Đồng Hỷ là huyện trung du, miền núi, nằm trên dải đất ven Sông Cầu, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 5km về phía Đông Bắc. Huyện sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Huyện Đồng Hỷ được biết đến với nhiều di sản văn hóa đã được
công nhận xếp hạng (08 di sản văn hóa vật thể được công nhận xếp hạng cấp tỉnh,
04 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia); 36 điểm di tích trong danh mục kiểm
kê (thắng cảnh Hang Chùa - Suối Tiên, xã Văn Lăng, Căn cứ ATK - QK1, Hang Leo,
xã Hóa Thượng.....), cùng với nhiều lễ hội truyền thống.
I. DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ ĐƯỢC CÔNG NHẬN XẾP HẠNG
1. Di tích lịch sử - văn hóa Đền Long Giàn, xã Khe Mo:
Đền Long Giàn thuộc xóm Long Giàn, xã Khe Mo được nhân dân
xây dựng để nghi nhớ công ơn, tài đức của 2 vị nữ anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị đã có
công lớn trong việc giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước khỏi ách cai trị của
phong kiến phương Bắc và sau này là nơi ghi dấu hoạt động liên lạc của cán bộ
cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dừng chân thăm
đền trên chặng đường kháng chiến chống Thực dân Pháp.
Đền Long Giàn quay mặt theo hướng Tây Nam, nằm bên bờ sông
Long Giàn, xung quanh là xóm làng bao bọc và cây cối tốt tươi, với diện tích
hơn 1000m2. Đền được xây dựng từ rất lâu, không rõ vào thế kỷ thứ mấy nhưng kiến
trúc hiện nay được xây dựng ở thế kỷ 20.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,
đền Long Giàn bị hủy hoại nặng, mất đi nhiều hiện vật, tài liệu, tuy nhiên hiện
nay tại di tích vẫn còn lưu giữ được một số di vật, hiện vật quý như: 03 bát
hương cổ, 07 pho tượng cổ, 02 hòm sắc, 01 bộ phận của khám thờ Hai Bà Trưng, một
bên kiệu.
Đền Long Giàn là một công trình văn hóa có giá trị, giáo dục
tư tưởng, tinh thần yêu nước, đoàn kết giữa các dân tộc, truyền thống “uống nước
nhớ nguồn” và chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta cũng như hun đúc ý thức bảo
tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của nhân dân xã Khe Mo cũng như nhân dân
các dân tộc huyện Đồng Hỷ. Ngày 14/01/2008, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành
Quyết định số 69/QĐ-UBND công nhận Đền Long Giàn là di tích lịch sử - văn hóa cấp
tỉnh.
2. Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Hích, xã Hòa Bình:
Đền Hích thuộc xóm phố Hích, xã Hòa Bình được xây dựng vào
thời nhà Nguyễn (khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX), thờ nữ thần sông nước
có tên Bạch Ngọc Thủy Tinh Công Chúa. Hiện nay đền là nơi sinh hoạt văn hóa,
tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Đền Hích nằm bên bờ Sông Cầu có phong cảnh hữu tình, trên bến
dưới thuyền; dù trải qua mưa nắng giãi dầu, đền vẫn giữ được nét cổ kính thâm
nghiêm và nhiều cổ vật có giá trị như: Bộ kiệu bằng gỗ sơn son, thiếp vàng,
thân kiệu trạm rồng mây hội tụ; 06 pho tượng (trong đó có 03 pho được truyền tụng
lại là làm bằng đồng đen); một đôi hạc đồng cổ, ba sắc phong của triều Nguyễn;
01 đỉnh hương và 02 quả chuông đồng cổ; 02 bức hoành phi sơn son, thiếp vàng,
02 câu đối và 01 bức đại tự, đặc biệt còn 04 tấm kê chân cột bằng đá hoa cương.
Lễ hội của đền hàng năm tổ chức từ ngày 14 đến ngày 15 tháng giêng (âm lịch);
có rước kiệu và có các trò chơi như đấu vật, chọi gà, cờ tướng, đánh bóng,...
đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, vãn cảnh.
Với những giá trị của di tích, Ngày 28/02/2007, UBND tỉnh
Thái Nguyên đã ban hành quyết định số 369/QĐ-UBND xếp hạng Đền Hích, xã Hòa
Bình là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
3. Di tích lịch sử - văn hóa Đình Bảo Nang, xã Tân Lợi:
Đình Bảo Nang nằm trên một quả đồi có tên gọi là Đồng San
(còn gọi là rừng San) khá bằng phẳng ở trung tâm xóm Bảo Nang, cách UBND xã Tân
Lợi khoảng 1km.
Đình Bảo Nang được xây dựng vào cuối triều Lê, đầu triều
Nguyễn - là di tích lịch sử - văn hóa, gắn
với tục thờ thành hoàng làng của người Việt, là trung tâm sinh hoạt văn hóa
tinh thần của dân làng Bảo Nang, xã Tân Lợi nói riêng, huyện Đồng Hỷ nói chung.
Đình Bảo Nang thờ vị tướng Dương Tự Minh, một anh hùng dân tộc
dưới thời nhà Lý đã có công đánh đuổi giặc Tống, bảo vệ vùng biên cương phía Bắc
của Đại Việt. Đồng thời Đình còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng
tiêu biểu của xã, huyện trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ trước và sau cách
mạng tháng 8 năm 1945. Tại di tích Đình Bảo Nang hiện còn lưu giữ được một số
di vật, hiện vật có giá trị như: 01 sắc phong triều Nguyễn, 02 chiêng đồng, 01
bát hương cổ, 01 chuông bằng gang, 01 quả cầu sơn son bằng gỗ, một kiệu bát cống
gỗ.
Hội được tổ chức vào mùng 4, 5 tháng giêng (âm lịch), sáng
ngày mùng 4 tết rước kiệu từ trong đình ra ngoài đền để rước bát hương của hai
vị phu nhân Dương Tự Minh vào đình thưởng thức lễ hội, đến sáng ngày mùng 10
tháng giêng lại rước bát hương hai bà trả về đền. Sau phần lễ là phần hội với
các trò chơi dân gian truyền thống như gieo cầu, chọi gà, cờ tướng...
Ngày 04/01/2007, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định
số 09/QĐ-UBND xếp hạng Đình Bảo Nang là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
4 . Đình lịch sử Vân
Hán, xã Văn Hán:
Đình Vân Hán thuộc xóm Vân Hán, xã Văn Hán; đình có từ xa
xưa, nằm trên một gò đồi với diện tích trên 1 ha, thuộc loại hình Kiến trúc nghệ
thuật, di tích lịch sử kháng chiến. Đình thờ Đức thánh cả Cao Sơn Quý Minh Đại
Vương - một danh tướng chống giặc Tống thời Lý và con gái của ông. Năm 1951 tại
Đình Vân Hán có mở Hội nghị trù bị ban chính sách thuế nông nghiệp do đồng chí
Trường Chinh chủ trì.
Đình trước kia được xây dựng theo kiểu nhà sàn, gồm một
gian, 2 trái, quay hướng Tây Nam; mái Đình lợp bằng ngói vẩy, trong Đình có nhiều
cột to đường kính từ 50 - 60 cm; trải qua thời gian và các biến cố lịch sử,
Đình đã được xây dựng lại 5 lần, lần làm lại cuối cùng năm 2015, gồm 03 gian lợp
ngói đỏ. Hiện trong Đình còn giữ được nhiều hiện vật cổ như: 01 Bộ kiệu rước,
trạm trổ nổi hình rồng; 01 Nhan án trạm trổ nổi hình con hạc, con rồng; 01 bát
hương cổ bằng xứ, trạm trổ hình rồng phượng; 01 Bức tượng ông Cao Sơn Quy Minh,
hai góc bên dưới bức tượng khắc 2 mặt của Ngọc Rong và Đoan Trinh là 2 cô con
gái của ông; 03 sắc phong do vua: Tự Đức, Duy Tân và Khải Định ban.
