Đền Vệ Quốc còn gọi là đền Đức Thánh Em, thờ ngài Cá Lễ là em sinh đôi của ngài Cống Lễ. Cả hai anh em là tướng thủy quân của Hùng Vương thứ 18, tham gia đánh giặc Thục Phán giữ nước.
Đền Vệ Quốc còn gọi đền Đức Thánh Em hay miếu Giáp Đông, có
từ trước năm 1710. Thờ: Vệ Quốc tướng quân. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989).
Địa chỉ: 342 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Đền Vệ Quốc còn gọi là đền Đức Thánh Em do thờ ngài Cá Lễ là
em sinh đôi của ngài Cống Lễ. Tương truyền hai anh em là tướng của Hùng Vương,
có công đánh giặc giữ nước. Một thuyết khác chép rằng họ sống vào thời Lý, từng
phá tan giặc Chiêm Thành đến xâm lược nước ta nên được vua ban tước phong Dực
Thánh tướng quân và Vệ Quốc tướng quân. Hai anh em cùng được thờ chung như
thành hoàng tại đình Hồ Khẩu
(phường Bưởi) và thờ riêng ở ngay trong làng tại hai ngôi đền cách nhau chỉ khoảng
300m.
Theo sách Tây Hồ chí, phần mộ của ngài Vệ Quốc có ghi: “Vệ
Quốc là em Dực Thánh Công, nhà ở trên gò Ngư Đại, ấp Hồ Khẩu, quay xuống hồ,
trông ra sông Tô Lịch. Sau hóa, người trong ấp nhân nhà cũ làm đền thờ, nay vẫn
còn”.
Trong đền vẫn lưu giữ được nhiều di vật cổ, sớm nhất là một
đạo sắc phong mang niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (năm 1710).
Đền Vệ Quốc hiện nay mang biển số 342 phố Thụy Khuê, tọa lạc
ở phía Đông đình Hồ Khẩu và do dân giáp Đông của làng trông coi, ngày 29-1-1989
đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật
quốc gia.
Đền Dực
Thánh còn gọi là miếu giáp Bắc vì tọa lạc ở phía Bắc đình Hồ Khẩu và do dân
giáp Bắc của làng trông coi, năm 2006 đã được trùng tu và xếp hạng di tích lịch
sử kiến trúc nghệ thuật thành phố.
Kiến trúc
Đền Vệ Quốc nhìn về hướng nam qua tam quan mở ra phố Thụy
Khuê, cách cổng làng Hồ Khẩu khoảng 100m. Cổng phụ bên trái thường đóng, trên
tường gắn tấm biển đồng đề tên đền. Cổng giữa hình vuông, xây kiểu 2 mái, hai
bên đặt tượng ông hộ pháp cầm đao đứng gác, đầu tường hồi có đắp hổ phù.
Đền tọa lạc trên một gò đất nhỏ, du khách muốn vào phải bước
qua 5 bậc cao. Cổng phụ bên phải thường mở, có lối đi cho xe máy bên cạnh gốc
cây đa cổ thụ, tán lá che mát cả một góc phố.
Bên trái sân trước có 3 ngôi miếu lộ thiên bé xíu được xây cạnh
nhau và áp lưng vào tường, bên phải sân là nhà giải vũ 2 gian. Tòa tiền tế gồm
5 gian, cửa bức bàn, xây kiểu tường hồi bít đốc, phía trước có bậc đá tam cấp dẫn
lên hàng hiên hẹp với cột trốn.
Các mái đều lợp ngói ta, phía trên đắp tượng cặp rồng chầu mặt
nguyệt ở giữa bờ nóc. Tòa đại bái kết nối với thiêu hương 2 gian và thượng điện
3 gian thành hình chữ Công, hai bên thiêu hương có sân nhỏ lấy sáng.
Di sản
Thần tích chép rằng hai anh em Cống Lễ và Cá Lễ cùng sinh
ngày 13 tháng Hai âm lịch. Sau chiến thắng quân Chiêm, họ được vua vời vào Kinh
đô nhưng đã xin về quê mẹ giúp dân trị thủy sông Hồng và ngăn nước hồ Tây. Về
già hai ngài cùng hóa thân nhằm mùng Hai tháng Bảy âm lịch. Dân làng theo đó
làm hai dịp lễ hội. Hèm đền Dực Thánh có âm nhạc ca trù, hèm đền Vệ Quốc có
chèo đò cạn.
Theo báo mạng Dân Trí ngày 19-4-2010, nhân dân xã Lộc Yên
(Hương Khê, Hà Tĩnh) đã phát hiện một ngôi đền cổ tại nơi hội tụ của hai con
sông Rào Nai và Ngàn Sâu. Đền có tên Tam Tòa Dực Thánh, thờ 3 vị tướng triều Lý
là Uy Minh vương Lý Nhật Quang - con trai thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ - cùng hai tùy
tướng Đông Chính và Dực Thánh. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đền hiện chỉ
còn các cột nanh và nền cũ là nguyên vẹn. Theo các bài vị, văn cúng được lưu giữ
thì có thể đoán định ngôi đền được lập vào khoảng những năm 1070 - 1075.
Sử sách chép rằng vào thời Lý các thái tử thường được vua
cha cử vào trấn giữ bờ cõi ở vùng nam Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại đất
Hương Khê từng có căn cứ địa với di tích thành luỹ đắp dài gần 200m tại Khe
Táy, nay thuộc xã Lộc Yên. Tương truyền tại đây các thái tử có nhiệm vụ củng cố
lực lượng quân sĩ và phòng thủ chống giặc từ đất Chiêm Thành và Ai Lao lấn ra.