Đình Vồng thờ phụng Nhị thánh Cao Sơn Đại vương - Quý Minh Đại vương thời Hùng Vương, 18 vị Quận Công họ Dương và Vua Bà người địa phương sống ở thời Lê-Mạc, các tướng sỹ của nghĩa quân Yên Thế đã hy sinh.
Ngày 15 tháng Giêng, nhân dân xã Song Vân đã khai hội Đình Vồng.
Đây là vùng đất nổi tiếng từ hàng trăm năm trước với câu phương ngôn: “Trai Cầu
Vồng Yên Thế - Gái Nội Duệ Cầu Lim”. Cầu Vồng xưa thuộc làng Ngò, xã Vân Cầu, tổng
Vân Cầu huyện Yên Thế, nay là thôn Ngò, xã Song Vân, huyện Tân Yên.
Ngày 15 tháng
Giêng, nhân dân xã Song Vân đã khai hội Đình Vồng. Đây là vùng đất nổi tiếng từ
hàng trăm năm trước với câu phương ngôn: “Trai Cầu Vồng Yên Thế - Gái Nội Duệ Cầu
Lim”. Cầu Vồng xưa thuộc làng Ngò, xã Vân Cầu, tổng Vân Cầu huyện Yên Thế, nay
là thôn Ngò, xã Song Vân huyện Tân Yên.
Khu di tích đình Vồng gồm một quần thể di tích cổ với đầy đủ
các loại hình như: Đình, chùa, đền, nghè Vồng, ngòi Vồng và cầu Vồng. Đình Vồng
xưa thuộc xã Vân Cầu, tổng Vân Cầu, phủ Yên Thế. Ngày nay, khu di tích này nằm
trên phần đất của thôn Ngò, xã Song Vân, huyện Tân Yên.
Dân gian truyền rằng xa xưa bên suối Vồng (khi đó chưa có cầu)
có một cây gỗ lớn chìa một cành lớn qua suối và dân làng Ngò theo đó để qua lại
nên mới gọi là Cầu Vồng.
Vào khoảng thế kỷ XVI, khi triều đình cho mở đường qua vùng
đất Vân Cầu để kinh lý lên Yên Thế (vẫn gọi là đường quan triều) đã cho bắc một
cây cầu qua suối Vồng. Cầu Vồng được làm theo lối thượng gia hạ kiều 7 nhịp vồng
lên.
Lại truyền rằng: Thế kỷ XVI, dưới triều Mạc, tại vùng đất
Vân Cầu khởi phát dòng họ Dương. Thượng tổ Quận công Dương Quốc Nghĩa và vợ là
Cao Xuân Lộc, quê ở làng Lim (Bắc Ninh) đều là những người có nhiều cống hiến với
triều đình. Đời con cháu của ông cũng lập được nhiều công trạng và được ban
phong Quận công cả thảy có tới 18 vị.
Theo truyền thuyết dân gian, trong một trận chiến, ba cha
con Dương Quốc Nghĩa tử trận, bà Cao Xuân Lộc đã gieo mình xuống giếng Vồng tự
vẫn cho tròn nghĩa vợ chồng. 18 vị Quận công họ Dương được đưa vào thờ cúng tại
đình Vồng.
Những tư liệu hiện vật còn bảo lưu trong cụm di tích như cây
hương đá dựng năm 1704, sắc phong thời Nguyễn và nhiều đồ thờ tự khác...cho biết
cụm di tích Cầu Vồng được xây dựng từ thời Hậu Lê thế kỷ XVII và đã được tu sửa
nhiều lần.
Đây là nơi tôn thờ những người có công với dân với nước là
Nhị thánh Cao Sơn Đại vương - Quý Minh Đại vương thời Hùng Vương, 18 vị Quận Công họ
Dương người địa phương sống ở thời Lê-Mạc và các tướng sỹ của nghĩa quân Yên Thế
tử trận.
Đình Vồng hiện nay bố cục kiểu chữ đinh gồm 3 gian 2 chái,
tòa đại đình nối tòa hậu cung 2 gian nhỏ. Chùa Vồng có tên chữ là Hồng Cầu tự nằm
phía sau ngôi đình và ngôi đền Vồng tạo nên quần thể di tích liên hoàn cổ kính
theo kiểu tiền Thần hậu Phật.
