Đền Đinh Tiên Hoàng Đế tại thôn Văn Bòng xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình còn có tên là Đền Văn Bòng, đây là quê gốc, nơi đức vua sinh ra và cũng là quê hương của nhiều danh tướng Triều Đinh.
Đền Đinh Tiên Hoàng Đế tại thôn Văn Bòng xã Gia Phương, huyện
Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình còn có tên là Đền Văn Bòng. Tương truyền, đây chính là
quê gốc của Đinh Tiên Hoàng Đế. Nên người xưa có câu: “Đại Hữu sinh Vương - Điền
Dương sinh Thánh”; ý nói vua Đinh Bộ Lĩnh sinh ở làng Đại Hữu - còn Thánh Nguyễn
Minh Không sinh ở làng Điền Dương (Điền Giang), nay thuộc xã Gia Thắng, Gia Viễn
có đền thờ Thánh Nguyễn Minh Không.
Vua Đinh Tiên Hoàng, tên húy Đinh Bộ Lĩnh là vị Vua đầu tiên
của nước Việt với lòng tự tôn Dân tộc xưng Đế, sánh với các triều đại phong kiến
phương Bắc, khai sáng nhà nước Đại Cồ Việt, mở ra kỉ nguyên độc lập tự chủ của
Việt Nam.
Đền tương truyền được xây dựng gần nền nhà cũ của vua Đinh
Tiên Hoàng, ở quê hương của ngài là làng Đại Hữu xưa, nay là thôn Văn Bòng, xã
Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, còn có tên là đền Đinh Bộ Lĩnh,
đền Văn Bòng hoặc đền Đại Hữu (lấy tên địa danh nơi ngôi đền tọa lạc), hiện thuộc
thôn Văn Bòng, xã Gia Phương huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Đây chính là nơi gắn với tích sinh ra vua Đinh Bộ Lĩnh, người
anh hùng dân tộc có công trong việc dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước, lập
nên nhà nước Đại Cồ Việt vào năm 968. Tại đây, cũng có bài vị thờ các quan
trung thần là tứ trụ triều đình nhà Đinh gồm Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú,
Lưu Cơ.
Tương truyền, vua Đinh Tiên Hoàng cùng với con trai là Đinh
Liễn bị Đỗ Thích sát hại vào năm 979, theo nghi lễ triều đình đã tấn phong thuỵ
hiệu, mỹ tự, lập đền thờ cúng tại quê nhà. Như vậy, đền được khởi lập từ xa
xưa. Hiện nay phần còn lại của di tích mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Những nguồn tư liệu về vua Đinh Tiên Hoàng rất nhiều, chính
sử và truyền thuyết dân gian ghi lại và âm hưởng chung ca ngợi sự tài giỏi,
công lao to lớn của đức ngài đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, mở nền
chính thống của nước ta sau hàng nghìn năm nô lệ.
Trên mảnh đất quê hương vua hiện nay vẫn còn rất nhiều truyền
thuyết, địa danh liên quan tới thời ấu thơ của của vua Đinh Tiên Hoàng cũng như
Nguyễn Bặc, Đinh Điền, những vị danh tướng cùng quê Đại Hữu với vua Đinh.
Tại núi Kỳ Lân gần đó, còn có lăng mộ Tổ phát tích nhà Đinh,
nằm trên triền núi hình tay ngai, vị thế phong thủy tuyệt đẹp. Đền Văn Bòng nằm
trên con đường lịch sử có tên gọi đường Tiến Yết, nối từ cố đô Hoa Lư tới khu
căn cứ quân sự động Hoa Lư.
Lăng mộ phát tích Nhà Đinh trên núi Kì Lân
Di tích đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại xã Gia Phương chính
là quê hương ông. Vì thế, xung quanh đền, trên địa bàn xã Gia Phương có nhiều địa
danh và truyền thuyết có liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh.Núi Kỳ
Lân nằm ở đầu xã Gia Phương, cách đền gần 3km, với lăng phát tích vua Đinh, động
Đại Hữu, lăng phát tích Nguyễn Bặc.
Về phía tây nam của núi có một khoảng uốn lượn trông giống
hình tay ngai, lưng chừng có một khu rộng tương đối bằng phẳng. Tương truyền,
ông Đinh Công Trứ, thân phụ củ vua Đinh Tiên Hoàng thấy cảnh đẹp đã mang mộ của
ông nội nhà vua an táng tại ngai này, xây dựng lăng mộ, gọi là Lăng phát tích,
hiện đã được tôn tạo.
