Đền Trung Thượng, xã Đại Hùng, Di tích lịch sử văn hoá phong cách nghệ thuật thời Nguyễn là nơi thờ phung Thập nhị công chúa thời Hùng Vương, chạy loạn tự hóa tại thôn.
Ngôi đền thờ phụng Thập nhị công chúa (Công chúa thứ Mười hai) ở thôn Trung Thượng, xã Đại Hùng.
Về lai lịch và hành trang của Thập nhị công chúa, theo bản kê khai của các cụ cao niên trong làng, vào năm Khải Định cửu niên (1924) có chép sau: Tương truyền, vào thời Hùng Vương, Thập Nhị công chúa là những người đoan trang thục đức, dáng vẻ yểu điệu, thiết tha, sống một cuộc đời thái bình thịnh trị.
Bỗng một ngày, trong triều xảy ra loạn lạc, Thập Nhị công chúa chạy đến bản ấp (Trung Thượng), loạn quân truy đuổi, Thập Nhị công chúa đào hầm để trốn nhưng sức tàn lực kiệt, Thập Nhị công chúa phải nhảy xuống giếng tự vẫn để bảo tồn khí tiết. Dấu tích ấy hiện nay vẫn còn tại xứ Thổ Đôi, gọi nôm là Bế Xưởng. Đời sau người trong ấp tưởng nhớ nên lập đền thờ, cảm tất thông, cầu tất ứng.
Đền Trung Thượng, nơi thờ phụng Thập Nhị Công Chúa thời Hùng Vương
Do thời gian quá dài, không còn tài liệu ghi chép về Thập nhị Công chúa nhưng do có sự linh thiêng của Thánh Mẫu, các triều đại về sau đều ban cho mỹ tự thờ phụng. Ngày 10 tháng 5 năm Khải Định thứ 9 (1924), bản xã phụng sao vào ngày Khánh hạ, nhà vua sắc chỉ phong tặng thần và phép bản xã phụng thờ như trước để tỏ rõ sự linh thiêng của thần.
Đền Trung Thượng được kiến thiết gồm các hạng mục như: Cổng, bình phong, trụ biểu, tiền tế, am hậu và nhà sắc… Các đơn nguyên kiến trúc này không chỉ bền vững theo thời gian mà còn được trang trí một số họa tiết hoa văn truyền thống như rồng chầu mặt nguyệt, hổ phù đội mặt trời và miệng ngậm hoa văn chữ thọ… Giá trị nghệ thuật của di tích không chỉ đánh giá qua các hạng mục kiến trúc mà đền Trung Thượng còn bảo lưu được hệ thống di vật như cây hương đá và bát hương gốm Thổ Hà – niên đại nghệ thuật thế kỷ XVIII, bản sắc phong đề niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924)… đây là những di vật có giá trị, góp phần nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá giá trị tổng thể của di tích.
Đền Trung Thượng đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hoá theo số: 4016/QĐ – UBND ngày 11 tháng 9 năm 2012.