Đền Tiên thờ Mẫu Thần Long Hồng Đăng Ngạn, Hoàng hậu nước Xích Qủi vợ của Kinh Dương Vương, mẹ của Lạc Long Quân. Người đã sát cánh cùng chồng từ bước đầu dựng nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân, được mọi người yêu mến gọi là “Bà Chúa tằm”.
Trung tâm thành phố Việt Trì - cố đô Văn Lang xưa có ngôi đền
Thờ Thuỷ Tổ Quốc Mẫu, ngày nay thuộc phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh
Phú Thọ, được nhân dân gọi theo địa danh là Đền Tiên.
Căn cứ vào cuốn ngọc phả của Đền dày 59 trang viết bằng chữ
Hán hiện còn lưu giữ tại viện Hán Nôm và các tài liệu có liên quan thì Đền Tiên
thờ Mẫu Thần Long Hồng Đăng Ngạn, Hoàng hậu nước Xích Qủi vợ của Kinh Dương
Vương, mẹ của Lạc Long Quân. Người đã sát cánh cùng chồng từ bước đầu dựng nước
trong việc chăm lo đời sống của nhân dân, được mọi người yêu mến gọi là “Bà
Chúa tằm”.
Người có công lớn trong việc sinh hạ và giáo dục thái tử
Sùng Lãm để sau này trở thành vị vua tài trí của Nhà nước Văn Lang. Người đã được
vua Kinh Dương Vương phong: “Vi cung chính khổn” (Hoàng hậu) và thưởng cho cung
Tiên Cát. Khi Người mất, nơi đây chuyển thành Tiên Cát lăng, được nhân dân trông
nom gìn giữ suốt mấy ngàm năm. Căn cứ vào “Ốc tổ Bách Việt triều thánh” Người
sinh vào ngày 5 tháng 5, mất ngày 9 tháng 10, ngày giỗ của Người được gọi là
ngày quốc lễ.
Hàng chục cuốn sách xuất bản ở Hà Nội và các địa phương đều
viết về Thần Long Hồng Đăng Ngạn. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Kinh Dương
Vương tên huý là Lộc Tục, vua là bậc thánh trí thông minh. Kinh Dương Vương láy
con gái Động Đình Quân là Thần Long Hồng Đăng Ngạn sinh ra Lạc Long Quân. Lạc
Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một
trăm người con trai. Đấy là tổ của Bách Việt vậy.”
Trong sách: “Cơ sở văn hoá Việt Nam” của giáo sư viện sĩ Trần
Ngọc Thêm (NXB giáo dục Hà Nội 1999) viết: “Vua đầu tiên của họ Hồng Bàng tên
là Lộc Tục lên làm vua phương Nam vào năm 2879 TCN, lấy hiệu là Kinh Dương
Vương đặt tên nước là Xích Quỷ.
Bờ cõi nước Xích Quỷ trải dài từ Bắc Trung Bộ tới hồ Động
Đình. Lộc Tục lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm
nối ngôi vua xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng,
nở ra trăm người con trai, một nửa theo cha xuống bể, một nửa theo mẹ lên rừng,
đến đất Phong Châu (vùng Việt Trì ngày nay) cùng tôn người con trưởng lên làm
vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương”…
Do đó dân tộc Việt Nam chúng ta tự hào về nguồn gốc của mình
là: “Con Rồng cháu Tiên” hoặc “Con Lạc cháu Hồng”. Cho nên vị thế của Mẫu Thần
Long là vị Hoàng Hậu đầu tiên, vị Quốc Mẫu đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Trong Hùng Vương ngọc phả cổ truyền có viết: “Nhà vua - Kinh
Dương Vương cho lập tại Khu làng Cả một cung điện đặt tên là Tiên Cát cung cho
Thần Long ngọc nương ở”. Từ đó Tiên Cát cung được Lạc Long Quân thường xuyên
chăm sóc.
Trong ngọc phả viết về chuyện hoá của Mẫu cùng 2 người con
gái kết nghĩa. Lạc Long Quân được tin vội vã tới Tiên Cát cung thì Thần Long ngọc
nương đã yên giấc. Vương vội sai quan làm lễ kính tế và khóc lóc thảm thiết.
