Đình Hà Hồi thờ Thành hoàng là Đức thượng đẳng tối linh thần Cao Sơn Đại vương. Ngoài cung thờ chính, đình có nhiều ban thờ ở hai bên. Bên phải là ban thờ thần Nông với mong muốn phù hộ cho dân thôn bản quán cấy trồng tốt tươi. Bên trái, thờ cụ bà Hậu đã quyên góp dựng xây ngôi đình từ thế kỷ 16 (1578)
Cổng đình Hà Hồi. Photo NCCong ©2019
Đình Hà Hồi có từ thế kỷ 16, thờ phụng thành hoàng:
Cao Sơn đại vương. Xếp hạng di tích quốc gia năm 1985. Địa chỉ tại thôn Hà
Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.
Đại đình Hà Hồi. Photo NCCong ©2019
Lược sử
Thôn Hạ Hồi (hay Hà Hồi) tên Nôm là làng Vồi, thời
Nguyễn thuộc xã Hạ Hồi, đóng vai trò là làng lớn nhất trong tổng Hạ Hồi,
phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Một số tài liệu ghi đình Vồi xây năm 1578,
thờ Cao Sơn Đại Vương.
Theo những thần tích từ nhiều đình, đền khác, Cao Sơn Đại
vương là em họ và cũng là tướng dưới trướng của Tản Viên Sơn Thánh cùng Quý
Minh Đại Vương thời Hùng Vương thứ 18.
Theo thần tích lưu tại đền Phương Quế (tức miếu Tổng,
ngôi miếu chung của tổng Hà Hồi), Ngài tên là Cao Hiển, sinh vào thời
Trần Thuận Tông (1388-1398), sang Tàu thi đỗ và làm quan nhà Minh.
Xã Hạ Hồi từng có cụ Lý Công Bật đỗ Đệ tam giáp đồng tiến
sĩ xuất thân khoa Quý Mùi năm Diên Thành thứ 6 (1583), cụ Từ Đạm đỗ Đệ tam
giáp đồng tiến sĩ xuất thân và cụ Từ Thiệp đỗ Phó bảng khoa Ất Mùi năm Thành
Thái thứ 7 (1895).
Xã đã đổi tên thành Hồng Phong năm 1948, rồi Hà Hồi
năm 1976. Đầu thế kỷ 21, diện tích xã là 3,84 km2; dân số 10.251 người có
khoảng 1/4 theo đạo Thiên chúa, chợ Vồi thì to nhất huyện.
Sân đình Hà Hồi. Panorama NCCong ©2018
Hạ Hồi đã đi vào lịch sử sau khi giặc Thanh đóng đồn
tại đây do tướng Trương Triều Long chỉ huy bị bao vây, buộc phải cởi giáp, hạ
vũ khí, mở cổng đồn đầu hàng đại binh của Vua Quang Trung.
Sau khi công phá xong đồn Hạ Hồi, quân Tây Sơn lưu trú ở
trong đình, làm lễ yết bái Cao Sơn Đại vương cầu thần phù trợ để giành thắng lợi.
Sau đó, đạo quân chủ lực của Quang Trung tiến đánh đồn Ngọc Hồi, mở đường tiến
thẳng vào thành Thăng Long ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789. Hạ Hồi đã đi vào lịch
sử gắn liền với thắng lợi của vua Quang Trung trên đất Thăng Long.
Dân của 7 thôn trong tổng Hạ Hồi cũ hàng năm vẫn tham
gia lễ hội đình được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng 3 âm lịch nhân sinh
nhật thành hoàng, chính hội là 15 tháng Ba. Năm 1985, ngôi đình đã được
Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá quốc gia.
Bên trong đình Hà Hồi. Photo NCCong ©2019
Kiến trúc và di sản
Trên ngũ môn quan của đình Hà Hồi có câu đối ghi:
大顺前扶襄翼敏集大勲奉化岑崗著跡當初?傳此地
弘定後至景興稔彰靈應昇龍廟貌明禋?終古及群方
Đại Thuận tiền phù Tương Dực mẫn tập đại huân Phụng Hóa sầm cương trứ tích
đương sơ truyền thử địa
Hoằng Định hậu chí Cảnh Hưng nhẫm chương linh ứng Thăng Long miếu mạo minh yên
chung cổ cập quần phương.
