Đền Từ Hạ theo thần tích thờ phụng ba vị Thành hoàng làng Đặng Chân, Trịnh Thị Khang và Đặng Trí có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỉ X. Di tích còn 8 đạo sắc phong thời Nguyễn và một số câu đối, cuốn thư ca ngợi công trạng của các vị Thành hoàng.
Đền Từ Hạ, chùa Phúc Linh
Tại trang Hạ Hoành, huyện Bình Hà, lộ Hải Dương có một nhà
tù trưởng giàu có, họ Đặng, tên Chí, vợ người bản trang, tên là Thị Sinh, sinh
được một cậu con trai, đặt tên là Chân. Đặng Chân là một người văn võ toàn tài.
Sau khi cha mẹ qua đời, Công hành lễ an táng tại bản trang.
Khi mãn tang, Công liền đi du chơi thiên hạ, đến chùa Mảnh gặp
nữ nương Trịnh Khang, là một nữ tu hào kiệt, văn tự tinh thông, quê ở trang
Vĩnh Toàn, phủ Khoái Châu, tỉnh Sơn Nam đang chọn người tài để kết duyên chồng
vợ.
Ngay đêm hôm đó, nương mộng thấy như cùng Chân Công chăn gối
và bà thụ thai, ngày tròn tháng đủ, bà sinh một cậu con trai khôi ngô tuấn tú.
Chân Công nhận làm cha và Khang nương làm mẹ cùng cung dưỡng câu bé trưởng
thành.
Bấy giờ nước ta có loạn 12 sứ quân nổi lên khắp nơi. Vua Đinh
Bộ Lĩnh xuất hịch truyền tìm người tài giỏi đến nhận binh quyền dẹp loạn, đức
ông Đặng Chân đến sung quân và được sắc phong Đại tướng quân, lãnh bộ binh. Vợ
Trịnh Thị Khang chỉ huy thủy binh. Đặng Trí là con trai cùng mẹ dẫn đầu đoàn
thuyền tiến theo đường thuỷ cùng phối hợp với cha là Đại tướng quân chỉ huy bộ
binh.
Loạn 12 sứ quân được dẹp yên. Vua Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi
Hoàng đế, mở tiệc chúc mừng, phong tặng Chân Công “Quyền chưởng tả đạo binh
nhung” kiêm “ Tham tán mưu sự”. Phong cho Đặng Trí là “Thái Bảo tiền quân”;
phong Khang nương là “Mẫu nghi thiên hạ”. Nhận sắc phong và ban thưởng, ba người
trở về hương quán, hai cha con hoá tại đây, ngày 8/11 Khang nương cũng qua đời.
Nhân dân làm biểu tâu trình, vua sai sứ về hành lễ điếu tang và bao phong mỹ tự,
sắc phong và chiếu cho dân lập miếu ngàn năm thờ phụng.
Mỹ tự mà Triều đình ban tặng là “Bản quốc Thành hoàng Yên Hạ
hiển ứng Đại vương”, “Đương cảnh Thành hoàng quan sát đại vương”. Tặng Thánh Mẫu
“Bồ Tát phật Túc Thanh công chúa”, phụng thờ tại chù bản xã mãi mãi.
Các triều đại sau này sắc phong “Bản cảnh Thành hoàng linh
phù chi thân”. Tái gia tặng “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”.
Nhân dân bản trang tôn các vị là Thành hoàng làng và kiêng
tên huý, Đặng Chân được gọi là Đức Thánh Cả, Đặng Trí được gọi là Đức Thánh Tử
(con), Trịnh Thị Khang được gọi là Đức Thánh Mẫu (mẹ). Nhân dân còn lưu giữ được
8 đạo sắc phong thần của các vua triều Nguyễn, phong cho tam vị Thành hoàng. Sắc
phong vào các năm :
+ Đồng Khánh thứ
hai (1887)
+ Thành Thái
nguyên niên (1889)
+ Duy Tân tam niên
(1909) : 2 sắc.
+ Duy Tân thứ năm
(1911)
+ Khải Định thứ
chín (1924) : 2 sắc.
Tại di tích còn có cuốn thư sơn son thiếp vàng, làm năm Khải
Định thứ 7 (1922) ca ngợi công lao của các vị : “Bậc thần có công lao to lớn,
đánh dẹp 12 sứ quân, công đức lớn lao sánh ngang trời đất. Hoá linh thiêng nơi
miếu điện phù giúp dân lành. Dân chúng lưu truyền tế tự, để Người hưởng tế lễ
ngàn thu. Cung kính chúc Thánh cung muôn tuổi. Dân khắp nơi thấm nhuần ân trạch
lớn lao”.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tại khu vực đền Từ Hạ còn
diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Hải Dương và các tỉnh cùng đồng
bằng Bắc Bộ. Đền ở xa khu dân cư, đường sông bao bọc 3 phía thuận lợi cho hoạt
động bí mật của( Tại di tích vẫn còn dấu vết khu hầm bí mật mà cửa ra bờ sông.
Tỉnh uỷ và Uỷ ban kháng chiến tỉnh Hải Dương đã họp bàn kế
hoạch với bộ đội chủ lực quyết định đánh bốt Xuân Nợ và Ô Mễ (Tứ Kì) tháng
11/1951, mở ra cục diện chiến thuật có lợi cho phong trào CM ở vùng đồng bằng Bắc
Bộ. Cùng với chiến dịch đường 5, các trận đánh trên đã góp phấn thắng lợi cho
chiến dịch đồng bằng của cả nước, phối hợp cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ
giành thắng lợi, thống nhất đất nước.
Đền Từ Hạ còn là nơi các đồng chí lãnh đạo tỉnh uỷ Hải Dương
chọn làm căn cứ sinh hoạt, hội họp, lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đấu tranh chống
thực dân Pháp xâm lược.
Hàng năm, dân làng tổ chức 2 kì lễ hội vào ngày 14 tháng
giêng (âm lich) là ngày mất của Đức Thánh Phụ và Đức Thánh Tử; ngày 8 tháng 11
là ngày mất Đức Thánh Mẫu. Lễ hội 14 tháng giêng là lễ hội lớn nhất trong năm.
Trong lễ hội có tục rước kiệu, tế thần và tổ chức văn nghệ,
diễn các tích chèo cổ và đánh cờ người. Đó là nghi lễ tưởng nhớ người có công với
dân với nước đồng thời là một sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân xã Thanh
Bính nói riêng và nhân dân các xã khác trong huyện Thanh Hà.
Nguồn: http://ditichlichsuvanhoa.com/.