Di tích đền Sóc nay thuộc phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 12km về phía Tây. Ngôi đền thờ phụng Phù Đổng Thiên Vương - Thánh Gióng triều đại Hùng Vương thứ 6.
Theo tục truyền, ở thời Vua Hùng thứ 6, sau khi thắng giặc
Ân, trên đường đến ngọn núi Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) để bay về trời,
Thánh Gióng đã dừng chân nghỉ tại làng Cáo (nay thuộc phường Xuân Đỉnh) để ăn nốt
mo cơm và gói cà mang theo.
Ăn xong, vội lên đường nên Thánh Gióng đã để quên một đoạn
roi sắt tại đây. Để ghi nhớ sự kiện này, dân làng đã xây đền thờ tại nơi Thánh
Gióng dừng chân, bên trong đền có thờ một đoạn sắt của Thánh Gióng. Thời Lý, việc
tế ở đền được coi là quốc tế, vua và Bộ Lễ hàng năm đến tế, cầu cho quốc thái
dân an. Mỗi lần tế (ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch) là một ngày hội lớn của
dân Tây Hồ và Thăng Long.
Cổng tam quan vào đền Sóc, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm
Đền Sóc tọa lạc trên khu đất cao khá rộng, từ ngoài đường
vào qua cổng có 4 trụ cột cao xây bằng gạch Bát Tràng Cổ, phía ngoài có lầu bát
giác bên hồ sen nhỏ. Cách chừng 300 mét từ cổng vào qua tam quan, hai bên tả hữu
vu mỗi bên năm gian, chính là giữa là thượng điện cao, hậu cung có tượng Phù Đổng
Thiên Vương.
Hai bên đền chính có hai ngôi đền phụ, bên trái là quan Thái
Giám đã có công về phân chia đất đai giữa xã Xuân Tảo với sở Xuân Tảo và sở
Quán La (vốn là đồn điền cũ của Nhà nước). Việc phân chia đó vào cuối thời Hậu
Lê, giúp cho các làng này không còn có sự tranh chấp ruộng đất nên sở Quán La
cũng thờ ông Thái Giám ở đình.
Ngôi đền bên phải thờ bà Vũ Thị Ngọc Xuyến và con gái quận
chúa Trịnh Thị Ngọc Vòng (hiện còn hai tượng ở chùa khu Nhang, nay thuộc phường
Xuân Đỉnh) đã có công đức tu sửa lại đền Sóc và hậu nhiều ruộng vào làng để cho
dân cày cấy không phải nộp tô.
Di tích đền Sóc, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm
Đằng sau đền còn tấm bia đá lớn chạm rồng chầu mặt nguyệt, mỗi
mặt rộng 0.63m, cao 1.2m bốn mặt đều có chữ. Bia dựng năm Chính Hòa thứ bảy
(1686) tiêu đề “Báo đức bi ký” ghi công đức của mẹ con và Vũ Thị Ngọc Xuyến đối
với dân làng Xuân Tảo. Tương truyền bà Ngọc Xuyến nhà ở khu Trung làng Xuân Tảo,
tên nôn là làng Cáo, đến tuổi dậy thì bà rất đẹp, một hôm vào vùng Thập Tam Trại
phí nội thành cắt cỏ tình tờ gặp Thái tử Trịnh Tạc thấy cô gái nông thôn đẹp
bèn cưới làm vợ.
Sau khi lên ngôi chúa, Trịnh Tạc về quê vợ thấy phong cảnh đẹp
liền cho xây dựng hành cung trên gò cao. Cánh đồng làng Cáo Đỉnh gọi là núi
Cung, để thường ra nghỉ và du ngoạn. Nhưng sau đến thời chúa Trịnh năm 1704 bị
một số đại thần trong tôn thất họ Trịnh mưu sát để tranh giành ngôi chúa nên từ
đó hành cung bỏ hoang phế.
Sau khi chúa Trịnh Tạc mất, mẹ con bà Ngọc Xuyến trở về
làng. Bà đã bỏ tiền ra tu sửa lại đền chùa, mua ruộng hậu vào chùa và hiến vào
làng làm ruộng công chia cho trai định nên mẹ con bà rất được dân Xuân Tảo biết
ơn. Khi tu sửa đền Sóc bà còn sống (82 tuổi) đã dựng bia Báo Đức để ghi nhớ
công lao của bà.
Đền Sóc đã được tu bổ trong khuôn viên cũ. Đền còn có các đồ
thờ: kiệu long đình, long ngai, hương án sơn son thiếp vàng, đặc biệt là pho tượng
Thiên Vương, cao 4.56m, làm vào cuối thế kỷ XVII, bia đá khắc năm Chính Hòa 7
(1682), những chân tảng đá lớn chạm hoa sen thế kỷ XVII có đường kính 1.05m.
Đền Sóc còn quả chuông lớn đúc đời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh
thứ 2 (1974). Đền Sóc đúc chuông từ thời chúa Trịnh để truyền tụng công đức, đến
cuối đời Lê vì loạn lạc nên nhiều lần quân lính về lấy chuông đem đi nhưng đều
phải đem trả lại. Cuối năm Kỷ Dậu (1789) có một đạo quân phá đền lấy mất chuông
nên đến thời Tây Sơn phải đúc lại chuông này.
Lễ rước kiệu Thánh tại di tích đền Sóc, phường Xuân Tảo, quận
Bắc Từ Liêm
Hằng năm tại đền sẽ tổ chức lễ hội để ghi nhớ công ơn của Đức
Thánh vào ngày 06 tháng giêng và ngày tiệc Thánh vào ngày 8 tháng tư (âm lịch).