Chùa bố cục kiểu chữ công gồm tiền đường, thiêu hương và thượng
điện. Tòa tiền đường có 5 gian 2 chái. Đền Vồng nhìn ra Ngòi và cây Cầu Vồng. bố
cục kiểu chữ nhất gồm 1 gian 2 chái. Nghè Vồng có kiến trúc gỗ thời Nguyễn, di
tích nằm giáp Ngòi và cây Cầu Vồng cũ.
Phía trước Cầu Vồng có bãi trận là nơi tập trận của binh sỹ
từ thời Lê -Mạc, sau là bãi tập trận của nghĩa quân Yên Thế. Cách di tích Cầu Vồng
khoảng 400m về hướng Bắc là điểm vọng gác của nghĩa quân Yên Thế, thuộc dốc
đình Vồng hay còn gọi là vọng gác Cầu Đá.
Nơi đây thường ngày đều có quân của Đề Thám canh gác theo
dõi tình hình của quân Pháp. Di tích Cầu Vồng là nơi tập hợp các tướng lĩnh tài
ba cùng hợp sức đánh đuổi giặc Pháp, mà hình tượng tiêu biểu sau này là người
thủ lĩnh áo vải Hoàng Hoa Thám.
Lễ hội đình Vồng là một lễ hội có truyền thống lâu đời. Nơi
đây còn bảo lưu được nhiều nét văn hoá dân gian độc đáo. Trung tâm lễ hội xưa
được tổ chức tại khu di tích đình Vồng với lực lượng chính là 4 xã : Song Vân,
Việt Ngọc, Ngọc Vân, Lam Cốt và một số xã khác ở phía Tây của huyện Tân Yên
cùng tham gia. Hàng năm hội đình Vồng được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng và
ngày 9,10,11 tháng 9 âm lịch.
Trong ngày hội có tổ chức rước, tế lễ và các môn thi đấu,
trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ. Đám rước diễn ra với nghi thức trọng thể,
rước 17 đạo sắc từ nhà sắc làng Vân Cầu nay là thôn Hồng Phúc và Tân Lập về
đình. Sắc rước về đến đình thì tổ chức tế lễ. Hội xưa có tiết mục tế ngựa rất
uy nghiêm. Hiện nhân dân trong vùng còn lưu truyền bài văn tế ngựa đặc sắc.
Trong lễ hội có tổ chức thi đấu nhiều môn thể thao dân gian
giàu tính thượng võ như: Vật, múa võ, đua ngựa, bắn cung nỏ và các trò chơi:
Đu, chọi gà, đánh cờ, đánh phết, thi thả diều, thi chạy chữ… Ngoài ra, còn diễn
các tích trò, tổ chức thi hát đối đáp giữa các gánh hát trong vùng và các nơi
khác đến biểu diễn trong hội. Hội đình Vồng được tổ chức long trọng, vui vẻ
trong ba bốn ngày đêm.
Do điều kiện thực tế khách quan từ sau năm 1953, lễ hội đình
Vồng không được tổ chức lớn mà chỉ với quy mô nhỏ ở địa phương. Đến năm 1998,
dưới sự chỉ đạo của Sở VHTT và UBND huyện Tân Yên, lễ hội đình Vồng được tổ chức
long trọng tại trung tâm huyện theo đình kỳ 5 năm 1 lần nhằm gìn giữ và phát
huy vốn di sản văn hoá truyền thống đặc sắc của nhân dân trong vùng Yên Thế Hạ.
Đồng thời, lễ hội cũng cũng phản ánh tinh thần thượng võ,
kiên cường, bất khuất của các chàng trai con cháu cụ Đề trong lịch sử đấu tranh
giành độc lập dân tộc. Lễ hội đình Vồng còn góp phần không nhỏ trong việc giáo
dục các thế hệ con cháu hôm nay phải biết giữ gìn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
cao đẹp của các bậc tiền nhân để lại.