Danh tướng Hoàng Đạo, người làng Kẻ Hiệp trong cuộc khởi nghĩa của Nhị vua Hai Bà Trưng đã dẫn dân binh trong vùng tham gia đánh đuổi Tô Định. Khi quân Hán tràn sang xâm lược một lần nữa, đức ngài đã quyết tử với kẻ thù trên dòng sông Đáy.
Đình Hạ Hiệp còn gọi đình Liên Hiệp hay Kẻ Hiệp, có từ
đầu TK17. Thờ phụng Hoàng Đạo, danh tướng Nhị Vua Hai Bà Trưng. Xếp hạng di
tích quốc gia năm1991. Địa chỉ tại thôn Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ,
TP Hà Nội. Cách Hồ Gươm: 31km về hướng tây.
Lược sử
Thôn Hạ Hiệp nằm ở phía tây sông Đáy, ven đường tỉnh
lộ ĐT421, cách quốc lộ QL32 khoảng 3km. Thời Đinh, sông Đáy gọi là Lạch
đài giang, thời Lê – Trịnh đổi thành sông Sinh Quyết. Làng xưa có tên Nôm là Kẻ
Hiệp, thời Lê thuộc tổng Hạ Hiệp, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.
Năm 1899, đời vua Thành Thái, thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn
Tây. Sau 1945, thuộc xã Liên Hiệp, huyện Quốc Oai. Từ năm 1979, thuộc xã Liên
Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây, trước khi sáp nhập vào TP Hà Nội.
Đình Hạ Hiệp còn gọi là đình Liên Hiệp hay Kẻ Hiệp, được
xây dựng vào đầu TK17, toạ lạc cạnh toà Giáo xứ và trụ sở UBND xã
Liên Hiệp. Thành hoàng là đức ngài Hoàng Đạo, danh tướng của Hai Bà Trưng .
Sau phối thờ quan thị lang Đặng Trung hầu, tự Phúc Ánh, tuần phủ Tam Tuyên
(Tuyên Quang – Sơn Tây – Hưng Hoá) – một người làng có công tu sửa đình; ban
thờ ngài nằm bên trái đại đình, trên một khám lửng giữa hai hàng cột hiên
ngoài.
Theo truyền thuyết địa phương, có hai vợ chồng họ Đỗ gốc
người Nghệ An, ra đây lập nghiệp, trú ở hương đăng tại chùa Sẻ trong làng Hạ
Hiệp. Một hôm, bà vợ đi chơi núi Sài Sơn, đêm đó về nằm mộng thấy một dải mây
vàng bay ngang qua, từ đó có thai rồi sinh ra một bé trai.
Ông bà đặt tên con là Năng Đạo, sau nhớ tới đám mây vàng
lại đổi thành Hoàng Đạo (giờ tốt). Chàng trai lớn lên đã chiêu tập dân binh
ba thôn Hạ Hiệp, Hiệp Lộc, Yên Dục tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Khi Hai Bà
hy sinh ở cửa sông Hát, Hoàng Đạo đã lui quân về thôn Hiệp Lộc, dừng lại và đem
chia số vàng của mình: Hiệp Lộc được 3 thoi, Yên Dục 3 thoi, Hạ Hiệp 7 thoi. Sau
đó ngài chỉ huy số thân binh còn lại tử chiến với quân Hán trên bãi sông Đáy và
anh dũng hy sinh.
Nơi thờ phụng danh tướng Hoàng Đạo
Chỗ chia vàng về sau được dựng đền, gọi là Quán Vàng.
Ngài mất ngày 12 tháng 3 trên bãi sông Đáy thuộc làng Hạ Hiệp, tại đó về
sau dân dựng ngôi đền thờ chính, gọi là Quán Hiệp.
Đình Hạ Hiệp chỉ là nơi thờ vọng, tới ngày hội, dân làng mới
rước bài vị của ngài từ Quán về đình để tế lễ. Dân Yên Dục và Hiệp Lộc gọi tên
ngài là Hoàng Thông, do kiêng huý nên dùng từ "Thuông" để gọi chệch từ
"Thông". Còn dân Hạ Hiệp gọi ngài là Hoàng Đạo và dùng từ "Điệu"
để gọi chệch từ "Đạo".
Những mảng chạm khắc tuyệt đẹp ở Đình Hạ Hiệp
Nguồn: Hà Nội 360o