Ngày 28/2/2012, UBND
tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 596/QĐ-UBND xếp hạng Đình Văn Hán là
di tích cấp tỉnh.
5. Di tích lịch sử
Đình Thịnh Đức, xã Văn Hán:
Đình Thịnh Đức thuộc xóm Thịnh Đức, xã Văn Hán, là nơi sinh
hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân. Đình được xây dựng từ lâu, vào năm nào
không ai nhớ rõ. Trước đây đình gồm năm gian, cột đình bằng gỗ táu, mái lợp
gianh, có hạ sàn hai bên làm chỗ ngồi cho các quan viên và khách đến thăm đình.
Trước năm 1945, Đình Thịnh Đức còn có tên gọi là Đình Làng Đẫu,
được xây dựng trên gò Na Làng thuộc đất đình của Thịnh Đức, khu đất đình bằng
phẳng, không khí thoáng mát; Đình quay hướng Tây Nam xuống cánh đồng của xóm; trước
cửa đình còn hai cây đa to, bóng mát toả kín sân đình.
Về phong tục, lễ hội hàng năm của Đình, dân làng thờ cúng 5
kỳ trong năm vào các ngày 7 tháng giêng , 23/3, 10/3, 15/8 và 23/1 (âm lịch);
vào ngày lễ hội, làng tổ chức nhiều trò chơi như múa lân , tung còn, hát ví,
đánh vật. Ngày nay dân bản vẫn duy trì hương khói vào các ngày trên, nhưng các
ngày hội không còn được duy trì nữa.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta
(giai đoạn 1946- 1954) tại Đình Thịnh Đức nơi đã diễn ra nhiều cuộc họp bí mật
của liên Khu Việt Bắc. Đáng chú ý nhất là năm 1953 thực hiện phong trào cải
cách ruộng đất, giảm tô của Đảng và nhà nước. Đình Thịnh Đức được chọn làm nơi
họp bàn phong trào cải cách ruộng đất, giảm tô của Đảng và nhà nước. Trong cuộc
họp có đồng chí Nông Quốc Chấn đại diện cho liên khu uỷ Việt Bắc về dự.
Đình còn giữ được nhiều hiện vật quý như: 01nhan án công đồng,
01 ngai sơn son thếp vàng, 01 bát hương cổ, 04 cờ đuôi nheo, 01 chiêng bằng đồng,
01 cồng bằng đồng, 02 bộ cánh cửa, 02 thang gỗ, 02 con Nghê bằng gỗ, 04 chân nến
bằng gỗ, 02 ống hương bằng gỗ, 03 sắc phong vua ban (cùng chung với đình Vân
Hán), 01 cột đình bằng gỗ táu.
Ngày 21/7/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định số
1574/QĐ-UBND xếp hạng Đình Thịnh Đức là di tích lịch sử cấp tỉnh.
6. Di tích lịch sử Đình Hoá Thượng, xã Hoá Thượng:
Đình Hoá Thượng xưa thuộc tổng Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ
(nay là xóm Gò Cao, xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ) là một công trình kiến trúc cổ
kính, được người xưa xây dựng từ sau khi có làng, khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu
thế kỷ XIX (theo văn bia Đình Hoá Thượng). Đình được xây dựng theo kiểu chữ
đinh trên một địa thế bằng phẳng ở trung tâm xóm Gò Cao, chính diện Đình trông
về hướng Nam, bởi theo quan niệm truyền thống của người Việt, hướng đó trong
sáng và thoáng mát, đem đến cho cuộc sống con người những điều tốt đẹp, hạnh
phúc; đây là cách chọn phong thuỷ tiêu biểu thường gặp trong kiến trúc đình,
chùa Việt Nam.
Đình Hoá Thượng thờ thành hoàng làng là tướng Dương Tự Minh
- Ông là người dân tộc Tày, làng Quan Triều (Thái Nguyên), một danh tướng thời
Lý, có công đánh giặc Tống. Sau khi ông mất, nhân dân khắp nơi từ Thượng -
Đu - Đuổm đến Hạ - Lục - Đầu đều lập
Đình thờ cúng để tưởng nhớ công đức của ông.
