Theo quan niệm của dân gian, hai vị công chúa chính là hiện thân của con gái Long Vương. Đền Thượng thờ Ngọc Lân công chúa và Đền Hạ thờ Phương Dung công chúa, được tôn là Mẫu Thoải vì có sắc phong của nhà nước phong kiến xưa.
Đền Thượng đã từng có các tên gọi: Đền Sâm Sơn (hay đền Tình
Húc). Đây là tên gọi dưới thời Nguyễn, vì lúc đó, núi Dùm được gọi là núi Sâm
Sơn thuộc thôn Viên Lâm, xã Tình Húc, tổng Bình Ca, huyện Hàm Yên, phủ Yên Bình
(Tuyên Quang). Đền núi Dùm, vì ngôi đền tựa lưng vào núi Dùm, quay mặt ra sông
Lô. Tên núi Dùm còn được ghi trên cổng đền hiện nay.
Đền Thượng là tên gọi dưới thời Hậu Lê, vì lúc bấy giờ có
hai đền cùng được xây dựng bên bờ tả và bờ hữu sông Lô. Trong nhân dân còn lưu
truyền câu: “Thượng thác Ghềnh, Hạ cầu Chả” - nghĩa là trên thác Ghềnh có đền
Thượng, phía dưới gần cầu Chả có đền Hạ.
Tên đền Thượng được nhân dân gọi đến ngày nay. Đền Thượng
lưng tựa vào núi Dùm, quay mặt ra sông Lô, thuận đường thủy, bộ, phong cảnh sơn
thủy hữu tình, xung quanh đền có nhiều cây cổ thụ.
Từ bến xe ô tô Tuyên Quang, theo đường Bình Thuận qua cầu
Nông Tiến khoảng 500 m, rẽ trái theo Quốc lộ 2C mới (đường ĐT185 cũ) Nông Tiến
- Tân Long khoảng 1 km là thấy ngôi đền tọa lạc bên trái ngay tả ngạn sông Lô.
Đền Thượng là nơi thờ Mẫu, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng
của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang và du khách thập phương. Truyền thuyết về
vị Mẫu thần thờ tại đền Thượng được nhiều tài liệu nhắc đến cả trong chính sử
và trong tư liệu, văn bia còn lưu giữ tại đền.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Tương truyền đời trước
có hai công chúa là Ngọc Lân (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung (tức Quỳnh
Hoa công chúa) theo xa giá đi xem xét các địa phương, để thuyền ở bờ sông, đến
đêm trời nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh
dị, nên lập đền thờ.
Nơi con thuyền dừng đỗ đã được bà con xây dựng thành đền Hạ.
Sau này, có giặc giã, nhân dân đã mang tượng các công chúa sơ tán vào đất Ỷ La.
Sau khi tan giặc giã, nhân dân khôi phục đền Hạ, đồng thời tại nơi sơ tán tượng
công chúa được xây dựng thành đền Ỷ La. Còn đền Thượng ra đời sau khi có đền Hạ
và đền Ỷ La.
Theo quan niệm của dân gian, hai vị công chúa chính là hiện
thân của con gái Long Vương. Đền Thượng thờ Ngọc Lân công chúa và Đền Hạ thờ
Phương Dung công chúa, được tôn là Mẫu Thoải vì có sắc phong của nhà nước phong
kiến xưa.
Đền thờ Phương Dung công chúa ở hữu ngạn sông Lô, thuộc địa
phận xã Ỷ La (đền Hạ ngày nay). Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả ngạn sông
Lô, thuộc xã Tình Húc (tức đền Thượng ngày nay)”. Cũng có những tư liệu và
chính sử ghi chép khác nhau về lai lịch, nguồn gốc của thần Mẫu được thờ tại đền
Thượng.
Theo các tài liệu, đền Hạ được xây dựng vào năm 1738, đền Ỷ
La 1747 còn đền Thượng vào năm 1767 (có tài liệu cho rằng năm 1801). Hiện ngôi
đền còn giữ được nhiều cổ vật: Một quả chuông đúc năm 1820, một chiếc khánh năm
1835, một số bức hoành phi năm 1866, 1943...
Đền Mẫu Thượng Tuyên Quang được coi là một đền thiêng và được
các đời vua triều Lê, triều Nguyễn sắc
phong các mỹ tự. Hiện nay, nhà đền còn lưu giữ các đạo sắc phong vào các năm
1743, 1787, 1796, 1821, 1844, 1835,
1850, 1880, 1887, 1890, 1923 ứng với các đời vua Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Cảnh
Thịnh, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Khải Định.
Cảnh Núi Dùm
Đền Thượng còn được coi là một trong các đền thờ chính của Mẫu
Thoải. Nơi đây còn lưu truyền một sự tích về Mẫu Thoải:
" Mẫu Đệ Tam vốn là con gái Vua Thủy Tề, ở chốn Long
Cung. Bà kết duyên cùng Kính Xuyên (là
con Vua Đất). Khi Kính Xuyên đi vắng, bà ở nhà khâu vá, chẳng may kim đâm vào
tay chảy máu, lấy tấm vải lụa trắng để thấm máu.
Thảo Mai, tiểu thiếp của Kinh Xuyên, vốn đã sinh lòng đố kị
từ lâu, nhân cơ hội đó giấu tấm lụa đi, đến khi Kính Xuyên về, Thảo Mai lấy ra
rồi vu oan cho bà ở nhà đã cắt máu thề nguyền để tư thông cùng kẻ khác. Kính
Xuyên không nghe lời thanh minh, ghen tuông mù quáng, một mực bắt đóng cũi bỏ
bà lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Ở nơi rừng núi, bà được muôn loài quý mến, dâng
hoa quả nước uống cho bà.
Đến một ngày kia thì bà gặp được Liễu Nghị, vốn là thư sinh
quê đất Thanh Miện nhờ tập ấm cha mẹ để lại nên đèn sách chuyên cần. Hôm đó
trên đường đi thi thì chẳng may bị lạc vào nơi bà bị đày ải. Thấy bà vậy, Liễu
Nghị đến hỏi han, sau khi biết rõ sự tình, Liễu Nghị nhận giúp đỡ bà.
Bà đã viết thư nhờ Liễu Nghị mang về đến chốn Long Cung để
vua cha thấu hêt sự tình rồi sẽ định liệu sau. Theo lời bà, Liễu Nghị ra đến
sông Ngân Hán, là mái Long Giai ngoài biển Đông, thấy có cây ngô đồng, Liễu Nghị
rút cây kim thoa, gõ vào cây ba lần. Tức thì gió giật mưa sa, biển động ầm ầm,
giữa dòng thấy hiện lên đôi bạch xà, Liễu Nghị bèn trình bày mọi việc, đôi bạch
xà vâng lệnh đưa Liễu Nghị xuống Thủy Cung. Tại đây, Liễu Nghị trao cho Vua Thủy
Tề bức thư và kể hết mọi chuyện.
Vua cha tức giận, sai người đi bắt Kính Xuyên và Thảo Mai,
còn truyền cho Trưởng Tử Xích Lân lên đón bà về. Sau đó bà được rước về Thoải
Phủ, kết duyên cùng Liễu Nghị, người được giao cho chức Quốc Tế Thủy Quan. (
Theo Bodetam.vn)"
Đền Mẫu Thượng Tuyên Quang thờ ai?
Như vậy, thần tích về các công chúa con của vua Hùng và Mẫu
Thoải có sự khác nhau. Tuy nhiên, các cô công chúa Phương Dung và Ngọc Lân được
nhân dân tôn phong là các vị Thánh Mẫu. Do đó có thể coi hai vị công chúa của
vua Hùng là hiện thân của Mẫu Thoải.
Vì vậy, chúng ta có thể coi đền Thượng là đền thờ Mẫu Thoải.
Như vậy, với cái tên Đền Mẫu Thượng chỉ là tên gọi phân biệt với Đền Mẫu Hạ chứ
không phải đền thờ Mẫu Thượng mà thờ Mẫu Thoải các bạn nhé.
Đền Thượng là một ngôi đền cổ có từ lâu đời (sắc phong sớm
nhất vào năm 1743) có niên đại cùng thời với đền Hạ - đền thờ hai nữ thần có
quan hệ mật thiết với nhau. Khi tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian phát triển,
nhân dân đã đưa Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Thoải cùng hệ thống tượng Ngọc Hoàng,
Long Vương, quan Hoàng vào phối thờ.
Các điện thờ trong Đền Thượng
Chuông và khánh cổ đền Thượng
Trong năm, tại đền Thượng thường tổ chức các ngày lễ lớn
như: Lễ khai bút vào ngày 2 tháng Giêng âm lịch (ngày mở cửa đền); Lễ Thượng
nguyên vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch (lễ giải hạn cho dân); Lễ cầu mưa từ
ngày 8 đến ngày 10 tháng 4 âm lịch; Lễ mừng sinh nhật các Mẫu và các vị quan
Hoàng vào các tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10.
Đặc biệt, trước đây trong tháng 2 và tháng 7 âm lịch có hội
rước Mẫu. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm và là dịp để nhân dân thể hiện các
nghi thức diễn xướng.
Hiện nay, lễ rước Mẫu đã được khôi phục và được tổ chức vào
ngày 12 tháng 2 âm lịch - rước Mẫu từ đền Ỷ La và đền Thượng về nhập cung tại đền
Hạ (hai chị em công chúa gặp nhau) và ngày 16 tháng Giêng làm lễ hoàn cung.
Hiện Bảo tàng tỉnh đang lập hồ sơ lễ rước Mẫu đền Thượng và
đền Ỷ La để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh sách là di sản
văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đền Thượng là di tích rất có giá trị trong việc nghiên cứu về
văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng và là địa điểm hấp dẫn thu hút khách thập phương về
chiêm bái sự linh nghiệm của đền. năm 2015, đền Thượng đã được Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Thanh Tùng (Theo tư liệu Bảo tàng tỉnh)
Nguồn: Báo Tuyên Quang