Đền Vệ Quốc tọa lạc tại Giáp Đông, phường Hồ Khẩu, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đền nhìn ra đường Thụy Khuê, trước đây là sông Tô Lịch. Đền thờ Cá Lễ Đại Vương (tức Vệ Quốc tướng quân).
Đền Vệ Quốc có tên nôm là đền Ông Đõ, thường gọi là miếu
Giáp Đông vì đền thuộc thôn Đông, phường Hồ Khẩu xưa. Đền còn có tên gọi là đền
Đức Thánh Em để phân biệt với Đền Đức Thánh Anh là Dực Thánh tại thôn Giáp Bắc
cách chừng 300 mét.
Hiện chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về Đức ông trong
chính sử, nhưng dân gian hiện vẫn còn ghi nhớ và truyền tụng về công đức của Vệ
Quốc tướng quân trong cuộc chống ngoại xâm và xây dựng kinh thành Thăng Long ở
thời Lý.
Truyền thuyết kể lại rằng: Thời Hùng Vương thứ 18 có lạc hầu
Lê Quốc Tín được vua Hùng rất yêu quý, đem cháu gái gả cho. Không may Công chúa
sớm qua đời, ông rất lấy làm buồn, bỏ đi thăm viếng khắp danh lam thắng tích.
Một hôm đến ấp Hồ Khẩu, thấy thắng cảnh Tây Hồ tuyệt vời,
trước có bãi Thất Tinh, gò Tam Thai, hai bên thế đất long chầu hổ phục, ông quyết
định làm nhà tại đây, kết duyên với Thục Nương, một cô gái hiền thục xinh đẹp của
Tây Hồ. Do chậm có con, nên ông bà thường đi chơi hồ Tây, cầu tự tại các đền
chùa.
Một hôm bà ứng mộng Xích Giáp - Long thần hồ Tây mà có thai.
Sau sinh được hai cậu bé khôi ngô tuấn tú. Cậu lớn gọi là Cống Lễ, cậu bé gọi
là Cá Lễ. Hai cậu lớn lên, dụng mạo khác thường, tài năng cái thế. Vua Hùng nhận
thấy hai anh em là Long thần giáng thế, sắc phong anh cả là Tả Chưởng quan, em
là Hữu Chưởng quan, nắm giữ thủy binh của triều đình.
Khi nhà Thục đem quân xâm lược, hai ông tham gia vào đạo
quân Tản Viên Sơn Thánh, đánh bại quân đội của Thục Phán. Chiến thắng chở về, khi
chiến thuyền của hai ông từ sông Nhĩ Hà vào sông Tô Lịch đến ấp Hồ Khẩu, chỗ Đền
Vệ Quốc hiện nay thì hai vị cũng bay về trời.
Vua Hùng Duệ Vương nhận được tin, xuống chỉ giao cho ấp Hồ
Khẩu lập đền phụng thờ hai ông. Giáp Bắc lập đền thờ Cống Lễ gọi là Dực Thánh từ,
Giáp Đông lập đền thờ Cá Lễ gọi là Vệ Quốc Từ.
Đời sau Vua Lý Thái Tổ đem quân đánh Chiêm Thành đã vào đền
cầu đảo. Vua được âm phù, đại thắng quân Chiêm, gia phong cho hai vị là Phụ quốc
tế thế.
Vua Trần Nhân Tông trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên
Mông đã sai Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đến cầu đảo ở đền, được hai ông âm
phù đại thắng quân giặc trên sông Bạch Đằng. Vua Trần gia phong Hiển ứng uy
linh.
Thời Lê, hồng thủy uy hiếp đê Yên Phụ, vua cho cận thần đến
đền cầu đảo, các vị đã âm phù làm nước rút. Những vị vua đời sau khi đến cầu đảo,
hai thần thường hiển linh giúp cho quốc thái dân an.
Đền Vệ Quốc được xây theo hình chữ công trên gò Đại Ngư. Bên
ngoài là cổng tam quan, tường hồi bít đốc.
Cổng tam quan có tấm bia khắc năm Thiệu Trị thứ hai (1842),
đắp nổi dòng chữ Hán tự: Vệ Quốc từ (Đền Vệ Quốc), hai bên có câu đối:
Đông giáp tự hào thiên cổ tích
Hồ thôn cửu ngưỡng lưỡng linh thần.
Tạm dịch:
Giáp Đông tự hào di tích cổ
Thôn Hồ kính ngưỡng nhị vị thần linh.
Trong đền treo câu đối ca ngợi công đức của thánh Cả Lễ:
Dũng tướng nhất sinh, vệ quốc an biên danh vĩnh ký
Linh thần vạn đại, hộ dân lập nghiệp huệ trường lưu.
Tạm dịch:
Dũng tướng một thời, vệ quốc an biên danh còn mãi
Linh thần vạn đại, hộ dân lập nghiệp đức muôn đời.
Sau tam quan là sân trời nhỏ dẫn đến Tòa tiền tế năm gian
phong cách đình đền thời Hậu Lê, các vì kèo kiểu “chồng rường giá chiêng”, cột
đá vững chắc, chạm khắc trang trí tinh xảo. Tòa tiền tế nối với hậu cung bằng
hai gian nhà dọc.
Hậu cung ba gian xây thấp hơn, đây là cung cấm thâm nghiêm của
di tích. Trên các bức tường kể từ Tam quan, Tòa tiền tế, hậu cung đều có những
viên gạch vồ thời Lê, cho thấy Đền đã được xây dựng cách đây khoảng 300 năm.
Đền Vệ Quốc nằm trong một quần thể các di tích lịch sử và
văn hóa của Hà Nội xưa và nay. Cùng với đền Đồng Cổ, đền Vệ Quốc, Đền Dực Thánh
và các ngôi đình đền khác hình thành chuỗi di tích quanh hồ Tây với những huyền
thoại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Đền được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch)
xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 100-VH/QĐ ngày 21 tháng
01 năm 1989.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử quận Tây Hồ