Tại Đình Hóa Thượng còn lưu giữ được 02 bia đá cổ, trong đó
01 bia cao 90cm, rộng 5,5cm, trán bia có khắc hoa văn, học tiết tinh xảo với
500 từ rõ nét, dễ đọc; 01 bia còn lại đã bị đập vỡ, hiện mới chỉ tìm thấy một
phần nhỏ, cả hai đều là bia hậu thần; qua nghiên cứu văn bia cho thấy, ngoài thờ
thần thành hoàng làng Dương Tự Minh ra, Đình Hóa Thượng còn thờ các hậu thần đã
được ghi chép trong văn bia cổ tại di tích là hai vợ chồng Chánh tổng Hà Trọng
Chất và vợ là Nguyễn Thị Bản có lòng từ thiện, công đức tiền, vật chất tu sửa
Đình.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đình Hoá
Thượng đã trở thành địa điểm sơ tán của nhân dân và trở thành nơi trú quân, nghỉ
ngơi của nhiều đơn vị lực lượng vũ trang trong lúc công tác làm nhiệm vụ đi qua
địa phương và trở thành dấu tích lịch sử, góp phần vào truyền thống cách mạng tốt
đẹp của con người và mảnh đất quê hương nơi đây. Hiện Đình còn giữ được nhiều
hiện vật quý như: Ngai và bài vị thờ thần Thành hoàng làng Dương Tự Minh; Bát
hương gốm cổ; Nhang án; Bộ chân nến; Đôi hạc; 02 Bia đá cổ.
Ngày 20/01/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định số
149/QĐ-UBND xếp hạng Đình Hoá Thượng là di tích lịch sử cấp tỉnh.
7. Di tích lịch sử Đình Minh Lý - xã Minh Lập:
Đình Minh Lý thuộc xóm Minh Lý, xã Minh Lập là nơi sinh hoạt
văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong xã. Đình thờ vị anh hùng dân tộc Dương Tự
Minh, người dân tộc Tày, quê làng Quan Triều, phủ Phú Lương, nay thuộc thành phố
Thái Nguyên, tỉnh Thái nguyên. Là một thủ lĩnh có uy tín được vua Lý giao phó
cai quản phủ Phú Lương - một vùng đất rộng lớn tương đương với vùng đất thuộc tỉnh
Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, một phần Hà Giang, Vĩnh Phúc và Lạng
Sơn ngày nay.
Là người có đóng góp to lớn trong việc duy trì, củng cố khối
đại đoàn kết các dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, được nhân dân kính trọng và
tôn thờ. Ngôi đình đã có từ rất lâu, song do biến thiên của lịch sử, thiên tai,
chiến tranh tàn phá khiến Đình Minh Lý bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2007,
nhân dân 4 xóm Ao Sơn, Đoàn Kết, Làng Chu và Theo Cày đã cùng nhau công đức xây
dựng lại ngôi đình trên nền cũ.
Lễ hội truyền thống Đình Minh Lý hàng năm được tổ chức vào
ngày 09/01, ngoài ra còn có các ngày lễ khác như lễ hạ điền và thượng điền. Lễ
vật dâng lên thành hoàng làng chủ yếu là các nông sản tại địa phương với mục
đích cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, nhân dân
các dân tộc trên địa bàn được ấm no hạnh phúc.
Đình Minh Lý được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích
lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 2390/QĐ-UBND ngày 10/8/2017.
8. Di tích lịch sử Đình Khe Mo - xã Khe Mo:
Đình Khe Mo thuộc xóm Khe Mo 2, xã Khe Mo là công trình tín
ngưỡng văn hóa, nơi thờ hai vị Thánh Cao Sơn - Quý Minh (hai thuộc tướng thời
vua Hùng Duệ Vương), về sau thể theo nguyện vọng của cộng đồng dân cư xã Khe
Mo, đình Khe Mo thờ thêm vị thần thứ 3 đó là Dương Tự Minh đã được các vua triều
đại phong kiến ban sắc. Đình Khe Mo đã hai lần bị giặc Pháp đốt, lần thứ nhất
vào năm 1944, lần thứ 2 vào năm 1947. Ba bức sắc phong của Đình được gia đình
ông Trương Văn Đạo kịp thời cất giấu nên còn giữ được đến ngày nay.
