Được hợp thành từ ba ngôi làng cổ: Yên Tĩnh, Thiều Xuân và Thượng Yên. Đền Thượng là một di tích lịch sử - văn hóa lâu đời của xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Đền thờ phụng Thành hoàng làng là Tản Viên Sơn thánh và Quý Minh Đại vương.
Ngày trước, đền là ngôi miếu thờ thành hoàng làng, đến năm
Minh Mệnh nguyên niên (1820), Nhân dân xây dựng thành ngôi đền gồm ba gian bằng
gỗ. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngôi đền Thượng cổ kính
không còn nữa.
Ngôi đền hiện nay được tôn tạo trên nền móng cũ vào năm
2002, tọa lạc trên một khu đất đẹp tại thôn Thượng Yên với diện tích 891m2; với mặt bằng kiến trúc
theo kiểu chữ Đinh (丁)
gồm ba gian tiền tế, một gian hậu cung, được xây dựng theo kiến trúc truyền thống
của người Việt với các bộ vì theo kiểu chồng rường, giá chiêng, toàn bộ kết cấu
chịu lực chế tác bằng gỗ, nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi hài. Phía trước đền
là một khoảng sân rộng, đáp ứng việc tổ chức lễ hội hằng năm của Nhân dân.
Đền Thượng ở xã Đồng Thịnh thờ thần Tản Viên Sơn Thánh và
Quý Minh Đại Vương. Tương truyền rằng lúc bấy giờ, ở động Lăng Xương, phủ Gia Hưng,
đạo Sơn Tây có một người họ Nguyễn tên Xương lấy vợ tên là Lưu Thị Hạnh, vốn là
nhà phú hào, vợ chồng một lòng trung hậu, chuyên tâm tu nhân tích đức, cứu người,
làm việc thiện nhưng phiền một nỗi, ông bà tuổi đã cao mà chưa có con.
Một hôm, đúng vào tiết xuân ấm áp, cây cỏ đâm chồi nảy lộc,
khắp nơi nở đầy hoa thơm, người người đua nhau đi thưởng ngoạn, ông Nguyễn
Xương cùng anh trai là Nguyễn Cao đem theo vài người tùy tùng du chơi núi Tản
Lĩnh, đi đến chân núi, bỗng thấy một ông lão tóc râu trắng toát, đầu đội mũ hoa
quan, tay cầm gậy trúc, theo sau có vài ba chú tiểu đồng, vừa đi vừa hát rằng:
Non cao cao, suối sâu sâu
Bạn cùng biết ai là tri âm?
Tri âm chừ,
Tuy vạn dặm vẫn tìm nhau
Đã biết thì cùng kết giao chừ!
Cùng dong chơi nơi núi cao suối sâu.
Hai ông nghe lời hát ấy thấy làm lạ, nói với nhau rằng: “Đây
chẳng phải bồng lai tiên lão, thì cũng là thần linh núi Tản Viên”, rồi cùng tiến
đến mà thưa rằng: “Anh em chúng tôi sống nơi trần thế, tiền của chẳng hề thiếu
thốn, chỉ buồn một điều là không có con. Nay gặp được tiên ông ở đây, xin tiên
ông mở lòng từ bi ban cho một nơi phúc địa để cho anh em chúng tôi được thừa hưởng
ân huệ”.
Ông lão nghe xong, bèn cười nói rằng: “Ta chẳng phải là
tiên, vốn là người nhàn du, thân chẳng vướng lụy tam sinh, nay các người gặp được
ta ở đây chính là phúc dày của các ngươi vậy. Ở chân núi có một thế đất long chầu
thủy tụ, tả đống hữu gò mà vị trí theo hướng Nhâm - Bính (Bắc - Nam), nếu chôn
cất hài cốt tổ tiên cha mẹ ở đây ắt hẳn sẽ có phúc, sẽ sinh ra ba vị thánh tử”.
Hai ông nghe vậy, trong lòng mừng lắm, vội trở về quê, thu
nhặt xương cốt cha mẹ. Sáng hôm sau, đúng giờ Dần đến đợi ở chân núi, đã thấy
ông lão ngồi ở đấy rồi, ông lão chỉ huyệt chôn cất. Chôn cất xong xuôi, chưa kịp
lạy tạ thì đã không thấy ông lão đâu cả. Hai năm sau, quả nhiên ứng nghiệm, phu
nhân hai ông đều mang thai.
Đến kỳ sinh nở, vợ người anh sinh được một người con trai, đặt
tên là Nguyễn Tuấn; vợ người em sinh được hai người con trai đặt tên là Nguyễn
Sùng và Nguyễn Hiển (đó là ngày 11 tháng Giêng năm Giáp Dần).
Từ đó, ngày qua tháng lại, thấm thoắt thoi đưa, ba anh em họ
Nguyễn trưởng thành, không học mà tự biết, trên thông thiên văn, dưới tường địa
lý, bạn bè đều ca ngợi là thần đồng xuất thế.
Năm ba anh em họ Nguyễn 14 tuổi, cha mẹ các ông đều bỗng
nhiên qua đời, họ tìm nơi đắc địa chôn cất, mai táng cho cha mẹ. Sau đó, cùng
nhau lên núi Tản linh thiêng xin làm con nuôi bà Ma Thị thần nữ. Nguyễn Tuấn được
Thái Bạch thần linh ban cho cây gậy trúc và cuốn sách ước của Thủy Đế Long Đình,
có thể cứu họa cho thế gian.
Khi bà Ma Thị qua đời, các vùng đất trong núi đều giao cho
Nguyễn Tuấn, Nguyễn Tuấn bèn chia bên trái núi Nhạc Sơn cho Nguyễn Sùng trấn giữ,
bên phải núi Nộn Sơn cho Nguyễn Hiển trấn giữ. Nhân dân khắp các vùng đều gọi
các ông là Tam Sơn thần (Nguyễn Tuấn là Tản Viên Sơn, Nguyễn Sùng là Cao Sơn và
Nguyễn Hiển là Quý Minh).
Lúc bấy giờ, Hùng Duệ Vương sinh hạ được 20 hoàng tử và 6
nàng công chúa nhưng 20 hoàng tử và 4 công chúa đều lần lượt về trời, chỉ còn
hai nàng công chúa, một nàng là Tiên Dung đã gả cho Chử Đồng Tử, còn nàng thứ
hai là Mỵ Nương thì nhụy ngọc còn phong, lương duyên chưa định.
Nhà vua bèn cho dựng “lầu kén rể”, rồi xuống chiếu truyền khắp
thiên hạ thần dân, ai người đại lược thông minh, khí phách anh hùng thì nhà vua
sẽ gả con gái cho.
Nghe chiếu thiên tử, anh hùng bốn bể tới kinh thành Phong
Châu, nhưng chỉ có một người là Tản Viên Sơn Thánh có tài thông thiên triệt địa,
dịch thủy di sơn, lại có diệu thuật nên được Vua Hùng gả công chúa cho, lại
giao Cao Sơn và Quý Minh là Phụ tá vương chính, phong cho Cao Sơn chức Đô đài Đại
phu; Quý Minh chức Trung thư lệnh. Từ đó, vua tôi hiệp lực, thiên hạ thái bình,
toàn dân no ấm, yên vui.
Trải qua hơn 10 năm, bấy giờ bộ chủ Ai Lao họ Thục tên Phán
nghe tin Hùng Duệ Vương có ý nhường ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn Thánh, bèn
tổ chức lực lượng, cầu viện các nước láng giềng, quân tới hàng vạn, voi ngựa
hàng nghìn, chia 5 đường tiến đánh Văn Lang hòng chiếm ngôi báu.
Nghe tin, vua Duệ Vương hết sức lo lắng bèn mời Tản Viên Sơn
Thánh bàn kế chống giặc, Sơn Thánh tâu rằng: “Triều Hùng trải hơn hai nghìn năm
thái bình thịnh trị, dân giàu nước mạnh, trời lại cho nhiều anh tài trợ giúp,
Thục Vương không tự giữ mình, dám đến gây sự tất chuốc lấy thất bại, điều đó đã
có minh nghiệm rồi. Thần xin đem hết lòng phò trợ thánh giá, tuyển chọn tướng
tài, chỉ một ngày là định yên thiên hạ”.
Nhà vua nghe xong, khen ngợi rồi cử Tản Viên Sơn làm đại tướng
quân thống lĩnh 5 đạo quân, cho Cao Sơn là Tả tướng quân, Quý Minh là Tham tán
quân sư, giao cho hai ông cùng đánh quân Thục ở Ái Châu.
