Đền Bà Vũ hay đền Thánh Mẫu là ngôi đền có từ thế kỷ thứ XV, ngôi đền nằm bên sông Hồng thuộc Tổng Vũ Điện huyện Nam Xang phủ Lý Nhân (Nay là thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), thờ phụng Vũ Nương Công chúa, tấm gương sáng tiết hạnh của phụ nữ Việt Nam.
Nơi đây thờ vị Thánh Mẫu là Vũ Nương công chúa, tên thật là
Vũ Thị Thiết. Nàng có nhan sắc xinh tươi, phong tư yểu điệu giống như tiên nữ.
Vũ Thị Thiết có biệt hiệu là Nương Hương.
Lúc sinh thời năm lên 8 tuổi, nàng Hương thông minh đĩnh ngộ,
được cha mẹ cho ăn học ở trường của Phạm Tiên sinh. Nàng rất giỏi kinh sử và có
tài làm thơ, năm 13 tuổi vào ngày 28/11 năm ấy cả cha mẹ nàng đều quy tiên, bốn
anh em nàng Hương làm lễ mai táng chu tất, công việc xong xuôi, anh em bảo nhau
lo liệu làm ăn toan lo cuộc sống.
Năm 19 tuổi dân làng gặp cảnh đói kém, nàng Hương bàn với
anh trai đem 1 phần gia tài của mình ra cứu giúp dân làng. Những người cơ khổ bần
hàn, già nua yếu ớt đều được đội ơn đức của Nàng nên có thơ rằng:
Chuyện kể xưa kia nàng Vũ Nương.
Đem của hồi môn cứu dân thường.
Sắc phong người được vua ban thưởng.
Ca trù văn tế khúc Nam Xương.
Bấy giờ ở xóm dưới có người họ Trương tên là Nghị, lấy bà Lê
Thị Quyên, cũng ở ấp Vũ Điện. Vợ chồng ông Trương vốn là người chất phác phúc hậu,
luôn chăm lo làm việc thiện nên sớm ứng điềm lành sinh được 5 người con trai,
lúc này gia đình ông Trương là bậc hào mục trong làng, nắm giữ quyền hành của 1
vùng trang ấp, con trai thứ 2 là Trương Huyền cũng đã khôn lớn, ông thấy nàng
Hương xinh đẹp, nết na môn đăng hộ đối nên có ý cưới nàng về làm vợ cho con
trai là Trương Huyền, hôn nhân được ứng thuận, thế là lễ cưới được tiến hành
nhanh chóng, cưới xin chưa được bao lâu thì có giặc Chiêm Thành đến quấy phá bờ
cõi.
Trương Huyền có tên trong danh sách sung vào quân ngũ dẹp giặc,
chàng bèn lạy từ cha mẹ, từ biệt nàng Hương lên đường tòng quân đánh giặc. Sử
sách có ghi:
Cơ duyên sao khéo vội vàng.
Chiếu rồng bỗng thấy gọi chàng Trương Sinh.
Đành tạm để sự tình trong dạ.
Chén quan hà viết đã chia tay.
Từ đó nàng Hương cũng giống như bao người phụ nữ khác ở nhà
tần tảo phụng dưỡng chăm mẹ, làm tròn đạo hiếu thảo, nhà cửa nàng Hương ở ven
sông Hồng, xưa kia ấp Vũ Điện có khu bãi rộng, dân cư sống thành làng có nghề
trồng dâu nuôi tằm, trồng ngô khoai, gia đình nàng Hương cũng ở ngoài đó, nàng
1 lòng son sắt thuỷ chung với chồng.
Thấm thoắt đã đầy 1
năm, nàng sinh được 1 cậu con trại đặt tên là Đản. Lúc này bà mẹ đã già yếu lại
vì nhớ con nơi chiến trường nên sinh ra đau yếu luôn. Nàng Hương tận tình phụng
dưỡng thuốc thang nhưng bà đã không qua khỏi, nàng vô cùng thương xót, mọi việc
ma chay tế lễ, nàng lo liệu chu đáo như đối với cha mẹ mình.
Từ đó nàng Hương một mình tần tảo nuôi con, đến khi thằng bé
đã biết nói u, ơ để nựng con, cứ tối đến nàng chỉ bóng mình trên vách nói đùa rằng
cha con kia kìa.
Dốc lòng bú mớm bù trì.
Đêm đêm thắp ngọn đèn khuya chơi bời.
Đến khi tuổi đã lên hai.
Mẹ con ngồi tựa hiên mai một mình.
Thấy con kêu khóc thương tình.
Nựng con tay chỉ bóng mình cha đây.
Chàng Trương tòng quân đã đến kỳ mãn hạn, được trở về sum họp
cùng gia đình, về nhà thấy mẹ qua đời, tình cảnh gia đình xa sút chàng rất buồn
chán, nhưng chàng còn buồn chán hơn vì khi bế con nó lại không theo mà còn nói:
Cha đến tối mới về cơ, mẹ đi cha cũng đi, mẹ ngồi cha cũng ngồi.
Từ đó chàng Trương sinh ra ngờ vực, hắt hủi vợ cho rằng nàng
hư đốn, nàng chẳng biết nói thế nào để giải hết nỗi hiềm nghi ấy, họ hàng làng
xóm khuyên giải chàng cũng không nghe cuối cùng vì oan ức nàng đã ra bến sông,
nơi ấy có cây gạo to treo lại khăn yếm rồi nhẩy xuống sông tự vẫn ngày 20 tháng
8 âm lịch.
Chốn cây gạo rời chân bóng mát.
Trông bốn bề bát ngát mênh mông.
Chiều hôm sóng nổi đùng đùng.
Yếm hồng treo lại thề cùng nước mây.
Khi thấy vợ tự vẫn tuy đã thấy lỗi lầm, nhưng người chồng vẫn
chưa hết tình nghi, một hôm Trương Huyền ôm con trong nhà, nó nhớ mẹ khóc mãi
không chịu nín, chợt nó thấy bóng người trên vách liền kinh ngạc kêu lên (cha đến
rồi kìa).
Thì ra khi Trương Huyền đi vắng, nàng Hương thường đùa chỉ
bóng mình mà bảo đó là cha nó, bấy giờ chàng Trương mới tỉnh ngộ hiểu ra nỗi
oan của vợ nhưng không cứu được nàng sống lại nữa, Trương Huyền vì đau khổ và hổ
thẹn với dân làng nên đã bế con đi đâu không ai biết nữa.
Riêng đối với nàng Hương nhân dân vô cùng thương xót và kính
trọng, bởi lúc còn sống nàng là 1 người phụ nữ hiền dịu nết na, xinh đẹp, hiếu
thảo, trinh tiết ít người sánh được, do đó 1 thời gian sau dân làng suy tôn
nàng là Vũ Nương công chúa, góp công góp của xây miếu rồi dựng đền ngay tại mảnh
đất trước đây nàng sinh sống để thờ tự trang nghiêm.
Khi ấy vua Lê Thánh Tông cùng đoàn quân đi đánh giặc Chiêm
Thành đến bến sông ấy thì bỗng sóng to, gió lớn nên đoàn thuyền rồng phải dừng
neo đâu lại. Vì ngôi đền Vũ Nương công chúa ở ngoài bãi nên nhà vua thân hành
vào lễ bái.
Đêm đó nhà vua nằm mộng thấy có người con gái tự xưng là người
làng Vũ Điện, huyện Nam Xang đêm qua cứu giúp nhà vua và tình nguyện xin theo
nhà vua đi đánh giặc Chiêm.
Lần ấy Thánh Tông cầm quân tiến thẳng vào đất Chiêm thu được
toàn thắng. Khi trở về Kinh đô, nhà vua liền ban chiếu cho phép dân làng xây dựng
Miếu điện để thờ phụng nàng Vũ Nương, khi đó nhà vua còn ban thưởng cho Vũ
Nương bài thơ nôm Đề Vịnh miếu thần như sau:
Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương.
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Bóng đèn dầu lẫn đừng nghe trẻ.
Cung nước chi cho luỵ tới nàng.
Chứng quả đã đôi vừng nhật nguyệt.
Giải oan chi lọ mấy đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn trẻ.
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.
Tương truyền nhà vua còn cúng tiến 1 pho tượng đồng được giữ
tới ngày nay. Trong đền còn có đề bài thơ nôm trên bức hoành phi có ghi yết đề
như sau: Thánh Đế hành sự thần hiển ứng, thân từ phong tặng cảm thi ngôn.
Nghĩa là: Nhà vua đem quân đi đánh giặc, thần hiển ứng giúp
sức nhà vua cảm ứng sáng tác thơ phong tặng.
Trải qua 6 thế kỷ trên mảnh đất Vũ Điện đầy biến động bởi
thiên nhiên, chiến tranh, nhưng việc thờ tự Vũ Nương công chúa không bao giờ
lãng quên. Đặc biệt có những lúc tưởng chừng sẽ khó khôi phục lại đền để thờ tự
vì khu bãi ven sông bị lở, đền cũng lở theo, nhưng nhân dân đã nhanh chóng di dời
đền vào bên trong đê.
Cổng Đình – Đền và Chùa Vũ Điện
Đền thờ Người vẫn mái cũ, tường rêu cổ kính uy nghiêm, mấy
trăm năm đã qua, ngày tiếp ngày, các thế hệ lữ khách thập phương vẫn đến với
nhà đền viếng thăm, lần trang sự tích, lòng dạ bùi ngùi lắng đọng tâm tư, rồi bằng
ngòi bút viết thành câu đối, thành chuyện để lại cho muôn đời sau như các bậc Đế
vương Lê Thánh Tông, các hàng tướng sỹ như Nguyễn Công Trứ, các học giả văn gia
như Nguyễn Lữ, Nguyễn Khuyến… đã hết lời ca ngợi tấm gương trinh liệt của Vũ Thị
Thiết vốn là 1 người thiếu phụ chung thuỷ, tuyết trinh, chịu cảnh bất hạnh
nhưng đã trở thành bất tử, người con gái trinh liệt của phủ Nam Xương.
Khi Vũ Thị Thiết đi gieo mình minh oan, người để lại 1 bài
thơ trên vuông khăn hồng vắt trên cây gạo trên sông như sau:
Người không biết được chắc trời hay.
Oan khuất kêu trời để giải đây.
Chưa thoả ba sinh trong kiếp sống.
Đã mang cõi chết dưới sông này.
Có trời có đất có thần sông.
Cây gạo ơi này thiếp đứng trông.
Oan ức mấy lời xin gửi lại.
Qua đây ai báo giúp cho chồng.
Bài thơ không chỉ gửi lại cho chồng, cho 1 người đọc mà là bức
thông điệp gửi lại cho các thế hệ mai sau, nỗi oan này không phải là của riêng
ai, càng không phải là điều tất yếu giành cho phụ nữ, mà nó là hiện thực lớn
lao, những cái giá phải trả cho tất cả các cuộc chiến tranh, chiến tranh đã làm
héo hon, tàn lụi biết bao cuộc đời của những phụ nữ, cho bao gia đình và xã hội.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ ngàn đời xưa
đều phải trải qua chiến tranh vệ quốc và chiến tranh đã tạo ra biết bao anh
hùng xung trận mạc, mặt trận càng ác liệt thì hậu phương cũng không thiếu những
người trinh liệt mà vẫn oan khiên. Đền Bà Vũ ở thôn Vũ Điện xã Chân Lý, huyện
Lý Nhân tỉnh Hà Nam là một đài tưởng niệm biểu trưng cho tấm gương cao đẹp của
phụ nữ Việt Nam.
Phạm vi ngôi đền nằm áp sát vào khu vực đê bối ven sông Hồng.
Bốn cột đồng trụ xây ngay trên mặt đê, mặt quay ra sông theo hướng Bắc, mỗi cột
cao trên 6m, lại được mặt đê tôn thêm 1,6m, chính vì vậy mà nó đã tạo ra được một
sự bề thế. Bốn cột trụ cao vượt tầng những cây cổ thụ xung quanh vươn lên trời
xanh.
Ngoài cổng chính ở giữa hai cột đồng trụ lớn còn có hai cổng
phụ hai bên xây theo kiểu tám mái cửa vòm.
Toàn cảnh đền Bà Vũ
Toàn bộ khu đền được xây dựng theo kiểu chữ Môn khép kín. Đằng
trước là bảy gian tiền đường với hệ thống vì kèo biến thể giá chiêng chồng rường
con nhị. Công trình này chốn cột, các xà đều gác lên tường. Hai đầu hồi được
xây bít đốc. Toàn bộ mái lợp bằng ngói nam.
Mặt đằng trước ba gian giữa là hệ thống cánh cửa bằng gỗ
lim, phần trên là chấn song con tiện, phía dưới đóng theo lối cửa bức bàn. Hệ
thống tường xây đằng trước có 4 cửa sổ không có cánh được trổ hình chữ triện gồm
2 cửa tròn và 2 cửa chữ nhật. Phía ngoài cùng hai bên hồi là hai cột đồng trụ.
Khu trung đường làm
cao hẳn lên theo kiểu gác chuông nhưng có mặt bằng hình chữ nhật. Công trình gồm
4 cột cái ở giữa và 4 cột quân ở 4 góc làm theo kiểu chồng diêm gồm hai tầng
mái, mỗi lớp có 4 mái với các đao góc được uốn cong lên. Toàn bộ kiến trúc này
được lợp bằng ngói vẩy. Các mái ngói như những lớp sóng dâng dần lên cao, góp
phần làm cho công trình thanh thoát đỡ nặng nề.
