Đình làng Thượng (xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội ), xưa thuộc Thượng Lâm Trang, tổng Phú Lâm Trang, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, thờ các vị thần “Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương, Uy Đức Đại Vương, Vĩnh Hoa Công chúa và Quá Hải Đại Vương”.
Đây là những vị phúc thần anh hùng hào kiệt của đất nước,
có công đức dạy dân trồng lúa, chăn tằm, làm thuỷ lợi trong buổi đầu Hùng Vương
dựng nước của dân tộc, được các vương triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn phong
làm Thượng Đẳng Thần…
Từ vùng đất hoang vu, sỏi đá, rừng rậm, núi cao
(Thượng Lâm, có nghĩa là “trong rừng sâu”), sống trên vùng ven núi
Hoành Sơn, bao lớp người ở đây đã trụ vững lập nghiệp hình thành
Thượng Lâm Trang, “có cứng mới đứng đầu gió”, “nơi địa đầu yếu xứ
phía tây bắc” của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Cụ Trịnh Minh Toàn, 76 tuổi, nguyên Bí thư Đảng uỷ
xã Thượng Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo biên tập cuốn sách “Thượng Lâm trên
những chặng đường lịch sử” xuất bản năm 1988, cho chúng tôi biết:
Trong các vị thần thờ ở đình có Uy Đức Đại vương là một nhân vật
lịch sử có nhiều công lao trong việc bảo vệ nền an ninh, độc lập của
đất nước thế kỷ thứ 12.
Phả lục do Tiến sĩ Nguyễn Bảo thời Lê Hồng Đức
viết: Ông họ Đào, tên là Uy Đức, quê ở Phù Long Trang (phủ Từ Sơn,
đạo Kinh Bắc), có người tên là Đào Văn Uý, lấy vợ là Lê Thị Ngoạn
cùng quê, vợ chồng cân đức, cân tài.
Ông Uý đã giỏi nho
học lại hay nghề làm thuốc, vợ chồng cùng một niềm đức hậu, thấy
việc thiện thì nhỏ cũng làm, gặp điều ác dẫu bé mấy cũng tránh,
dù chỉ một ly hại người, hay một phảy ích kỷ tư lợi cũng không nghĩ
tới, ở đây ai cũng khen thật là “một nhà phúc đức có thừa”.
Vậy mà vợ chồng ông tuổi đều đã cao vẫn muộn con,
thấy vậy, vợ chồng bàn nhau sắm sanh lễ nghi vàng mã, hương hoa, tìm
đến các nơi thắng cảnh, cho dù núi cao, đồng sâu, linh thiêng nổi
tiếng cũng đến làm lễ cầu đảo trời, đất, Thánh, Phật, tiên hiền
chứng minh, giáng phúc cho chút nam nhi nối dòng kế tự.
Về ngay đêm hôm ấy, bà Lê Thị Ngoạn ngủ ở trong
phòng, đến cuối canh ba thì mơ màng giấc mộng, bỗng thấy một trang
võ tướng uy nghiêm lẫm liệt hiện hình từ ngôi sao, toả ánh hào quang
rực sáng phút chốc bay thẳng từ bầu trời sa xuống và bay vào bụng
bà; bà cả sợ thay, liền đem giấc mộng kể cho chồng nghe, ông vui cười
nói “Đó là trinh tường chi triệu” (nghĩa là giấc mơ rất tốt lành).
Từ đó, bà thấy trong mình đổi khác và có thai, đến
ngày 12 tháng 2 năm Nhâm Thân thì sinh ra con trai, chú bé tướng tài di
dạng, diện mạo khôi ngô tuấn tú, ông rất yêu con và nói “Thật là
giời đã giáng phúc cho ta vậy”.
Dưới triều Lý Anh Tông (1138-1175), Đào Uy Đức được
phong chức “Tiền đạo đô chỉ huy sứ tướng quân”. Nhờ có công lao được
ban quốc tích họ Lý đổi thành Lý Nghĩa Vinh, tên tuổi Lý Nghĩa Vinh
gắn liền với sự kiện lịch sử lớn thời Lý Anh Tông là việc Đàm Hữu
Lượng người nhà Tống liên kết với Chiêm Thành, quấy phá, đánh chiếm
lãnh thổ Việt Nam.
