Đền Bà còn gọi là đền Trinh Uyển nằm bên Đầm Bạc, thành phố Vĩnh Yên xưa thuộc xã Vị Nội, tổng Hương Canh, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây. Nay Vị Nội đổi là Thanh Trù, sáp nhập vào thành phố Vĩnh Yên. Đền Trinh Uyển thờ bà Thanh Nương thời Trưng Vương.
Đền Trinh Uyển (đền Bà, đền Vị Thanh) được xây dựng trên một
khu đất cao, rộng và thoáng đãng ven đầm Vạc thuộc xã Vị Nội, tổng Hương Canh,
huyện Yên Lãng, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây; nay thuộc thôn Vị Thanh, xã Thanh
Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo cụ từ giữ đền thì không hề có tài liệu nào ghi bà Thanh
Nương là Vĩnh Hoa Công Chúa như các báo mạng hiện nay, có thể là sắc phong của
các triều đại sau này. Bà Thanh Nương có mẹ họ Hùng, bố họ Lê. Tích kể bà mẹ
sinh ra ba quả trứng thành ba chị em là Thanh Nương, Đạm Nương, Hồng Nương và một
em trai là Lê Tuấn. Đền chỉ thờ Bà Thanh Nương, cũng có chuyện trâu húc mộ bà
do giặc hóa thành nên đây trước có hội đâm trâu.
Năm 982, Vua Lê Đại Hành sắc phong cho bà là:
"Vĩnh Hoa nương linh hiển nữ quốc Công chúa"
Năm sau lại phong:
"Hằng nga Uyển Mỵ, Trinh thục Phu nhân Tôn thần"
Năm 1430, Vua Lê Thái Tổ phong cho bà là:
"Đức hạnh đoan trang trinh tiết phu nhân"
Năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624), Vua Lê Thần Tông phong cho bà là
"Tế thế hộ quốc Đại Vương, Anh linh hiển ứng đại Vương". Năm 1852,
Vua Tự Đức sắc phong cho bà làm Thành hoàng làng Vị Nội, với danh hiệu "Bản
cảnh thành hoàng Linh phù". Từ năm 1857 đến năm 1880, vua lại tiếp tục
truy tặng cho bà là "Hoằng hiệp thành hoàng linh phù". Năm 1891, Vua
Đồng Khánh phong cho bà là "Dực bảo trung hưng" đến niên hiệu Khải Định
thứ hai 1917, vua phong cho bà là "Trinh uyển Dực bảo trung hưng tôn thần".
Do đó, "Đền Bà" mới có tên chữ "Trinh uyển Linh từ".
Như vậy, "Đền Bà" đã có từ thời Tiền Lê, cách đây
1.027 năm. Nhưng mãi tới ngày 17 tháng 5 năm Giáp Tý, niên hiệu Khải Định thứ 9
(1924), theo chữ ghi ở thượng lương, đền Trinh Uyển mới được xây dựng trên quy
mô hoành tráng, còn lại tới ngày nay.
Với lịch sử, cảnh quan và kiến trúc đậm đà phong cách Việt Nam,
"Trinh uyển linh từ" xứng đáng là một di tích lịch sử - văn hoá của tỉnh
ta và toàn quốc với giá trị đích thực có sẵn.
Lần lượt các câu đối trong đền như sau:
Tại gian giữa:
"Oanh liệt nhất tràng Trưng Triều hiển thánh
Huân cao vạn cổ Bạc Đàm linh từ"
Tạm dịch là:
Ngang dọc một cõi chiến trường, hiển thánh Triều Trưng
Sáng ngời muôn thu soi bóng, đền thiêng Đầm Bạc.
Niên đại ghi rõ là "Bảo Đại mùa thu năm Canh Thìn
(1940)"
Đôi câu đối thứ hai:
"Hội quyết thư hùng hiển thánh Trưng Triều lưu chính
khí
Nguyên phân Kinh vị giáng thần Bạc Thuỷ mạt ân ba".
Tạm dịch là:
Sống chết phen này, hiển thánh Triều Trưng còn chính khí
Nguồn chia Kinh vị, giáng thần nước Bạc vẫn xôn xao.
Phần lạc khoản đề rõ: Người tỉnh ta ở trung Nguyên, Đông Lỗ,
Yên Lạc, thầy giáo làng là Nguyễn Hữu Đức kính dâng.
Đôi câu đối thứ ba:
"Nộ khí đảo sơn hà, anh phong vạn cổ
Tình trung quân nhật nguyệt, tiết nghĩa nhất môn".
Tạm dịch là:
Cơn giận nghiêng non sông, dáng hùng muôn thuở
Niềm trung sáng đôi vầng, tiết nghĩa một nhà.
Lạc khoản ghi rõ. Người xã ta là Hội viên Phùng Văn Đỗ và
quyền Chánh Tổng Nguyễn Lê, cung kính dâng.
Câu đối thứ tư:
"Địch khái kỳ tâm đồng Trưng phiến anh thư truyền thất
tộ
Ninh dân kỳ lợi, phổ Bạc Đàm linh miếu lịch đa niên".
Tạm dịch là:
Căm thù giặc, cùng vua Trưng nêu gương gái giỏi bẩy triều
Lợi yên dân, khắp Đầm Bạc, soi bóng miếu thiêng nhiều thuở.
Lạc khoản ghi rõ: Người xã ta, chức Tổng Khán thủ là Nguyễn
Khắc Dương cùng Lý trưởng đương nhiệm là Phùng Hữu ích kính dâng.
Trên gian giữa treo bức Biển hiệu, chữ viết và nét khắc rất
đẹp:
"Trinh uyển Linh từ"
Nghĩa là:
"Đền thiêng cô gái anh hùng"
Lạc khoản đề "Bảo Đại Mậu Dần, Trọng Đông cát nhật",
nghĩa là: Ngày lành, tháng 11 mùa Đông, năm Mậu Dần (1924), niên hiệu Bảo Đại.
Vĩnh Phúc là trung tâm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng hồi
đầu Công nguyên, thu hút hầu hết các bậc anh thư cân quắc Châu Phong, thuộc
vùng Tam Giang, Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Yên, Tam Dương. Và thành phố Vĩnh Yên
tự hào có một nữ anh hùng tiêu biểu và một ngôi đền có giá trị lịch sử ngay bên
bờ Đầm Bạc.
Lê Quý Đôn