Đình làng Miêng Hạ, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, thờ phụng thành hoàng Cao Sơn Đại vương và Quý Minh Đại vương. Tại đây, đức ngài Cao Sơn dẫn quân về phía nam thấy địa thế trang Sơn Miêng thuận lợi việc bố phòng, đã truyền quân dừng lại lập đồn trại.
Hoa Sơn là một xã nằm trong vùng đất màu mỡ bao bọc
bởi sông Đáy và đường quốc lộ QL21B, thuộc huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, lại
có tỉnh lộ DT429B đi ngang qua nên giao thông rất thuận tiện.
Xã có diện tích 6,69 km², dân số năm 1999 là 6271 người, mật
độ dân số 937 người/km². Hiện nay xã gồm 3 làng Miêng Thượng (toàn tòng Thiên
Chúa giáo), Miêng Hạ và Trần Đăng. Cả ba làng trên đều có nhiều di tích
kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hoá dân tộc và tôn giáo.
Theo nội dung bi ký khắc trên tấm bia đá ở chùa Miêng Hạ
được dựng vào đời Lê Cảnh Hưng thứ 12 (1751), vùng này vốn gọi là Nghiêm
Xá, trang Sơn Minh, thuộc huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam. Đến đời
vua Minh Mạng, vì kiêng tên vua mà Sơn Minh phải đọc chệch thành “Sơn Miêng”
và năm 1831 tên gọi “trấn Sơn Nam” hoàn toàn biến mất với việc thành lập các tỉnh
Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình.
Trong đình làng Miêng Hạ còn lưu giữ được cuốn thần phả có
niên đại Vĩnh Hựu thứ 5 (1739), viết về sự tích của thành hoàng Cao Sơn Đại
vương và Quý Minh Đại vương. Theo thần tích, hai ngài là tướng tài của vua
Hùng Vương thứ 18 đã có công đánh giặc giữ nước và sau khi mất đi đều
được tôn làm phúc thần cùng với tể tướng Tản Viên, bộ ba này nhân dân
thường gọi là “Tản Viên tam thánh”.
Thần phả ghi: Bấy giờ nước Văn Lang bị quân Thục sang
quấy rối. Vua Hùng Duệ Vương ra chiếu truyền khắp thiên hạ chọn người tài đức
để dẹp giặc. Hai anh em cùng Tản Viên được vua giao cho chỉ huy các cánh quân.
Vua Hùng phong Tản Viên làm Thống lĩnh trung quân. Tản Viên lệnh cho Cao Sơn
phòng ngự phía nam, Quý Minh ngăn giặc phía tây. Cao Sơn dẫn quân về phía nam
thấy địa thế trang Sơn Miêng thuận lợi việc bố phòng, liền truyền quân dừng
lại lập đồn trại.
Từ khi có đồn trại, giặc khiếp sợ không dám quấy nhiễu
tiếp, nhờ vậy dân chúng an cư lập nghiệp, Cao Sơn tuyển chọn trai tráng của
làng vào đội gia binh giữ Sơn Miêng. Từ trại này, Cao Sơn tiến quân lên vùng
Sóc Sơn, cùng Tản Viên đánh tan quân Thục. Thắng lợi, Hùng Duệ Vương mở tiệc
khao thưởng, phong cho Cao Sơn được về Ứng Thiên hưởng thực ấp, Quý Minh về hưởng
thực ấp ở Phụng Thiên.
Ngày 12-3-1993, đình và đền, chùa Miêng Hạ đã được Bộ
Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc
gia.
Kiến trúc
Con đường tỉnh lộ DT429B có lối rẽ bên hông trường THPT
Trần Đăng Ninh, dẫn du khách đi thẳng đến Miêng Hạ. Cuối năm 2019 dân làng
đã trùng tu đình và chùa. Ngôi đình có mặt bằng xây dựng hình "chữ
Công", xung quanh là tường bao, nghi môn xây kiểu trụ biểu đèn lồng. Bên
hữu đại đình có cây đa cổ thụ che bóng mát, hồ nước và cánh đồng,
bên tả là cổng ngách ăn thông với con đường làng và ngôi chùa liền
kề, trước cổng chùa có ao sen.
Mặt đình nhìn qua sân gạch rộng về phía tây-nam, gồm
5 gian, 2 chái, cửa bức bàn. Trước gian giữa có đôi rồng đá uốn mình hai
bên bậc thềm đá, đều là tạo tác từ thời Lê. Toà đại đình có chiều dài
23m, rộng 10m, xung quanh xây tường, mái chảy lợp ngói ri, 4 góc là 4 đầu
đao cong, trên bờ nóc có đắp các hình rồng ngậm bồ lao và rồng chầu nguyệt.
Tư liệu về đình Miêng Hạ có ghi niên đại xây dựng vào
đời Lê Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Bộ vì kèo được làm theo kiểu kẻ chuyền bẩy
hiên. Phần trang trí in đậm dấu ấn điêu khắc độc đáo bằng phương pháp đục
chạm lộng, bong kênh; với đề tài chủ đạo là các loài linh vật như rồng, phượng
và các loại cây quý như cúc, thông, mai… mang phong cách nghệ thuật thời Lê
muộn. Trong đình hiện nay vẫn còn giữ được nhiều cổ vật quý giá như các
bộ hương án, kiệu bát cống, đồ tế khí… hầu hết đều được tạo tác vào thời
Lê trung hưng.
Di sản
Hội làng hàng năm tổ chức vào mồng 4 tháng giêng. Tương truyền
thần Cao Sơn cầm quân đi đánh giặc đã giành thắng lợi, ngày này trở về Miêng Hạ
khao thưởng. Dân mở hội vào giờ thìn, từ 7 đến 9 giờ sáng, bằng một tiếng pháo
lệnh. Làng có 6 giáp chia phiên đến lượt giáp nào đăng cai tổ chức thì ông trùm
giáp được cầm trịch (cầm dùi) đánh 3 hồi trống và đốt ngòi pháo. Ống lệnh làm
bằng đồng, quả pháo nhồi đến 30-40kg thuốc. Nghe tiếng nổ thì từ ba nơi là đền
Thạch (của giáp Thạch, giáp Trù), đền Đông (giáp Đông, giáp Tây), đền Thượng
(giáp Thượng, giáp Đình) sẽ nghênh kiệu về tựu ở đình.
Kiệu và án Đình Miêng Hạngày Lễ hội
Sau này do tốn kém nên làng không tổ chức hội pháo nữa mà
chì diễn trò “ội ại”, hay “cướp nõ xé bông” mong âm dương hòa hợp để dân
chúng sinh sôi. Ội ại là một từ hèm rất cổ chưa rõ nghĩa, còn cướp nõ xé bông
thì liên quan đến thành ngữ "ba mươi sáu cái nõ nường".
Miêng Hạ chỉ có 6 nõ và mỗi nõ được chụp 1 bông có 36 thanh
tre quấn giấy để đầu tua. Trai đinh Miêng Hạ cởi trần đóng khố vừa cướp nõ như ở
Dị Nậu (Phú Thọ), vừa có tục tắt đèn như ở hội Giã La (Hoài Đức) vừa có tiếng
hô ội ại mà ở vài nơi hô là “tùng dí” như ở hội làng Vi Cương và Triệu Phú
(Vĩnh Phúc).