Đến năm 2010, ngôi đình được phục dựng lại tại xóm Khe Mo 2
làm nơi sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng nhân dân trong xã. Đình được
xây dựng theo kiểu chữ nhất, gồm 3 gian, hệ thống các cột được làm bê tông giả
gỗ, hệ thống vì kèo đơn giản, bào trơn.
Đình Khe Mo có 5 kỳ khóa lễ gồm: Lễ đón xuân ngày 12 tháng
giêng; lễ hạ điền ngày 12 tháng 4; lễ Thượng điền ngày 12 tháng 7; lễ cơm mới
ngày thìn tháng 8; ngày giỗ hóa 12 tháng 11 (âm lịch).
Tại Đình còn có tục lệ mở sắc phong: Nghi thức được thực hiện
khi có người muốn xem bản thần tích, thần sắc. Muốn xem được sắc phong thì chủ
nhang lấy hộp đựng sắc phong đặt lên ban thờ, sau đó tiến hành sắp lễ gồm
hương, hoa, trà, quả. Chủ nhân khấn bàn khấn nôm, rồi gieo quẻ tiền xu: Nếu một
mặt sấp, một mặt ngửa là mở được sắc phong, còn không ra như thế sẽ phải xin lại
hoặc không được mở hộp sắc.
Với những giá trị lịch sử của ngôi Đình, ngày 29 tháng 12
năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số
4161/QĐ-UBND về việc công nhận Đình Khe Mo - xã Khe Mo là di tích lịch sử cấp tỉnh.
II. DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CẤP QUỐC GIA:
Đến nay, huyện Đồng Hỷ có 04 di sản văn hóa phi vật thể được
đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, gồm: “Nghi lễ Hét
khoăn” - Lễ mừng sinh nhật của người Nùng và Hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu
(công nhận tại Quyết định số 3465/QĐ-BVHTTDL, ngày 13/10/2015 của Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch), “Nghi lễ cấp sắc của người Nùng” và “Nghệ thuật khèn của
người Mông” (công nhận tại Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL, ngày 08/5/2017 của Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
1. Nghi lễ Hét Khoăn của người Nùng:
“Nghi lễ Hét khoăn” của
người Nùng thuộc loại hình tập quán xã hội, được người Nùng ở Đồng Hỷ bảo tồn
và duy trì từ nhiều đời nay, hiện còn được thực hành tại các xã: Hoà Bình, Nam
Hoà, Văn Lăng, Văn Hán, Tân Long.
Người Nùng ở Đồng Hỷ có phong tục không cúng giỗ người đã
khuất, thay vào đó, người Nùng làm lễ mừng sinh nhật khi còn sống nhằm mục đích
cầu sức khoẻ, sự may mắn, bình an cho ông bà, cha mẹ.
Nghi lễ Hét Khoăn thường diễn ra từ chiều hôm trước, qua
đêm, đến hết ngày hôm sau, tại gian thờ tổ tiên người được mừng sinh nhật. Để
thực hiện nghi lễ, chủ nhà phải mời thầy cúng về cầu an, cầu bản mệnh, sức khoẻ
cho người được mừng sinh nhật, sau đó cho cả gia đình. Lễ vật cúng gồm có: lợn
quay, gà luộc, bánh dày đặt trong các mâm: đón mừng hồn, vía; cầu mong sức khỏe;
cúng trên ban thờ tổ tiên, mâm tiền và gạo dùng cho người âm.