Nghĩa là:
Năm Đại Thuận trước đã phò Tương Dực lập công to, núi đồi Phụng Hóa nổi tích
truyền tại nơi đấy
Đời Hoằng Định sau lại giúp Cảnh Hưng tỏ linh ứng, đền miếu Thăng Long tế
lễ cùng với mọi phương.
Và còn có câu đối nữa:
德大安民同心千古盛
雄朝護國德化萬年恩
Đức đại an dân đồng tâm thiên cổ thịnh
Hùng triều hộ quốc đức hóa vạn niên ân.
Nghĩa là:
Đức lớn làm dân đồng lòng ngàn xưa cường thịnh
Triều Hùng giúp nước cảm đức vạn năm biết ơn.
Những người già có thể tiếc nuối khi nhớ lại con
đường làng Hà Hồi với gạch xây đều tăm tắp nay đã thay bằng bê tông để
ô tô tải đi được. Bên tả đình là một giếng tròn rất to phủ đầy bèo
ong, có tường bao và bậc gạch để xuống lấy nước; phía trước đình
là sân làng; phía sau có sân cỏ và hồ nước nhỏ. Đó là những nơi
diễn các trò dân gian như cờ bỏi, múa rồng và "con đĩ đánh
bồng" v.v. trong dịp hội làng.
Đình hiện nay hầu như vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc
ổn định bởi đợt đại trùng tu vào thời Nguyễn với mặt bằng xây dựng
có hình "nội Công, ngoại Quốc". Nghi môn gồm 5 cổng, ngắm từ sân
làng thấy thật đẹp và hoành tráng.
Khách vào đình bằng các cổng phụ rồi đi men bờ ao
hoặc bằng cổng chính và đi thẳng qua chiếc cầu đá ba nhịp đến sân
tiền tế. Sân này cùng ao đình và nghi môn uốn hơi cong giống như hình
một cái nỏ với mũi tên hướng về phía đông-nam.
Chạm khắc trong đình Hà Hồi. Photo NCCong ©2019
Đình có hai nếp nhà song song, tường hồi bít đốc.
Nhà trong xây kiểu chữ Đinh, nhà ngoài cao hơn, có cổ diềm lấy ánh
sáng, 3 gian giữa lắp cửa bức bàn và 4 gian bên có chấn song con
tiện. Thềm đình gồm bốn bậc với đôi rồng đá trên hoa văn mây nước.
Hai đầu thềm có cặp chó đá đứng nhe nanh nhìn nhau
từ xa, được tạc đủ lỗ mũi, lông xoắn hình mây, cổ dề đeo lục lạc.
Các mảng gỗ được chạm khắc tỉ mỉ tinh xảo.
Hằng năm, nhân dân trong xã đều có hoạt động tế lễ trọng thể
tại đình bắt đầu từ sáng 15-3 (âm lịch) theo đúng nghi lễ dân gian. Ngoài tế lễ,
còn có rước kiệu lên miếu Tổng. Trong đám rước, đi đầu là cờ tuyết mao, cờ
vuông ngũ hành, 4 lá cờ tứ phương, 4 lá cờ tứ linh, 8 lá cờ bát quái.
Những lá cờ này đều may bằng dạ hoặc nỉ, tùy theo tính chất
mà vẽ hình hoặc có mầu sắc khác biệt. Tiếp theo đội cờ là đội trống và chiêng đại.
Sau đó là voi, ngựa và các vệ sĩ vác theo gươm trường, bát bửu, tay văn, tay
võ, tiếp đến là các tấm biển gỗ, tĩnh túc, hồi tỵ, thưởng đẳng tối linh thần…
thể hiện uy vũ của vị thành hoàng làng. Đám rước trông giống như một con trăn
khổng lồ uốn khúc lượn quanh 7 làng.