Phong cảnh núi Kỳ Lân, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn
Lăng mộ phát tích Nhà Đinh trên núi Kì Lân
Cạnh Lăng phát tích có động Đại Hữu ở lưng chừng núi, trong
hang có nhiều hình thù đẹp do nhũ đá tạo thành, có chỗ có hình giáng như con Kỳ
Lân, nên còn gọi là động Kỳ Lân. Trước đây, theo truyền lại thì hang có đền thờ
Sơn Thần, là nơi nương tựa của bà Đàm Thị và Đinh Bộ Lĩnh khi ông Đinh Công Trứ
qua đời, như nhiều sách đã viết.
Cửa động Đại Hữu trên núi Kỳ Lân
Phía đông nam lăng phát tích vua Đinh còn có lăng phát tích
Nguyễn Bặc. Lăng nằm cạnh chân núi. Ngay phía trước đền, cách
khoảng hơn 200m là gò Bồ Đề, một khu đất cổ cao ráo, hình vuông, rộng gần 200m2
ở đầu xóm Văn Bòng, tương truyền đây là nền nhà cũ của vua Đinh Bộ Lĩnh.
Ở giữa khu ruộng của thôn Văn Bòng, gần đền thờ vua Đinh
Tiên Hoàng có một khoảng đất tương đối cao, rộng hàng nghìn mét vuông, có tên cổ
là Đào Áo (còn gọi là xứ Đào Áo). Tương truyền nơi đây là chỗ tụ quân của vua
Đinh Bộ Lĩnh để tập trận. Nhìn chung vùng xung quanh di tích hiện nay còn lưu lại
rất nhiều địa danh, truyền thuyết liên quan tới vua Đinh Tiên Hoàng.
Đây là những nguồn sử liệu quý để làm sáng tỏ thân thế và sự
nghiệp của ông. Đặc biệt từ quê hương ông ở xã Gia Phương hiện nay, ngược lên
Gia Hưng (Gia Viễn), sang Trường Yên (Hoa Lư), cả một chiều dài, rộng hàng chục
km, vùng đất nào cũng có những địa danh, truyền thuyết liên quan tới vua Đinh
Tiên Hoàng.
Con đường Tiến Yết, nơi thuở nhỏ vua Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu
cắt cỏ…được bạn bè tôn làm Thủ Lĩnh chỉ huy đánh trận giả ở Thung Lau, nay thuộc
xã Gia Hưng, Gia Viễn; rồi mổ trâu của chú để khao quân, khi người chú biết đã
đuổi đánh. Đinh Bộ Lĩnh cứ thế chạy, chạy đến đâu đường dài ra đến đó, vì vậy mới
có tên là đường Tiến Yết. Cuối cùng, chạy đến nơi có bến sông xã Gia Tiến, giáp
xã Trường Yên; thì bỗng nhiên có Rồng Vàng hiện lên đưa ông qua sông...
Đền thờ vua Đinh Bộ Lĩnh ở Văn Bòng có ba tòa, kiến trúc
theo kiểu "Tiền nhất, hậu đinh". Đền có một số nét kiến trúc giống
như đền Vua Đinh Tiên Hoàng ở Cố đô Hoa Lư như các chi tiết hồ bán nguyệt, bình
phong, nghi môn quan và hình rồng trên mái… Tuy nhiên, ở đây có nhiều điểm khác
biệt do các chi tiết kiến trúc đơn giản hơn, không gian đền hẹp hơn.
Đền Văn Bòng quay hướng Tây, tọa lạc trên khu đất rộng, có
tường gạch xây bao xung quanh. Cổng đền dựng bằng gỗ tứ thiết, lợp ngói mũi hài
theo kiến trúc đình chùa truyền thống Bắc Bộ. Tiếp đến là Hồ bán nguyệt là nơi
tụ thuỷ sinh khí, được trồng hoa súng. Nằm gần tâm hồ bán nguyệt là Bức bình
phong, để chắn khí độc theo quan niệm phong thuỷ. Từ nghi môn quan bước vào sân
đền, hai bên là các tòa nhà chức năng. Giữa sân đền có Sập long sàng bằng đá,
tượng trưng cho uy quyền Nhà Vua ngự triều.
