Hùng Lang tướng quân, quan Tư Mã đại thần dưới triều Hùng Huy Vương (Hùng Vương thứ 6) tuân chỉ mệnh Vua hội quân thuỷ bộ dưới cờ của Đức Thánh Phù Đổng Thiên vương giết giặc Ân, lập công lớn bảo vệ non sông.
Truyền thuyết và Thần phả kể rằng: Vào đời Vua Hùng Huy
Vương thứ 6, ở bộ Vũ Ninh quận Siêu Loại Hương Vĩnh Thế có một gia đình lạc tướng
dòng dõi nhà vua tên là Hùng An (hay người dân Yến Vĩ thường gọi là Hùng Công
- một cách gọi tránh phạm huý) lấy vợ người làng Yến Vĩ tên là Nguyễn Thị (cách
gọi chung cho các bậc phu nhân nhằm tránh phạm huý).
Vợ chồng ông bà đức độ cao siêu, hay làm việc thiện với dân,
nhưng hiềm nỗi Hùng Công tuổi đã cao mà chưa sinh được quý tử nối nghiệp. Một
hôm bà Nguyễn nói với ông Hùng Công: “Thiếp kết duyên với Vương gia là do thiên
định, thiếp xin về quê Hương Tích, cầu xin quý tử để nối nghiệp vương gia”.
Hùng Công nghe nói ngỡ ngàng, vội sai gia nhân sắm sửa lễ
nghi tháp tùng bà đi về Hương Tích. Trong những ngày nghỉ lại ở hương thôn Yến
Vĩ bà Nguyễn Thị đi vào núi Ngũ Nhạc, ngồi nghỉ dưới gốc cây vạn tuế.
Khi ngả lưng thiếp đi, bà gặp thần núi cho biết: “Tiên nữ
giáng trần nay đã gần đến định kì về trời, thiên đình cho Hoàng Hổ tinh xuống đầu
thai làm con, mai sau cứu nước phù Vua trả nghĩa mối trần duyên…”
Bà Nguyễn giật mình tỉnh giậy, vừa lo, vừa mừng bái tạ thần
linh trở lại hương thôn Yến Vĩ. Hôm sau bà cùng gia nhân thu xếp hành trang, cảm
tạ bô lão, dân hương Yến Vĩ về Vĩnh Thế.
Về đến nhà bà kể lại chuyện cho Hùng Công nghe. Hùng Công biết
là trời cho thần tướng xuống đầu thai làm con mình, nhưng cũng rất lo buồn vì
chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi là vợ chồng li biệt.
Buồn vui lẫn lộn, Hùng Công không nói lên lời. Thấm thoắt
ngày qua, đến giờ ngọ ngày mồng sáu tháng ba năm Canh Tuất bà Nguyễn sinh ra một
người con trai mặt vuông chán rộng, tay dài quá gối, tướng mạo đã lộ vẻ oai
phong.
Vợ chồng Hùng Công cùng gia nhân vui mừng không xiết đặt tên
cho con là Hùng Lang. Để tạ ơn trời đất, Hùng Công lại sai gia nhân cùng bà
Nguyễn về núi Ngũ Nhạc làm lễ. Sau những ngày làm lễ ở hương thôn Yến Vĩ, Hùng
Công được gia nhân báo tin rằng bà Nguyễn đã hoá về trời để lại cho Hùng Công một
phong thư:
“Phong thư hảo tín giáng nhân gian
Ký giữ lang quân đắc tự khan
Xuất thế sơn thần lai hữu hỷ
Giao hồi nguyện báo dĩ thừa hoan”(2)
“Phong thư gửi lại chốn trần gian
Đọc kỹ lang quân sẽ rõ ràng
Thần núi xuống trần mừng để lại
Ngày sau giúp nước cứu dân an”
Hùng Công đọc thư lòng đau khôn xiết vội cùng gia
nhân, già lão hương dân Yến Vĩ lo việc an nghỉ cho bà Nguyễn. Hùng Công nói với
hương dân Yến Vĩ: “Con ta, vợ ta đều có tiền duyên ở Hương Tích - nơi lưu dấu
thơm của Đức phật Nam Hải Quan Thế Âm, cảnh kỳ sơn tú thuỷ, quần tiên tụ hội.
Ta xin hương dân Yến Vĩ cho lưu lại nơi đây nuôi dạy con ta
và trả nghĩa mối lương duyên thiên định...”. Năm Hùng Lang 13 tuổi thì Hùng
Công về trời, Hùng Lang sống cùng thôn dân Yến Vĩ.
Năm Hùng Lang 18 tuổi đã thành người uy đức khác thường, đêm ngày ôn luyện võ
nghệ tinh thông, được dân hương rất tôn kính. Một hôm, Hùng Lang dạo chơi núi
Ngũ Nhạc nhặt được một thanh kiếm báu, hào quang rực rỡ.
Lấy làm kỳ diệu, Hùng Lang bái tạ trời đất về cùng trai làng
luyện tập võ nghệ. Năm sau, nhà vua mở hội kén người hiền tài, Hùng Lang cùng một
số trai làng lên đường dự tuyển. Ngay đợt dự tuyển này Hùng Lang đỗ đầu, được
nhà Vua phong làm quan Tư Mã chỉ huy nhị đạo thuỷ bộ đốc quân.
Cùng lúc bấy giờ nhà Ân phương Bắc cậy binh hùng tướng giỏi đem quân xâm lấn nước
Văn Lang. Thế giặc mạnh, quân giặc tàn ác đi đến đâu là đốt phá hương ấp, chém
giết người vô tội khiến lê dân trăm họ lầm than.
Trước tình hình đó, nhà Vua hạ chỉ cho quan Tư Mã đem quân
thuỷ bộ chặn giặc và sai sứ giả về mười lăm bộ tìm thần tướng, hiền tài ra đánh
giặc cứu nước. Quân Tư Mã vâng chỉ nhà Vua hội quân thuỷ bộ dưới cờ Đức Thánh
Phù Đổng Thiên vương giết giặc lập công.
Bộ tướng của giặc Ân là Thạch Linh bị quan Tư Mã đại tướng
Hùng Lang chém giết tại trận tiền, quân giặc thua chạy về phương Bắc. Giặc tan,
Đức Thánh Phù Đổng phi ngựa sắt đến núi Sóc Sơn thì hoá về trời, còn quan Tư Mã
Hùng Lang mang tin thắng trận về Triều phục chỉ.
Vua Hùng Huy Vương cùng thần dân mười lăm bộ mở hội mừng chiến
thắng, đất nước Văn Lang trở lại thái bình hoan lạc. Nhà vua ban cho quan Tư Mã
áo Cẩm Bào, năm trăm hoàng kim, cho hưởng lộc vùng Hương Tích là thang mộc ấp.
Quan Tư Mã xin vua cùng triều thần về quê mẹ, có trai hương
theo Ngài. Ngài đem hoàng kim nhà vua ban chia cho dân hương Yến Vĩ, Ngài dạy
dân thương yêu giúp nhau làm nương cấy lúa.
Ngài mở hội mừng vui với hương dân. Khi hội vui đã về khuya,
trên trời mây mưa kéo đến, sấm chớp ầm ầm, cả vùng thang mộc ấp Yến Vĩ đổ mưa.
Một luồng hào quang vút lên không trung, quan Tư Mã Hùng Lang đã về trời. Ngày
đó là ngày mồng sáu tháng mười một năm Giáp Thìn đời vua Hùng Huy Vương thứ 6.
Ngày hôm sau già lão hương dân cử người dâng sớ lên nhà Vua
báo tin. Lúc này nhà vua mới hay tin là trời đã cho thần tướng xuống phù vua
đánh giặc cứu dân Văn Lang qua cơ binh lửa, trăm họ khỏi lầm than.
Vua Hùng Huy Vương hạ chiếu ban kim ngân, cho phép hương dân
lập đền thờ Quan Tư Mã ở núi Ngũ Nhạc và ban thang mộc ấp của Ngài cho dân
hương Yến Vĩ hương khói ngàn năm thờ phụng.
Câu đối ở Đền Trình Ngũ Nhạc :
"Trời nam dựng nước tựa Vua Hùng
Công tựa đất trời sánh biển sông
Mười lăm bộ, thần dân cả nước
Hùng - Gia dòng giống vốn cùng chung"
"Danh tướng thủa hồng bàng
Quyết giệt giặc ân phù Vua Hùng vận
Phúc thần làng Yến Vỹ
Vui ngân vần điệu lưu để cùng dân."
Kể từ đó, hàng năm cứ đến ngày mồng sáu tháng giêng, dân làng Yến Vĩ mở hội mừng
xuân, tưởng nhớ võ công oanh liệt của Ngài và làm lễ Khai Sơn để dân xã lên rừng
xin lộc. Ngày nay dân làng lấy ngày mồng 6 tháng giêng là ngày khai hội Chùa
Hương.