Ngôi đền với các công trình nối tiếp bao xung quanh và nhà
trung đường nằm ở chính giữa, với hai tầng mái vươn cao, nổi trội hẳn lên như một
bông sen nở rộ khoe sắc dưới trời xanh. Đây chính là nét độc đáo của công trình
kiến trúc tại đền.
Ba gian chính tẩm, tường phía sau và hai bên xây gạch, còn mặt
đằng trước là hệ thống cửa bức bàn, nối liền với khu trung đường. Tất cả các vì
kèo và bộ khung đều làm bằng gỗ lim, chạm khắc tuy đơn giản nhưng kỹ thuật đục
đẽo lắp ráp hết sức chính xác đã tạo nên một sự hoàn chỉnh vững chắc cho công
trình.
Hai bên khu chính tẩm, về phía các đầu hồi, mỗi bên có ba
gian. Về phía hai bên nhà trung đường, ở phái tây cũng có ba gian, còn về phía
Đông là một bức tường xây đã khép kín toàn bộ các công trình ở đây.
Năm 1993, đền Bà Vũ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá
Quốc gia. Hàng năm, đặc biệt là vào dịp tổ chức Lễ hội truyền thống, Di tích
LSVH đền Bà Vũ lại được đón tiếp các cấp, các ngành, các chư già thái lão, các
quý khách thập phương trên mọi miền Tổ quốc về chiếm bái, dâng hương tưởng nhớ
Người.
Lễ hội đền bà Vũ được tổ chức trang trọng trong 3 ngày 18,
19 và ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm để tưởng niệm ngày mất của bà, đồng thời
đây là dịp dân làng tạ ơn Thần, phật cầu "Quốc thái dân an, nhân khang, vật
thịnh".
Ngày 18, dân làng mang lễ vật đến Đình Vũ Điện và đền bà Vũ
làm lễ, tế cáo yết, xin Thần, Phật, Thánh mẫu cho mở hội. Lễ vật gồm xôi, thịt,
rượu, trầu cau, hoa quả. Sau tế nữ quan ở trước đền, dân làng tổ chức lễ “Bát
nhã" trước chùa. Buổi tối, thả đèn hoa đăng trên sông và hát chèo, biểu diễn
các tích chèo cổ tại sân đền.
Ngày 19, sáng sớm dân làng tiến hành lễ rước truyền thống
bao gồm rước kiệu trên đường bộ và rước nước trên sông Hồng (khúc sông nơi Bà
tuẫn tiết) làm lễ và xin Bà ban cho nước sông mang về tế Thần, Phật.
Lễ rước trên Sông Hồng trong lễ hội đền bà Vũ
Lễ rước kiệu trên đường trong lễ hội đền bà Vũ
Sau lễ rước là Lễ khai hội - Lễ tưởng niệm ngày mất của bà
Vũ Thị Thiết: Mở đầu là màn Trống Chiêng chào mừng lễ hội, tiếp đó là màn đọc
văn trình khai mạc lễ hội, đánh trống khai hội, tuyên đọc 2 bài thơ ca ngợi bà
Vũ Nương, trình diễn các điệu múa dân gian đặc sắc và cuối cùng là lễ dâng
hương.
Một tiết mục múa dân gian đặc sắc trong Lễ khai mạc Lễ hội Đền
Bà Vũ
Trong buổi chiều ngày mười chín ban tổ chức lễ hội tổ chức
các trò chơi dân gian như kéo co, cờ tướng, bịt mắt đập niêu;... và đặc biệt là
các tiết mục văn hóa dân gian diễn xướng hầu Mẫu,...
Ngày hai mươi, tiếp tục tổ chức cho các đoàn khánh thập
phương và nhân dân vào chiêm bái Lễ Mẫu, vào buổi chiều tiến hành lễ tạ, tế tạ
xin phép kết thúc hội.
Với những giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh đặc sắc, thuận lợi
về giao thông cả về đường thủy và đường bộ lại nằm trên địa bàn có các di tích
quốc gia tiêu biểu như Đền Trần Thương,
đình Văn Xá... Đền Bà Vũ đã và đang thu hút đông đảo du khách xa gần.
Hàng năm, Ban quản lý di tích được đón tiếp các cấp, các
ngành các quý khách thập phương trên mọi miền Tổ quốc cùng với nhân dân trong
và ngoài địa phương đã về dâng hương chiêm bái đồng thời cúng tiến, đầu tư tôn
tạo trùng tu để di tích đền thờ Bà Vũ trường tồn và là công trình lịch sử văn
hoá tâm linh đặc sắc của quê hương Lý Nhân và đất nước.
Nguồn: Cổng thông tin
điện tử huyện Lý Nhân