Khu vực là nơi Thái sư Tổng binh Lý Thường Kiệt cho xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống Tống lần 2. Đền Xà là nơi vang lên bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” của Thánh Tam Giang.
Đền Xà thuộc thôn Xà Đoài, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh
Bắc Ninh là một di tích cấp quốc gia theo quyết định số 28-VH/QĐ của Bộ Văn
hóa, ngày 18/1/1988. Đền nằm bên bờ nam sông Cầu, tại Ngã ba Xà, là nơi hợp lưu
của hai con sông cổ Cà Lồ và sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt) cùng chảy xuống
Lục Đầu Giang (Phả Lại - Hải Dương).
Đây là nơi Tổng binh Lý Thường Kiệt cho xây dựng phòng tuyến
sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống Tống lần 2. Đền Xà là nơi vang lên
bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” của Thánh Tam Giang.
Đền Xà là di tích lịch sử văn hóa lâu đời trên địa bàn xã
Tam Giang, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh. Cũng giống như các làng cổ khác thuộc
lưu vực sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ. Làng Xà thờ đức thánh Tam Giang – những
vị tướng nổi tiếng trung quân ái quốc dưới thời Triệu Việt Vương. Thánh Tam
Giang (tức anh em Trương Hống, Trương Hát) là những danh tướng của Triệu Quang
Phục có công đánh giặc Lương ở thế kỷ thứ 6. Ban đầu đền thờ thần rắn nên có
tên là đền Xà (Xà = rắn).
Đền Xà linh thiêng, nơi vang vọng Bản tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất
Thần tích kể lại rằng: Thái sư Lý Thường Kiệt dẫn quân đi kiểm
tra chiến tuyến, khi đến Phương La, thấy có ngôi đền lớn bên ngã ba Xà, hỏi ra
mới biết đây là đền Xà, thờ nhị vị Đại Vương Tôn Thần họ Trương - Đức Thánh Tam
Giang Trương Hống, Trương Hát. Lý Thường Kiệt bèn truyền quân sửa lễ vào đền thắp
hương bái yết, cầu xin âm phù hộ quốc.
Đêm ấy, nằm nghỉ ở đình Xà - Ngọt, đang lúc chập chờn nửa tỉnh,
nửa mơ, Lý Thường Kiệt thấy hai vị thần nhân, mũ áo chói loà hiện ra. Lý Thường
Kiệt vội đứng dậy bái chào.
Hai vị thần nhân cao lớn lẫm liệt khác thường. Một vị mặt
đen, mắt xanh, mặc áo bào trắng. Một vị mặt trắng, râu dài, mình khoác bào đỏ,
bảo rằng: Mới tới thăm nhau buổi sáng mà đã vội quên! Lũ giặc Tống kia, chỉ cần
làm bạt hồn vía chúng, thì chúng sẽ tan. Anh em chúng tôi xin mang thần binh đến
giúp ngài quét sạch lũ giặc... Dứt lời liền ngâm bài thơ:
Nam quốc sơn Hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Bấy giờ Lý Thường Kiệt mới biết, đấy là hai vị thần thờ ở đền
Xà. Tiếng ngâm vừa dứt, bỗng hai vị thần nhân hoá thành đôi rắn có mào, trườn về
phía sông Cầu.
Lý Thường Kiệt liền truyền quân đốt đèn, lấy bút nghiên và ông ngồi trầm ngâm tự
chép lại bài thơ Thần trong trí nhớ. Chép đi chép lại nhiều lần mới nhớ đúng được
lời của bài thơ.
Lý Thường Kiệt đắc ý khẽ cất tiếng ngâm. Mấy tỳ tướng chầu hầu
nghe được, phấn chấn hẳn lên cũng lẩm nhẩm học theo. Lý Thường Kiệt sai quân
chép bài thơ Thần làm nhiều bản, gửi tới tướng sĩ khắp chiến tuyến.
Hôm sau ông bí mật đưa đại quân vượt sông sang bờ Bắc, mở trận
tập kích vào đồn lũy giặc Tống. Lý Thường Kiệt đứng trước cửa đền Xà, bỗng nghe
từ trên không trung có tiếng hò reo, ngựa người rầm rập, khí giới loảng xoảng
cùng âm vang tiếng chiêng, tiếng trống theo nhịp bước quân đi. Ông ngửa mặt
nhìn lên, thì thấy hai vị thần họ Trương, áo mũ xanh đỏ tề chỉnh, ngự trên đám
mây trắng, quân sĩ đứng hai bên giáo mác tua tủa.
Biết có thần binh trợ giúp, quân sĩ đều háo hức muốn xông
ngay vào đồn giặc. Liền đó, từ trên cao xanh trước cửa đền vọng xuống tiếng
ngâm bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư...” ngâm đi ngâm lại nhiều lần.
Càng về sau tiếng ngâm càng sang sảng.
Nghe tiếng thơ rền vang, tinh thần quân ta phấn chấn ào ạt
xông lên giết giặc. Bên kia bờ Bắc, quân Tống nghe tiếng thơ ngâm mà hoảng sợ,
bạt vía kinh hồn. Trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, quân giặc tan vỡ
thành từng mảng, bỏ chạy toán loạn, dẫm đạp lên nhau.
Xác giặc ngổn ngang trên cánh đồng Mai Thượng (nay vẫn còn dấu
ấn lịch sử là cánh đồng Xác và ngôi chùa Xác, sau đổi lại là An Lạc Tự). Quân Tống
đại bại, sau trận ấy vội vàng rút quân về nước.
Mặc dù đền Xà vốn được xây dựng từ lâu đời, nhưng dấu ấn kiến
trúc cổ còn để lại như nền móng, chân cột, gạch gói và cổ vật là của thời Lê
Trung Hưng; đặc biệt theo sách “Tư liệu Hán Nôm huyện Yên Phong” xuất bản năm
2005 thì đền Xà còn thác bản bia đá có tên “Linh từ bi ký”, niên đại Minh Mạng
16 (1835), đã cho biết khá rõ việc trùng tu đền Xà vào thế kỷ 18.
Trong kháng chiến chống Pháp đền Xà bị phá hoại nặng nề. Đến
năm 1993, nhân dân địa phương tôn tạo và những năm gần đây đền lại được trùng
tu theo kiểu truyền thống.
Hiện nay, về kiến trúc đền Xà có hai tòa thờ chính là Tiền tế
và Hậu cung, bộ khung gỗ, chạm khắc rồng, mây, hoa lá nghệ thuật. Tại sân đền
có nhà bia kiểu 8 mái, bên trong dựng tấm bia đá khắc bài thơ thần “Nam quốc
sơn hà”, phía ngoài là cổng tứ trụ.
Giá trị cơ bản của đền Xà là ở hệ thống cổ vật, như: tượng
thờ (Thánh Ông, Thánh Bà, còn phối thờ tượng Táo Quân gắn với truyền thuyết của
người được thờ, Thánh Hậu là con của Thánh, tượng người hầu và võ sĩ). Cũng
theo sách “Tư liệu Hán Nôm huyện Yên Phong” xuất bản năm 2005 thì đền còn cuốn
thần tích có niên đại Cảnh Hưng 27 (1766) và 15 đạo sắc phong (sớm nhất có niên
đại 1670, muộn nhất có niên đại 1909).
Hàng năm, làng Xà Đoài đều đặn tổ chức hai ngày lễ lớn tại đền:
Mùng 5 tháng Giêng và mùng 8 tháng 4 âm lịch.
Hội đền Xà thuộc hội lớn nhất vùng, ngoài các nghi lễ trang
nghiêm rước kiệu, rước nước, còn có tục thi bơi chải. Truyền rằng, tục bơi chải
của đền Xà gắn liền với việc Lý Thường Kiệt huy động dân binh địa phương tham
gia vào việc đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt.