Cụm di tích đình – đền Sài thuộc thôn Sải, xã Quỳnh Lưu; thờ phụng Công chúa Phù Dung và thờ phụng, tưởng niệm Hùng Dũng Đại vương Trần Dĩnh - vị tướng đã cùng với vua Lê Lợi dấy cờ khởi nghĩa Lam Sơn.
Di tích đình và đền làng Sải trước Cách mạng Tháng 8/1945
thuộc thôn Ngọc Lễ, xã Quỳnh Lưu, tổng Quỳnh Lưu, phủ Nho Quan. Từ năm 1977 di
tích thuộc thôn Sải, xã Quỳnh Lưu; đền Sài thờ phụng Công chúa Phù Dung, đình Sài
thờ phụng, tưởng niệm Hùng Dũng Đại vương Trần Dĩnh - vị tướng đã cùng với vua
Lê Lợi dấy cờ khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược thế kỷ XV.
Thôn Sải còn là nơi ảnh hưởng của các phong trào cách mạng,
sớm có phong trào yêu nước, do vậy di tích đình và đền làng Sải đã có nhiều
đóng góp vào phong trào kháng chiến của dân tộc
Từ thị trấn Nho Quan đi đường du lịch Cúc Phương - Bái Đính
đến trạm y tế xã Quỳnh Lưu khoảng 15km, rẽ trái đến Nhà văn hóa thôn Đồi, rẽ
trái tiếp khoảng gần 2km là khu tới khu di tích. Di tích đình và đền làng
Sải nằm phía cuối làng có tổng diện tích 1.056m2 .
Đền hay phủ làng Sải thờ công chúa Phù Dung con Vua Đinh
Tiên Hoàng và hoàng hậu Đinh Thị Tỉnh. Công chúa Đinh Phù Dung cùng với chồng
là phò mã Trương Quán Sơn có công đánh dẹp giặc Chiêm Thành. Khi mất được lập đền
thờ và được các triều vua sắc phong vì đã có công bảo vệ đất nước, che chở cho
dân.
Đền thờ công chúa Phù Dung được vua sắc phong vì đã có công
bảo vệ đất nước, che chở cho dân. Đền nằm quay hướng đông, được xây kiến trúc
đơn giản với diện tích nhỏ, dài 5m, rộng 3m, có hai cửa đi vào gian thờ,
chính giữa là cửa sổ, phía ngoài là hiên rộng 0,80cm được xây hai cột đỡ mái
hiên, mái lợp ngói tây, hai mái uốn cong, phía trước được đắp đấu.
Đình thờ đức ông Trần Dĩnh (Hùng Dũng Đại vương) là em sinh
đôi với đức ông Trần Kỳ (Tiến Quốc Đại vương). Khi 2 ông lên tám tuổi thì cha mẹ
qua đời, anh em sống trong cảnh mồ côi, bần hàn, sau đó được ông Mai Khánh và
bà bá Trần Thị An rước về nuôi cho ăn học cùng với đức ông Mai Tuyên.
Ba ông học hành tinh thông ham luyện võ nghệ. Đến năm ba ông
17 tuổi thì ông bà Mai Khánh qua đời, các ông lo xong tang lễ cho cha mẹ rồi hô
hào trai tráng đến luyện võ nghệ và chiêu mộ được một số quân đóng ở 3 chiến khu,
làng Quỳnh là khu đồn chính do đức ông Mai Tuyên phụ trách; làng Đồi do đức ông
Trần Kỳ phụ trách; làng Sải do đức ông Trần Dĩnh phụ trách.
Các khu đồn đều được canh phòng cẩn mật, cứ 10 ngày lại kiểm
duyệt quân sĩ ở đồn ông Mai Tuyên. Năm Mậu Tuất (1418) nghe tin vua Lê Lợi dựng
cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược, ba ông đã mang 1000 nghĩa
theo Lê Lợi khởi nghĩa. Sau khi giành được thắng lợi, (vua) Lê Lợi lên ngôi
Hoàng đế lấy niên hiệu nước là Thuận Thiên, giữ Quốc hiệu là Đại Việt, xuống
chiếu phong tước và ban thưởng cho ba ông.
Đức ông Mai Tuyên được phong là Huyện Doãn huyện Quảng Đức; Đức
ông Trần Kỳ được phong là Tiến Quốc Đại Phu vì có công phá vòng vây cứu Lê Lợi
vượt sông thoát về Lam Sơn khi bị quân Minh vây bắt; Đức ông Trần Dĩnh được
phong là Hùng Dũng Đại tướng quân kiêm Trưởng thị vệ coi giữ hoàng thành.
Khi đất nước thanh bình vì tuổi cao sức yếu ba ông xin vua
cho nghỉ việc nước và về quê an dưỡng. Sau khi ba ông qua đời nhân dân lập đền
thờ phụng, nay trở thành Đình làng, Đức ông Mai Tuyên ở làng Quỳnh nay là thôn
Hội Tiến 2, Đức ông Trần Kỳ ở làng Đồi, Đức ông Trần Dĩnh tại làng Sải và thờ
phụng đến nay.
Đình làng Sải được kiến trúc gồm hai tòa: tiền đường và hậu
cung. Tiền đường có 8 cột bằng gỗ lim, chia làm ba gian, dài 7,7m, rộng 5,9m có
nền cao lát gạch, xây bậc tam cấp, có ba lối ra vào, hai tường hồi bít đốc, mái
lợp ngói tây, hệ thống vì kèo bằng gỗ lim kiểu giá chiêng chồng giường được chạm
hoa văn tinh xảo, cấu kiện hoành, xà, rui, mè đều bằng gỗ, đầu bẩy một mặt
chạm khắc rồng, một mặt chạm khắc hoa lá.
Hậu cung được xây kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, dài 7,35m, rộng
5,1m, có 16 cột được làm bằng gỗ lim kê trên chân đá tảng cổ bồng, nền được lát
gạch, mái lợp ngói vẩy, phía trước hai mái uốn cong có riềm mái chạm khắc hoa
văn chữ triện, trên mái hai đầu kìm có đắp hai đấu.
Tòa hậu cung có ba cửa ra vào chính, một cửa giữa và hai cửa
bên, cánh cửa gỗ lim làm theo kiểu bức bàn, chân quay, then cài, chạm khắc rồng,
hoa lá cách điệu làm nổi bật giá trị kiến trúc của di tích.
Sắc phong lưu giữ tại đình
Đình và đền làng Sải hiện còn lưu giữ được các hiện vật có
giá trị như: Sắc phong, pho tượng công chúa, bia đá, đồ thờ tự bát hương gốm sứ,
ngai thờ, bài vị, hòm sắc, đài rượu bằng gỗ, vỏ kiếm… từ thời Nguyễn.
Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV) và đã trải qua
nhiều lần trùng tu tôn tạo, năm 2009 trùng tu tôn tạo lại ba gian tiền đường,
năm 2015 tu sửa hậu cung đình từ nguồn ngân sách nhà nước.
Ngày nay, đình và đền làng Sải vẫn duy trì được các hình thức
sinh hoạt dân gian lễ hội truyền thống, ngày 15/11 ngày kỵ ông Trần Dĩnh, 15/1
lễ rằm tháng giêng, 18/4 lễ phật đản …và là nơi để bà con nhân dân, khách thập phương
dâng hương niệm phật vào các ngày tư rằm, lễ, tết.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân, phong kiến di tích
là nơi hội họp của chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng đầu tiên ở Ninh Bình năm 1929, là nơi in ấn
tài liệu, tờ rơi cho các hoạt động cách mạng, phát lệnh đánh kẻng, khua trống
chiêng, hô hào, động viên quần chúng nhân dân xuống đường đánh đuổi lính Nhật,
thời kỳ chống Mỹ là nơi tập trung đưa tiễn thanh niên tòng quân.
Với những bằng chứng lịch sử quý giá qua từng thời kỳ, đình
và đền làng Sải đã được UBND tỉnh Ninh Bình xếp hạng là di tích lịch sử, văn
hóa tại Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 19/01/2012.
Ngày nay, di tích
luôn được các cấp chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm bảo vệ tốt, phát
huy những giá trị của di tích, qua đó giáo dục các thế hệ con cháu phải biết ơn
và tự hào về truyền thống đánh giặc, giữ nước của cha ông; đồng thời, ra sức phấn đấu, lao động, học tập
góp phần xây dựng quê nhà phát triển hơn nữa. Mong rằng di tích sẽ được tôn tạo ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn và là điểm
du lịch hấp dẫn của mọi du khách khi tới Nho Quan.