Khi thực hiện nghi lễ, thầy cúng không sử dụng sách mà phải
học thuộc lòng các bài cúng và thực hiện các nghi thức chính, bao gồm: Nghi thức
cúng xin phép tổ tiên: mời tổ tiên chủ nhà về chứng kiến buổi lễ và phù hộ cho
con cháu mạnh khỏe, bình an; Nghi thức cầu sức khỏe, cầu bình an: cầu mong cho
hồn yên tâm, vui vẻ mà gắn bó lâu dài với thể xác; Nghi thức đổ thêm nước sinh
mệnh: với ý nghĩa bổ sung sinh khí, tinh thần cho ông bà sống thọ, có nhiều
phúc lộc; Nghi thức trồng cây mệnh: tượng trưng cho số mệnh của ông bà, mong
ông bà mạnh khỏe, tươi tốt như cây rừng; Nghi thức bổ sung lương thực vào bịch
gạo mệnh: để gia hạn với Nam Tào, kéo dài tuổi thọ người được mừng sinh nhật.
Sau đó, thầy cúng thực hiện nghi thức cúng cầu mong sức khỏe,
bình an cho chủ nhà, đồng thời báo cáo với tổ tiên đã tìm thấy hồn vía bị lạc về
đúng với chủ, đã đổ đầy giếng nước, trồng được cây tươi tốt, khỏe mạnh, đã đổ đầy
bịch gạo mệnh và làm lễ cấp tiền mã cho thiên binh, thiên tướng, cảm ơn họ vì
đã giúp thầy cùng gia đình hoàn thành các nghi lễ mừng sinh nhật.
Kết thúc nghi lễ, thầy cúng chúc mừng mọi vía đã quy tụ đầy
đủ và nhờ ông bà, tổ tiên để mắt trông nom cũng như dặn dò vía không được mải
mê đi chơi quên đường về. Đến ngày hôm sau, con cháu, họ hàng, người thân làm cỗ
mời làng xóm đến ăn mừng sinh nhật ông bà.
Những đồ dùng khi hành lễ như: chiếc đèn, thúng gạo, cầu...
sẽ được thầy cúng đưa lên bàn thờ tổ tiên và dặn dò tổ tiên trông nom, cai quản.
Sau 7 hoặc 9 ngày, con cháu sẽ lấy gạo và trứng, nấu cháo cho ông bà ăn để có
thêm sức khỏe, sống lâu với con cháu và nấu cơm cho con cháu ăn với mong muốn
được khỏe mạnh để chăm sóc ông bà, cha mẹ.
Nghi lễ Hét Khoăn là tập quán lâu đời của người Nùng, không
chỉ mang lại niềm vui cho người cao tuổi, mà còn là bài học đạo đức cho thế hệ
trẻ về lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Đối với người Nùng, đây chính là
món quà quý giá nhất của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ mình, thể hiện sự
kính trọng, hiếu nghĩa của họ với các bậc sinh thành.
Cùng với thời gian, nhiều nghi thức trong nghi lễ Hét Khoăn
được giản lược cho phù hợp với đời sống hiện đại, song nghi lễ này vẫn được các
thế hệ trong gia đình của người Nùng tổ chức thường xuyên và trao truyền cho
nhau, thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con
cháu đối với ông bà, cha mẹ.
Trong thời đại ngày nay, Nghi lễ mừng sinh nhật của người
Nùng được bảo tồn và phát huy có tác dụng thiết thực trong việc giáo dục truyền
thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ trẻ dân tộc Nùng nói riêng
và nhân dân các dân tộc Việt Nam nói chung.
2. Hát Soọng Cô của người Sán Dìu:
Hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu thuộc loại hình nghệ thuật
trình diễn dân gian, được cộng đồng người Sán Dìu huyện Đồng Hỷ gìn giữ, bảo tồn
và phát huy, hiện đang được thực hành tại các xã như Nam Hoà, Hoá Thượng, Cây
Thị, Tân Lợi.
Hát Soọng cô là một loại hình xướng ca đặc sắc trong kho
tàng văn nghệ dân gian truyền miệng đã
được lưu giữ hàng trăm năm nay của người Sán Dìu. Hát Soọng cô là hát đối đáp
trữ tình, giàu tình cảm và đậm đà bản sắc dân tộc. Soọng cô, về hình thức diễn
xướng cũng tương tự như sli, lượn của người Tày, Nùng, quan họ, hát ghẹo, hát
xoan của người Kinh; với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt được ghi chép bằng chữ Hán
cổ hoặc truyền khẩu, tiếng hát thể hiện tâm tư tình cảm của những đôi trai
gái đang trong giai đoạn tìm hiểu nhau, nhờ tiếng hát để trải tấm
lòng mình, là phương tiện để bộc lộ những tâm ý mà không dám ngỏ
lời trực tiếp một cách tinh tế.
Không chỉ có vậy, Sọong Cô còn là những lời hát ru
đưa con trẻ chìm trong giấc ngủ, là những lời hát để hỏi thăm về gia
đình, bạn bè… của những người lâu ngày mới có dịp gặp mặt. Những
câu hát Soọng Cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn
cảnh cũng như môi trường diễn xướng, người ta có thể hát một đêm,
nhiều đêm, hát trong nhà, bên bờ suối, khi đi làm nương, hay trong lúc
đi chơi làng, trong khi ru con và trong các lễ hội của người Sán Dìu.
Hát Soọng cô đem lại tình yêu, niềm hạnh phúc và mọi nếp sống
sinh hoạt đời thường khi đồng bào lên nương, xuống ruộng. Những câu từ, giai điệu
tiếng hát được ký thác vào đó với nhiều hình tượng giàu hình ảnh, chất biểu cảm
sâu sắc, với lời ví von giản dị, dễ hiểu nhưng giàu sự biểu cảm và dễ rung động
lòng người.
3. Nghệ thuật Khèn của người Mông:
Khèn Mông là một nhạc cụ tiêu biểu, độc đáo và quan trọng đối
với đời sống tinh thần của dân tộc Mông. Cây khèn mang ý nghĩa sâu sắc, đó là
phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, bản sắc
của dân tộc; nó gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống hàng ngày của đồng
bào. Khèn được thổi lên trong đám tang để
tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố; trong vui chơi để thi tài, thể hiện
tình yêu đôi lứa và bộc lộ ý chí, nghị lực của người con trai Mông trong sinh
hoạt cộng đồng...
Để làm được một chiếc khèn, nghệ nhân chuẩn bị gỗ, ống trúc,
dây rừng, một số miếng đồng nhỏ; bầu khèn được làm bằng gỗ cây thông mọc trên
núi cao; dây đai làm từ vỏ cây đào rừng,vừa có tác dụng trang trí, vừa giữ cho
khèn khỏi bị vỡ, dập trong quá trình sử dụng; ống khèn làm từ cây trúc mọc ở
vùng núi cao, có thân thẳng, ống dài, phải phơi đủ độ, không được ẩm, cũng
không được quá khô thì tiếng khèn mới hay; một bộ phận quan trọng khác của chiếc
khèn Mông là lưỡi gà, nghệ nhân lựa chọn một thanh đồng nhỏ dài khoảng 10cm, đặt
trên đe rồi dùng búa tán thật mỏng, mài dũa, rạch đường rãnh để tạo lưỡi gà.
Các miếng đồng được lắp vào các ống trúc, mỗi ống trúc có 01
miếng đồng riêng, ống ngắn nhất và to nhất được gắn 2 miếng để đảm bảo độ rung
và âm thanh của khèn. Việc tạo lưỡi gà rất quan trọng, độ trầm bổng, vang ngân
của tiếng khèn phụ thuộc vào việc chỉnh các lưỡi đồng, mỏng dày thế nào, to nhỏ
ra sao; quá trình chế tác chiếc khèn có rất nhiều công đoạn và làm thủ công. Vì
vậy, hiện nay mỗi chiếc khèn có giá bán rất cao, từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu
đồng.
Người Mông quan niệm: Con gái Mông phải biết may vá, dệt vải
và thêu thùa, con trai Mông phải biết thổi khèn và múa khèn. Khèn vừa dùng để
thổi, vừa là đạo cụ để múa; múa khèn với các vũ đạo đẹp, dũng mãnh và trữ tình,
thể hiện sức sống mãnh liệt của người Mông.
