Đình Đức Bản Ngoại, xã Nhân Nghĩa, Lý Nhân, Nam Hà thờ phụng Thánh Mẫu Liễu Hạnh công chúa và hai vị thị nữ Quỳnh Anh và Quế Anh phu nhân.
Đình Đức Bản Ngoại được xây dựng vào cuối thời Lê (Lê Trung
Hưng) và được tu bổ lớn vào đầu thời Nguyễn, đình mang đậm phong cách kiến
trúc, nghệ thuật thời Hậu Lê.
Năm 2009 đình được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc
gia. Đình có quy mô kiến trúc lớn, kiến trúc cổ truyền, nhiều mảng trạm khắc đặc
sắc độc đáo. Hiện nay, đình vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn kiến trúc cổ và
những mảng chạm khắc dân gian có giá trị.
Theo các thư tịch Hán Nôm còn được lưu giữ ở đình như Thần
tích (dựa theo “Truyền kỳ tân phả Vân Cát thần nữ truyện'' của Hồng Hà nữ sỹ
Đoàn Thị Điểm) Sắc phong, Văn tế, Hoành phi câu đối, lễ hội, truyền thuyết ở địa
phương thì đình Đức Bản Ngoại thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh công chúa và hai vị thị nữ
Quỳnh Anh và Quế Anh phu nhân.
Ngôi đình mang đậm
phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, tọa lạc trên thế đất “Lý ngư vọng nguyệt"
với diện tích 1560m2 theo hướng Nam ghé Đông.
Ngôi đình kiến trúc gồm Tiền đường và Hậu cung, tòa Tiền đường
gồm 3 gian 2 trái; đặc biệt Tiền đường còn giữ được 2 sàn cầu gỗ lim có chiều
dài 5,2 m; chiều rộng 6,3 m. Bộ khung chịu lực của tòa Tiền đường gồm 6 vì, mỗi
vì 4 hàng cột bằng gỗ lim hình trụ, cột cái cao 3,5 m, đường kính 0.45 m, cột
quân cao 2,69 m đường kính 0,32 m.
Hậu cung gồm 3 gian 4 vì hình thức kiến trúc theo kiểu:
giá chiêng chồng rường có đủ 7 tiền 7 hậu,
có một sàn thờ bằng gỗ đặt 3 cỗ long ngai.
Mặt trước sân đình Đức Bản Ngoại
Toàn bộ các khâu kiến trúc đình đều thể hiện kỹ thuật trạm
khắc điêu luyện hết sức tinh tế và sinh động ở cả Tiền đường và Hậu cung. Các
vì: vì nóc, vì nách theo kiểu lá lật, cách điệu kê trên đấu vuông thắt đáy vừa
khỏe vừa mềm mại, thể hiện sự điêu luyện về kỹ thuật chạm khắc công phu, tỉ mỉ
bằng trí sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân, dân gian thời xưa.
Ngôi đình có mái đao cong vút, có lưỡng long chầu nguyệt, có
những chú nghê rạng rỡ nụ cười nhìn ánh dương mới hé trên một kiểu chữ đinh bề
thế trang nghiêm.
Ba cỗ long ngai sàn thờ trong hậu cung
Những bộ phận của ngôi đình mang tên “mái tầu, lá tầu, quá
giang, quá hải, kẻ, bẩy" các cột nối nhau bằng một khung vững chắc chịu đựng
sức nén nặng của các bộ phận bên trên. Phần cơ bản của ngôi đình bằng gỗ không
sử dụng đến đinh, những hoa lá đường nét vừa mềm mại vừa cứng cỏi thể hiện nghệ
thuật kiến trúc dân tộc thời đó phát triển một cách mạnh mẽ, toàn diện.
Đồ thờ còn lưu giữ khá nhiều đồ cổ quý hiếm, mang phong cách
nghệ thuật thời Hậu Lê và thời Nguyễn bao gồm nhiều thể loại khác nhau như: đồng,
đá, gỗ, sành, sứ …
Đình là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng kháng
chiến, gắn liền với truyền thống của quê hương Nhân Nghĩa anh hùng và tấm gương
anh dũng hi sinh bất khuất trung kiên của 30 cụ già và 2 thiếu niên làng Đức Bản
trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1952. Là thành quả cần
cù lao động, trí sáng tạo, lòng yêu quê hương, chứa đựng giá trị văn hóa vật thể
và phi vật thể của bao thế hệ người dân nơi đây.
Với ý thức trân trọng, giữ gìn di sản văn hóa của cha ông,
sau hòa bình lập lại và những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các
ngành, nhân dân địa phương đã làm tốt công tác xã hội hóa di tích, tu bổ những
hạng mục xuống cấp như đảo ngói, thay một số hoành, rui mối mục...trồng cây cổ
thụ xung quanh đình, khôi phục lại đội tế, tổ chức lễ hội và các trò chơi dân
gian. Đình đã thành lập Ban khánh tiết từ năm 1994, có thủ từ thường xuyên
trông coi bảo vệ di tích.
Về lễ hội hằng năm: được tổ chức thành 2 kì lễ chính:
- Giỗ mẫu vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch
- Lễ cầu phúc (Thượng điền) từ 10-12/6 âm lịch.