Nghi lễ ngày hội được tổ chức trang nghiêm, long trọng. Trong ba ngày lễ hội có
rước kiệu Thánh du xuân cùng các trò chơi dân gian như: cờ người, hát thuyền,
chiếu chào, giá hầu….
Đền Sóc đã được bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến
trúc nghệ thuật ngày 15/11/1991.
Chùm ảnh Đền Sóc làng Xuân Tảo
Đền Sóc làng Xuân Tảo trước kia nằm ở vị trí phía tây Hồ Tây, nay thuộc làng Xuân Tảo, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội - Ảnh: Đình Trung
Giống như đền Sóc ở Sóc Sơn, đền Sóc ở làng Xuân Tảo hiện đang thờ Phù Đổng Thiên Vương (tức Thánh Gióng). Theo một số người dân nơi đây kể lại, đền Sóc làng Xuân Tảo được xây dựng vào thời nhà Lý (khoảng 900 năm về trước), song người dân nơi đây vẫn thờ Thánh Gióng từ khi vua Hùng còn tại vị. Trong ảnh là một tấm bia đá với nội dung Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận đền Sóc làng Xuân Tảo là di tích lịch sử văn hóa - Ảnh: Đình Trung
Theo lịch sử ghi lại, sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc Ân giải nguy cho đất nước. Vua Hùng đã ra sắc phong ngài giữ chức Phù Đổng Thiên Vương và cho nhân dân lập đền thờ phụng. Khi đến thời nhà Lý, vua thấy vị thế gò Phượng Hoàng đẹp và gần với kinh đô nên cho xây để làm nơi cúng tế Triều đình. Đến ngày 7 hàng năm, đền Sóc làng Xuân Tảo lại cử hành quốc lễ với sự tham gia của Vua, Chúa, quan lại - Ảnh: Đình Trung
Ở hướng khác là công trình kiến trúc cổng tam quan bề thế, là nơi dẫn vào đình Mộc Dục nằm gọn trong hồ bán nguyệt - Ảnh: Đình Trung
Đây là công trình thuộc quần thể đền Sóc làng Xuân Tảo, được thiết kế với lối kiến trúc đậm dáng vẻ thời lý với 8 mái chồng diêm cùng những họa tiết rồng phượng, đài sen được các kiến trúc sư thiết kế vô cùng tinh tế - Ảnh: Đình Trung
Theo người dân nơi đây kể lại, thì đây là nơi Thánh Gióng nghỉ chân và xuống tắm gội - Ảnh: Đình Trung
Cách tam quan Mộc Dục chừng 200 m là khu vực đền Sóc làng Xuân Tảo. Theo phóng viên Báo Nhà báo và Công luận ghi nhận, đền Sóc nằm trên khuôn viên đất rộng khoảng 3000m2, riêng diện tích đền rộng khoảng 1000m2 - Ảnh: Đình Trung
Khi bước chân tới đền Sóc làng Xuân Tảo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức bình phong được điêu khắc cầu kỉ, tỉ mỉ cùng hình ảnh chúa sơn lâm uy nghiêm trước cổng đền. Theo dân gian, việc đặt bình phong trước cổng đền, chùa ngoài ý nghĩa làm vật che chắn phong thủy mà còn thể hiện sự kính trọng đối với các vị thần - Ảnh: Đình Trung
Khu vực chính giữa là tòa tiền tế được thiết kế nổi bật với những cột trụ được sơn son với nhiều họa tiết rồng cùng bức chạm chim phượng bằng vàng vô cùng lộng lẫy. Toà hậu cung phía sau kết hợp với gian giữa đại bái rộng 3 gian 2 dĩ tạo thành hình chữ "Đinh". Ngoài ra, hai bên còn có thêm các dãy nhà dọc và khu phụ để phụ thờ - Ảnh: Đình Trung
Đền Sóc làng Xuân Tảo ngoài thờ Thánh Gióng, còn thờ Mẫu, hai mẹ con bà Chúa - những người đã bỏ tiền ra để cấy hái, lấy tiền thờ cúng cho đền Sóc. Ở đây còn thờ hai quan Đức Thái Bảo Đà và Đức Thiếu Bảo Nhị - 2 quan trông nom, bảo vệ Đức Thánh Phù Đổng" - Ảnh: Đình Trung
Họa tiết trên phần mái của đền Sóc được thiết kế mang đậm nét kiến trúc thời nhà Lý - Ảnh: Đình Trung
Ban thờ Đức Thái Bảo Đà và Đức Thiếu Bảo Nhị - Ảnh: Đình Trung
Đền Sóc còn lưu giữ nhiều bảo vật quý báu như cỗ kiệu long đình, long ngai, chuông cổ, đá chạm hoa sen,... Đặc biệt nhất là pho tượng Phù Đổng Thiên Vương được tạo vào cuối thế kỷ XVIII được đặt ở chính giữa gian đại bái - Ảnh: Đình Trung
Đền Sóc làng Xuân Tảo được như ngày hôm nay một phần cũng nhờ vào sự cẩn trọng trong những lần tu sửa của đội ngũ ban quản lý di tích...
Vào mùng 6 tháng Giêng và ngày mùng 8 tháng tháng tư âm lịch, người dân làng Xuân Tảo lại nô nức lễ hội để tưởng niệm công lao to lớn của Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương. Mọi hoạt động trong lễ hội vô cùng phong phú, gồm lễ rước kiệu và các trò chơi dân gian - Ảnh: Đình Trung
Do đó, vào năm 1991 thì đền Sóc thuộc làng Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã được Bộ Văn hóa và Du lịch công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử cấp Nhà nước - Ảnh: Đình Trung