Bằng di tích Lịch sử văn hóa Đình Thượng Lâm.
Bức cuốn thư cổ ở đình Thượng Lâm.
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư:“Kỷ Dậu năm thứ 6
(1145) tháng 8, người yêu thuật nước Tống là Đàm Hữu Lượng trốn sang
Châu Tử Long tự xưng là Triệu Tiên Sinh, nói dối là vâng mệnh đi sứ
để dụ nước An Nam, các khe động ở dọc biên giới nhiều người theo..”.
Hữu Lượng bàn đen đồ đảng đến cướp Châu Quảng
Nguyên, bấy giờ chức kinh lược suý sai Lộ Quảng Tây nước Tống đưa thư
nhờ bắt Hữu Lượng. Vua xuống chiếu cho phò mã Dương Tự Minh và văn
thần Nguyễn Nhữ Mai cùng Lý Nghĩa Vinh đi đánh, không bao lâu sau lại
sai thái sư Mâu Du Đô đem quân các khe động dọc biên giới về đường bộ
tiếp đánh, khi ấy Tự Minh đã lấy được Ải Lũng Đô, Châu Thông Nông bắt
được bè đảng của Hữu Lượng là bọn Ba Đại 21 người, duy có Hữu
Lượng chạy thoát, trốn vào núi rừng; vua xuống chiếu cho quan quân sứ
Lý Nghĩa Vinh trông coi áp giải bọn Bá Đại giao trả về nước Tống.
Ung Châu giả làm quan cáo sứ để gọi Hữu Lượng, Hữu
Lượng cho là thật, cùng với bọn thủ lĩnh Châu Tư Minh hơn 20 người
mang ấn đồng, địa đồ và vật thổ sản quy phục với nhà Tống (Tập 1
trang 279, 280 bản dịch Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội 1967).
Trong chiến dịch đánh đuổi bọn Đàm Hữu Lượng, phả
lục đình Trang Thượng Lâm ghi rõ: “Lý Nghĩa Vinh theo lời tâu của Tô
Hiến Thành được vua Lý Anh Tông sai đem quân đi tiên phong tuần phòng ở
Đạo Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, chiêu tập binh sĩ ở các đạo, khi
dẫn hơn 1000 quân tới Trang Thượng Lâm, thấy địa thế và phong cảnh ở
đây vừa hiểm yếu, vừa đẹp đẽ, ông bèn sai binh sĩ cùng nhân dân lập
đồn trại để chặn phía sau quân Tống, quân Chiêm Thành, nhân dân Trang
Thượng Lâm xin làm gia thần tử Lý Nghĩa Vinh khá đông.
Triều đình nhà Lý cho triệu Lý Nghĩa Vinh về Thăng
Long để hợp sức cùng các tướng đi đánh Đàm Hữu Lượng, Lý Nghĩa Vinh
cùng các tướng cất quân đến đồn quân Tống, quân Chiêm đánh phá dữ
dội, quân Tống, quân Chiêm thua chạy, ông đem quân đuổi đánh tới Châu
Quảng Nguyên chém tướng giặc, bắt thu vũ khí rất nhiều, Đàm Hữu
Lượng chạy trốn vào rừng núi không biết ẩn náu nơi đâu”.
Sau khi Lý Nghĩa Vinh mất, ông đã được các vương triều kế
tiếp nhau phong làm Thượng Đẳng Thần, triều đình nhà Lý chuẩn cho Thượng Lâm
Trang lập miếu thờ cúng ông cùng Lê Thị Vĩnh Hoa công chúa, nguyên là quý phi của
vua Lý Thần Tông (1127-1138), là người báo mộng, phù hộ ông đánh thắng giặc Đàm
Hữu Lượng, bà đi du ngoại tới Thượng Lâm Trang thấy phong cảnh hữu tình
bèn ở lại đó, sau khi qua đời được người trong trang ấp lập điện
thờ, đặt hiệu là Công chúa Lê Thị Vĩnh Hoa.
Cây đa đình Thượng Lâm gần 800 năm tuổi gắn liền Di tích.
Bài vị cổ ở đình Thượng Lâm.
Từ buổi đầu dựng nước Văn Lang, hai tướng Cao Sơn và
Quý Minh về Trang Thượng Lâm xây dựng bản doanh tập hợp lực lượng,
nhằm ứng phó với giặc bảo vệ đất Phong Châu, trai tráng trong vùng
tề tựu theo hai ông đánh giặc đến cùng và lập nên những chiến công
hiển hách, được dân thôn tôn làm Thành Hoàng.
Đến những năm 40 sau công nguyên, nhân dân Trang Thượng
Lâm lại hợp sức đứng dậy dưới cờ tướng soái của Hai Bà Trưng đánh
giặc Hán bảo vệ đất Mê Linh. Sự kiện tiêu biểu là năm 42, nhân dân
Thượng Lâm theo các nữ tướng Vĩnh Hoa, Chu Tước, Vân Mộng dấy quân lên
Châu Trường Sa (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội) tế cờ xung trận đánh giặc
Hán.
Những dấu tích còn lại lưu truyền: Cửa Vua, Ao Quan,
Trại Quan, Nhị Quan, Trũng Đồn, Rừng Huyện, Quán Trúc và các trống
đồng Đông Sơn được phát hiện trên đất Thượng Lâm, nay được lưu ở Viện
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Lịch sử huyện Đảng bộ Mỹ Đức có ghi lại “40 chàng
trai làng Hoành và Thượng Lâm đã tập hợp lực lượng dấy cờ khởi
nghĩa cùng thời với Đề Thám nhưng không thành..”, rất nhiều chiến
tích ghi nhận công lao của quân và dân Thượng Lâm trong kháng chiến
chống thực dân Pháp, vì vậy xứng đáng được đón nhận Danh hiệu Anh
hùng Lực lượng vũ trang nhân dân xã Thượng Lâm của Chủ tịch nước
CHXHCN Việt Nam trao tặng ngày 15/8/2003.
Ngai và tượng cổ ở đình Thượng Lâm.
Xưa đình Thượng Lâm lúc đầu chỉ là một ngôi nhà bằng tre lợp
lá, sau được thay thế bằng gạch ngói khép kín. Đình gồm hậu cung, trung cung, đại
bái, tả vu, hữu vu và tường bao xung quanh.
Vì thời gian và chiến tranh, đình bị hư hỏng nhiều cho đến
năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông (1719-1759) đình được
xây dựng quy mô (hiện nay các ngài đang tọa lạc trên nền đất của một dòng họ,
rất tiếc ngôi đình cổ xưa đã bị phá hủy, khu đất của đình cũ còn chỉ là
khu đất trống cạnh phía Tây Trường THCS và sân vận động xã).
Đình hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị,
được thay thế và sửa chữa, trùng tu vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đặc biệt
đình còn lưu giữ được cuốn thần tích do Tiến sĩ Nguyễn Bảo thời Lê
Hồng Đức viết 1472, được Nội Các Bộ Lại thời Vĩnh Hựu ngũ niên
chép 1739 cách đây 267 năm (giấy mực cổ, 11 trang, khổ 20x14cm, mỗi trang
8 hàng, khoảng 28 chữ), nội dung ghi: “Lý Anh Tông sai Dương Tự Minh,
Nguyễn Nhữ Mai, Lý Nghĩa Vinh đem quân lùng quét, Đàm Hữu lượng chạy
trốn, bè đảng của Lượng bị bắt gần hết và bị áp giải trả cho Trung
Quốc..”. Hàng chục sắc phong của các vương triều cho các vị Cao Sơn Đại
vương, Quý Minh Đại vương, Uy Đức Đại vương, Vĩnh Hoa Công chúa, Quá Hải Đại
vương. Bản thần tích có bài thơ vịnh sử:
“Sơ khai Nam Việt tự kinh Dương
Nhất thống sơn hà thập bát Vương
Thập bát thế truyền thiên cổ tại/ Ức niên hương hoả,
ức niên phương”
Dịch nghĩa:
“Mở nền Nam Việt tự kinh Dương
Một mối non sông, mười tám Vương
Mười tám đời vua ngàn thủa vững
Triệu năm nhang khói, ngát muôn hương”.
Hậu cung đình còn giữ được pho tượng cổ Đức Thánh hoàng
có niên đại vào thế kỷ 16, các bộ tượng và long ngai, đồ thờ tự, 3 bức cuốn
thư, hoành phi cổ: “Nhật chiêu nguyệt âm”, “Vạn cổ lưu phương”, “Sơn hà
tụ khí”, 12 đôi cấu đối; căn cứ vào sự tích, công lao của Đào Uy
Đức, được chính sử và phả lục thế kỷ 15 ghi chép lại: “Ông là một
nhân vật lịch sử có công đức không nhỏ đối với thời đại và dân tộc,
di tích về ông bảo lưu được ở đình Thượng Lâm” – Minh chứng di tích có
giá trị “Danh thơm muôn thủa” của đất Thượng Lâm này cần được bảo
tồn, xứng đáng được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du
lịch ra Quyết định số 154/VHQĐ ngày 25/1/1991 công nhận là Di tích
Lịch sử -Văn hoá.
Từ 11/2 đến 13/2 âm lịch hàng năm (nay cứ 3 năm một lần),
nhân dân 2 xã Thượng Lâm và Đồng Tâm thường phối hợp tổ chức lễ hội vùng
liên xã cùng thờ nhị vị Thánh “Tứ bất tử” Cao Sơn Đại Vương và Quý
Minh Đại Vương, được vua Hùng sắc phong:
“Phục quốc thượng tướng quân Đại Vương”
“Chính bản thần trang hiệu, dương cảnh Thành hoàng,
hộ quốc an dân nhất vị Đại Vương”
“Nhị vị phục quốc, Sơn Tinh tả thánh Đại Vương
thần”.
Lễ hội đình Thượng Lâm là một trong những lễ hội có nhiều kiệu
nhất (12 kiệu) và có tục “chém lợn” tức là tổ chức cuộc thi làm cỗ dâng
Thánh. Tục chém lợn được thực hiện như sau:
Làng chọn ra chàng trai khỏe mạnh, mặc áo trắng, chân
quấn xà cạp, thắt bao bỏ múi cạnh sườn: Cắt nhát thứ nhất (đầu lợn rời
khỏi thân), nhát thứ 2 (ra khoanh bí, phần cổ), nhát thứ 3 phanh thân thái
thành 12 miếng thịt sống đưa lên mâm cùng trầu cau + rượu đưa vào đình
dâng tế Thánh, chỉ độ 2 phút xong, nhưng nếu để máu bắn vào quần áo coi
như bị thương, mất lộc. Tục lệ thể hiện tinh thần thượng võ chiến lược “thần
tốc chiến thắng giặc” của Đức Thành hoàng.
Đồ dâng cúng các vị Thành Hoàng gồm: Thủ lợn đen, cỗ chay,
rượu, trầu cau, xôi, oản, thanh bông hoa quả. Rước các kiệu (ngai, tượng
thờ, bài vị, bằng sắc, ngũ quả..) về gốc cây đa 800 năm tuổi ngự, rồi về phối hợp
tế cộng đồng theo luân phiên 2 xã Thượng Lâm và Đồng Tâ).
Đây là phong tục mang bản sắc văn hóa cộng đồng “làng xã” cổ,
giàu tiềm năng, tiêu biểu cho “bức phên dậu” của đất Thăng Long kinh kỳ ngàn
năm văn vật./.
Ths. Phùng Quang Trung (Cục nghệ thuật biểu diễn)
Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia