lưu giữ 11 sắc phong do vua triều Lê và triều Nguyễn ban cho thần chủ của đền.
Cuốn "Địa chí văn hóa Hưng Nguyên", (Nxb
KHXH – 2009,tr 497,498) do PGS. Ninh Viết Giao Chủ biên viết: cả nước ta có 2.017 nơi thờ phụng thần Cao
Sơn, 1.519 nơi thờ Cao Các. Như vậy thì Cao Sơn, Cao Các là 2 thần.
Nhưng ở xứ Nghệ nói chung, Hưng Nguyên nói riêng thì Cao Sơn
Cao Các tựa là một. Trong 109 xã, thôn ở Hưng Nguyên có trên dưới 40 xã thôn thờ
Cao Sơn Cao Các. Chỉ có xã Dương Xá, nay thuộc Hưng Lĩnh thờ thần Cao
Sơn".
Tác giả đã trích dẫn bản khai thần tích của xã Hiếu Hạp, huyện
Chân Lộc (nay thuộc các phường Nghi Thu, Nghi Hương (thị xã Cửa Lò), xã Nghi Thạch
(huyện Nghi Lộc) của Cử nhân Hoàng Thúc Lang, vào đời Minh Mệnh (khoảng 1812 -
1840), như sau: "Nay phụng sát những nơi thờ Cao Sơn Cao Các là 335 nơi
(trong đó đã phong thần là 322 nơi, chưa phong là 113 nơi). Lại tựa hồ 2 vị là
một. Do thiếu điển cố tạm thời không thể khảo chứng là 1 hay 2 thần hiệu, cũng
không thể quyết là sơn thần hay nhân thần, không thể miễn cưỡng, biện bác. Duy
thần tích rõ ràng không phải. Nay theo xưa thờ khắp đất nước, tùy theo sự hiển ứng,
hoặc có thể chống được tai họa lớn thì thờ, nổi tiếng linh thiêng khắp nơi thì
nghe theo vậy. Còn những trường hợp không khảo cứu được thì bỏ. Lấy nghi truyền
nghi. Hoặc cho Sơn Thánh núi Tản Viên được nước Nam ta tôn thờ, linh khí bàng bạc
vang tiếng từ cổ đến nay, Nam Bắc gầm trời, xó đất đều thờ, xét theo lý lẽ ấy
thì thuyết này gần đúng".
Đền ngoảnh hướng Đông Nam, nằm trên nền đất cao ráo thoáng
mát, có nhiều cây cối rậm rạp, xưa, kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ Tam, gồm có
3 toà: Hạ điện, Trung điện và Thượng điện. Trải qua biến thiên của lịch sử, Hạ
điện không còn nữa.
Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), đền Thượng được
chọn làm nơi hoạt động bí mật của Đảng ở địa phương, nơi tổ chức hội họp, in ấn
tài liệu, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của làng Phú Nghĩa Thượng và cũng
là nơi diễn ra các cuộc mít tinh, biểu tình giành chính quyền; địa điểm diễn
thuyết, treo cờ Đảng trong các cuộc đấu tranh hưởng ứng cao trào Xô Viết Nghệ
Tĩnh. Đặc biệt, giai đoạn 1933-1945, đền Thượng là nơi tổ chức nhiều cuộc hội họp,
nơi thành lập các tổ chức quần chúng nhằm chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,
đền Thượng là kho cất giấu vũ khí và hàng hoá của Nhà nước, là nơi diễn ra lễ
tiễn đưa hàng trăm con em lên đường đánh giặc cứu nước, giành độc lập tự do cho
dân tộc.
Cũng như các làng quê khác ở xứ Nghệ, đền Thượng là nơi tổ
nhiều kì lễ gắn với làng Phú Nghĩa như lễ Kỳ phúc, Khai hạ, Đoan ngọ…Đến ngày lễ
hội, toàn bộ dân làng tập trung tại đền để tổ chức tế lễ và vui chơi. Cứ 12 năm
một lần, dân làng Phú Nghĩa lại tổ chức lễ kỷ niệm và diễn cảnh đánh giặc hóp
vào ngày Rằm tháng 2 để tưởng nhớ đến công ơn của Mỹ quận công Trương Đắc Phủ.
Đặc biệt, vào năm 2015, Lễ hội đền Thượng được nhân dân địa
phương tổ chức rất long trọng với quy mô lớn. Bên cạnh phần lễ truyền thống được
tiến hành một cách trang nghiêm trong đền; ở phía ngoài đền, phần hội cũng được
diễn ra rất sôi nổi, phong phú với nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật, đánh
đu, đánh cờ thẻ, đánh cờ người, kéo co, đẩy gậy, diễn tuồng, hát dân ca, chèo,
cải lương.... không những thu hút các tầng
lớp nhân dân trong và ngoài làng, mà còn cả những người con quê hương từ mọi miền
Tổ quốc, khách thập phương về tham dự.
Sự hiện diện của Đền cùng với các tài liệu lịch sử, hiện vật
quý còn lưu giữ tại di tích, như: thần phả, sắc phong, long ngai, bài vị, câu đối,
bức đại tự ... là những bằng chứng chân thực, có giá trị giúp chúng ta hiểu hơn về bối cảnh xã hội, đời
sống văn hóa, ý chí đấu tranh cách mạng của một vùng quê xứ Nghệ nói chung và
quê hương Quỳnh Nghĩa nói riêng trên con đường xây dựng và phát triển.
Năm 1996, đền Thượng đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc
gia.