Đền Tranh (Bắc Cung thượng) thờ phụng Tản Viên Sơn thánh, một trong 700 di tích của hệ thống các di tích thờ cúng các vua Hùng và các tướng lĩnh Hùng Vương, Tản viên Sơn thánh, Tam Thánh Tản Viên và Nhị vua Hai Bà Trưng (cùng tướng lĩnh) trong 200 làng xã của Vĩnh Phúc.
Đền Tranh còn có tên gọi là đền Bắc Cung thượng ở xã Trung
Nguyên, huyện Yên Lạc. Đền nằm trong tứ cung thờ Đức Thánh Tản Viên, 4 cung đó
là: Bắc Cung, Tây Cung, Nam Cung, Đông Cung. Bắc Cung là phía Bắc, Đền Tranh
còn gọi là Bắc Cung thượng vì ở địa phận xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc có đền
Thính cũng thờ Đức thánh Tản Viên được gọi là Đền Bắc Cung.
Đền Tranh thờ phụng thần Tản Viên mà nhân dân Vĩnh Phúc cũng
như các thần tích khác vẫn gọi là “Tản Viên Sơn Thánh” hoặc là Sơn Tinh. Trong
kháng chiến chống Pháp, Đền Tranh còn là nơi tụ họp, có hầm bí mật của du kích
địa phương. Thời kháng chiến chống Mỹ, Đền Tranh là nơi sơ tán của một số cơ
quan Trung ương như ngoại thương, bảo mật…
Đền Tranh nằm ở thôn Hoàng Thạch (tức xóm Tranh), bên bờ con
sông Phan, cách trung tâm xã khoảng 900m. Trước kia đền Tranh là một ngôi miếu,
gọi là miếu Cầu phúc, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ IV sau công nguyên, đến
cuối thế kỷ XV mới đổi tên là đền Tranh (theo truyền thuyết).
Đền đã trải qua những lần tu tạo lớn: Đời Lý (1038), Lê Thái
Tổ (1496), Hồng Đức thứ 6 (1479), Mạc Đăng Dung (1538) là lần tu sửa gần đây nhất.
Lần tu sửa này do một vị sư là Tăng Ất, người đã gắn liền với lịch sử xây dựng
một loạt các di tích vùng Yên Lạc.
Đền Tranh là một trong 700 di tích của hệ thống các di tích
thờ cúng các vua Hùng và dòng dõi tướng lĩnh nhà Hùng, Tản viên sơn thánh và
Hai Bà Trưng (cùng tướng lĩnh) trong 200 làng xã của Vĩnh Phúc.
Đền Tranh được xây dựng ở một vị trí địa lý đẹp có thể coi
như là một thắng cảnh của địa phương, của miền trung du thu hút nhiều khách thập
phương. Đền không nằm giữa trong khu vực dân cư như các di tích khác mà nằm giữa
một khu đất rộng, cao ráo bên cạnh một con sông nhỏ, có tên gọi là sông Phan, tạo
nên một phong cảnh nên thơ “sơn thủy hữu tình”.
Kiến trúc đền được xây dựng theo kiểu chữ đinh, gồm hai toà
tiền tế và hậu cung. Nhà Tiền tế khang trang chắc chắn theo kiểu hai gian ba
dĩ, mái lợp ngói âm dương, có gian thờ Mẫu Đức Thánh Tản viên và là nơi nghỉ
chân cho khách thập phương đến làm lễ. Mặt trước đền xây thành ba vòm thanh
thoát, trên đắp hình cuốn thư. Cửa giữa có đôi câu đối:
Bắc Cung hữu
tích ước thư diệu pháp hộ dân khang”
“Tây Tản di truyền trúc tượng anh linh phù Quốc thịnh
Nghĩa là:
Núi Tản truyền
lại có gậy thần phù nước thịnh
Người có
sách ước, nơi nào có đền thờ dân được an khang
Phía đông đền có hình bạch tượng khuyển hồ, phía tây là bạch
hổ bái phục, phía nam là hình nhân bái tượng, phía bắc là phượng hoàng chầu chẩm.