Sau đó chốn cất Thần Long tại Tiên Cát cung, truyền cho địa phương lập miếu,
xây lăng thờ phụng và phong cả ba vị làm Thần Nữ.
Vua lại sai 3 vị quan lang: Cự Linh thần tướng, Ất Linh
Lang, Linh Thông Thuỷ đều là các hoàng tử trong bọc trăm trứng giữ gìn cung sở.
Lạc Long Quân mất, Hùng Quốc Vương lên ngôi thường xuyên ngự
giá về cung Tiên Cát thăm viếng tôn lăng, tu bổ công sở, tặng phong cho 3 hoàng
đệ: thượng đẳng phúc thần, được phối hưởng thờ phụng. Đến đời Hùng Duệ Vương, Tản
viên sơn thánh còn cử “Sùng Công Đốc Lĩnh” sang Tiên Cát để bảo vệ cung lăng
Thánh Mẫu.
Các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… các vị đế vương đều gia
phong mỹ tự, muôn đời huyết thực, hương hỏa truyền lưu. Thời nhà Lý ngôi đền được
nhà nước đầu tư xây dựng với các bức tường đá, voi đá, ngựa đá đứng chầu. Năm Tự
Đức thứ 31 ngôi Đền được tu bổ lại, xây thêm gác chuông, gác trống. Nhân dịp tiết
ngũ tuần Đại Khánh của Tự Đức (1873) đã cấp 5 sắc phong và ghi rõ: “cho phép xã
Tiên Cát, huyện Phù Ninh, tỉnh Sơn Tây thờ phụng như cũ”.
Đền Tiên hay Tiên Cát lăng chính là Đền thờ Quốc tổ Mẫu, mẹ
của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Ngôi đền từ xưa đã linh thiêng và luôn luôn bao phủ
bởi một lớp không khí tâm linh bí ẩn về sự hiển linh. Trải qua các triều đại,
các bậc quân vương khi qua đây đều cầu đảo, tế tự và được linh phù hiển ứng.
Trong kháng chiến chống Pháp năm 1949 ngôi Đền bị chiến
tranh tàn phá. Năm 1960 lại san ủi để xây dựng nhà máy Bê tông. Hiện nay nhân
dân Tiên Cát cũng như các nhà tâm linh đều khẳng định mộ Mẫu vẫn ở trong khu vực
nhà máy. Nhà Tâm linh Nguyễn Thị Nguyện còn vẽ sơ đồ vị trí mộ của Mẫu.
Ngày 29 tháng 3 năm 1999 tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép cho xây
dựng lại Đền Tiên. Nhân dân Tiên Cát cũng như nhân dân trong thành phố Việt Trì
đã đóng góp hàng vạn ngày công, hàng vạn mét khối đất đá, cát sỏi. Những người
con đất Việt ở khắp nơi đã náo nức tìm về cung tiến tiền bạc, đồ thờ tự, hoành
phi câu đối, lư đá, thuyền rồng đá và những pho tượng bằng đá quý.
Ngôi đền mới này nằm tách bạch với khu dân cư, tọa lạc trên
địa bàn bằng phẳng với khuân viên rộng 6.833 m2. Đền nhìn theo hướng Tây nam.
Trước mặt Đền không xa là quốc lộ số 2. Bên ngoài là dòng sông Thao cuồn cuộn đổ
về xuôi gặp nhau tại Bạch Hạc, nơi tụ hội của ba dòng sông lớn: sông Hồng, sông
Đà, sông Lô. Với lợi thế của Đền nhìn ra sông, xa xa là dãy Ba Vì, phía sau dựa
vào Tam Đảo tạo cho Đền sự phong quang, khoáng đạt, thu hút khí lành để ban
phát tịnh độ chúng sinh.
Cổng Đền được xây dựng công phu, với họa tiết thời Văn Lang
Lạc Việt. Một bên là lầu chuông, một bên là lầu trống. Bước vào cổng Đền là bức
bình phong tạo bởi ba khối đá lớn, mỗi khối nặng gần 10 tấn, cao hơn 2m, xếp
theo hình núi Ba Vì, có cây cối hoa lá, dây leo và nước suối chảy róc rách. Dưới
chân bức bình phong là hồ nước, cá chạy tung tăng.
