Truyền thuyết kể rằng, “Vua Bà” chính là công chúa con vua Hùng thứ sáu. Khi bà đến tuổi cập kê, vua cha mở hội “gieo cầu”, kén chồng cho con gái. Vô duyên là, người mà công chúa không ưa thì lại bắt được cầu!
Đền Vua Bà cổ kính nơi Công chúa con Vua Hùng sáng tạo nên lối
hát mượt mà sâu lắng: Quan họ
Bà xin vua cha cho bỏ cung cấm, cùng đám thị nữ lên thuyền,
chấp nhận đời dân dã. Đến Viêm Trang, thấy sông nước hiền hòa, phong cảnh tốt đẹp,
bờ bãi màu mỡ, bà ở lại khai phá đất đai, dạy dân làm ruộng, chăn tằm, ươm tơ,
dệt lụa… Kỳ diệu nhất, bà đã sáng tác các bài hát và dạy cho mọi người cùng
hát. Đó là những điệu hát, bài hát đầu tiên của dân ca quan họ bây giờ.
Chính vì vậy, “Vua Bà” chính là thủy tổ của quan họ. Có phải
thế chăng, mà đến tận bây giờ, liền anh với liền chị trong cùng một “chạ” cũng
không được lấy nhau, cũng đều phải “vô duyên” cho giống phận “Vua Bà”? Có phải
thế chăng, mà mười câu quan họ, thì đến chín câu nói về cái sự mong nhớ, ước
ao, hỏi han, hò hẹn, bâng quơ, sầu thảm?
Cổng vào đền thờ Vua Bà cổ kính
Có phải thế chăng, mà vẻ đẹp xót xa của cả kẻ “còn duyên” lẫn
“hết duyên”, đời này qua đời khác, cứ mãi chất chồng, cứ mãi như xát muối vào
lòng người, vốn bị thương chưa khỏi, từ cái thời xa xưa ấy?
Chị Hai hát câu quan họ tại lễ hội đèn Vua Bà
Có thể nói, sự khắt khe trong các làng chạ quan họ được tạo
nên chính là những quy định nghiêm ngặt từ lâu, âu cũng có nguyên nhân của nó.
Đến làng Diềm, tham quan đền Vua Bà- thủy tổ của làng quan họ
vốn được khởi dựng từ lâu đời, nhưng đã qua nhiều lần tôn tạo; dấu ấn kiến trúc
điêu khắc cổ nhất còn để lại là đôi “sấu đá” trên thân với những cụm mây lưỡi
mác mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng; lớp kiến trúc muộn là của thời
Nguyễn, trên câu đầu của tòa Tiền tế trước đây còn nguyên dòng chữ Hán: “Hoàng
triều Khải Định cửu niên” (1924).
Đến năm 2000, đền được tu bổ xây dựng lại hoàn toàn. Ngôi đền
có kiến trúc kiểu chữ “Vương” gồm: Tiền tế, Thiêu hương và Hậu cung, bộ khung gỗ
chạm khắc trang trí, với các lớp mái ngói đao cong uốn lượn duyên dáng.
Giếng ngọc nơi lấy nước làm lễ đền Vua Bà
Đền Vua Bà còn bảo lưu được những cổ vật cổ quý như: ngai
bài vị, tượng thờ, sắc phong, hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ tự khác. Tại
tòa Tiền tế, gian giữa treo bức hoành phi khá lớn, chạm khắc trang trí đẹp, sơn
son thiếp vàng rực rỡ, ở giữa nổi bật 4 chữ Hán lớn: “Vương Mẫu giới phúc”, bên
cạnh có dòng niên đại “Khải Định Giáp Tý” (1924); hai bên cột là câu đối cổ ca
ngợi công đức của Vua Bà được thờ ở đây: “Vạn cổ cương thường Thần thị phục/Thiên
thu hưởng hỏa cựu như tân”. Hậu cung là nơi phụng thờ tôn thành hoàng quốc
vương thiên tử nhữ nương Nam Hải đại vương”.
Tượng Vua Bà ngồi ở giữa lung linh, huyền ảo: trong tư thế xếp
bằng, hai tay để nhẹ nhàng trên đùi, đầu đội mũ vương miện có đính nhiều bông
hoa; khuôn mặt đẹp hiền hậu, tai to dài, cổ kiêu ba ngấn đeo vòng trang sức; áo
khoác ngoài mềm mại, mượt mà.
Trên án thờ còn là những đồ thờ tự cổ quý khác như: bát
hương, lộc bình, đài nước, cây đèn, cây nến, lọ hương hoa và đáng chú ý là ba
quả cầu gỗ sơn đỏ đặt cạnh ngai thờ là vật gắn bó với tục “cướp cầu” của hội đền
Vua Bà. Đó còn là một đạo sắc phong niên đại Thiệu Trị 4 (1844), phong cho người
được thờ.
Người làng Viêm Xá luôn tự hào rằng: “Thủy tổ quan họ làng
ta/Những lời ca xướng Vua Bà sinh ra/ Xưa nay nam nữ trẻ già/ Ai mà ca được ắt
là hiển vinh”. Đặc biệt, người làng Viêm Xá còn bảo lưu được những tập tục cổ
xưa nhất về lề lối sinh hoạt quan họ ở đền Vua Bà như: Mỗi khi hạn hán có tục
hát quan họ cầu đảo, khi hát chỉ có “bọn” quan họ của làng được hát và chỉ hát
những giọng lề lối (giọng cổ).
Những làn điệu quan họ mượt mà trong lễ hội đền Vua Bà
Mặt khác, theo kinh nghiệm du lịch Bắc Ninh, cũng chỉ có
làng Viêm Xá còn bảo lưu được những tập tục sinh hoạt quan họ cổ xưa nhất như:
hát quan họ trùm đầu, tục nhà chứa, ngủ bọn, kết bạn, kết chạ… Viêm Xá là làng
có nhiều thế hệ Liền anh, Liền chị, nghệ nhân nổi tiếng am hiểu về lề lối quan
họ và hát được nhiều giọng lề lối nhất vùng.
Tất cả lễ hội của đền, đình, chùa của làng đều nổi trội với
sinh hoạt văn hóa quan họ và thu hút được nhiều Liền anh, Liền chị quan họ của
các làng trong vùng đến trảy hội.
Rước kiệu ở lễ hội đền vua Bà- thủy tổ quan họ
Theo tục lệ
làng Viêm Xá, hàng năm cứ đến ngày 6 tháng 2 (âm lịch) đền Vua Bà lại được mở hội.
Ngày mồng 5, dân làng làm lễ mở cửa đền.
Sáng mồng 6 chính hội, dân làng tổ chức tế lễ thần, trong
nghi lễ có hát quan họ thờ thần của các “bọn” quan họ trong làng với những giọng
lề lối ca ngợi công đức của thần và cầu xin phù hộ cho người khang vật thịnh,
mùa màng phong đăng hòa cốc.
Tiếp theo là lễ rước kiệu Vua Bà quanh làng, tượng trưng cho
ngày Vua Bà du ngoạn đặt chân lên đất Viêm Xá. Sau phần lễ là phần hội với nhiều
tục trò vui chơi giải trí như: vật, cướp cầu, quan họ giao lưu… Đến Diềm Xá một
lần, khách về như là mang cả một thế giới cổ xưa về theo. Hạnh phúc thay cho
dân làng Diềm, khi họ được sống mãi trong cái thế giới ấy! Hạnh phúc thay cho
ai rời làng Diềm, mà trong lòng vẫn có cái thế giới ấy.