Hai ông Cao Sơn và Quý Minh lạy tạ rồi kéo quân đi, qua một
ngày, đến trang Tam Lộng, Nhân dân ở đây làm lễ xin được làm thần tử, hai ông bằng
lòng, sai giết mổ trâu bò, mở tiệc khao tướng sĩ, tuyển chọn đinh tráng trong
Tam Lộng sung làm gia thần chủ hạ. Tiệc xong, chia quân hai đường thủy, bộ cùng
tiến thẳng đến Ái Châu, đánh một trần đại phá quân Thục.
Vua Duệ Vương ở ngôi trị vì được 105 năm, tự thấy tuổi cao sức
yếu bèn cho mời Sơn Thánh tới để nhường ngôi báu. Sơn Thánh một mực từ chối
không nhận, nhân đó tâu rằng: Cơ đồ nhà Hùng đã trải hơn 2000 năm, qua 18 đời,
sách trời có hạn, vả lại Thục Vương tuy là bộ chủ Ai Lao nhưng cũng là di phát
của họ Hùng.
Vậy chi bằng nhà vua nhường ngôi cho Thục Vương, thần có thuật
biến hóa, xin cùng đức vua thoát khỏi vòng trần ai, cùng về coi tiên cảnh bồng
lai thì há chẳng vui sao? Duệ Vương nghe theo, bèn nhường nước cho Thục Vương,
rồi cùng Sơn Thánh giữa ban ngày bay lên trời mà hóa sinh bất diệt.
Kể từ đó Tản Viên Sơn Thánh được Nhân dân khắp nơi phụng thờ,
suy tôn là thánh tổ nghề nông và là một trong 4 vị thánh “tứ bất tử”. Riêng với
đền Thượng thôn Thượng Yên việc thờ Tản Viên Sơn Thánh còn gắn với sự tích mà
Nhân dân trong vùng truyền tụng lại: Vào mùa nước sông tháng Bảy, người dân Thượng
lên rừng lấy củi thì thấy có một chiếc hòm độc mộc trôi dạt vào bìa rừng, được
tin, nhà chức trách cử người kéo hòm ra thả ngoài cửa ngòi Cầu Mai.
Đến sáng hôm sau, hòm độc mộc lại trôi về chỗ cũ, thấy điềm
lạ, Nhân dân mở hòm độc mộc ra xem thì thấy bên trong có một hòm sắt sơn son
thiếp vàng lộng lẫy, bên trong có một đạo sắc của đức Thánh Tản, Nhân dân địa
phương bèn hưng công góp của xây dựng ngôi đền Thượng thờ cúng.
Làng Thượng Yên có tên nôm là Kẻ Nộc, làng có 5 xóm là xóm
Trên, xóm Dưới, xóm Doi, xóm Sậu và Đồi Bằng. Từ xa xưa người dân nơi đây đã biết
đến nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén xe tơ.
Cuộc sống của người dân Thượng Yên hoàn toàn ký thác cho đất,
cho trời, gặp mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi thì người dân no dạ ấm lòng,
họ cùng nhau nói “nhờ Trời”; rủi gặp năm hạn hán kéo dài, đất nẻ chân chim, hay
nước lũ sông Lô tràn vào thì lòng người phấp phỏng lo âu, với nhân sinh quan và vũ trụ quan như thế nên những
di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được tồn tại đến ngày nay đều lột tả những
nguyện ước rất đơn thuần của cư dân nông nghiệp đó là cầu cho “trời đất giao
hòa, mùa màng tốt tươi, con người và vạn vật được phát triển”.
Lễ hội rước cây bông là hoạt động được tổ chức hằng năm tại
Đền Thượng, là một hình thức văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người dân Thượng
Yên, nhằm tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống, tôn vinh đạo lý uống nước
nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam nói chung và Nhân dân Thượng Yên nói riêng.
Từ đó, góp tăng cường tính đoàn kết cộng đồng làng xã để xây
dựng quê hương Đồng Thịnh ngày càng giàu đẹp, văn minh. Xây dựng kịch bản và bảo
tồn lễ hội rước cây bông làng Thượng Yên, Đồng Thịnh là góp phần thực hiện chủ
trương của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc.
Đền Thượng, xã Đồng Thịnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh
Phúc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa
cấp tỉnh theo quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 24 tháng 01 năm 2006.
BBT