Tượng Vua Đinh Tiên Hoàng sơn son thếp vàng, cao gần 2 mét,
được đặt trong hậu cung. Tại đây cũng có bài vị thờ các vị Tứ trụ triều đình là
Trung thần đã quên mình vì Nhà Đinh, là các vị Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú,
Lưu Cơ.
Tuy cùng thờ Vua Đinh Tiên Hoàng nhưng cách thức suy tôn và
tín ngưỡng ở ngôi đền này và đền Vua Đinh Tiên Hoàng ở khu di tích cố đô Hoa Lư
khá khác biệt. Về đối tượng phối thờ khác đền Vua Đinh ở Hoa Lư, không thờ các
con của ông là Đinh Liễn, Đinh Hạng Lang, Đinh Toàn mà thờ các vị Trung thần vốn
là bạn thuở nhỏ của Vua, đã tận trung với nhà Đinh, như Đinh Điền, Nguyễn Bặc,
Trịnh Tú, Lưu Cơ.
Không gian thờ tự ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
Đền thờ được tu bổ quy mô trong những năm gần đây, nhưng vẫn
bảo tồn được nét kiến trúc thời Nguyễn cổ kính, quay hướng tây có ba toà, kiến
trúc theo kiểu “tiền nhất, hậu đinh”.
Phía trước đền là hồ bán nguyệt. Phía trong hồ, khoảng giữa
của sân được xây 2 cột đồng trụ tạo thành lối ra, vào di tích. Khu đền thờ gồm
3 toà: Tiền bái, Trung đường và Chính tẩm. Tiền bái gồm 5 gian, kiến trúc theo
lối chồng rường bằng gỗ lim, tường hồi bít đốc. Toàn bộ các đầu bẩy chạm khắc
hoa văn lá lật, riêng gian giữa mặt đầu bẩy chặm khắc rồng.
Các con chồng ở hệ thống các vì kèo đều được chạm hoa văn lá
lật. Bờ nóc Tiền bái hình lưỡng long chầu nguyệt. Trung đường tiếp giáp với Tiền
bái, gồm 3 gian, kiến trúc theo kiểu mê toàn (toàn bộ hệ thống hoành nằm trên
các mê kèo), phía trước có hệ thống cửa ra vào, các đều bẩy chạm hoa văn lá lật.
Đặc biệt mê kèo phía đầu đốc hai bên cửa hiên có mảng chạm
bong đề tài tứ linh khá tinh vi. Tòa Chính tẩm gồm 2 gian chính và 1 gian dĩ.
Kiến trúc theo kiểu thượng rường hạ mê.
Đền nằm trên quê hương Vua nên có sự tham gia cung tiến của
các dòng họ Đinh và hậu duệ nhà Đinh, điều này khá giống với các đền Đô ở Bắc
Ninh, đền Trần ở Nam Định và đền Vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa có khác với đền
thờ Đinh Tiên Hoàng ở cố đô Hoa Lư, ở đó đối tượng suy tôn thuộc sở hữu cộng đồng.
Về thăm đền Vua Đinh Tiên Hoàng ở thôn Văn Bòng, xã Gia
Phương là về thăm quê hương của người Anh hùng Dân tộc Đinh Bộ Lĩnh từ thế kỷ
thứ X, của xứ Hoa lau ngút ngàn, với nhiều truyền thuyết, huyền thoại đẹp về một
thời thơ ấu của Vua Đinh Bộ Lĩnh cùng các bạn chăn trâu trong vùng như Đinh Điền,
Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ... nuôi chí lớn, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất
Giang sơn.
Giáo sư, Viện sỹ Đinh Văn Nhã và tác giả - Tác phầm tranh “Hồ
Lau”
Hàng năm, cứ vào dịp lễ hội Vua Đinh Tiên hoàng ở cố đô Hoa
Lư, tất cả các di tích lịch sử thờ Vua quan, tướng lĩnh thời Đinh cùng tham gia
lễ rước kiệu và chân nhang các danh nhân lịch sử về cố đô Hoa Lư. Người dân
thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn cũng mở lễ hội đền và tham gia lễ
rước kiệu cùng hương lửa từ quê hương Vua về cố đô Hoa Lư.
Họ Đinh Việt Nam cùng Nhân dân cả nước vui mừng đón chào sự
kiện năm 2018, Nhà nước cùng tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1050
năm (968 - 2018) ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập lên Nhà nước Đại Cồ
Việt với quy mô Lễ hội cấp Quốc gia.
Họ Đinh Việt Nam
Đinh Danh Vùng