Đền Việt Thành (đền Phú Thọ - Thánh Mẫu linh từ), xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái thờ phụng Thánh Mẫu Thượng Ngàn (Quế Hoa công chúa) và những vị có đức có công đưa nhân dân đến khai hoang mở đất.
Di tích đền Việt Thành tọa lạc phía dưới chân đồi thuộc thôn
4, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Di tích cách trụ sở xã Việt
Thành 2km, cách trung tâm huyện 7km về phía Bắc; cách trung tâm tỉnh Yên Bái
17km về phía Bắc. Du khách có thể đến di tích đền Việt Thành bằng đường bộ, đường
sắt và đường thủy.
Lịch sử đền Việt Thành
Đền Việt Thành (hay còn gọi là đền Phú Thọ - Thánh Mẫu linh
từ), xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái xây dựng khoảng cuối thế kỷ
XIX, đầu thế kỷ XX, đền thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn (Quế Hoa công chúa) và những
người có công đưa dân đến khai phá, lập làng;
Đền là địa điểm tâm linh, nơi người dân địa phương thường đến
cầu cho quốc thái, dân an, sức khỏe, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Trước đây, Đền tọa lạc bên ngòi Phú Thọ (nay là xã Việt
Thành). Cấu trúc Đền hình chữ Nhất với 3 gian cột gỗ. Do chiến tranh và nguy cơ
lũ lụt, năm 1976 xã đã di chuyển đền đến thôn 4 và xây dựng lại hình chữ Đinh,
diện tích gần 60m2, gồm 3 gian tiền bái, 1 gian hậu cung.
Đền Việt Thành, nơi thờ phụng Thánh Mẫu Thượng Ngàn
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xã Phú Thọ (nay xã Việt
Thành) là địa điểm tập kết bộ đội, du kích, dân công, lương thực, vũ khí để
quân ta đánh Pháp. Trong các chiến dịch Nghĩa Lộ - Quang Huy (1948); Chiến dịch
sông Thao (1949); Chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951) và chiến dịch giải phóng
Nghĩa Lộ (1952), đền Việt Thành là nơi dừng chân, nơi họp triển khai nhiệm vụ của
bộ đội, dân công trước khi vượt sông Hồng ở bến Phú Thọ sang đánh đồn Đại Bục,
Đại Phác và tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ, góp phần giải phóng Tây Bắc (1952).
Trải qua thăng trầm, biến cố của lịch sử, sau nhiều hư hỏng,
xuống cấp, đền Việt Thành được tu sửa, xây dựng lại, không còn nguyên vẹn về kiến
trúc. Hiện nay đền Việt Thành là một trong những di tích quan trọng nằm trong
quần thể các di tích đình đền dọc 2 bờ sông Hồng của huyện Trấn Yên.
Phong tục lễ hội
Hàng năm đền Việt Thành diễn ra 7 lễ hội lớn nhỏ, trong đó lễ
chính được tổ chức vào rằm tháng giêng hàng năm để cầu mong năm mới an lành, hạnh
phúc đến với mọi nhà; Ngoài ra còn có: Lễ hội xuống đồng; Lễ mừng cơm mới; Lễ
đóng cửa rừng.
Trải qua hơn một trăm năm tồn tại, đền Việt Thành luôn là một
điểm sinh hoạt quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng - tâm linh của
nhân dân, góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân trong và
ngoài địa phương.
Nhân dân xã Việt Thành nói riêng, người dân trong vùng nói
chung luôn thể hiện tinh thần trân trọng, nêu cao ý thức tôn trọng, trách
nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị của di tích đền Việt Thành, góp phần bảo tồn
những giá trị tốt đẹp của quê hương.
Với những giá trị về văn hóa và giá trị lịch sử như vậy, Quyết
định số 536/QĐ-UBND ngày 24/4/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đền
Việt Thành, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử -
văn hóa cấp tỉnh.