Người thổi khèn giỏi phải biết múa khèn, kết hợp nhuần nhuyễn
giữa các động tác để vừa thổi vừa múa; động tác múa khèn rất đa dạng, phong
phú, cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên
vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc… với tốc độ càng nhanh có nghĩa
người múa càng điêu luyện.
Vũ điệu và âm thanh hòa quyện với nhau giúp cho người xem được
thưởng thức cùng lúc cả hình ảnh uyển chuyển, nhịp nhàng của người múa lẫn âm
thanh, tiết tấu đa dạng, biến hóa của tiếng khèn.
Mỗi bài khèn đều có bài hát tương ứng, mang nội dung cụ thể,
như thể người chơi dùng tiếng khèn để kể chuyện; tại Đồng Hỷ có nghệ nhân Sùng
Văn Sinh, cư trú tại xóm Lân Quan, xã Tân Long là một trong những nghệ nhân có
thể kết hợp tài tình giữa thổi khèn và múa khèn, ông đã ba lần giành giải nhất
nội dung múa khèn tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ
các năm: 2012; 2015 và 2018.
4. Nghi lễ cấp sắc của người Nùng:
Đồng bào Nùng tại huyện Đồng Hỷ sinh sống chủ yếu tại các
xã: Văn Hán, Tân Long, Hòa Bình. Ngoài Nghi lễ Hét Khoăn, đồng bào Nùng còn bảo
tồn được Nghi lễ cấp sắc; với người Nùng nơi đây, chỉ có những người làm nghề
thày cúng mới được cấp sắc, trước khi được cấp sắc, người được cấp sắc phải đảm
bảo rất nhiều yêu cầu, nhiều tiêu chuẩn khác nhau, phải có đạo đức tốt, lối sống
lành mạnh, khiêm tốn, sống hòa nhã với mọi người. Lễ cấp sắc thông thường có 3
cấp khác nhau, từ thấp lên cao, cấp 1 là cấp thấp nhất, cấp 3 là cấp cao nhất.
Trong lễ cấp sắc, bộ phận quan trọng nhất là bộ phận Tào,
thường thì có 4 thày, trong đó có 2 thày chính là thày Bố - Trừ Cai và thày mẹ
- Xìn Tồ, tiết mục quan trọng nhất trong lễ cấp sắc là lễ xin con hương, nghi lễ
này thường bắt đầu vào giờ Sửu, lúc nửa đêm.
Thày bố làm nhiệm vụ đứng giữa cắt tấm vải trắng ấy, việc
làm đó thể hiện sự vất vả và khó nhọc như người mẹ sinh ra con, tấm vải trắng
được cắt dần trong tiếng chiêng trống và sự quan sát ủng hộ của những người
thân và làng xóm đến xem.
Khi tấm vải được cắt đứt, thày mẹ và con hương nằm xuống
sàn, thày Bố lấy chăn phủ lên người con hương như một động tác đón nhận và che
chở cho đứa con mới được sinh ra, sau đó các thày đi xung quang con hương đọc lời
cúng ma cho con hương, một mâm bánh trôi được mang đến, thày Mẹ gắp bánh trôi
cho đứa con vừa mới được sinh ra.
Thày Bố, thày Mẹ cùng một thày phụ cho thày Bố đứng ra chải
đầu, cắt tóc cho con hương, sau đó 3 thày lấy kim châm vào đầu con hương như để
dặn dò, dạy bảo cho con hương thông suốt mọi việc.
Lễ cấp sắc thực chất là một cuộc đại diễn xướng bởi nó tập
trung khá nhiều hình thức nghệ thuật biểu
diễn như hát, khí cụ, sân khấu nhập đồng, trò diễn; sự kết hợp nhuần nhuyễn các
yếu tố trên đã tạo nên sức hấp dẫn của Lễ cấp sắc của người Nùng nói chung cũng
như tại huyện Đồng Hỷ nói riêng.