Đình Phúc Thụy thờ Lữ Gia, thừa tướng của bốn đời vua nhà Triệu nước Nam Việt, là người nắm chính trường nước Nam Việt những năm cuối và cuối cùng thất bại trước cuộc xâm lăng của nhà Hán. Sau khi ông mất dân làng tôn thờ ông là Thành hoàng làng.
Đình, đền Phúc Thụy thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thành
phố Hà Nội. Đình, đền Phúc Thụy gọi theo địa danh của làng, còn có tên nôm là
đình làng Chảy. Ngôi đình tọa lạc trên ngôi đất cao giữa hai thôn Phúc Lâm và
Thượng Thụy cũ. Tương truyền đình Phúc Thụy được khởi công xây dựng vào thời
nhà Lê và được trùng tu vào thời nhà Nguyễn.
Đình Phúc Thụy
Theo thần phả ghi về sự tích của vị thành hoàng làng, Đình
Phúc Thụy thờ Lữ Gia, ông là một thừa tướng của bốn đời vua nhà Triệu nước Nam
Việt. Ông là người nắm chính trường nước Nam Việt những năm cuối và cuối cùng
thất bại trước cuộc xâm lăng của nhà Hán. Sau khi ông mất nhiều làng đã tôn thờ
ông là Thành hoàng làng trong đó có đình Phúc Thụy.
Nét đẹp đình, đền Phúc Thụy
Nghi môn đình Phúc Thụy làm theo lỗi trụ biểu lồng đèn cổng
pháo. Trên đỉnh trụ có đắp hình tứ phượng trong tư thế ép mình, đầu ngoảnh ra bốn
hướng, cánh chụm tạo hoa dành.
Bên dưới là đấu vuông đắp mặt hổ phù và trụ lồng đèn bốn mặt
đắp tứ linh trên nền bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Thân trụ biểu tạo khung ô chữ
nhật, mặt phẳng để đắp vẽ câu đối ca ngợi công danh vị Thành hoàng làng. Đế trụ
hình khum thắt cổ bồng, nửa móng ăn sâu xuống đất tạo thế vững chắc.
Giữa hai cột đại trụ tạo ra cổng đình chính có đường minh đạo
đi thẳng vào đình. Phía hai bên là cổng pháo gọi là tả môn và hữu môn. Cổng
pháo xây theo lối chồng diêm hai tầng tám mái đắp giả ngói ống với những đao
cong. Trên bờ nóc trang trí khối phù điêu lưỡng long chầu nguyệt.
Nhà tả, hữu vu đăng đối hai bên sân đình, có chức năng là
nơi đón tiếp, nghỉ chờ và sửa lễ. Mỗi nhà có ba gian hẹp lòng, xây tường hậu và
hai đầu hồi bít đốc, mái chảy lợp ngói mũi. Bộ khung nhà kết cấu bốn bộ vì làm
theo kiểu thức chồng rường đặt trên quá giang trốn cột theo kiến trúc dân gian
truyền thống. Kỹ thuật cưa đục bằng những ngoàm đố kiểu dạng mang cá và thiên về
bào trơn đóng bén.
Nhà đại bái, trung cung và hậu cung tọa lạc tại trung tâm
khu đất của đình, nằm chung trên một mặt bằng cấu trúc theo hình chữ Công. Phía
ngoài là ngôi đại bái có mặt bằng hình chữ Nhất gồm năm gian.
Kiến trúc bên ngoài của
ngôi nhà đại bái xây bằng gạch, trát vôi vữa, đầu hồi tường xây tay ngai là phần
trang trí ngoài hiên có trụ cột biểu lồng đèn đắp tứ linh, hổ phù và khối tượng
nghê ngồi chầu mắt nhìn xuống sân đình.
Bờ nóc dáng vóc chữ Đinh. Hai đầu bờ nóc có đầu rồng ngậm bờ
nóc, ở giữa có lưỡng long chầu nguyệt. Mái dốc chảy lợp ngói mũi. Khác với các
ngôi đình cùng thời thường có kết cấu theo kiểu tường hồi bít đốc, hai đầu hồi
trên có đấu thẳng, đình Phúc Thụy lại làm theo kiểu bốn mái, hai đầu hồi là hai
mái phụ, máng đỡ hiên cong hình thuyền tạo bốn góc đình với các mái đao cong giữ
kiểu dáng kiến trúc thời Lê cũ.
Mặt tiền đại bái mở năm cửa, lắp hệ thống cửa bức bàn ván
bưng chắc khỏe. Tiếp đến là trung cung, còn gọi là ống muống hay nhà cầu. Đây
là ngôi nhà dọc ba gian hẹp, nối từ gian giữa đại bái, tạo nên một hành lang
sang hậu cung. Hành lang này không xây tường mà để thông thoáng.
Cuối cùng là nhà hậu cung với cấu trúc mặt bằng chữ Nhất gồm
ba gian chạy song song với đại bái qua trục nhà cầu. Hậu cung xây tường gạch
hai bên và hồi bít đốc, nóc bó đinh, hai mái dốc chảy lợp ngói mũi. Cửa hậu
cung nối với trung cung bằng hệ thống khung vì, mở ba cửa, trong đó một cửa
chính chung và hai cửa bên tả môn, hữu môn nhỏ hẹp để người vào làm lễ.
Đền Phúc Thụy cũng có tên nôm là đền Chảy, đền nằm ở bãi Gấu,
tương truyền là nơi thừa tướng Lữ Gia tử trận bị chém rớt đầu. Tại đây, trước cửa
đền có dòng sông cổ có tên là Đỗ Động giang.
Đền thờ là công trình tôn giáo kiểu chữ công được xây dựng
vào thời nhà Nguyễn gồm tòa đại bái và nhà hậu cung. Nhà đại bái, cấu trúc mặt
bằng gồm gian 2 chái, bờ nóc chạm đắp hai rồng chầu mặt trời. Cuốn thư treo ở
gian giữa sơn đen nổi bật ba chữ “Minh tại thần”, sáng rõ trên nền hoa văn hình
học lóng đôi, có dòng lạc khoản ghi niên hiệu Bảo Đại.
Nhà ống muống nối đại bái và hậu cung đền có đặt ba long
ngai thờ ba vị thần gọi là Tam vị tướng quân phụng thờ tướng Lữ Gia. Hậu cung
là 3 gian kiến trúc hai mái chẩy lợp ngói ri, từng hồi bít đốc trên kìm nóc là
đấu đẳng.
Các vì kèo nhà hậu cung bào trơn đóng bén. Nhà hậu cung là
nơi thâm nghiêm đặt bài vị thừa tướng Lữ Gia với hàng chữ Hán “Trung thiên quý
hiển đại vương”. Phía trước bài vị là hòm sắc sơn son thếp vàng, chạm hoa chanh
và rồng chầu mặt nguyệt, trong đựng sắc phong các triều đại và văn tế vị thần.
Trong đình, đền Phúc Thụy còn lưu giữ được nhiều hiện vật có
giá trị như bát hương, long ngai bài vị, lư hương, đỉnh đồng, hoành phi, câu đối,
cửa võng của các thời Lê-Nguyễn, các đạo sắc phong, thần phả ghi lại sự tích của
thành hoàng làng. Hội đền Phúc Thụy và đình Phúc Thụy được tổ chức vào ngày 14
tháng Giêng hàng năm.
Trường Giang