Ngôi Đền xây dựng theo kết cấu kiến trúc chữ Đinh (T),nền
cao, sân rộng 400m2, trên nóc mái hình “lưỡng long chầu nhật”. Tất cả nhà tiền
tế, hậu cung đều được xây dựng bằng đá phiến, mái lợp ngói mũi hài, bên trong
lát gạch nung đỏ. Toàn bộ cột kèo, đầu bẩy làm bằng bê tông cốt sắt nhưng được
sơn nâu, thể hiện rõ sự cổ kính. Vào trong ta có cảm giác như Đền đã có từ rất
lâu đời.
Hậu cung ba gian, bên trên là ba pho tượng bằng đá Hồng Ngọc,
có bệ ngồi. Ở giữa là Mẫu và hai bên là 2 người em kết nghĩa của Mẫu. Tượng Mẫu
ngồi cao 1,67m, với khuôn mặt đôn hậu, tai chảy dài, tay trái để trên gối, tay
phải để giữa, đặt trong lòng bàn tay là viên ngọc thể hiện sự sáng suốt, linh ứng
của Mẫu. Bên phải Mẫu là nàng Thủy Tinh và bên trái mẫu là nàng Bạch Hoa, ngồi
thấp hơn Mẫu tượng cao 1,46m.
Tiếp đến là ba pho tượng của chàng Cự Linh, Ất Linh và Thông
Thủy, ở giữa là người anh cả Cự Linh, tượng cao 1,34m, đầu đội mũ, thân hình khỏe
mạnh, tay cầm thẻ bài thể hiện uy quyền của người dũng tướng. Bên trái và bên phải là tượng của 2 người em cao 1m28 cũng được tạc đá Hồng
Ngọc. Càng nhìn kỹ các pho tượng ta càng thấy tiềm ẩn trong đó một sự đoàn kết
bền vững, với bên trên là Mẫu biểu tượng cho sự che chở phù giúp.
Khảm thờ dặt phía trước hai bệ của 2 lớp tượng, được trạm nổi
mặt trước cũng như hai bên đốc hình tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) xung quanh
thể hiện hình trống đồng, các thiếu nữ đánh trống và diễn tả những cảnh sinh hoạt
của thời dựng nước theo hoạ tiết trống đồng, các đường nét trạm trổ rất tinh xảo.
Bức phù điêu bằng đá ghép phía sau tượng mẫu rộng 4m5, dài
7m5 với diện tích 33m75 được trạm khắc khéo léo, thể hiện sinh động toàn cảnh
núi non, sông nước, sơn thuỷ hữu tình. Đó là hình ảnh ngũ hành: Kim, mộc, thuỷ,
hoả, thổ tương ứng với các màu trong tranh. Toàn bộ bức phù điêu toát lên nét đẹp
cổ kính, sự uy linh tiềm ẩn. Trong đền còn có trống đồng, bánh giầy, bánh
chưng, hồng hạc, các anh vũ, thuyền rồng của Mẫu cũng được tạc bằng đá.
Đền Tiên có hệ thống hoành phi câu đối đều sơn son thếp
vàng, trang trí đẹp ca ngợi công lao, đạo đức của Mẫu và biểu hiện tấm lòng
thành kính của nhân dân.
Đền Tiên nằm trong quần thể di tích thuộc vùng kinh đô Văn
Lang thuở xưa, nơi mà khảo cỏ học đã chứng minh thời văn hoá Đông Sơn cách đây
mấy ngàn năm đã tồn tại. Điều đó chứng tỏ bề dày lịch sử của vùng đất cũng như
khẳng định sự tồn tại của ngôi đền là có thật trong lịch sử dựng nước của dân tộc.
Một số sắc phong thời vua Tự Đức
Hướng về cội nguồn là tâm niệm mong mỏi của mọi người dân
trong cả nước. Về với Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thăm Đền Tiên sẽ giúp chúng
ta hiểu thêm về cội nguồn và càng tự hào bao nhiêu, chúng ta càng đoàn kết,
chung tay xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng, to đẹp thêm như Bác Hồ kính
yêu của chúng ta hằng mong.
NNC VHDG Lương Nghị