Tòa tiền tế đền dài 13,9m, rộng 6,4m nền nhà lát gạch đỏ và men sứ. Nhà tiền tế
quy mô không lớn nhưng khang trang, chắc chắn và được làm theo lối kiến trúc cổ
là 3 gian 2 dĩ, mái lợp ngói âm dương.
Tòa tiền tế có một cột hàng cái với 6 cột gỗ cao 3,4m, đường
kính 65cm. Tất cả các xà ngang dọc được ăn mộng với các cột bằng các đinh én, rất
chắc khỏe. Gian chính giữa của tòa tiền tế đặt ban thờ và các đồ thờ. Hai gian hai bên để ban thờ quan
văn và quan võ.
Từ tòa tiền tế nối vào trong là phần hậu cung. Hậu cung dài
7m, rộng 5m và được ngăn cách với tòa tiền tế bởi hai cửa ngách và một cửa
võng kiểu cửa bốn cánh được sơn then màu nâu. Phần cửa hậu cung là những
tác phẩm điêu khắc độc đáo.
Đền Tranh gắn liền với những mối liên hệ các vị thần được thờ
qua nghệ thuật điêu khắc, qua các di vật. Trong đền còn lưu giữ được một số tác
phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian có giá trị về trình độ kỹ thuật và thẩm
mỹ, giá trị về lịch sử với dáng dấp của nghệ thuật điêu khắc gỗ ở cuối thế kỷ
18, đầu thể kỷ 19.
Kiến trúc của đền Tranh khỏe khoắn, các cột xà liên kết với
nhau một cách chính xác, chắc chắn. Tất cả đều tạo ra sự bền vững lâu dài của một
ngôi đền có vị trí đẹp, phong cảnh thiên nhiên ngoại mục.
Chạm trổ trang trí ở hậu cung đền Tranh gồm hai bức cốn
nách, bức cốn mê, xung quanh bức đại tự, xà rồng đều được thếp vàng lóng lánh
trông rất rực rỡ tăng thêm vẻ huyền bí uy nghiêm của chốn thần linh. Cùng với
các hệ thống di tích trong vùng đồng bằng trung du, đền Tranh đã đánh dấu một
bước phát triển lịch sử văn hóa, tạo thành một hệ thống di tích lịch sử văn hóa
và thắng cảnh.
Có thể kể ra tại Đền Tranh còn lưu giữ nhiều di vật là các đồ
thờ tế khí và các loại văn tự bao gồm nhiều chất liệu. Đồ gỗ có: ngai thờ (2 cỗ),
khám thờ, hộp đựng y phục vị thần, hòm sắt, tam sơn (2 chiếc), đài rượu (13 chiếc),
đài quả (7 chiếc), lộc bình gỗ (8 chiếc), đèn gỗ (2 chiếc), giá gương để mỹ tượng
trưng (1 chiếc), hạc nhỏ (1 đôi), án gian (làm mới lại 2 chiếc), bức đại tự (2
bức)…; Đồ đồng gồm có đỉnh đồng (1 chiếc), đồ gốm sứ có lư hương (5 chiếc), lọ
lộc bình (4 chiếc) và một số nậm rượu nhỏ, bát đĩa cổ nhỏ; Đồ đá gồm có: lư
hương đá (1 chiếc); Đồ giấy: gồm có 7 đạo sắc phong...
Mỗi năm xuân thu như kỳ, Đền Tranh tổ chức lễ hội sinh hoạt
phong phú: ngày 15/01 (rằm tháng Giêng), ngày 6/2 (âm lịch) Xuân Thu Nhị tế,
ngày 16/8 (âm lịch) lễ hội theo chu kỳ xuân thu nhị tế như ngày 6/2. Trong tất
cả các ngày lễ hội đều diễn ra nhiều trò chơi đua tài, như: bắt vịt, lăn vòng,
leo cây, cờ tướng, bịt mắt bắt lợn, bịt mắt cướp kèn.
Gắn với lịch sử, gắn với nghệ thuật kiến trúc, hiện vật lưu
giữ được. Năm 1993 Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
đã ra quyết định xếp hạng đền Tranh là di tích lịch sử văn hóa. Đền Tranh được xếp hạng
di tích cấp quốc gia năm 1993.